Wednesday, 9 February 2011

262.NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN ĐỀ CAO PHÁP LUẬT HAY THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT.

Posted on by Civillawinfor

THS. CAO VIỆT THĂNG – Viện Nhà nước và Pháp luật



Theo quan niệm của nhiều học giả về nhà nước pháp quyền, một trong những đòi hỏi quan trọng của nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật. Liệu đây có phải là nguyên lý cơ bản của của nhà nước pháp quyền hay không? Vấn đề này có lẽ cũng cần có được sự luận giải chí ít từ những góc độ cơ bản để có được sự thỏa mãn của những người muốn tìm hiểu về nó. Trong bài viết này tác giả chỉ xin đưa ra một số vấn đề quan điểm về đề cao pháp luật và thượng tôn pháp luật trong nhà nước pháp quyền từ đó để mọi người có thể đánh giá nó tùy theo cách hiểu của mình.

Trước hết nói về sự khác biệt giữa đề cao pháp luật và thượng tôn pháp luật: Nếu như nói về tính chất rõ ràng một bên hàm chứa yếu tố cưỡng bức từ phía ngoài, còn một bên xuất phát từ phía trong chính yếu tố của sự vật. Thượng tôn là hàm chứa việc thừa nhận, tôn trọng ở một cấp độ cao nhất từ phía xã hội đối với pháp luật. Ngược lại, đề cao nó biểu hiện là xuất phát từ ý chí bên ngoài (nhà nước) là đề cao đối với pháp luật. Do đó, có thể thấy đây là hai trạng thái khác nhau.



Tuy cùng thừa nhận về hình thức nhà nước pháp quyền, xuất phát từ nhiều điều kiện khác nhau, việc ra đời các hệ thống pháp luật cũng mang lại các giá trị khác nhau. Trong các nhà nước được coi là dân chủ thì pháp luật luôn được ban hành và thông qua bằng các con đường chính đáng. Sự chính đáng này thể hiện việc ban hành pháp luật luôn phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của nó như: đồng thuận đa số, thẩm quyền ban hành, trình tự…, và nó không có những biểu hiện che đậy các hành vi làm luật không chính đáng. Do đó, hầu hết các đạo luật của quốc gia khi đưa vào áp dụng nó làm cho đa số những người áp dụng, những người tham gia các quan hệ pháp lý này cảm thấy mãn. Đó là những đạo luật chứa đựng cả niềm tin của xã hội trong đó. Những người tham gia vào các quan hệ pháp luật đều cảm thấy rằng ý chí của mình đã được thể hiện trong đó. Hay chí ít là ý chí của xã hội đã được thể hiện trong các đạo luật đó. Và nếu pháp luật có đi ngược ý chí của một số cá nhân đơn lẻ thì họ cũng vẫn thoải mái chấp nhận vì cho rằng mình đã hi sinh một cách chính đáng tự do tự nhiên để đổi lấy tự do dân sự (tự do xã hội). Bởi vì họ đều hiểu một điều đơn giản rằng trong tự do dân sự họ luôn được bảo vệ bởi các trật tự xã hội (theo các nhà vị lợi thì người ta sẽ thoải mái hi sinh những lợi ích đó (tự do tự nhiên) vì họ biết rằng họ sẽ được nhiều hơn mất).

Khi một hệ thống pháp luật đáp ứng được niềm tin của xã hội thì các giá trị của hệ thống pháp luật mới dần được thẩm thấu vào các thành viên xã hội. Dần dần nó trở thành niềm tin nội tâm của mỗi cá nhân. Đòi hỏi này yêu cầu hệ thống pháp luật phải đủ uy tín, hiệu quả và phải là cả một quá trình để chuyển tải các giá trị đó thành niềm tin của xã hội. Từ đó xã hội mới có thể đánh giá và cảm nhận về pháp luật có đáng được thượng tôn hay không? Ngược lại, có những hệ thống pháp luật trong nhà nước pháp quyền mà con người chưa có được niềm tin nội tâm vào đó chắc hẳn chưa thể đặt ra vấn đề thượng tôn pháp luật mà ở đây chỉ là đề cao pháp luật. Vì trong bất cứ nhà nước pháp quyền nào, điều kiện tiên quyết của nó là phải đề cao pháp luật, nghĩa là đó là nguyên lý chung của các nhà nước pháp quyền vì theo cách hiểu thông thường, nhà nước pháp quyền chính là một nhà nước đề cao pháp luật lên trên các giá trị khác và nhà nước pháp quyền luôn đòi hỏi công dân của mình phải coi pháp luật là tối cao. Tuy nhiên, việc cảm nhận và ứng xử với hệ thống pháp luật như thế nào lại phụ thuộc vào nhận thức, tình cảm của xã hội về hệ thống pháp luật đó.



Từ những vấn đề đã đề cập có thể đi đến kết luận rằng, trong một nhà nước pháp quyền pháp luật muốn được thượng tôn không phụ thuộc vào các tuyên bố chính trị hay sự thừa nhận của thể chế mà nó ph thuộc vào giá trị và thời gian tồn tại của hệ thống pháp luật. Từ đề cao đến thượng tôn nó phải là cả một quá trình pháp triển. Sự thượng tôn pháp luật nó không nằm trong tuyên bố chính trị, tuyên ngôn của thể chế hay các quy định của các quy phạm pháp luật mà nó nằm trong niềm tin của xã hội vào hệ thống pháp luật. Từ chỗ đề cao đến thượng tôn nó phải là sự chuyển đổi của cả một quá trình trong niềm tin nội tâm của xã hội vào hệ thống pháp luật. Nó bao gồm sự nhận thức, đánh giá và cuối cùng là cảm nhận như thế nào về hệ thống pháp luật.

Về mặt hình thức, chúng ta thấy có những nguyên thủ các quốc gia khi nhậm chức họ đặt tay lên văn bản pháp lý quan trọng nhất – Hiến pháp để tuyên thệ. Điều này không chỉ nói lên rằng chính bản thân những người đứng đầu đất nước cũng đặt rất nhiều niềm tin (chí ít là về mặt hình thức) vào hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời đó là những cam kết rõ ràng về việc tôn trọng và bảo vệ nó. Chính vì vậy, họ mới coi đó là điều kiện thiêng liêng khi tuyên thệ. Ngược lại, trong hoàn cảnh này, người dân cũng sẽ phải suy nghĩ rằng, ngay những người đứng đầu đất nước cũng rất tôn trọng và tin tưởng vào hệ thống pháp luật của họ. Xuất phát từ những vấn đề mang cả tính hình thức và nội dung như vậy chúng ta mới xem xét tới sự khác biệt quan trọng giữa đề cao pháp luật và thượng tôn pháp luật.

Thượng tôn pháp luật không đơn thuần là đề cao pháp luật, có thể coi thượng tôn pháp luật chính là sự mong muốn cao nhất về một hệ thống pháp luật hoàn hảo trong các nhà nước pháp quyền. Nhưng pháp luật muốn được thượng tôn như niềm tin của xã hội về tín ngưỡng, tôn giáo…, thì chắc hẳn hệ thống pháp luật đó không chỉ là là một hệ thống pháp luật tốt mà nó còn phải là hệ thống pháp luật đạt được tình cảm và nhất là niềm tin của xã hội vào nó.

SOURCE: TÁC GIẢ CUNG CẤP-http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/11/18/nh-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-php-quy%E1%BB%81n-d%E1%BB%81-cao-php-lu%E1%BA%ADt-hay-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-tn-php-lu%E1%BA%ADt/


free counters

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...