19102010-Nước mắt chan hòa trong lũ | for everyone |
Nước mắt chan hòa trong lũ
SGTT.VN - Đã gần 100 năm nay người dân Hà Tĩnh mới đối mặt với cơn đại hồng thủy khủng khiếp như vậy. Trận mưa ròng rã kéo dài suốt nhiều ngày liền đã làm cho không biết bao nhiêu gia đình điêu đứng, làng mạc tan hoang. Cảnh người chết, cảnh trâu bò và nhà cửa bị ngập trôi đã làm cho làm cho triệu người không cầm nổi nước mắt khi nhìn về khúc ruột miền trung…
Chết cũng không đưa tang được…
Trong cơn mưa nặng hạt, nước chảy ngập ngang lưng quần nhưng từ đầu làng đến cuối ngõ đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân chèo thuyền, lội nước để tới nhà ông Trần Văn Lý ở thôn Bản Long xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, người đã chết cách đây bốn ngày. Sáng ngày 18-10, trời bắt đầu mưa nhỏ hạt người dân mới tiến hành làm lễ hành cử đưa thi hài ông Lý về nơi an nghỉ cuối cùng, trong không khí vội vã vì người dân chạy lũ.
Lội nước để đến đưa đám ông Lý. Ảnh: Hà Anh |
“Ông Lý mất cách đây 4 ngày nhưng do con cháu đi làm ăn xa về không kịp hơn nữa mưa to, nước lũ ghê quá không thể đưa tang được đành để đến hôm nay", một người nhà của gia đình ông Lý cho biết. Trong căn nhà nhỏ, nước ngập sâu đến nửa mét, chiếc quan tài được đặt trên hai chiếc bàn mấp mé nước, lư hương phải kê bằng mấy viên táp-lô, con cháu phải lội bì bõm trong nước để đi vòng quanh. Nhìn khuôn mặt ai cũng hốc hác vì mới vừa chạy lũ nay lại phải chạy tang. Hôm tiến hành lễ di quan đưa tang ông Lý, người nhà phải dùng bè chuối chèo, người vắt quần lên cổ để lội nước đến thắp hương tiễn biệt ông rồi cũng “rút” nhanh về nhà để còn kịp... dọn lũ và đưa tang đám khác…
"Năm nào ở đây cũng có lũ, nhưng sao năm nay lũ lại dữ đến vậy hởi ông trời!"- không kìm được giọt nước mắt khi chứng kiến trong xóm một lúc mà phải lo mai táng cho cả hai người, ông Đặng Hồng Kiệm, chủ tịch UBND xã Quang Lộc không kìm được nổi đau thương. Ông Kiệm cũng cho hay, đây là trường hợp đầu tiên trong gần trăm năm nay, người dân phải chứng kiến cảnh đưa tang giữa nước lũ như thế này. Hơn nữa, mấy ngày qua nước lũ ngập hết đất, muốn đưa tang cũng không có đất để mà chôn cất.
Bốn ngày sau khi mất, ông Lý mới được nằm xuống. Ảnh: Hà Anh |
Biết đợt lũ lần này là tan tốc, là mất mát đau thương nhưng không có nổi đau bi thảm nào như gia đình anh Đào Duy Thắng (sinh năm 1974), nhà cùng ở thôn Ban Long, xã Quang Lộc, vừa có vợ bị chết do lũ cuốn trôi hôm 17-10 vừa qua. Không đau xót làm sao khi chị Phạm Thị Huyền (31 tuổi), vợ anh Thắng chết mà không được một bữa no. Một mình chị Huyền nuôi năm đứa con nhỏ dại còn phải nuôi thêm người chồng đau yếu vừa đi viện về. Ngày chị bị nước lũ cuốn trôi, sau đó người dân cũng nhanh chóng ta tìm được thi thể chị Huyền rồi đưa về nhà nhưng đám tang không thể tiến hành được hơn nữa người dân đang lo đám tang cho ông Lý người cạnh nhà bên chết cách đó bốn ngày.
Trong căn nhà dột ướt sũng nước anh Thắng ngất lên ngất xuống giữa nền nhà. Năm đứa con nhỏ của chị Huyền chưa biết khóc vì nỗi đau mất mẹ mà nháo nhác khóc vì đói do mấy bữa nay nước cô lập không có cái ăn. Thấy thi thể chị Huyền đắp chiếu bất động trên giường, đứa con nhỏ tuổi nhất Đào Duy Quý (15 tháng tuổi) thấy mẹ cứ bò lên người đòi bú. Mọi người bế ra, cháu khóc thật tội nghiệp, ai nhìn theo cũng rươm rướm nước mắt đau xót.
Anh Đặng Công Huề, trưởng công an xã Quang Lộc cho biết hộ gia đình chị Phạm Thị Huyền là một trường hợp đặc biệt khó khăn. Chồng đau ốm, phải đi bệnh viện điều trị nhiều ngày, năm đứa con, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 15 tháng tuổi. Không biết cuộc sống của sáu cha con anh Thắng giờ đây rồi sẽ ra sao. Tội nghiệp lắm.
Cô Đào Thị Cháu, dì ruột sống gần nhà anh Thắng kể lại: "Tối ngày 16-10, trời mưa to, nước lũ lên nhanh mọi người lo chạy lũ còn thằng Thắng thì đau đầu quằn quại trên dường. Con Huyền đưa đứa con út sang nhờ tôi giữ hộ rồi về nhà lo kê rương lúa, xoa bóp cho thằng Thắng. Sáng hôm sau, nước lên ngập nhà thì thằng Thắng lại nôn ra máu, con Huyền nấu được nồi cháo múc cho chồng ăn rồi vội lội nước sang nhà bên nhờ một người quen mượng thuyền chèo đi lấy thuốc cho chồng. Ai dè vừa mới ra khỏi làng thì gặp nước giữ nhấn chìm thuyền xuống". Do gặp nước lũ quá lớn lại xa nhà dân khi mọi người bơi ra đến cứu thì chị Huyền đã bị nước cuốn trôi mất. Đến chiều tối cùng ngày dân mới tìm thấy thi thể chị Huyền đưa về nhà để làm lễ an táng…
Cháu Đào Duy Quý (15 tháng tuổi) giờ không còn mẹ nữa. Ảnh: Hà Anh |
"3 ngày rồi giờ mới được một gói mì tôm…"
Suốt nhiều ngày qua mưa lũ kéo dài khiến hàng trăm hộ dân ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc bị chia cắt, công tác cứu hộ cho người dân vùng lũ này chỉ trông chờ duy nhất vào một chiếc xuồng máy của người dân do UBND xã hợp đồng để chi viện cho người dân bằng mì tôm do ngân sách xã bỏ ra.
3 ngày rồi, mới được gói mì tôm. Ảnh: Hà Anh |
Theo ông Đặng Hồng Kiệm, chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết, toàn xã có gần 7.000 hộ dân thì 651 hộ ở năm xóm vùng Hạ Quang gồm Tam Đa, Ban Long, Hướng Đình,Trại Lê, Tân Lập bị cô lập, ngập sâu 1 đến 2m nước. Mọi thông tin liên lạc bị chia cắt hoàn toàn suốt nhiều ngày nay. Hiện xã chỉ có một chiếc xuồng máy duy nhất để tổ chức đưa người đi cấp cứu và ứng cứu mì tôm cần thiết cho hộ dân.
Sáng ngày 18-10, chúng tôi có mặt ở đây thì mọi tuyến đường để ra quốc lộ 1A, các đường tỉnh lộ sang các xã khác đang bị cô lập hoàn toàn. Năm xóm ở vùng Hạ Quang bao quang bởi biển nước và trông như một ốc đảo. May mắn lắm, chúng tôi mới được ưu tiên cùng đoàn cứu trợ của xã lên chiếc xuồng máy của xã để tới các hộ dân đang bị chia cắt giữa "ốc đảo".
Khi nhìn thấy chiếc xuồng của đoàn cứu trợ đưa mì tôm vào tiếp tế người dân ở đây, ai ai cũng chìa cánh tay ra để xin mì tôm. Ông Nguyễn Danh Hải ở xóm Hướng Đình sau khi nhận được thùng mì tôm vui như được sống lại. Bóc ngay gói mì ăn sống, ông Hải nói phều phào: "Đã ba ngày ni rồi giờ mới được gói mì tôm, đói quá…!".
Hà Anh
Hà Tĩnh nước lên trở lại
Ngày 18.10 mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh bắt dầu rút dần. Tuy nhiên, đêm 18.10 mưa to trở lại trên diện rộng cộng với nước từ các hồ chứa thủy lội xả lũ khiến nhiều vùng bị ngập trở lại. Sáng nay (19.10) nước dâng lên chia cắt toàn bộ giao thông trên quốc lộ 1A qua huyện Can Lộc. Các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Vũ Quang… nhiều xã còn bị cô lập. Những người dân ở vùng thấp chưa kịp mừng khi nước rút đã phải bám trụ ở lại trên những điểm cao. Tình trạng của những người dân chạy lũ ở Hà Tĩnh hết sức tồi tệ.
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"