Wednesday 20 April 2011

405.Diễn đàn kinh doanh lần II: bàn cách làm ăn thời biến động

SGTT.VN - Diễn đàn kinh doanh lần II với chủ đề: Làm ăn trong thời kỳ nhiều biến động chính thức khai mạc sáng nay 21.4.2011 tại Trung tâm hội nghị và sự kiện White Palace, số 194 Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.

Hơn 400 doanh nghiệp tham dự diễn đàn kinh doanh lần II (21.4.2011). Ảnh: Trần Việt Đức

Đây là cuộc gặp gỡ thường niên lần thứ II giữa tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh; ông Trần Sĩ Chương – chuyên gia nghiên cứu và tư vấn quản trị doanh nghiệp cùng hơn 400 nhà doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Hai diễn giả, TS Vũ Thành Tự Anh, ông Trần Sĩ Chương và các đồng sự từ hơn 400 doanh nghiệp đăng ký tham dự diễn đàn sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với những biến động thị trường trong và ngoài nước; thảo luận về các giải pháp để biến thách thức trước mắt thành cơ hội tồn tại và phát triển; đặc biệt là các vấn đề về chi phí vốn, nhân lực, tái cấu trúc doanh nghiệp để có các lợi thế cạnh tranh.

Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền TBT báo SGTT phát biểu khai mạc. Ảnh: Thanh Hảo

Phát biểu khai mạc diễn đàn kinh tế lần thứ II, ông Nguyễn Xuân Minh, quyền tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị nhấn mạnh: “Diễn đàn này là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa giới kinh doanh và những nhà kinh tế về những vấn đề mà đời sống làm ăn, phát triển của đất nước đang bận tâm. Mỗi người với tư cách là người tiêu dùng oằn nặng nỗi lo lạm phát. Nền kinh tế đất nước đang trải qua thách thức phải vượt lên khó khăn trong một thời kỳ mà mỗi chuyển động giá cả của thế giới, từng làn gió nóng chính trị bất an ở khu vực Trung Đông, từng nhịp rung lắc bởi các cơn địa chấn ở Nhật, từng con số kê cao gánh nặng nợ nần của các chính phủ đều “hội nhập” nhanh chóng và sâu sắc vào tình thế thị trường, biểu đồ tăng giảm giá cả, vào đường cong lãi suất, vào bảng cân đối tài chính các công ty. Túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam mới vừa thoát khỏi ngưỡng nghèo đói cũng trở nên mong manh theo mỗi biến động đó”.

Mở đầu diễn đàn, TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc chương trình Fullbright tại Việt Nam báo cáo về tình hình kinh tế thế giới theo nghiên cứu của ngân hàng Thế giới (WB).

Ông Tự Anh cho biết, kinh tế thế giới đang đứng trước những khó khăn: nợ công chính phủ đang tăng cao, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao: dầu mỏ, lượng hàng tồn, nhất là nhóm hàng ngũ cốc ở các quốc gia lớn; lãi suất ngân hàng ở nhiều quốc gia tăng cao...

 

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định: kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, biến động... Ảnh: Thanh Hảo
   

Theo chuyên gia Trần Sĩ Chương, trong khó khăn, yếu tố quan trọng là con người, từ công nhân của công ty cho đến khách hàng. Ảnh: Trần Việt Đức

Cũng trong báo cáo này, ông Tự Anh đã đề cập đến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011: dấu hiệu hồi phục có chững lại, chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) tăng nhanh trở lại (trên 3%) do chỉ số giáo dục tăng (25%), thực phẩm tăng 18%, lương thực tăng 16%, giao thông tăng 10%, lãi suất tăng nhanh và duy trì ở mức cao (trên 14%). Trong báo cáo này, ông Tự Anh cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 khoảng 5,4%.

Chuyên gia Trần Sĩ Chương cho rằng kinh tế Việt Nam đã “mở”, nên những biến động của nền kinh tế thế giới sẽ tác động vào kinh tế Việt Nam. Theo ông Chương, nền kinh tế thế giới đang trong thời kỳ khó khăn vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới cách đây 4 năm, đến nay mới phát sinh thành “bệnh” đối với nhiều nền kinh tế khu vực, các nước. “Tôi không lạc quan lắm với nền kinh tế thế giới hiện nay”, ông Chương nói.

Trong tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động xấu, doanh nhân sẽ phải làm gì để “sống chung với thời khủng hoảng” là một thách thức với các doanh nghiệp hiện nay. Ông Chương cho rằng, trong khó khăn, yếu tố quan trọng là con người, từ công nhân của công ty cho đến khách hàng. Hiện nay, người tiêu dùng đang “tăng thu, giảm chi”, doanh nghiệp phải có cách tính riêng để thuyết phục người tiêu dùng, chiếm thị phần... mới mong tìm ra hướng tồn tại.

Doanh nghiệp: tìm cách vượt khó

Ông Lý Ngọc Minh, giám đốc công ty gốm sứ Minh Long I. Ảnh: Trần Việt Đức

Ông Lý Ngọc Minh (công ty gốm sứ Minh Long I, Bình Dương) cho rằng,“vốn” lớn nhất mà doanh nghiệp đang có chính là “tri thức”. Trong thời kỳ khó khăn, nếu doanh nghiệp biết khai thác “nguồn vốn nhân lực” sẽ khắc phục ít nhiều về nguồn vốn tài chính, giảm được giá thành, tăng lợi nhuận...

Ông Minh cũng xác nhận: “Nói thì dễ, nhưng làm như thế nào mới là chuyện khó. Minh Long đang đứng trước khó khăn về năng lượng (điện, gas). Để khắc phục nguồn gas để nung, thay vì nung 4 lần thì nay Minh Long chỉ còn nung 3 lần với yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm. Từ đầu năm nay, Minh Long đã áp dụng quy trình sản xuất mới này.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Trần Hữu Chinh, giám đốc công ty Fideco (TP.HCM) nói rằng, trong thời kinh tế toàn cầu khó khăn, những biến động như nguồn vốn, lãi suất đã làm nhiều doanh nghiệp mất thị trường, chuyển đổi khách hàng. Hiện nay, Fideco mua nguyên liệu là lúa mì gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng, chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia trồng lúa mì, tỷ giá, ngoại tệ thiếu... “Khó khăn, doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tái cấu trúc với mục tiêu tăng trưởng, đem lại những giá trị cho doanh nghiệp”, ông Chinh chia sẻ.

Theo ông Chinh, Fideco đang xem xét lại cấu trúc doanh nghiệp, khâu nào yếu sẽ thay đổi, bộ phận nào lỗ sẽ cắt, nhưng quan trọng hơn cả là đào tạo con người theo những tiêu chuẩn quốc tế. Để tạo ra giá trị gia tăng cao, theo ông Chinh, cần có sự đầu tư đồng bộ giữa đào tạo và tái đào tạo đội ngũ nhân lực cùng với xây dựng hệ thống quản trị hiện đại.

Diễn đàn cũng là nơi các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với những biến động thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Việt Đức

TS Lê Nguyễn Minh Quang, tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche cho rằng, nên cân nhắc hướng dòng vốn phân bổ từ đầu tư công sang đầu tư cho khối doanh nghiệp. Ông dẫn chứng, dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vốn đầu tư ban đầu là 199 triệu USD nay đã tăng lên 316 triệu USD, thời gian kết thúc dự án theo kế hoạch ban đầu là năm 2007 nhưng đến nay, 2011, dự án vẫn chưa hoàn tất. Theo ông Quang, thay vì cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để tìm cách tiết kiệm, giảm bớt những khoản chi trung gian.

Ông Sử Ngọc Khương, giám đốc nghiệp vụ của công ty kinh doanh bất động sản Savills cho rằng, so với các doanh nghiệp các ngành nghề khác, ngành kinh doanh bất động sản cần nguồn vốn nhiều hơn vì giá trị của mặt hàng này cao hơn giá trị các ngành nghề khác.

Vấn đề vốn, lãi suất cao cũng là một trong những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trong thời kỳ nhiều biến động hiện nay. Ảnh: Thanh Hảo

Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản cần xem xét lại danh mục đầu tư để hiệu quả đạt cao hơn, “niềm tin vào ngành hàng này vẫn còn nhiều cơ hội trong tương lai khi nền kinh tế quốc gia ấm lại”, ông Khương nhận định.

Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành (TP.HCM), ông Nguyễn Văn Đực cho rằng cần có tầm nhìn xa về chiến lược kinh doanh và con người, không phải chờ đến lúc khó khăn mới nghĩ đến chuyện tái cấu trúc. Doanh nghiệp phải có nhiều loại sản phẩm với giá thành hợp lý, bất luận tình hình kinh tế thế nào cũng bán được hàng. “Chiến lược hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó”, ông Đực nói.

Nhận xét về tình hình tài chính – tín dụng, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng: “Cần có chính sách ưu đãi lãi suất cho một số ngành nghề thiết yếu để hạ giá thành sản phẩm”. Doanh nghiệp hiện nay đang cần vốn. Nếu không có vốn, doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, người lao động mất việc làm, thị trường thiếu hàng hóa... là một vòng tròn không lối thoát.

Tìm những lối thoát

Trong bối cảnh làm ăn khó khăn, việc cắt giảm chi phí được thực hiện bằng nhiều cách như tìm kiếm vật liệu mới thay thế với giá thấp hơn hoặc mở rộng thị trường mới... Ông Nguyễn Anh Ngọc, phó giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) đưa ra hướng tiếp cận các thị trường lân cận như Campuchia, nhất là Lào vì những thuận lợi về địa lý, văn hóa tiêu dùng. Hiện nay, ITPC đang xúc tiến tìm hiểu thị trường Philippines, Indonesia.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng Nhà nước cần có chính sách để hướng dòng vốn vào sản xuất và các khu vực kinh tế có hiệu quả, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Sơn lo ngại trong điều kiện lãi suất cao như hiện nay, không loại trừ có hiện tượng doanh nghiệp bán bớt tài sản để gởi tiền vào ngân hàng kiếm lãi.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, giám đốc công ty L&A cho rằng, thực tiễn kinh doanh cho thấy vai trò của việc áp dụng quản trị có hiệu quả trong cải thiện hiệu qủa kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục cập nhật…

nhóm phóng viên

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...