Thursday, 24 February 2011

302.Biện minh trạng bênh vực Cù Huy Hà Vũ[2]

Biện minh trạng bênh vực Cù Huy Hà Vũ[2]

Tiếp theo Phần I

CHHV

Khi viết bản “Biện Minh Trạng” phần 2 này, là một luật gia, người viết mong mỏi có sự góp ý, thảo luận, tranh luận của nhiều nguời trong giới luật gia đã hay đương hành nghề từ trong nuớc ra tới hải ngoại. Mục đích của cuộc thảo luận hay tranh luận không phải để hơn thua cá nhân hay phe nhóm mà nhằm dựa trên học lý để tìm ra “công lý trong khuôn khổ Hiến Pháp và luật pháp hiện hành của Việt Nam” cho vụ án Cù Huy Hà Vũ, một vụ án tiêu biểu trong những vụ án thường có ở Việt Nam liên quan tới điều 88 BLHS.

Sở dĩ người viết coi vụ án Cù Huy Hà Vũ là tiêu biểu trong các vụ án bị khởi tố dựa trên điều 88 BLHS vì Cù Huy Hà Vũ là một luật gia tốt nghiệp Viện Đại Học Sorbonne, một trong những trường  luật hàng đầu trên thế giới, nên mỗi hành xử của ông phải đuợc ông cân nhắc và coi là “không vi phạm pháp luật Việt Nam.”

Thế nhưng Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKS), đại diện quyền lợi xã hội lại cho rằng hành vi của ông Cù Huy Hà Vũ vi phạm điều 88 BLHS.

Quan điểm của tòa án thì chưa biết.

Với tư cách là luật gia, chúng ta, hoàn toàn dựa vào các lý thuyết luật học, nên đóng góp ý kiến vào vụ án để tìm ra một “công lý trong khuôn khổ Hiến Pháp và luật pháp hiện hành của Việt Nam” dù rằng đó chưa phải là một công lý đích thực, phổ biến trong xã hội văn minh ngày nay. Cuộc thảo luận có thể giúp các chánh án và kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm Sát hiểu biết thêm về lý thuyết luật học, một việc rất quan trọng trong việc khởi tố và xét xử. Cuộc thảo luận cũng giúp các luật sư có thêm kiến thức sắc bén khi biện hộ. Ngoài ra, cuộc thảo luận cũng sẽ giúp người dân hiểu thêm đâu là giới hạn pháp lý họ được quyền hành động mà không sợ bị bắt bớ, bỏ tù. Công lý đó có thể nghiêng về phía quan điểm của VKS, nghĩa là Cù Huy Hà Vũ có phạm tội (dựa theo điều 88 BLHS).

Quan điểm đó có thể nghiêng về phía Cù Huy Hà Vũ, nghĩa là ông không phạm tội (dựa theo điều 88 BLHS).

Cuộc thảo luận hoàn toàn dựa trên lý thuyết luật học, nghĩa là không dựa vào những quan điểm chính trị, đồng thời hoàn toàn dựa vào hiến pháp và luật pháp hiện hành ở Việt Nam. Những điều uớc quốc tế có thể được viện dẫn trong truờng hợp Việt Nam có tham gia hay ký kết những điều ước đó, chỉ để nhằm làm sáng tỏ những ý niệm trùng hợp của hai nhóm luật chứ không thể dùng làm biện minh hay kết tội có tính cách quyết định. Tương tự như vậy, những hiến pháp và luật pháp của các nước văn minh cũng có thể được viện dẫn trong cuộc tranh luận nhưng chỉ được dùng như phương pháp nghiên cứu luật đối chiếu nhằm làm sáng tỏ những ý niệm tương tự đang có trong luật Việt Nam chứ cũng không thể được dùng làm những kết luận.

Để mọi phát biểu được hoàn toàn tự do, thoát khỏi sự lo sợ bị đàn áp của chính quyền hay lo sợ dư luận độc giả phản đối, người phát biểu có thể dùng bút hiệu hay bí danh.

Ngoài ra, những sinh viên các trường đại học luật  tại Việt Nam, nhất là những sinh viên đã hoàn tất giáo trình môn Luật Hình Sự và Luật Hình Sự Tố Tụng cũng được khuyến khích tham gia thảo luận để thực tập việc áp dụng những kiến thức vừa thu thập được.

Để dễ dàng cho cuộc thảo luận, người viết ghi lại nguyên văn vài trích đoạn cần thiết của bản cáo trạng của VKS. Trong bản cáo trạng, sau khi viện dẫn các tài liệu thu thập được, VKS đã đi tới kết luận, “Với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, xác định:

Các bài viết và trả lời phỏng vấn của Cù Huy Hà Vũ nêu trên đã có nội dung tuyên truyền chống Nhà nuớc Cộng hòa xã hội chủ nghia Việt Nam, xuyên tạc đuờng lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế nhà nước, xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng tạo điều kiện để các đối tượng phản động lợi dụng chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

…Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Truy tố bị can Cù Huy Hà Vũ …về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điểm c, khoản 1, điều 88 BLHS.”

Bản cáo trạng cũng ghi thêm:

“Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

1. Nguời nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Mười bài báo của ông Cù Huy Hà Vũ được VKS dùng làm bằng chứng buộc tội được người viết đánh số theo thứ tự từ 1 tới 10, và liệt kê làm hai loại bằng chứng cho dễ theo dõi và viện dẫn:

Loại bằng chứng đòi bãi bỏ điều 4 HP có 4 bài:

+ Bài 3: “TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp”. Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA khoảng tháng 6/2010, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp với lời lẽ: “…Dứt khoát là sự mạo nhận của Đảng Cộng sản Việt Nam, không phải do bầu cử mà có nên quyết không thể là “chính danh”. Mà Đảng đã không “chính danh” thì không thể lãnh đạo bất kì ai”. Vũ khẳng định: “Tóm lại, điều 4 Hiến pháp Việt Nam là hoàn toàn phi lý và vì vậy dứt khoát phải xóa bỏ…”. ( BL 139, 140, 148, 164 đến 167, 213 đến 226, 277 đến 286, 333 đến 342, 654 đến 675, 696 đến 702, 744 đến 753, 1148 đến 1152).

+ Bài (5) phóng viên Trâm Oanh phỏng vấn Cù Huy Hà Vũ vào tháng 10/2010 có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê Nin, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bằng lời lẽ: “…chính quyền dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay đang ngày càng trở nên thối nát…”, “…Đại hội Đảng lần thứ XI là Đại hội cuối cùng của ĐCSVN…” (BL 142, 198 đến 201, 255).

+ Bài 9 “ Bàn về Đảng cầm quyền”, Vũ đang viết, chưa xong. Nội dung phỉ báng, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam bằng lời lẽ: “… Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền hay độc tài?… chế độ chính trị ở Việt nam trên thực tế là chế độ độc đảng hay độc tài” ( BL 141, 256, 257).

+ Bài 10 “ Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình” do tác giả Nguyễn Thanh Ty viết, Vũ lưu giữ tại nhà, nội dung xuyên tạc Đảng cộng sản Việt Nam, phỉ báng chính quyền.(BL 192, 193, 194, 305 đến 314).

Cơ quan An ninh điều tra đã trưng cầu giám định âm thanh ( giọng nói) trong đĩa CD do Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội cung cấp nội dung thu lại bài trả lời phỏng vấn phóng viên Trâm Oanh – đài truyền thanh ở Đức của người tự xưng là tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, Viện khoa học hình sự – Bộ Công an kết luận đó là giọng nói của Cù Huy Hà Vũ. ( BL 39)

Loại bằng chứng xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bóp méo sự thật có 6 bài:

+ Bài 1 “Phải đa đảng mới chống được lạm quyền”, Vũ trả lời phỏng vấn đài Châu Á Tự Do (RFA) ngày 01/2/2010, Vũ xuyên tạc, phỉ báng chính quyền bằng lời lẽ: “hiện nay ở Việt Nam người ta sử dụng ngân sách vô tội vạ và rất nhiều tiền từ ngân sách Nhà nước chi vào những việc thậm chí là Mafia… để có được chế tài đối với những kẻ cướp ngày… thì tôi Cù Huy Hà Vũ khẳng định: Cách duy nhất là phải có chế độ đa đảng tại Việt Nam” ( BL 141, 148, 227 đến 237, 255 ).

+ Bài 2: “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ”. Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA ngày 29/ 4/2010 với nội dung xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược bằng lời lẽ: “…Tóm lại, việc duy trì cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nuớc không khác hơn là để phục vụ lợi ích phi pháp một nhóm nhỏ trong Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân dân trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản và vì vậy quyết không thể kéo dài hơn được nữa”. “Nhân đây, một lần nữa tôi kêu gọi ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, hòa hợp, hòa giải dân tộc sẽ trở thành lừa dối dân tộc với hậu họa đã có thể nhìn thấy truớc…”.( BL 140, 141, 170 đến 174, 238 đến 242, 260 đến 269, 909 đến 915, 1144 đến 1147).

+ Bài  8“Đuờng sắt cao tốc Bắc Nam – Dự án tham nhung”, Vũ trả lời phỏng vấn đài VOA thời gian năm 2010, nhưng Vũ chưa đồng ý nội dung nên đài VOA chưa đăng tải. Tài liệu này Vũ lưu giữ trong máy tính xách tay, USB. Nội dung phỉ báng chính quyền, thực hiện dự án chỉ nhằm mục đích tham nhũng bằng lời lẽ: “ … tuy nhiên tham nhũng, giữa hai chính quyền có điểm này khác biệt một cách cơ bản: Chính quyền Sài Gòn chỉ tham nhũng vào viện trợ không hoàn lại hay là “cho không của Mỹ”, còn chính quyền cộng sản thì “ăn” ngay vào tài sản của nhân dân Việt Nam, từ đồng tiền của người dân, đất đai tài nguyên cho đến các khoản vay nước ngoài của chính phủ dẫn đến con cháu sau này phải oằn lưng trả nợ”( BL 196, 197, 258, 259).

+ Bài 6: “Tam quyền nhất lập” đồng lòng hại dân. Vũ viết và gửi trang “Bauxite VietNam” có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với lời lẽ: “…Vậy là cả Chính phủ, Tòa án, Quốc hội, cả hành pháp, tư pháp và lập pháp đồng lòng hại dân. ngược lại 180 độ với Hiến pháp tại điều 2…ai chỉ ra được cách nào để cứu những nguời dân “ côi cút làm ăn” kia khỏi sự bức hại tập thể “ tam quyền không phân lập” hay “Tam quyền nhất lập” nói trên ở Việt Nam… “. ( BL 149, 243 đến 248, , 461 đến 464 ).

+ Bài 7 “Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy nguời khác phạm tội” . Vũ viết sau khi một số báo đưa tin về việc Trần Khải Thanh Thủy và Đỗ Bá Tân bị bắt; nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền trong việc bắt giữ, điều tra Trần Khải Thanh Thủy về tội cố ý gây thương tích với lời lẽ: “…mới chỉ qua nguồn tin “một bề” do Công an quận Đống Đa cung cấp cho báo chí nhà nuớc, vụ bà Trần Khải Thanh Thủy “cố ý gây thuong tích” đã có dấu hiệu rõ rệt của một vụ khiêu khích hay bẫy người khác phạm tội thực hiện bởi chính co quan trấn áp tội phạm”(BL 141, 208 đến 212).

+ Bài 4: “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “ Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc”. Vũ trả lời phỏng vấn đài RFA ngày 31/8/2010, đồng thời gửi lên trang “Bauxite Vietnam”. Vũ bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Phê phán Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây chia rẽ, thù hằn dân tộc bằng lời lẽ: “ …Tiếc thay cho ban lãnh đạo nhà nuớc Việt nam thống nhất đã không làm được như thế mà ngược lại – phải nói thật – còn sát muối vào vết thương chiến tranh chưa kịp lên da bằng việc tập trung cải tạo trong hàng năm trời cả trăm nghìn quân nhân viên chức VNCH, ….đẩy không ít nguời Việt thuộc chính quyền cũ vào vòng xoáy thù hận, dẫn đến một số quay ra chống chính quyền mới để rồi bị kết tội xâm phạm An ninh quốc gia.”(BL138, 139, 148, 156, 157, 158, 303, 304, 329 đến 331, 431 đến 460).

*

MÀN 1 (đã kết thúc ở phần I)

Sau khi luật sư biện hộ chấm dứt ba yêu cầu tiên quyết (trong phần 1), chánh án đã bác bỏ ba yêu cầu này.

MÀN 2 (bắt đầu phần II của bản biện minh trạng)

Chánh án: Tất cả các điều tiên quyết do luật sư biện hộ nêu lên đều không hợp lý (?!) Tòa tuyên bố tiếp tục phiên xử theo điều kiện hiện tại (?!)

(Mọi người đều ngơ ngác!)

- Luật sư: Thưa quí tòa, trước tiên, tôi xin lưu ý quí tòa một nguyên tắc quan trọng của hình luật là “Hình Luật phải được giải thích một cách chặt chẽ.” Ở đây chúng tôi thấy cần phải phân biệt “Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghia Việt Nam” và “Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

Theo Hiến Pháp, Nhà Nuớc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không phải là Nuớc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Điều 1 HP qui định: “Nuớc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời.” Một cách tóm tắt, “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chính là tổ quốc Việt Nam và có thể gọi vắn tắt là NUỚC VIỆT NAM.

Trong khi Điều 2 HP qui định: “Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…” Nhà nước này có nhiệm vụ đuợc qui định trong điều 3 HP là, “bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân.” Như vậy “Nhà Nuớc Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là chính quyền, có nhiệm vụ bảo vệ “Nuớc Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và phục vụ nhân dân Việt Nam. Không thể lẫn lộn “Nuớc Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, tức là tổ quốc Việt Nam với  “Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là chính quyền, tức là công cụ bảo vệ tổ quốc và nhân dân. Nước Việt Nam thì trường tồn nhưng Nhà Nước Việt Nam, như mọi công cụ khác của con nguời, có thể thay đổi.

Như vậy theo bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân, thân chủ chúng tôi không chống lại Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, không chống lại tổ quốc Việt Nam. Thân chủ chúng tôi chỉ bị truy tố tội “chống lại chính quyền” mà thôi.

Tới đây lại cần phải minh định thế nào là “chống”.  Có hai hình thức “chống”: Chống bằng bạo lực và chống bằng cách phát biểu tư tuởng qua lời nói hay qua mọi phuong tiện truyền thông.

Thân chủ chúng tôi không dùng bạo lực cho nên vấn đề “chống bằng bạo lực” không cần bàn tới.

Thân chủ chúng tôi chỉ “chống bằng cách phát biểu tư tuởng qua những bài viết, lời nói hay qua mọi phuong tiện truyền thông.” Hành động này được gọi đúng nghĩa là “bất đồng chính kiến, hay bất đồng tư tưởng” Ở nước ta việc cấm bất đồng tư tuởng đã chấm dứt từ lâu. Ngày nay nhân dân được quyền bày tỏ bất đồng chính kiến. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 6 năm 2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết phát biểu rằng “Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường, ngay trong Đảng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. ”

Bày tỏ ý kiến bất đồng về một vấn đề hay một cơ quan hay một con người tức là phê bình vấn đề đó, cơ quan đó hay con người đó. Trước khi phê bình thì người ta phải theo dõi, giám sát để thu thập thông tin, dữ kiện. Nói cách khác, bày tỏ bất đồng ý kiến tức là xử dụng quyền “theo dõi, giám sát và phê bình” các cơ quan chính quyền. Đây chính là quyền tham gia quản lý Nhà Nuớc và xã  hội, một quyền hiến định.  Điều 53 HP qui định, “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước…”.

Làm thế nào để người công dân tham gia quản lý nhà nước, tham gia thảo luận các vấn đề của đất nước một cách thẳng thắn mà không bị kết tội “ tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” như qui định trong điều 88 BLHS? Thưa quí tòa, ở đây rõ ràng cùng một hành động có thể được giải thích theo hai nghia khác nhau: Một nghĩa có lợi cho bị cáo và có lợi cho xã hội là “một hành vi tham gia quản lý nhà nước và thảo luận các vấn đề chung của quốc gia”. Nhưng nếu ác ý với bị cáo,  và đi ngược lại quyền lợi xã hội, thì cũng có thể giải thích đó là những hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, một bằng chứng để kết tội bị cáo theo điều 88 BLHS. Thưa quí toà, khi mà một hành vi vừa được coi là một hành động hợp pháp, được luật pháp bảo vệ, vừa bị coi là bằng chứng cho một tội phạm hình sự, thì bằng chứng tội phạm đó ở trong tình trạng đáng ngờ. Và thưa quí tòa, theo nguyên tắc cơ bản của luật Hình Sự, trong trường hợp có sự nghi ngờ về bằng chứng thì tòa phải tha bổng bị cáo. Đây chính là trường hợp của mười bài báo và phát biểu của ông Cù Huy Hà Vũ được VKS dùng làm cơ sở cho việc truy tố ông. Qua mười bài báo viện dẫn, thân chủ tôi chỉ thực hiện những “hành vi tham gia quản lý nhà nước và thảo luận các vấn đề chung của quốc gia.” Bởi thế tôi trân trọng thỉnh cầu ngài chánh án và các vị hội thẩm truyền tha bổng bị cáo Cù Huy Hà Vũ.

Đại diện VKS: Thưa ngài chánh án, các bài báo và phát biểu của bị cáo không thể được coi như những “hành vi tham gia quản lý nhà nước và thảo luận các vấn đề chung của quốc gia” bởi vì những bài báo và những phát biểu đó có nội dung “xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế nhà nước, xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng”. Đó là những hành vi chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi thế chúng tôi xin tòa tiếp tục truy cứu bị can theo điểm c, khoản 1, điều 88 BLHS.

Sau đối chất giữa luật sư bào chữa và đại diện VKS, chánh án tuyên bố tòa tạm ngừng để cùng các vị hội thẩm vào phòng nghị án thảo luận.

Từ phòng nghị án trở ra, ngài chánh án đại diện  hội đồng xét xử tuyên bố: Các luận điểm của vị đại diện VKS và luật sư bào chữa cần được tòa xem xét cặn kẽ và cụ thể dựa trên từng bài báo được VKS dùng làm bằng chứng cho việc truy tố bị can.

(Còn tiếp phần 3: tranh luận về từng bằng chứng.)

Ghi chú: Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1.   Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.   Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

(Còn tiếpfree counters

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...