Wednesday, 23 February 2011

296.Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Hoàng Sa


Các bằng chứng lịch sử, đặc biệt là pháp lý cho thấy chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

LTS: Ngày 19/1/2011, mạng Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc (www.scio.gov.cn) đăng tin dưới dạng sự kiện về việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với nội dung như sau: "Ngày 19/1/1974, quân và dân quần đảo Tây Sa của ta (Trung Quốc) tiến hành tự vệ phản kích nguỵ quân miền Nam Việt Nam - kẻ đã liên tục xâm phạm lãnh hải, không phận, cướp chiếm các đảo và gây thương vong cho ngư dân ta, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ".

Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam cung cấp thêm một tư liệu khẳng định các bằng chứng lịch sử và pháp lý không thể tranh cãi chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

>> Sự thật về sự kiện Hoàng Sa 1974

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ lâu nhân dân Việt Nam đã phát hiện quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó một cách thật sự, liên tục và hoà bình.

Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam.

Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ vào thế kỷ XVII, ghi rõ trong lời chú giải bản đồ vùng Phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam: "giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng", "Họ Nguyễn[1] mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông đưa mười tám chiếc thuyền đến lấy hoá vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".

Trong Giáp Ngọ bình nam đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoán quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774, Bãi Cát Vàng cũng được vẽ là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.[2]

Phủ biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776, viết về lịch sử, địa lý, hành chính xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn (1558-1775) khi ông được triều đình bổ nhiệm phục vụ tại miền Nam, chép rõ đảo Đại Trường Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thuộc phủ Quảng Ngãi.

"Xã An Vĩnh,[3] huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Nghĩa, ở ngoài cửa biển có núi[4] gọi là Cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm[5] có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến, phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hoá vật của tầu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải".

"... Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng nghìn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh. Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi mồi, nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát qua, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tầu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem số của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khối, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi.

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được".

Trong số tư liệu còn tìm thấy ngày nay, có thể kể tờ sai sau đây đề năm 1786 của quan Thượng tướng công:

"Sai cai Hội Đức Hầu đội Hoàng Sa dẫn bốn chiếc thuyền câu vượt biển đến thẳng Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng và đại bác, tiểu bác,[6] đồi mồi, hải ba cùng cá quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ".

Giám mục J.L.Taberd, trong bài "Ghi chép về địa lý nước Cochinchine" xuất bản năm 1837, cũng mô tả "Pracel hay Paracels" là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là "Cát Vàng".[7] Trong An Nam đại quốc hoạ đồ xuất bản năm 1838, ông đã vẽ một phần của Paracel và ghi "Paracel hay Cát Vàng" (Paracel seu Cát Vàng) ở ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam, vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện nay[8].

Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ nước Việt Nam đời Nguyễn vẽ vào khoảng năm 1838, ghi "Hoàng Sa" (số 1) - "Vạn lý Trường Sa" (số 2) thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đại Nam nhất thống chí, bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc Sử quán nhà Nguyễn (1802-1845) soạn xong năm 1882[9] ghi Hoàng Sa là bộ phận lãnh thổ Việt Nam tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đoạn nói về hình thể tỉnh Quảng Ngãi, cuốn sách viết:

"Phía Đông tỉnh Quảng Ngãi, có đảo cát (tức đảo Hoàng Sa liền cát với biển làm hào; phía tây nam miền sơn man, có luỹ dài vững vàng, phía nam liền với tỉnh Bình Định, có đèo Bến Đá chắn ngang, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh Sa Thổ làm giới hạn..."

"... Đầu đời vua Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam còn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc 4 chữ "Vạn lý Ba Bình" (muôn dặm sóng yên). Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự Sơn, phía đông và phía tây đảo đều có đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm Minh Mệnh thứ 16 sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được đồng lá và gang sắt có đến hơn 2.000 cân".

Nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ Phương Tây trong những thế kỷ trước đều xác nhận Hoàng Sa (Pracel hay Paracel) thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Một giáo sĩ Phương Tây đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701 viết trong một lá thư rằng: "Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam.[10]

J.B. Chaigneau, cố vấn của vua Gia Long, năm 1820 đã viết trong phần chú bổ sung vào cuốn Hồi ký về nước Cochinchine[11]:

"Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi Hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh[12]... một vài đảo có dân cư không xa bờ biển và quần đảo Paracel do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành...".[13]

Trong bài Địa lý vương quốc Cochinchina[14] của Gutzlaff, xuất bản năm 1849 có đoạn nói rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là "Cát Vàng".

Với tư cách là người làm chủ, trong nhiều thế kỷ nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra khảo sát địa hành và tài nguyên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XVII đã ghi lại kết quả các cuộc khảo sát đó.

Trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (thế kỷ XVII):

"Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa Đại Chiêm[15] đến cửa Sa Vinh[16] mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy, ... có gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hàng hoá thì đều để lại ở nơi đó".[17]

"Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến (Bãi Cát Vàng) lấy hoá vật, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn".

Đại Nam thực lục tiền biên, bộ sử về chúa Nguyễn do Quốc sứ quán nhà Nguyễn soạn xong năm 1844, có đoạn viết:

"Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài biển, có hơn 130 bãi cát, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích v.v...".

"Hồi đầu dựng nước, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng 3 đi thuyền ra đảo, độ ba ngày đêm thì đến, thu lượm hoá vật, đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân ở phường Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh đi thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn thu lượm hoá vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản".

Theo Đại Nam thực lục chính biên, là bộ sử ký do Quốc sử quán triều đình nhà Nguyễn soạn, viết về các đời vua nhà Nguyễn. Phần viết về các đời vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị được soạn xong năm 1848, ghi sự kiện Gia Long chiếm hữu các đảo Hoàng Sa năm 1816, sự kiện Minh Mệnh cho xây miếu, dựng bia trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ các đảo này [18].

Quyển 52:

"Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816)...

Vua phái Thuỷ quân và đội Hoàng Sa cưỡi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thuỷ".

Quyển 104:

"Tháng tám mùa thu năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833)...

Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mảnh, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời".

Quyển 154:

"Tháng sáu mùa hạ năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 (1835)... dựng đền thờ thần (ở đảo) Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi, Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ "Vạn Lý Ba Bình"[19]. Cồn Bạch Sa chu vi 1.070 trượng, tên cũ là Phật Tự Sơn, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm ngoái vua toan dụng miếu, lập bia ở chỗ ấy, nhưng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai cai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đem lính và Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về".

Quyển 165:

"Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1...

Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thể hiểm trở, binh dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy, trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình".

"Vua y lời tâu, phái Suất đội Thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ "Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ").

Cũng trong Đại Nam thực lục chính biên có ghi, năm 1847 Bộ Công đệ trình lên vua Thiệu Trị tờ Tâu, trong đó có viết: Xứ Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta. Theo lệ hàng năm có phái binh thuyền ra xem xét thông thuộc đường biển. Năm nay bận nhiều công việc xin hoãn đến năm sau. Vua Thiệu Trị đã phê: "Đình".

Trong Đại Nam nhất thống chí (1882):

"Đảo Hoàng Sa: ở phía Đông cù lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ ra khơi thuận gió, ba bốn ngày đêm có thể đến. Ở đó có đến hơn một trăm ba mươi đảo nhỏ, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm tục gọi là Vạn lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích... Hoá vật của các tầu thuyền bị nạn bão trôi giạt ở đấy".

Các sách khác thời Nguyễn như Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876) cũng mô tả Hoàng Sa một cách tương tự.

Do đặc điểm của Hoàng Sa và Trường Sa là có nhiều hải sản quý lại có nhiều hoá vật của tàu bị đắm như trên đã nói, Nhà nước phong kiến Việt Nam từ lâu đã tổ chức việc khai thác hai quần đảo đó với tư cách một quốc gia làm chủ. Nhiều sách lịch sử và địa lý cổ của Việt Nam đã nói rõ tổ chức, phương thức hoạt động của các đội Hoàng Sa có nhiệm vụ làm việc khai thác đó.

Kế tiếp các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn phải liên tiếp đối phó với sự xâm lược của nhà Thanh và của Xiêm, tuy vậy vẫn luôn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa.

Nghĩa là thời Tây Sơn, Nhà nước vẫn tiếp tục tổ chức việc thai thác Hoàng Sa với ý thức thực hiện chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.

Từ khi nắm chính quyền năm 1802 đến khi ký với Pháp Hiệp ước 1884, các vua nhà Nguyễn ra sức củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đội Hoàng Sa, sau được tăng cường thêm đội Bắc Hải, được duy trì và hoạt động liên tục từ thời các chúa Nguyễn (1558-1783) đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn (1802-1945).

Như vậy qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ Phương Tây nói trên từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt đều đặn của các đội Hoàng Sa do Nhà nước thành lập trên hai quần đảo đó mỗi năm từ 5 đến 6 tháng để hoàn thành một nhiệm vụ do Nhà nước giao tự nó đã là một bằng chứng đanh thép về việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo đó. Việc chiếm hữu và khai thác đó của Nhà nước Việt Nam không bao giờ gặp phải sự phản đối của một quốc gia nào khác; điều đó càng chứng tỏ từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã là lãnh thổ Việt  Nam.

Việc nước Pháp nhân danh Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

Từ khi ký với triều đình nhà Nguyễn Hiệp ước 6-6-1884, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau đây là một vài bằng chứng:

Các pháo hạm của Pháp thường xuyên tiến hành tuần tiễu trong vùng Biển Đông kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1899 toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đề nghị với Pari xây tại đảo Hoàng Sa (Pattle) trong quần đảo Hoàng Sa một cây đèn biển để hướng dẫn các tàu biển qua lại vùng này, nhưng kế hoạch không thực hiện được vì thiếu ngân sách.

Từ năm 1920, các tàu hải quan Đông Dương tăng cường tuần tiễu ở vùng Hoàng Sa để ngăn chặn buôn lậu.

Năm 1925, viện Hải dương học Nha Trang cử tàu De Lanessan ra khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương học. Ngoài A. Krempf, Giám đốc Viện hải dương học, còn có các nhà khoa học khác như Delacour, Jabouille... nghiên cứu về địa chất, về sinh vật v.v...

Cũng trong năm 1925, ngày 3-3, Thượng thư Bộ Binh của Triều đình Huế Thân Trọng Huề lại khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam.

Năm 1927 tàu De Lanessan ra khảo sát khoa học quần đảo Trường Sa.

Năm 1929 phái đoàn Perrier - De Rouville đề nghị đặt 4 cây đèn biển ở 4 góc của quần đảo Hoàng Sa (đảo Tri Tôn, đảo Đá Bắc, đảo Linh Côn, bãi Bom Bay).

Năm 1930 tàu thông báo La Malicieuse tới quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 3-1931 tàu Inconstant ra quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 6-1931, tàu De Lanessan ra quần đảo Hoàng Sa.

Tháng 5-1932, pháo hạm Alerte ra quần đảo Hoàng Sa.

Từ 13-4-1930, đến 12-4-1933, Chính phủ Pháp đã cử các đơn vị hải quân lần lượt ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa: Trường Sa (Spratley), An Bang (Caye d'Amboine), Itu Aba, nhóm Song Tử (groupe des deux iles)[20], Loại Ta và Thị Tứ.

Ngày 21-12-1933, thống đốc Nam Kỳ M. J. Krautheimer ký Nghị định sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm Song Tử, Loại Ta và Thị Tứ vào địa phận tỉnh Bà Rịa[21].

Năm 1937, nhà đương cục Pháp cử kỹ sư công chính Gauthier ra quần đảo Hoàng Sa nghiên cứu chỗ xây dựng đèn biển, lập bãi thuỷ phi cơ.

Tháng 2-1937 tuần dương hạm Lamotte Piquet do Phó đô đốc Istava chỉ huy thăm quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 29-3-1938, vua Bảo Đại ký Dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa đặt vào tỉnh Thừa Thiên[22].

"Chiếu chỉ các Cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời và dưới các tiền triều, các Cù lao ấy thuộc về địa hạt tỉnh Nam Nghĩa: đến đời Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế vẫn để y như cũ là vì nguyên trước sự giao thông với các Cù lao ấy đều do các cửa bể tỉnh Nam Nghĩa.

Chiếu chỉ nhờ sự tiến bộ trong việc hàng hải nên việc giao thông ngày nay có thay đổi, vả lại viên Đại diện Chánh phủ Nam triều uỷ phái ra kinh lý các cù lao ấy cùng quan Đại diện Chánh phủ bảo hộ có tâu rằng nên tháp các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên thời được thuận tiện hơn.

Dụ:

Độc khoản: - Trước chuẩn tháp nhập các cù lao Hoàng Sa (Archipel des iles Paracels) vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên: về phương diện hành chánh, các cù lao ấy thuộc dưới quyền quan Tỉnh hiến tỉnh ấy".

Ngày 15-6-1938 toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.[23]

Năm 1938, Pháp dựng bia chủ quyền, xây dựng xong đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa (Ile Pattle), trong quần đảo Hoàng Sa, xây dựng trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Itu Aba trong quần đảo Trường Sa.

Hàng chữ trên bia: "Cộng hoà Pháp, Vương quốc An-nam, quần đảo Hoàng Sa, 1816 - đảo Pattle - 1938" (1816 là năm vua Gia Long thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo Hoàng Sa, 1938 là năm dựng bia).

Ngày 5-5-1939 toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký Nghị định sửa đổi nghị định ngày 15-6-1938 nói trên và thành lập tại quần đảo Hoàng Sa hai cơ quan đại lý "Croissant và các đảo phụ thuộc", "Amphitrite và các đảo phụ thuộc"[24].

Suốt trong thời gian đại diện Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phản kháng những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo đó như:

Ngày 4-12-1931 và ngày 24-4-1932, Pháp phản kháng Chính phủ Trung Quốc về việc chính quyền Quảng Đông lúc đó có ý định cho đấu thầu khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 24-7-1933, Pháp thông báo cho Nhật việc Pháp đưa quân ra đóng các đảo chính trong quần đảo Trường Sa;

Ngày 4-4-1939, Pháp phản kháng Nhật đặt một số đảo trong quần đảo Trường Sa thuộc quyền tài phán của Nhật.

Việc bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay

Khi trở lại Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai, đầu năm 1947 Pháp đã yêu cầu quân Trung hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép cuối năm 1946 và Pháp đã cho quân đến thay thế quân đội Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng và đài vô tuyến điện.

Ngày 7-9-1951, trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu tuyên bố tại Hội nghị San Francisco về việc ký hoà ước với Nhật Bản rằng từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam: "... và cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa".

Tuyên bố đó không gặp sự chống đối hoặc bảo lưu nào của đại diện 51 quốc gia tham dự Hội nghị.

Năm 1953, tàu Ingénieur en chef Girod của Pháp khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa về hải dương, địa chất, địa lý, môi sinh.

Chính phủ Sài Gòn, sau đó là cả Chính phủ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Dưới đây là một vài bằng chứng:

Năm 1956, lực lượng hải quân của Chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi Pháp rút quân về nước.

Năm 1956, Sở Hầm mỏ, kỹ nghệ và tiểu công nghiệp miền Nam tổ chức một cuộc khảo sát với sự giúp đỡ của hải quân của Chính quyền Sài Gòn trên 4 đảo: Hoàng Sa (Pattle), Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật (Robert), Duy Mộng (Drumond).

Ngày 22-10-1956, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.

Ngày 13-7-1961, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính.

Từ 1961 đến 1963, chính quyền Sài Gòn lần lượt cho xây bia chủ quyền ở các đảo chính của quần đảo Trường Sa như: Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây, v v...

Ngày 21-10-1969, Chính quyền Sài Gòn sáp nhập xã Định Hải vào xã Hoà Long cũng thuộc quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam.

Tháng 7-1973, Viện Khảo cứu nông nghiệp thuộc Bộ Phát triển nông nghiệp và điền địa Sài Gòn tiến hành khảo sát đảo Nam Ai (Nam Yết) thuộc quần đảo Trường Sa.

Tháng 8-1973, với sự hợp tác của Công ty Nhật Maruben Corporation, Bộ Kế hoạch và phát triển quốc gia Sài Gòn tiến hành khảo sát phốt phát ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 6-9-1973, Chính quyền Sài Gòn sáp nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Ai, Sinh Tồn và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, Quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Có ý thức về chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, các chính quyền miền Nam Việt Nam đều bảo vệ chủ quyền đó mỗi khi có nước ngoài biểu thị ý đồ tranh giành hay xâm chiếm đảo nào đó trong hai quần đảo.

Ngày 16-6-1956, Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn tuyên bố một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Đồng thời cũng trong năm này, Chính quyền Sài Gòn đã kịch liệt phản đối việc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 22-2-1959, Chính quyền Sài Gòn bắt giữ trong một thời gian 82 "ngư dân" Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đổ bộ lên các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng và Quang Hoa trong quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20-4-1971, Chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 13-7-1971 Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn khẳng định một lần nữa chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó trong cuộc họp báo ngày 10-7-1971.

Ngày 19/1/1974, lực lượng quân sự của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chiếm đóng nhóm Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa và cũng trong ngày này chính quyền Sài Gòn tuyên bố lên án Cộng hoà nhân dân Trung Hoa xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 26-1-1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tuyên bố lập trường 3 điểm về việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ; ngày 14-2-1974 tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 5 và 6-5-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thông báo việc giải phóng các đảo ở quần đảo Trường Sa do Chính quyền Sài Gòn đóng giữ. Ngày 28-6-1974, tuyên bố tại khoá họp thứ nhất Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 ở Caracas rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.

Tháng 9-1975, Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị khí tượng ở Colombo tuyên bố quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và yêu cầu Tổ chức khí tượng thế giới tiếp tục ghi tên trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam trong danh mục trạm khí tượng của Tổ chức khí tượng thế giới (trước đây đã được đăng ký trong hệ thống các trạm của OMM dưới biểu số 48.860).

Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng về biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 1977; Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982; Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992; Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 năm 1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biên giới quốc gia năm 2003.

Về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà.

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ Nghĩa Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên có liên quan, hoặc trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hoặc trong các Hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới ở Genève, (tháng 6-1980), của Đại hội Địa chất thế giới ở Paris (tháng 7 năm 1980) v.v...

Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố "Sách trắng" (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang và chiếm đoạt một số bãi đá ngầm tại Trường Sa.

Tháng 4-2007, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa.

Kết luận

Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng, và căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, có thể rút ra kết luận sau đây:

1. Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi mà các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.

2. Từ thế kỷ XVII đến nay, suốt trong mấy thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách thật sự, liên tục và hoà bình chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3. Nhà nước Việt Nam luôn luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ và hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

------------------------------------------

PHỤ LỤC

Một số tư liệu - điều ước quốc tế liên quan đến chủ quyềnhai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

1. Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943, khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, hội nghị tam cường Anh - Mỹ - Trung (Cộng hòa Trung Hoa, đại diện lúc đó là Tưởng Giới Thạch) đã họp và ra một bản Tuyên bố tại Cai-rô (thủ đô Ai-Cập). Tuyên bố có đoạn viết: " ...Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa"[25]. Như vậy là về phần lãnh thổ của Trung Quốc, Tuyên bố Cai-rô khẳng định ý chí của các cường quốc buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc gồm "Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ", không có gì liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Hội nghị Postdam ngày 26-7-1945, những người đứng đầu 3 nước Mỹ, Anh, Trung (Cộng hòa Trung Hoa) đã lại ra Tuyên ngôn khẳng định "Các điều khoản của Tuyên bố Cai-rô sẽ được thi hành". Sau khi tuyên chiến với Nhật Bản ở Viễn Đông, Liên Xô cũng tham gia Tuyên ngôn này.

Theo quyết định của Hội nghị Postdam là Trung Quốc chịu trách nhiệm giải giáp quân đội Nhật ở khu vực Bắc vĩ tuyến 16. Từ cuối năm 1946, quân đội của Tưởng Giới Thạch đến một số đảo của quần đảo Hoàng Sa và các tỉnh phía bắc Việt Nam để thực hiện việc giải giáp quân đội Nhật Bản ở đây, hoạt động này hoàn toàn không có ý nghĩa xác định hoặc thu hồi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3. Hội nghị San Francisco từ ngày 4 đến 8-9-1951, có đại diện 51 nước tham dự để bàn về việc ký Hòa ước với Nhật Bản. Điều 2, Chương II của Dự thảo Hòa ước được đưa ra để Hội nghị thảo luận có ghi Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và các đòi hỏi của mình đối với các lãnh thổ được nêu rõ trong các khoản của điều này:

a) Triều Tiên;

b) Đài Loan, Bành Hồ;

c) Kurile, phần phía Nam đảo Sakhalin;

d) Các đảo ở Thái Bình Dương;

e) Châu Nam Cực;

f) Các đảo thuộc các quần đảo Spratly (Trường Sa) và Paracel (Hoàng Sa).

- Tại phiên họp toàn thể ngày 5-9-1951, Hội nghị đã tán thành quyết định của chủ tịch không chấp thuận đề nghị bổ sung đòi "Nhật Bản công nhận chủ quyền hoàn toàn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với Manchuria (Mãn Châu), đảo Đài Loan (Formosa) với tất cả các đảo kế cận nó, quần đảo Penlinletao (Pescadores tức Bành Hồ), quần đảo Tunshatsuntao (quần đảo Pratas), cũng như đối với 2 quần đảo Sishatuntao và Chunshatsuntao (quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Amphitrites, bãi cát ngầm Maxfield) và quần đảo Nanshatsuntao, kể cả quần đảo Trường Sa, và Nhật từ bỏ tất cả các quyền, danh  nghĩa và đòi hỏi đối với các vùng lãnh thổ nêu trong điểm này".

Quyết định này của Hội nghị đã được thông qua với 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống, 1 phiếu trắng. Trong các nước bỏ phiếu thuận có: Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bỉ, Bô-li-vi-a, Bra-xin, Cam-pu-chia, Ca-na-đa, Xri-Lan-ca, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cô-xta Ri-ca, Cu-Ba, Đô-mi-ni-ca, Ê-cu-a-đo, Ai-cập, En Xan-va-do, E-ti-ô-pi, Pháp, Hy Lạp, Goa-tê-ma-la, Ha-i-ti, Hôn-đu-rát, In-đô-nê-xi-a, I-ran, I-rắc, Lào, Li-Băng, Li-bê-ri-a, Lúc-xăm-bua, Mê-hi-cô, Hà Lan, Tân Tây Lan, Ni-ca-ra-goa, Na-uy, Pa-ki-xtan, Pa-na-ma, Pa-ra-goay, Pe-ru, Phi-lip-pin, A-rập Xê-út, Xi-ri, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Bắc Ai-Len, Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản.

Cuối cùng, Điều 2 Chương II của Hòa ước vẫn được giữ nguyên như Dự thảo và gồm 6 khoản sau đây:

"a) Nhật Bản, trong khi công nhận nền độc lập của Triều Tiên, từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với Triều Tiên, kể cả các quần đảo Quelpart Port Hamilton và Dagelet.

b) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với vùng Formosa (Đài Loan) và Pescadores (Bành Hồ).

c) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Kurile, đảo Sakhalin và quần đảo nằm sát nước Nhật Bản mà ở đó Nhật Bản đã giành được chủ quyền theo Hiệp ước Portsmouth ngày 5-9-1905.

d) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi liên quan tới chế độ uỷ trị của Hội quốc liên, và chấp nhận quyết định quyết định ngày 2-4-1947 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gia hạn chế độ uỷ trị đối với các đảo Thái Bình Dương trước đây dưới quyền uỷ trị của Nhật Bản.

e) Nhật Bản từ bỏ tất cả các đòi hỏi muốn có bất kỳ quyền, hoặc danh nghĩa, hoặc lợi ích nào liên quan tới bất cứ phần nào của vùng Nam Cực, dù đó là các hoạt động của các công dân Nhật Bản hoặc các hình thức khác.

f) Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi  đối với quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng Sa (Paracel)".[26]

- Như vậy, các vùng lãnh thổ mà Tuyên bố Cai-rô xác nhận và Hòa ước SanFrancisco khẳng định lại là của Trung Quốc chỉ bao gồm Đài Loan, Bành Hồ. Việc Hòa ước SanFrancisco tách riêng Đài Loan, Bành Hồ và Hoàng Sa, Trường Sa thành hai khoản riêng biệt (b, f) tự nó đã bao hàm ý nghĩa không công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Trung Quốc.

Cũng tại Hội nghị San Francisco, ngày 7-9-1951, Trưởng đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã tuyên bố rằng từ lâu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam và "cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo luôn luôn thuộc về Việt Nam".[27]

Không có bất cứ một đại diện nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện Việt Nam tại Hội nghị.

Những tư liệu và chứng cứ kể trên cho thấy một cách rõ ràng là những văn kiện pháp lý quốc tế, từ Tuyên bố Cai-rô ngày 27-11-1943 (và Tuyên ngôn của Hội nghị Postdam ngày 26-7-1945 khẳng định lại nội dung Tuyên bố Cai-rô) đến Hòa ước San Francisco ký ngày 8-9-1951 đã không xác nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, việc không một quốc gia nào tại Hội nghị SanFrancisco năm 1951, phản đối hoặc bảo lưu về tuyên bố của Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam lúc đó về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo chứng tỏ cộng đồng quốc tế đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

------------

Chú thích:

[1] Tức chúa Nguyễn, cát cứ xứ Đàng trong từ năm 1558 đến năm 1775.

[2] Trong tập Hồng Đức bản đồ.

3] Đính trong cuốn "Từ điển La tinh - Việt Nam" (Dictionarium Latino-Anamiticum), 1838. Xem phụ lục III.

[4] "Ghi chép về địa lý nước Cochinchina" ("Note on Geography of Cochinchina") của giám mục Jean-Louis Taberd đăng trong "Tạp chí của Hội châu Á Băng-Gan" (The Journal of the Asiatic Society of Bengal) tập VI, 1837, tr.745.

[5] Chỉ loại pháo cỡ nhỏ.

[6] Dặm: Đơn vị đo lường thời xưa của Việt Nam tương đương 1/2km.

[7] Đối với người Việt Nam cũng như người Trung Quốc, chữ Hán "Sơn" có nghĩa là núi, nhưng cũng được dùng để chỉ các hải đảo. Thí dụ: Phần lớn các đảo ở ngoài cửa vịnh Hàng Châu (Nam Thượng Hải) đều được người Trung Quốc gọi là sơn: Bạch Sơn, Đại Ngư Sơn, Đại Dương Sơn, Tiểu Dương Sơn, Trường Bạch Sơn, Trúc Sơn, Tù Sơn v.v... Người Trung Quốc cũng dùng sơn để chỉ một số đảo của Việt Nam như Cửu Đầu Sơn (đảo Cô Tô), Bất Lao Sơn (Cù Lao Chàm), Ngoại La Sơn (cù Lao Ré) v.v...

[8] Ở phía Nam cửa biển Sa Kỳ, phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré cũng thuộc xã này.

[9] Phần viết về các tỉnh Trung Bộ được soạn lại và khắc in năm 1909.

 

[10] Vạn lý Ba Bình: muôn dặm sóng yên.

[11] Kỷ thứ 2, quyển 122.

12 Bãi Cát Vàng từ lâu là một khu vực có nhiều đá ngầm nguy hiểm ở Biển Đông.

[13] Cửa Sa Vinh nay là cửa Sa Huỳnh, thuộc tỉnh Nghĩa Bình.

14] Cửa Đại Chiêm nay là cửa Đại, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

[15] Bài "Địa lý của vương quốc Cochinchina" (Geography of the Cochinchinese Emprire) đăng trong "Tạp chí Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn" (The Jounal of the Royal Geography Society of London) tập XIX, 1849, trang 93.

[16] A. Salles trích dẫn trong bài "Hồi ký về nước Cochinchine của J.B. Chaigneau" (Le mémoire sur la Cochinchine de J.B. Chaigneau) đăng trong "Tạp chí của những người bạn thành Huế cổ" ("Bulletin des amis du vieux Huế") số 2 năm 1923 trang 257.

[17] Tức Đàng Ngoài (le Tonkin).

[18] Danh từ Cochinchine (tiếng Pháp) hoặc Cochinchina (tiếng Anh) trong tài liệu phương Tây trích dẫn ở đây có 2 nghĩa tuỳ theo văn cảnh: a) nước Việt Nam thời bấy giờ, sách này dịch là nước Cochinchine; b) Xứ Đàng Trong thời bấy giờ, sách này dịch là xứ Cochinchine.

 

[19] J.Y.C trích dẫn trong bài "Bí mật các đảo san hô - Nhật ký về cuộc hành trình đến Hoàng Sa". (Mystere des atolls - Journal de voyage aux Paracels) đăng trong tuần báo "Đông Dương" (Indochine) trong các số ngày 3, 10, 17 tháng 7 năm 1941. - Danh từ vương quốc An Nam trong tài liệu chỉ nước Việt Nam thời bấy giờ.

[20] Nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Xem Phụ lục V.

[21] Tức đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông.

[22] Nay thuộc tỉnh Bình Trị Thiên.

[23] Xem phụ lục VI.

[24] Xem phụ lục VII.

25] Sách trên. Trang 263.

[26] Hội nghị ký kết Hòa ước với Nhật Bản trang 314. Văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ, tháng 12-1951.

 

 

 

[27] Hội nghị Cai-rô và Teheran 1943 trang 448. Văn kiện Bộ Ngoại giao Mỹ , 1961-Washington.

5 comments:

  1. Sao hôm nay VNN mạnh miệng thế nhỉ ? Có gì thay đổi về "lý tưởng" sao ?

    ReplyDelete
  2. đường biển bị CS TÀU,đường bộ bị CS BẮC VIỆT, "ngụy" CỘNG HÒA chịu kg thấu là đúng rồi !!!

    ReplyDelete
  3. noí gì cũng là rước voi về giầy mả tổ

    ReplyDelete
  4. Thực ra thì đây là vấn đề duy nhất có thể đem ra vào lúc này để xoa dịu lòng dân nhằm tránh 1 cái gì đó đang ập tới từ bắc Phi và trung Đông. Tham nhũng k0 thể lôi ra, độc tài không thể lôi ra, đàn áp k0 thể lôi ra, trì trệ k0 thể lôi ra, yếu kém quản lý k0 thể lôi ra thì chỉ còn nói vã chuyện Hoàng Sa cho dân bớt nóng vậy thôi. Mà nói bô bô thế chứ có làm gì đâu, thằng nào nó sợ, còn nếu có thằng bực thì đem sứ thần qua xin lỗi, giải thích tình hình căng thẳng là xong....

    ReplyDelete
  5. Hay, Anh Sphinx đã nhìn ra vấn đề rùi !! Chỉ là chưa biết anh chàng họ Mã/. Ms Du sẽ phản ứng thế nào thôi !1

    ReplyDelete

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...