Monday, 21 February 2011

292. TRUNG QUỐC CÓ THỂ " HẠ BỆ " ĐÔ LA MỸ ĐƯỢC KHÔNG ?

TRUNG QUỐC CÓ THỂ " HẠ BỆ " ĐÔ LA MỸ ĐƯỢC KHÔNG ?

 

From: Phạm Viết Đào-Nhà văn [mailto:noreply@blogger.com]
Sent: Monday, February 21, 2011 3:58 PM
Subject: TRUNG QUỐC CÓ THỂ " HẠ BỆ " ĐÔ LA MỸ ĐƯỢC KHÔNG ?

 

Nguồn: Phạm Viết Đào’s Blog

 

http://vtv.vn/Content/Uploads/Image/2011/2/21/2102vang_634338738229384000.jpg

 

Ngô Nhân Dụng

 

Như nhật báo Người Việt đăng tin, một bài đăng trên tạp chí Cầu Thị của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Tác giả bài đăng ngày 10 tháng 12 là Từ Vận Hồng, một ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông Hồng kết án chính phủ Mỹ có kế hoạch 6 điểm nhằm tấn công Trung Quốc. Và ông bày ra một kế hoạch 7 điểm mà Trung Quốc có thể dùng để chống lại Mỹ. Trong cuộc đấu Mỹ-Hoa này, ông Hồng nói các nước lân cận Trung Quốc không được thân với Mỹ, phải đứng về phía Bắc Kinh.

Một lý do ông Hồng nghĩ sẽ buộc các nước từ Nhật Bản, Nam Hàn cho tới Việt Nam phải ủng hộ Trung Quốc là cán cân mậu dịch của các nước này thâm thủng đối với Trung Quốc. Có lẽ ông Hồng nghĩ tới Việt Nam trong khi viết điều này. Vì cán cân thương mại của Việt Nam khiếm hụt nặng nề, và chính phủ Việt Nam thì rất dễ bảo. Còn đối với Nhật Bản và Hàn Quốc thì chưa chắc họ sẽ bị ép buộc. Vì trong hoạt động thương mại quốc tế, một nước thặng dư mậu dịch không chắc đã đe dọa được một nước bị khiếm hụt. Một nước mua quá nhiều hàng của nước khác và bán thì quá ít sẽ lâm vào cảnh thâm thủng mậu dịch. Nhưng chính nước mà cán cân thương mại được thặng dư lại cần đến nước kia nhiều hơn. Có thể nói là bị lụy chứ không phải chỉ cần mà thôi. Lý do là vì nếu hai nước xung đột, thương mại đình trệ, thì người dân nước đang thâm thủng sẽ chỉ chịu thiệt hại chút đỉnh, vì không mua được hàng rẻ, phải đi mua nơi khác đắt hơn. Ngược lại, chính quốc gia không bị khiếm hụt mà đang thặng dư trong cán cân thương mại sẽ lo lắng hơn. Vì nếu không tiếp tục bán được hàng thì kinh tế sẽ bị đình trệ, có thể suy yếu đi. Lấy thí dụ 2 nước Mỹ và Trung Quốc. Cán cân thương mại Mỹ thâm thủng nặng đối với Trung Quốc; trong năm 2010 dân Mỹ trả cho Trung Quốc 365 tỷ đô la mua hàng trong khí chỉ thu về 92 tỷ nhờ bán hàng; thâm thủng 273 tỷ. Nay nếu việc giao thương hai nước ngưng trệ thì Trung Quốc sẽ lo kiếm đâu ra 273 tỷ một năm bây giờ? Không bán được hàng thì hàng triệu dân thất nghiệp sẽ làm gì?

 

Cho nên lý luận về kinh tế của ông Từ Vận Hồng rất lỏng lẻo. Ông định nói năng như vậy để đe dọa các nước láng giềng mà nói năng lúng túng như thế thì họ không sợ đâu! Những nước đã sợ Trung Quốc sẵn thì không cần dọa thêm làm gì nữa; dù dọa về kinh tế hay về quân sự! Chỉ cần nêu cao mối tình “trước là đồng chí sau là anh em” thì tự nhiên “anh bảo em nghe,” không cần dọa dẫm chi cho mệt!

Ông Từ Vận Hồng còn đề nghị Trung Quốc hãy liên kết với các nước khác, tấn công đồng đô la Mỹ, làm cho Mỹ “khốn đốn về kinh tế.” Không biết ông có kế hoạch cụ thể nào hay chưa; nhưng hiện nay thì chính phủ Bắc Kinh đang làm ngược lại, phải nói là hoàn toàn ngược lại. Tức là họ cứ muốn cho đồng đô la Mỹ đứng thật vững, không muốn cho địa vị của nó bị lung lay.

 

Thí dụ, mấy tháng trước khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, gọi là Fed, đưa ra kế hoạch sẽ chi 600 tỷ Mỹ kim mua công trái của chính phủ Mỹ, Bắc Kinh đã phản đối không ngớt. Tại sao? Vì hành động này sẽ làm cho đô la Mỹ xuống giá! Không khác gì Fed in thêm 600 tỷ đô la đưa cho các ngân hàng ở Mỹ để họ cho vay; hậu quả sẽ làm cho đồng đô la Mỹ xuống giá. Khi chính phủ Mỹ cho thêm nhiều đô la chạy từ trong ngân hàng ra ngoài xã hội, thì những đồng tiền đó không phải chỉ chạy quanh trong nước Mỹ. Chúng sẽ vượt biên chạy đi khắp thế giới! Tại sao chính phủ Trung Quốc không muốn đô la xuống giá? Có nhiều nguyên nhân. Một lý do là họ không muốn đồng “tiền nhân dân” của họ bị lên giá vì giá đô la Mỹ xuống.

Từ nhiều năm qua, các đại biểu Quốc Hội cũng như các nhân viên chính quyền Mỹ đã luôn miệng than phiền chính phủ Bắc Kinh cố ý ghìm giá trị đồng “nhân dân tệ” của họ thật thấp, thấp một cách bất bình thường. Không riêng gì nước Mỹ mà các nước Âu Châu cũng than phiền chính sách “Ghìm giá hàng xuống thật rẻ” của Trung Quốc, qua việc ghìm giá đồng tiền của họ trên thị trường hối đoái.

 

Họ ấn định giá “đồng Nguyên” theo một tỷ lệ cố định so với đô la, không cho giá Nguyên tăng lên. Nếu giá đồng Nguyên tăng thì hàng Tầu bán sang Mỹ sẽ tăng giá; bán sang Âu Châu và các nơi khác cũng tăng giá. Nền kinh tế Trung Quốc sống nhờ xuất cảng, trong đó dân Mỹ là những bạn mua hàng chịu chi nhất. Không bán được hàng ra ngoài thì hàng trăm triệu thanh niên Trung Quốc sẽ thất nghiệp. Ðó là một lý do chính khiến Bắc Kinh chỉ muốn “ủng hộ” cho giá trị đồng đô la được vững vàng, tức là đồng tiền của Trung Quốc cứ giữ cho thấp tốt hơn. Phá đồng đô la tức là phá chính sách đó của Trung Quốc! Ông Từ Vận Hồng phải tìm kế hoạch khác nếu muốn tấn công Mỹ !

 

Một lý do nữa khiến Bắc Kinh cần chính phủ Mỹ giữ giá trị của đồng đô la không cho nó xuống, là vì mỗi lần giá đô la Mỹ xuống thì chính sách tiền tệ của nước Tầu phải điều chỉnh theo. Có một quy tắc tài chánh rất giản dị: Khi một quốc gia ấn định hối suất cố định đối với đô la Mỹ, thì coi như quốc gia đó đã từ bỏ phần nào chủ quyền của họ trong chính sách tiền tệ. Coi như Bắc Kinh đã nhường cho Ngân Hàng Trung Ương Mỹ một phần quyền quyết định chính sách tiền tệ của nước Trung Hoa.

 

Tại sao lại có vụ “chuyển giao” quyền quyết định này? Chúng ta hãy lấy một thí dụ giản dị. Các chính sách về tiền tệ nhắm điều chỉnh khối lượng tiền lưu hành trước nước; một khí cụ quan trọng là ấn định lãi suất. Ngân Hàng Trung Ương tăng hay giảm lãi suất làm cho số tiền chạy trong dân gian bớt đi hay nhiều hơn. Do đó, sẽ ảnh hưởng tới giá cả mọi thứ. Khi có thêm nhiều tiền lưu hành quá thì các món hàng đều tăng giá, chúng ta gọi là lạm phát. Ngược lại, khi tăng lãi suất làm giảm bớt số tiền lưu hành thì người tiêu thụ sẽ bớt mua sắm, các nhà sản xuất cũng bớt làm ăn. Quyền quyết định trên lãi suất, và nói chung, quyền quyết định trên số lượng tiền lưu hành, là một chủ quyền của mỗi quốc gia, không khác gì chủ quyền trên lãnh thổ vậy.

Nhưng khi đồng tiền nước nào được ấn định “gắn chặt” vào đô la Mỹ, thì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ có ảnh hưởng trên lãi suất cũng như số tiền lưu hành của nước đó. Thí dụ, khi mỗi đô la Mỹ được đổi thành 6 đồng Nguyên không cho xê xích, thì nếu Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tăng hay giảm lãi suất ở Mỹ, sớm muộn gì Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc cũng phải tăng hoặc giảm lãi suất theo cùng chiều.

 

Nếu họ không chịu tăng hoặc giảm theo thì sao? Giả thử lãi suất ở Mỹ giảm bớt 1% mà lãi suất bên Trung Quốc không giảm theo, thì một hiện tượng gọi là “làm trọng tài” (arbitrage) sẽ diễn ra để lập lại thế cân bằng. Giống như bất cứ khi nào cùng một món hàng mà bán với giá chênh lệch ở hai cái chợ gần nhau. Nếu ở chợ A bán món hàng đó rẻ, người ta sẽ đi mua hàng ở chợ A, rồi đem sang bán ở chợ B được giá cao hơn. Nhiều người làm như vậy, sẽ khiến cho giá hàng ở chợ A đang rẻ phải tăng lên (vì cầu tăng), còn giá bán ở chợ B sẽ giảm xuống (vì nguồn cung cấp tăng). Cuối cùng, giá hàng phải đạt tới một trạng thái quân bình, cho nên việc mua bán trên gọi là “làm trọng tài.”

Tương tự, nếu lãi suất bên Trung Quốc không giảm trong khi lãi suất ở Mỹ giảm; điều này cũng giống như giá hàng ở bên Trung Quốc rẻ hơn bên Mỹ. Nhiều người sẽ đi vay tiền ở Mỹ (trả lãi thấp) rồi đem sang Tầu cho vay (được hưởng lãi suất cao hơn). Hệ thống ngân hàng quốc tế bây giờ cho phép người ta vay và cho vay xuyên qua lục địa, qua máy điện toán trong mấy phút đã xong. Cứ như vậy, cuối cùng lãi suất ở bên Trung Quốc sẽ phải giảm xuống giống như bên Mỹ đã giảm.

 

Hiện tượng Trọng Tài này không có nghĩa là lãi suất ở hai nước phải bằng nhau. Vì khi người ta đi vay đô la thế nào họ cũng bằng lòng trả lãi suất cao hơn khi đi vay đồng nhân dân tệ. Ðiều quan trọng là khi đồng tiền hai nước gắn chặt với nhau lãi suất hai nước phải cùng tăng hay cùng giảm giống nhau. Tức là Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng chính sách của Hệ thống Dự Trữ Liên Bang bên Mỹ, mất một phần nào chủ quyền quyết định về tiền tệ. Trên đây là một thí dụ về lãi suất. Mỹ thay đổi thì Tầu cũng phải lo thay đổi. Những khí cụ khác trong chính sách tiền tệ cũng vậy.

 

Chính vì thế, chính phủ Bắc Kinh chắc chắn muốn đồng đô la Mỹ phải ổn định. Tiền Mỹ ổn định thì tiền Tầu cũng yên. Phá cho đô la lên xuống bấp bênh tức là tự gây phiền phức cho chính nước Trung Hoa!

 

Nếu bây giờ Trung Quốc quyết định cắt đứt sợi dây cuống rún, tách ra khỏi đồng đô la Mỹ thì sao? Họ sẽ hoàn toàn độc lập về chính sách tiền tệ của họ, không lệ thuộc vào các quyết định của Hệ thống Dự Trữ Liên Bang Mỹ nữa. Hiện nay chính phủ và Quốc Hội Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc làm đúng như vậy: Xin quý ông thả cho đồng Nguyên nổi chìm theo cung cầu ở thị trường. Nhưng cho tới nay chính phủ Trung Quốc vẫn nhất định không theo yêu cầu của Mỹ. Vì thả nổi đồng Nguyên sẽ đưa chính sách tiền tệ của Trung Quốc vào một cuộc phiêu lưu họ chưa có kinh nghiệm, không biết làm sao kiểm soát các hậu quả.

 

Một ý kiến khác được ông Từ Vận Hồng đưa ra trên tạp chí Cầu Thị, là Trung Quốc dùng ảnh hưởng thương mại ngày càng lớn trên thế giới để thuyết phục các nước thay thế vai trò của đô la Mỹ bằng đồng nhân dân tệ. Ðây là một giấc một giấc mơ của nhiều người Trung Hoa trong lục địa. Nhưng từ giấc mơ tiến tới sự thật sẽ còn rắc rối lắm!

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...