Saturday, 19 February 2011

289.Biện minh trạng bênh vực TS Cù Huy Hà Vũ [1]

Biện minh trạng bênh vực TS Cù Huy Hà Vũ [1]

*Giới thiệu bản “Biện Minh Trạng”.

Bản “Biện Minh Trạng” này ngoài mục đích biện hộ cho Tiến sĩ  Cù Huy Hà Vũ còn nhằm cung cấp một số kiến thức luật học cho quần chúng, cho  các đại biểu quốc hội đồng thời cho cả giới chuyên môn tư pháp tại Việt Nam, trong đó có các giáo sư trường đại học luật, các luật sư, các Kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm Sát các cấp và các chánh án tòa án nhân dân mọi cấp, kể cả chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Sở dĩ như vậy là vì kiến thức chuyên môn của các giới chức liên quan tới ngành tư pháp tại Việt Nam còn quá yếu kém khiến cho các quyền cơ bản của nhân dân bị vi phạm thường xuyên.

Có nhiều trường hợp, có những người kết án hệ thống tư pháp Việt Nam là dùng “luật rừng”. Nhưng khi được hỏi lại “luật Việt Nam là luật rừng” ở những điểm nào thì hầu như đại đa số không dẫn chứng được. Bản “Biện Minh Trạng” này giúp trả lời câu hỏi vừa nêu.“Luật rừng”là luật trái với hiến pháp, trái với các điều ước quốc tế mà quốc gia ký kết tham gia hay là thành viên,  hay mâu thuẫn với những điều luật khác của quốc gia. Từ ngữ “luật rừng” cũng được dùng để chỉ phương cách giải thích hay áp dụng luật một cách tùy tiện của tòa án trái với những nguyên tắc căn bản của luật hình sự như các nguyên tắc: “Hình Luật phải được giải thích một cách chặt chẽ”, “Khi có nghi ngờ về bằng chứng của tội phạm thì tòa án phải tha bổng bị can”, “luật pháp quốc gia phải nhượng bộ trước các điều ước quốc tế mà quốc gia tham gia hay ký kết”v…v.

Bản “Biện Minh Trạng” này hoàn toàn dựa trên Hiến Pháp và những điều luật hiện hành của Việt Nam cùng với những nguyên tắc  căn bản trong việc giải thích và áp dụng luật hình sự như vừa nêu.

Theo báo cáo của Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, nhiều chánh án không đủ năng lực. [ Tại phiên chất vấn trước quốc hội sáng 27/11/2006, Chánh Án Tòa Án Tối Cao Nguyễn Văn Hiện đã gây sốc khi trả lời rằng, ngành phải "vơ vét" người chưa đủ năng lực để không bị thiếu thẩm phán.] Cũng vì chánh Án tại Việt Nam còn thiếu kiến thức về luật học nên cũng theo báo cáo hàng năm của bộ tư pháp có rất nhiều án oan sai. Kiến thức yếu kém của luật sư lão thành Trần Lâm, cựu chánh án tòa án nhân dân tối cao là một ví dụ. Luật sư Trần Lâm, mặc dù là một người có lòng nhưng trong phiên biện hộ trước tòa của ông đối với bị cáo Vi Đức Hối bị truy tố theo điều 88 BLHS, ông đã chứng tỏ thiếu kiến thức về luật học. Thay vì tranh biện pháp lý thì ông lại gián tiếp thừa nhận bị can có tội và rồi bằng một lập luận phi pháp lý ông viện dẫn tình hình xã hội và chính trị để đi tới kết luận cũng phi pháp lý là “ xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc chỉ áp dụng hình phạt cảnh cáo”. Dĩ nhiên tòa án đã hợp lý khi bác yêu cầu này và trao cho bị can một bản án nặng khiến ông sửng  sốt.

Kiến thức luật học của các chánh án mọi cấp đã thấp thì kiến thức luật học của các kiểm sát viên thuộc viện kiểm sát mọi cấp cũng thấp tương tự. Vì tất cả họ đều là cán bộ tư pháp của nhà nước được đào tạo từ cùng một hệ thống trường lớp.

Những cán bộ nhà nước là chánh án và kiểm sát viên mà kiến thức luật pháp còn quá yếu thì kiến thức luật học của các đại biểu quốc hội, là những người không bị đòi hỏi phải có trình độ về luật pháp còn yếu kém hơn nhiều. Một ví dụ sống động là ông Nguyễn Văn An, (nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương). Mặc dù ông An có thiện chí và nhận thấy có điểu bất cập trong hệ thống luật pháp và tư pháp Việt nam và đề nghị cần thay đổi mạnh mẽ. Nhưng vì kiến thức pháp lý của ông có nhiều hạn chế nên việc trình bày của ông không rõ ràng, có khi còn lộ rõ ông không có căn bản pháp lý. Bài “Cựu chủ tịch Quốc hội bàn chuyện sửa Hiến pháp” của Tác giả: Thu Hà đăng trên Tuần Việt Nam ngày: 16/06/2010 06:00 GMT+7 cho thấy ông cựu chủ tịch quốc hội không hiểu gì về trách nhiệm của quốc  hội. Ông tuyên bố, “Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.” ?!

Người viết không có tài liệu cho thấy khả năng của các giáo sư đại học luật tại Việt Nam, và cũng chưa được đọc sách giáo khoa của trường đại học luật nào tại Việt Nam, nhưng qua đánh giá kiến thức của các chánh án và kiểm sát viên đủ biết được khả năng của các giáo sư trường đại học luật của Việt Nam không cao. Nếu các giáo sư đại học luật có kiến thức khá thì đã không đưa tới tình trạng thiếu kiến thức luật học phổ biến trong giới chánh án và kiểm sát viên như hiện nay.

Một hệ thống đại học luật thiếu trình độ dĩ nhiên không thể đào tạo được những luật sư có kiến thức cần thiết để bảo vệ công lý không những cho nạn nhân mà còn cho cả bị cáo.

Như vừa trình bày, các thành phần đảm trách những nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống tư pháp Việt Nam đều có kiến thức quá hạn chế về tư pháp. Ngay cả ông Nguyễn Văn An (nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương) trong bài “Nguyên Chủ tịch Quốc hội khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị” của tuanvietnam đăng trên trang mạng Đàn Chim Việt ngày mùng 8/12/2010 cũng luôn khẳng định phần trách nhiệm của mình về những nhận thức và việc làm còn nhiều hạn chế và yếu kém của ông khi còn đương nhiệm. Như vậy sự kiện dân chúng không hiểu biết về các quyền hạn pháp lý của mình và do đó không dám và không biết cách đòi hỏi chính quyền phải thực hiện những cải tổ cần thiết là điều đương nhiên.

Nhận thức được tầm quan trọng của tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật phổ biến trong xã hội Việt Nam ngày nay, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ mới tung ra các hoạt động mang nặng tính lý thuyết luật học như các bài viết hay các vụ kiện tụng như kiện thủ tướng v…v. Mặc dù ông biết trước là các hoạt động mang tính luật học của ông sẽ không thành công như kiện thủ tướng, đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp, ứng cử bộ trưởng v…v. nhưng ông nói rõ mục đích của các việc làm đó cốt để dân chúng biết được các quyền của mình mà đòi hỏi chính quyền phải thi hành. Bản “Biện Minh Trạng” này cũng nằm trong chiều hướng mà tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nhắm tới, là cung cấp các kiến thức về luật học cho toàn thể nhân dân và cán bộ, bộ đội mọi ngành, mọi cấp trong nước để chuẩn bị bước đầu cho một sự thay đổi “hệ thống” như cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã phát biểu.(1)

* Đâu là mức độ kiến thức pháp lý cần thiết cho các giới chức lãnh đạo ngành tư pháp.

Các luật sư, chánh án, kiểm sát viên viện kiểm sát, các cán bộ lãnh đạo bộ tư pháp hay cán bộ lãnh đạo ngành công an tư pháp cấp bộ cần có kiến thức pháp lý của  những luật gia (jurists). Thế nhưng Việt Nam hiện không có các luật gia, ngoại trừ một số ít những luật gia được đào tạo bài bản tại các trường luật phương tây như Pháp, Mỹ, Anh, Úc v…v. Việt Nam hiện chỉ có các “thư ký tòa án” đảm nhận vai trò của các luật gia.

Luật gia khác thư ký tòa án. Luật gia có và cần phải có đủ kiến thức để giải thích và áp dụng  luật pháp, để hiểu các tranh cãi pháp lý. Thư ký tòa án không cần khả năng giải thích luật pháp, không cần biết các lý thuyết pháp lý. Một thư ký tòa án có thể biết ngay tội hiếp dâm bị khung án bao nhiêu nếu hàng ngày họ quen thuộc với khung án này. Nhưng một luật gia, ví dụ chánh án, có thể và có quyền không nhớ  khung án. Khi cần thiết họ có thể mở bộ luật hình sự để tìm khung án. Nhưng luật gia  hơn một thư ký tòa án ở điểm luật gia có khả năng nghe, hiểu và giải thích những tranh cãi về bằng chứng giữa luật sư biện hộ và bên công tố (viện kiểm sát) để xem hành vi đang được tòa xem xét có là một tội phạm được qui định bởi điều luật viện dẫn hay không. Và nếu đúng là một tội phạm được định nghĩa trong điều luật viện dẫn thì lại phải xem hành vi đó có ở trường hợp gia trọng (để gia tăng hình phạt) hay giảm nhẹ (để giảm hình phạt) hay ở trường hợp miễn trách nhiệm vì ở trường hợp tự vệ chính đáng. Rất nhiều ví dụ cho thấy luật gia hoàn toàn hơn hẳn  một thư ký tòa án, mà vừa rồi chỉ là một ví dụ thông thường và dễ hiểu. Một ví dụ khác hơi phức tạp hơn, cho thấy vụ án cần được giải quyết bởi một luật gia chứ không phải bằng một vị “chánh án” chỉ có kiến thức của một “thư ký tòa án” đó là vụ án người vợ kiện người chồng tội hiếp dâm mình. Vấn đề đặt ra tranh cãi ở đây trên bình diện lý thuyết luật học là “Có thể nào người chồng bị kết tội hiếp dâm người vợ hay không?” Giải quyết tranh cãi lý thuyết này, một thư ký tòa án không làm được mà phải cần một luật gia.

Thế nhưng trường đại học luật của Việt Nam không có chương trình và không đủ khả năng đào tạo các luật gia (jurist) như của phương tây hay của miền Nam Việt nam trước 1975. Nếu trường đại học luật của Việt Nam hiện nay đủ khả  năng đào tạo các luật gia thì đã không có tình trạng thiếu kiến thức luật học phổ biến trong giới chánh án và kiểm sát viên như hiện nay.

Những luật gia ít nhất phải là những người có kiến thức cơ bản về xã hội, chính trị, lịch sử, kinh tế, triết học, hành chánh công quyền của phương tây v…v, vì những tiến bộ về các mặt đó của phương tây trong 2000 năm qua, đặc biệt là từ cuộc cách mạng dân quyền 1789 tại Pháp đã và đang chi phối mọi mặt của đời sống nhân loại văn minh. Các kiến thức trên các mặt đó liên quan tới kiến thức luật học. Bởi vì, luật pháp không phải là những nguyên tắc được nghĩ ra từ chân- không bởi những “đầu óc siêu việt” để bắt buộc người dân phải tuân theo. Luật pháp là những nguyên tắc có tính cách bắt buộc được phát sinh từ cuộc sống (qua ý chí chung của mọi công dân.)

Ngoài ra, và trên hết, cũng như mọi sinh viên tốt nghiệp đại học, các luật gia phải biết tư duy và lý luận độc lập. Chính cái khả năng tư duy và lý luận độc lập này khiến các luật sư, chánh án, kiểm sát viên, những người tốt nghiệp đại học luật 4 năm trở lên trở thành những luật gia, khác biệt lớn với các thư ký tòa án, là những nhân viên trung cấp, chỉ cần có khả năng thừa hành. Cái kiến thức cơ bản tổng quát, và khả năng tư duy và lý luận độc lập là điều nhà trường xã hội chủ nghĩa không có khả năng và cũng không  được phép đào tạo cho sinh viên. Việc giáo dục từ tiểu tới đại học tại Việt Nam  vẫn phải dựa trên tư tưởng và phương pháp tư duy  Mác-Lê đã làm thui chột khả năng tư duy và lý luận độc lập của tất cả mọi sinh viên tốt nghiệp đại học trong nước nói chung. Và sinh viên tốt nghiệp đại học luật của Việt nam cũng không ngoại lệ. Vì thế Việt nam hiện nay không có luật gia mà chỉ có những vị “thư ký tòa án” đang đảm nhận tất cả mọi trọng trách trong hệ thống tư pháp. Điều này gây nguy hại cho các quyền dân sự và chính trị của người dân đồng thời gây cản trở tiến trình cải tổ tư pháp, một cải tổ nền tảng của mọi cải tổ khác trong xã hội.

*Ghi chú ngoài biện minh trạng:

Phiên tòa xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, theo kinh nghiệm của các vụ án chính trị tương tự, sẽ có hàng trăm người dân muốn tới tham dự. Nhưng đại đa số phải đứng ngoài phòng xử để chờ kết quả mà không được theo dõi diễn tiến trong phòng xử. Trong phòng xử ngoài  hai luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và Trần đình Triển bênh vực cho bị can, chỉ có sự tham dự của những người có giấy mời, mà đa số ai cũng biết là các nhân viên công an và các cán bộ địa phương, hay cán bộ từ các cơ quan được điều tới gọi là để học tập nhưng thực ra là để giả làm cảnh dân chúng tham gia phiên tòa.

Tất cả các nhà báo, nhân viên ngoại giao muốn theo dõi phiên xử đều được cho ngồi ở phòng bên, theo dõi phiên xử qua truyền hình trực tiếp. Biện pháp này vừa đóng kịch là phiên tòa công khai, tự do, vừa bảo đảm những tranh luận “nhậy cảm” trước tòa giữa bị can và luật sư bào chữa với đại diện Viện Kiểm Sát không lọt được ra ngoài qua kỹ xảo gây nhiễu âm thanh khi cần thiết.

Sau những nghi thức thông thường ban đầu, vị đại diện Viện Kiểm Sát Nhân Dân đọc bản cáo trạng kết án Cù Huy Hà Vũ.

Sau khi kết thúc bản cáo trạng, chánh án cho phép luật sư biện hộ.

Đầu tiên, hai luật sư biện hộ nêu lên ba điều tiên quyết trước khi xét tới chính vụ.

*Phần chính biện minh trạng:

MÀN 1:

-Thưa quí tòa, Viện Kiểm Sát Nhân Dân, căn cứ theo điểm c, khoản 1, điều 88 BLHS, đã truy tố thân chủ Cù Huy Hà Vũ của chúng tôi về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trước hết, chúng tôi có 3 yêu cầu tiên quyết cần được quí tòa xem xét trước khi xét tới chính vụ.

1- Điều tiên quyết thứ nhất là điều 88 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) mà Viện Kiểm Sát Nhân Dân dựa vào để khởi tố thân chủ chúng tôi đã vi phạm điều 69 Hiến Pháp (HP). Điều 69 Hiến Pháp qui định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Các điều luật, xuất hiện sau bản Hiến Pháp, chỉ nhằm tạo dễ dàng cho công dân và bảo vệ công dân trong việc hành xử các quyền tư do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin v…v chứ không thể hạn chế các quyền này như điều 88 BLHS. Điều 88 BLHS qui định: “Tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam:

1. Người nào có hành vi sau đây nhằm chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ bi phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt trong nhân dân.

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liêu, văn hóa phẩm có nội dung chống nhà nước…”

Như vậy, điều 88 BLHS không những hạn chế các quyền tự do của người dân được qui định trong điều 69 HP mà thậm chí còn gần như tiêu diệt các quyền này. Đây là một vi phạm HP một cách trầm trọng. Bởi thế tôi thỉnh cầu tòa án hoặc truyền miễn tố thân chủ chúng tôi vì thiếu cơ sở pháp lý hoặc tiến hành các thủ tục cứu xét tính vi hiến của điều 88 BLHS. (2)

2-Điều tiên quyết thứ nhì là điều 88 BLHS đi ngược lại điều 19 của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (Article 19 of the U. N. Declaration of Human Rights) mà Việt Nam không những là một thành viên mà đã từng là một thành viên quan trọng, chủ tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng 7/2008. Điều 19 của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc qui định: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và bày tỏ quan điểm của mình;quyền này gồm tự do có những quan điểm mà không bị cản trở và tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và quan điểm bằng mọi phương tiện truyền thông, và bất kể biên giới quốc gia.”
Thêm nữa, quyền của ông Hà Vũ cũng đã được minh thị trong Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị (the International Covenant on Civil and Political Rights) mà Việt Nam có tham gia ký kết từ năm 1982.

Như vậy việc truy tố thân chủ chúng tôi vì thân chủ chúng tôi hành xử một quyền đã được qui định trong luật quốc tế được Việt Nam công nhận rõ ràng là một vi phạm vào luật quốc tế.

Vả chăng, theo điều 8 của Luật “Ký Kết, Gia Nhập và Thực Hiện Điều Ước Quốc Tế” của Quốc Hội Việt Nam năm 2005, Việt Nam chấp nhận sự ràng buộc của mọi điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hay là thành viên gia nhập. Thêm nữa, khoản 1, điều 6 của luật “Ký Kết…” này cũng qui định “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.” Như vậy việc truy tố thân chủ chúng tôi vì thân chủ chúng tôi hành xử một quyền đã được qui định trong luật quốc tế được Việt Nam công nhận cũng lại rõ ràng là một vi phạm vào khoản 1, điều 6 của Luật “Ký Kết, Gia Nhập và Thực Hiện Điều Ước Quốc Tế” của Quốc Hội Việt Nam năm 2005.

Trong thực tế, Việt Nam đã từng miễn tố và trả tự do vô điều kiện cho những ngoại kiều gốc Việt và trục xuất họ về nước sau khi bắt giữ và khởi tố họ vì họ có những hành vi bày tỏ chính kiến giống như ông Cù Huy Hà Vũ. Mới nhất là vụ trả tự do cho bà Võ Hồng, một công dân  Úc gốc Việt vào ngày 20/10/2010. Trả tự do vô điều kiện cho công dân Úc Võ Hồng không phải vì Việt Nam sợ nước Úc mà chỉ vì theo luật quốc tế cũng như theo luật Việt Nam, Việt Nam không thể kết tội bà Võ Hồng dựa trên điều 88 BLHS. Nếu bây giờ quí tòa định kết tội thân chủ chúng tôi dựa trên điều 88 BLHS thì chẳng hóa ra Việt Nam có hai tiêu chuẩn pháp lý: Một áp dụng cho ngoại kiều gốc Việt, và một cho công dân Việt Nam. Như vậy lại trái với điều 52 của HP Việt Nam. Điều 52 của HP qui định, “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Vì vậy ở đây lại thấy có thêm một lý do nữa khiến quí tòa cần miễn tố thân chủ chúng tôi vô điều kiện.

3-Điều tiên quyết thứ ba thuộc về thủ tục tố tụng. Việc tòa án xét xử thân chủ chúng tôi bằng một phiên tòa nửa kín nửa công khai như thế này là trái  Hiến Pháp Việt Nam, trái luật tố tụng hình sự Việt Nam, và trái Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị .
Điều 131 HP qui định “Toà án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định.”

Điều 18 Luật Hình Sự Tố Tụng Việt Nam qui định, “Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.”  Điều 18 này cũng qui định tòa án chỉ xét xử kín trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật quốc gia, bảo vệ thuần phong mỹ tục hoặc để giữ bí mật của đương sự…

Điều 14 Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị qui định chỉ có thể áp dụng những phiên tòa xử kín, không cho báo chí và công chúng tham dự, nếu có nhu cầu đạo lý, trật tự công cộng hay an ninh quốc gia…hay để bảo vệ đời sống riêng tư của các đương sự tranh tụng…”

Phiên tòa xử kín không có lý do là một sự truy bức tinh thần bị can, trái với điều 6 của Luật Tố Tụng Hình Sự. Chỉ trong phiên tòa xử công khai bị can mới cảm thấy thoải mái, an tâm và bảo đảm rằng lời khai của họ được tự do, không bị áp lực, hay truy bức.

Đồng thời chỉ trong phiên tòa công khai, mọi công dân đều có quyền tham dự, thì mới bảo đảm được sự công bằng của tòa án và bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước của mọi công dân, một quyền được qui định trong điều 53 Hiến Pháp.

Ở đây, các sự kiện Viện Kiểm Sát viện dẫn để khởi tố thân chủ chúng tôi hoàn toàn không liên quan tới đạo đức hay bí mật quốc phòng, vì vậy hoàn toàn không có lý do gì để tòa không mở phiên tòa công khai và mọi người đều có quyền tham dự để xét xử thân chủ chúng tôi.

Thêm nữa, theo điều 4 của Luật Hình Sự Tố Tụng, các vị Kiểm Sát Viên, chánh án và các hội thẩm có nhiệm vụ “thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.” tôi thỉnh cầu quí tòa chỉ thị thay đổi ngay tức khắc thủ tục xét xử hiện nay và ra lệnh xét xử công khai để tất cả mọi người muốn theo dõi vụ án đều có thể tự do vào phòng xử án mà không cần phải có giấy mời như hiện nay, và những ai không muốn theo dõi vụ án có thể tự do ra về. Ghế ngồi trong phòng xử án sẽ được ưu tiên cho những ai tới trước. Trong trường hợp số người muốn theo dõi vụ án quá đông vượt khỏi khuôn khổ phòng xử án thì tòa cần tạo điều kiện để họ theo dõi phiên xử một cách thoải mái qua truyền hình trực tiếp, không cắt xén, không gây nhiễu sóng phát âm và phát hình.
Chánh án: Tất cả các điều tiên quyết do luật sư biện hộ nêu lên đều không hợp lý ?! Tòa tuyên bố tiếp tục phiên xử theo điều kiện hiện tại ?!
(Mọi người đều ngơ ngác!)

———————————————-
Ghi chú:

(1) Trong bài “Nguyên Chủ tịch Quốc hội khuyến nghị đổi mới hệ thống chính trị” ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch quốc hội phát biểu: “Tôi mong muốn Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, mong muốn Đại hội XI chọn khuynh hướng thứ hai, khuynh hướng SỬA LỖI HỆ THỐNG, khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện và triệt để, cả kinh tế và chính trị thì chúng ta mới khắc phục được lỗi hệ thống,”
(2) Vẫn biết rằng Việt Nam không có Tòa Bảo Hiến, nhưng không phải vì thế mà luật sư biện hộ không nêu lên. Còn việc giải quyết vấn đề là thuộc tòa án. Nếu tòa không giải quyết một yêu cầu chính đáng của luật sư biện hộ thì trách nhiệm thuộc tòa án. Trong một quốc gia dân chủ, đã có hiến pháp thì phải có một cơ quan bảo vệ hiến pháp. Cơ quan bảo vệ  hiến pháp có nhiệm vụ giải thích và bảo vệ hiến pháp. Tại Mỹ có Tòa Tối Cáo ( the Supreme Court of the United States functions as guardian and interpreter of the Constitution.) Tại Đức cơ quan bảo vệ hiến pháp là Tòa Bảo Hiến Liên Bang (The Federal Constitutional Court )
(http://www.tatsachen-ueber-deutschland.de/en/political-system/main-content-04/the-federal-constitutional-court.html). Tại Miền Nam Việt Nam trước kia có Viện Bảo Hiến.
Việt Nam hiện nay không có cơ quan bảo vệ hiến pháp. Đây là một thiếu sót trầm trọng và cần phải sửa chữa cấp thời. Nhưng một trở ngại lớn là các vị chánh án của tòa bảo hiến phải là những luật gia giầu kiến thức pháp lý và nhiều kinh nghiệm. Một điều mà còn phải mất thời gian ít ra là cả chục năm nữa Việt Nam mới may ra có được.
(còn tiếp) Phần II: Biện luận pháp lý trong chính vụ

© Nguyễn Tường Tâm

© Đàn Chim Việt

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...