Hối hả những chuyến xe hồi hương ngày cuối năm
TTO - Sài Gòn 29 tháng Chạp, không khí hân hoan chào đón năm mới đã lan tỏa khắp mọi nẻo đường. Chen giữa dòng người nô nức mua sắm tết là hình ảnh những người lao động nghèo nhập cư, công nhân tỉnh lẻ vội vã đón chuyến xe cuối năm về quê đón giao thừa.
Bến xe miền Đông ngày cuối năm vẫn tấp nập khách mua vé đi các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Họ, hầu hết là người lao động nghèo, công nhân làm thuê, chấp nhận về quê muộn để nán lại TP kiếm thêm chút tiền thưởng tết sau một năm cày cục.
Hành lý trên tay họ chỉ giản đơn là một chiếc áo ấm, một cây mai, hay chỉ là hộp mứt, giỏ kẹo nhưng gương mặt ai cũng bừng lên nét háo hức được về quê đón giao thừa.
Về để có áo ấm cho mẹ, cho em
Chỉ tay vào 4 chiếc ba lô nhét đầy quần áo cũ được coi là “quà tết” do bà chủ nhà biếu, Đinh Thị Sen (19 tuổi, người dân tộc H’Rê, quê Sơn Hà, Quảng Ngãi) nói như khoe: “Em định về quê sớm nhưng bà chủ nhà bảo nán lại làm thêm mấy ngày nữa, trước khi về sẽ … được thưởng tết 1,5 triệu đồng và nhiều quần áo cũ mang về cho cha mẹ. Em mừng quýnh. Ngoài đó rét run, nếu không có mấy bộ đồ người ta cho thì tết này sẽ không có áo ấm cho mẹ và 4 em nhỏ đang nheo nhóc ở quê. Cả năm chỉ có một ngày tết, em thấy trong lòng nóng như lửa đốt khi phải đợi 18 tiếng nữa mới có mặt ở nhà. Đi làm ôsin cho người ta cả năm cũng chỉ đủ dành dụm cho một chuyến về quê ăn tết thôi chị ạ”.
Sen vào Sài Gòn làm ôsin đã được 2 năm nay. Năm nào, Sen cũng về tới nhà đúng ngày 30 tết, chỉ kịp nghỉ ngơi vài tiếng là đến giao thừa. Công việc ô sin của Sen nào là đi chợ, nấu cơm, dọn nhà, giặt giũ, trông em… cả thảy cũng chỉ được chi trả 800.000 đồng/tháng.
Chỉ được bao ăn, nên hàng tháng, Sen phải mất 300.000 đồng để thuê phòng trọ. Sen cùng với 3 người bạn cùng quê Quảng Ngãi là Đinh Thị Yến, Đinh Thị Toán, Đinh Thị Bảo năm nào cũng ở lại thành phố làm đến cận tết, với mong muốn được tăng tiền lương, thưởng và cho quần áo cũ mang về quê làm quà tết.
Tằn tiện cả năm, Sen cũng tích cóp được gần 10 triệu đồng gửi về cho gia đình. Số tiền ấy nhiều gấp mấy lần so với thu nhập từ hạt lúa, bắp ngô ở quê em.
Vội vã, tất bật
Hàng trăm hành khách đang ngồi ở ghế đợi trong bến xe miền Đông cũng có tâm trạng như Sen. Người nào cũng nai nịt đủ thứ hành lý, ba lô, quà tết. Người thì về quê một mình, người thì dẫn theo cả vợ, chồng, con cái. Ai ai cũng vội vã, tất bật. Bàn chân líu ríu như thể lo sợ không về kịp thời khắc giao thừa.
Nhiều người về quê mang theo rất nhiều quà tết. Riêng anh Nguyễn Đức Hưng (quê ở Đà Lạt, Lâm Đồng) chỉ ôm mỗi cây mai vàng làm quà. Anh Hưng bảo rằng: “Đà Lạt là xứ hoa, không thiếu gì các loài hoa đẹp. Nhưng tôi muốn mang một cây mai vườn ở Sài Gòn về trưng tết cho có không khí của Sài Gòn”.
Làm công nhân lấy mủ cao su ở Bình Dương, thu nhập chẳng là bao, anh phải làm cố đến ngày 28 tháng Chạp mới được nghỉ. Quà tết của anh chỉ là một cây mai vàng mảnh khảnh.
Vậy mà, gương mặt anh vẫn bừng lên nét hớn hở: “Quan trọng là được về quê ăn tết với gia đình, họ hàng. Quà là ở tấm lòng. Năm nay là năm đầu tiên tôi về quê kể từ khi xuống Bình Dương làm nên tôi rất nóng lòng. Chuyến xe này sẽ đưa tôi có mặt ở nhà lúc 8 giờ tối nay. Vẫn còn nhiều thời gian để cùng gia đình chuẩn bị đón giao thừa”.
Món quà muộn
Chiều 29 tháng Chạp, tại bến xe miền Tây vẫn tấp nập hành khách đón xe về quê ăn tết.
Chị Trần Thị Hiếu (quê ở Thoại Sơn - An Giang), công nhân một công ty gia công đồ gỗ ở Bình Dương thì có vẻ tươm tất hơn với hai giỏ quà nặng trịch trên tay. Thế nhưng, hỏi chuyện, chúng tôi mới biết, chị cố làm đến ngày 28 tháng Chạp cũng chỉ là để có được hai giỏ quà ấy, thay cho tiền thưởng tết.
Chị Hiếu phân trần: “Công ty năm nay làm ăn khó khăn nên công nhân không được thưởng tết. Nhưng, ai cũng cố nán lại làm đến cận tết mới về vì mỗi người được thưởng một phần quà gồm bánh, kẹo, đường, mứt tết. Lương công nhân ở xưởng gỗ chỉ được hơn 1 triệu đồng/tháng nên tôi cũng chỉ dành dụm đủ tiền về quê ăn tết. Cầm theo mấy thứ này rất lỉnh kỉnh, nhưng mang quà tết về, mọi người ở nhà ai cũng vui, nhất là sắp nhỏ. Giờ chỉ còn mỗi việc là tìm nhà xe nào về An Giang giá mềm hơn một chút, tiết kiệm đồng nào, hay đồng đó.”
Mặc dù giá vé xe trong các ngày tết tăng 40% so với ngày thường nhưng trong hai ngày 27 và 28 tháng Chạp, tại bến xe miền Tây đã có khoảng 1,4 vạn lượt hành khách mua vé về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong hai ngày 29 và 30 tháng Chạp, dự kiến lượng khách đi lại sẽ giảm dần nhưng bến xe miền Tây có đủ vé cung cấp cho khoảng gần 13.000 lượt hành khách về quê ăn tết.
HOÀNG HOA
Tết đã về, ghé sát bên hiên nhà...
ReplyDeleteBuồn cho ai còn có người nơi xa.
Tết về với cả người không có Tết.
Thân phận, muôn vẻ, thật vui khi Tết đến. Cũng rất buồn vì Tết mà phải chứng kiến "hệ lụy"...