Lạm phát leo thang
Thứ Năm, 21.10.2010 | 12:36 (GMT + 7)
Hôm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tại hai thành phố lớn được công bố với mức tăng mạnh 1,22% và 0,455%. Tuy nhiên, cơ quan quản lý giá Bộ Tài chính vẫn khẳng định: Chỉ số giá năm 2010 sẽ trong tầm kiểm soát...
Cân đối cung cầu ngoại tệ hiện tại đang tạo áp lực lên tỷ giá. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Phản ứng của thị trường
CPI tháng 10 của Hà Nội tăng 1,22% - mức cao nhất tại địa phương này trong 8 tháng gần đây; TP Hồ Chí Minh, mức tăng CPI 0,45%. Trong tháng 10, ngoại trừ nhóm bưu chính viễn thông vẫn giữ nguyên so với tháng trước thì 10 nhóm hàng còn lại gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông; may mặc, mũ nón, giày dép; đồ uống và thuốc lá; giáo dục... đều có chỉ số giá tăng.
Lý giải về mức tăng đột biến giá cả của Hà Nội là do trong những ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các dịch vụ ăn uống tăng giá mạnh. Mặc dù Tổ điều hành thị trường trước đó đưa ra dự báo CPI tháng 10 của cả nước sẽ tăng khoảng 0,5%, nhưng với mức tăng trên của hai thành phố lớn, khả năng mức tăng CPI trên thực tế sẽ vào khoảng 0,7-0,8%. Với mức tăng này, cộng với CPI 9 tháng tăng 6,48%, thì CPI 10 tháng đầu năm của cả nước chắc chắn vượt con số 7%.
Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bình luận: “Lạm phát luôn tỷ lệ thuận với lãi suất. Như vậy, việc giảm lãi suất dù vừa diễn ra nhưng các ngân hàng sẽ tính toán cân đối lại. Và chắc chắn, họ sẽ tính thêm phí cho các khoản vay để bù đắp”.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD tiếp tục bước sang ngày thứ ba biến động mạnh khi tại nhiều điểm giao dịch tại Hà Nội đã đẩy lên mức 20.000 đồng (mua vào) và 20.100 đồng (bán ra). Dù bảng niêm yết tỷ giá của các ngân hàng hầu như không đổi trong nhiều ngày qua, trong đó bán ra đứng im ở mức trần 19.500 đồng. Tuy nhiên, giao dịch thực tế đã bỏ xa ngưỡng này.
Trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng đã chấp nhận mua bán của nhau với giá trên 19.800 đồng/USD. Giá vàng có một ngày trồi sụt nhẹ và đứng ở ngưỡng bán ra 33 triệu đồng/lượng. Ngược lại, trước những lo ngại thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm kiềm chế lạm phát, thị trường chứng khoán hôm qua giảm phiên thứ 4 liên tiếp.
Lạm phát khó dưới 8%
Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá, lượng tiền cung ứng ra lưu thông nhiều hơn; thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn...là những yếu tố tác động đang gây sức ép đẩy mặt bằng giá từ nay đến cuối năm tăng cao. Tuy vậy, cơ quan này vẫn khẳng định chỉ số giá năm 2010 sẽ ở trong tầm kiểm soát. Vì theo Cục Quản lý giá thành phố Hà Nội và TPHCM tiếp tục áp dụng biện pháp hỗ trợ vốn cho các DN bán các mặt hàng thiết yếu thấp hơn giá thị trường 5-10% đến hết năm.
Bên cạnh, dự báo giá gạo trong các tháng tới sẽ ổn định như hiện nay hoặc nếu có tăng thì sẽ tăng nhẹ. Nhóm thực phẩm tươi sống, có khả năng tiếp tục vững giá; thép, thuốc, xi măng sẽ không đột biến. Đặc biệt, theo dự báo mới nhất của 31 nhà phân tích, diễn biến giá xăng dầu không có biến động so với hiện tại và giá dầu thô trung bình của năm 2010 sẽ ổn định ở mức 75-80 USD/thùng…
TS Vũ Đình Ánh, dự đoán: Mục tiêu kiềm chế lạm phát 7- 8% cả năm nay rất khó thành. Theo ông Ánh, việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không phải bình ổn giá cả. “Gốc rễ của lạm phát năm nay là do chúng ta không giải quyết được vấn đề nhập siêu, trong khi đó để giảm nhập siêu phải đi vào tái cấu trúc nền kinh tế; hạn chế nhập siêu cho những dự án lớn nhưng thực tế chúng ta vẫn đang làm ngược lại.
Chính điều này tạo sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ và tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái, từ đó khiến VND mất giá ngay trong nước. Nếu cố giữ CPI năm 2010 dưới một con số bằng các biện pháp hành chính như bình ổn giá lúc này thì cũng có thể đạt được nhưng khả năng lạm phát leo thang mạnh vào năm sau là điều rất dễ xảy ra” - Ông Ánh phân tích.
Cách nào kìm giá? Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay: Từ nay đến cuối năm giá điện, giá than bán cho 4 hộ tiêu thụ lớn phải giữ ổn định. Bộ sẽ sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng, dầu ở mức hợp lý. Một số mặt hàng khác như nước sạch cho sinh hoạt, cước vận tải hành khách, xe buýt, giá một số hàng hóa dịch vụ quan trọng Nhà nước còn định giá vẫn được giữ ổn định để bình ổn mặt bằng giá chung. |
Theo TPO
Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Lam-phat-leo-thang/17421
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"