Friday, 18 March 2011

341.Quan hệ doanh nghiệp-người lao động thời tăng giá

Doanhnhan.vn. Những ngày gần đây, các mặt hàng thiết yếu như: xăng, điện, nước... đều tăng giá, kéo theo giá rất nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, khiến cuộc sống của những người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp lại bị xáo trộn. Bên cạnh đó là rất nhiều hệ lụy khác có nguy cơ xảy ra trong mối quan hệ giữa hai chủ thể vốn thường mâu thuẫn về lợi ích, đó là doanh nghiệp (DN) và người lao động.

Doanh nghiệp đuối sức

Thực phẩm tăng giá khiến đời sống người lao động thêm khó khăn - Ảnh: Quý Hòa
Có lẽ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người có thu nhập thấp, công nhân và học sinh, sinh viên. Nhiều người đã “thắt lưng buộc bụng”, loại thịt, cá ra khỏi bữa ăn để “tương xứng” với số tiền lương đã bị teo tóp đi nhiều do đồng tiền mất giá.

Nếu như trước đây nhiều người có thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi tiêu mỗi tháng còn để dành được chút ít, thì nay chỉ gói ghém vừa đủ sống, không dư được đồng nào.

Giá tăng nhưng lương không tăng khiến đời sống của người lao động ngày càng khó khăn. Và tất nhiên DN cũng không tránh khỏi đau đầu trước tình hình các loại vật tư, nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng giá, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Họ cũng đang loay hoay tìm kiếm những giải pháp hợp lý để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa DN và người lao động.

Đầu tháng 2 vừa qua, tỷ giá USD tăng đã kéo theo giá nguyên liệu đầu vào, nhất là nguyên liệu nhập khẩu, tăng theo. Tiếp đến là giá xăng dầu, giá điện tăng khiến chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào tăng vọt.

Ngoài ra, hiện nay mặt bằng lãi suất ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức cao, khoảng 18 - 20%/năm, cũng tác động không ít đến lợi nhuận của nhiều DN.

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, DN đang đuối sức trước mặt bằng lãi suất hiện nay. Nguồn vốn cao sẽ kéo theo chi phí, giá thành, hàng tồn kho tăng lên, trong khi sức mua, sức cạnh tranh, lợi nhuận lại kém đi.

Khả năng DN thu hẹp hoặc đình hoãn sản xuất hoàn toàn có thể xảy ra. Rất nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều nhà thầu không dám thi công các công trình lớn mà chỉ quan tâm đến những dự án ngắn hạn, tất cả chỉ vì muốn duy trì hoạt động để giữ chân người lao động.

Bài toán “lao động, tiền lương”

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, điện trong thời gian qua đã gián tiếp tác động đến đời sống người lao động, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn và DN lại phải tìm cách tăng lương, đảm bảo đời sống cho họ.

Thực tế trên cho thấy, nhiều DN đang đứng trước muôn vàn khó khăn do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài. Nếu chịu thêm áp lực tăng lương từ bên trong, rất có thể nhiều DN sẽ phải đóng cửa để bảo toàn nguồn vốn. Đó là nguy cơ có thực và chứa đựng nhiều bất trắc cho cả nền kinh tế và xã hội.

Để đối phó với tình trạng giá cả, chi phí tăng cao như hiện nay, hàng loạt phương án cắt giảm chi phí, tái cấu trúc sản xuất hay sắp xếp lại nhân sự... đang được các DN tính đến.

Một số DN đã tính đến phương án thay đổi dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại, tiết giảm tối đa chi phí vận hành, cắt giảm nhân sự. Một số khác thì chủ động dừng hẳn, hoặc cắt giảm số lượng dây chuyền sản xuất để tập trung vào những mặt hàng chủ lực, có tính cạnh tranh cao.

Cũng có các DN áp dụng chính sách “tăng việc, giảm người”, bố trí thêm việc cho những người giỏi, có năng lực, đồng thời cắt giảm những vị trí không thực sự cần thiết.

Một số DN còn lựa chọn phương án không tuyển thêm nhân viên, mà chỉ quan tâm tăng lương, tăng phúc lợi nhằm khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả hơn, sẵn sàng gánh vác thêm công việc để tăng thu nhập.

Ngược lại, nhiều DN cũng đứng trước áp lực thiếu hụt nhân sự khi không đáp ứng được yêu cầu tăng lương của người lao động. Nếu không được tăng lương, cuộc sống không được đảm bảo, rất nhiều khả năng người lao động sẽ bỏ việc, tìm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều cuộc đình công của công nhân ở một số DN, nhất là các DN nước ngoài, do đồng lương quá thấp, người lao động không đủ trang trải cuộc sống trong tình hình giá cả tăng cao. Nếu để tình trạng này kéo dài và lan rộng thì cả DN lẫn người lao động đều bị thiệt thòi.

Như vậy, trước những khó khăn hiện tại, cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn giữa DN và người lao động. DN cần thường xuyên thăm hỏi và động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động, có những thay đổi kịp thời về mức lương, đảm bảo cho người lao động có được cuộc sống ổn định, đồng thời cũng nên giải thích rõ những khó khăn DN đang gặp phải để có được sự thông cảm của người lao động.

Cả người lao động và chủ DN đều phải biết hy sinh một chút lợi ích của mình để cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai.

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...