Saturday 12 March 2011

327.Xã hội bức xúc vì thẩm phán yếu kém

Xã hội bức xúc vì thẩm phán yếu kém

TT - Ngày 10-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Quốc Vượng (đứng) và chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình (ngồi cạnh) đều khẳng định mình chịu trách nhiệm về hoạt động của ngành thì phải được quyền tự đào tạo cán bộ - Ảnh: Lê Kiên

Đối tượng được mời ra điều trần là lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao.

Thiếu và yếu

Tại phiên điều trần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “Việc đào tạo thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên chất lượng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ quan sử dụng đặt ra. Phần lớn là các cán bộ được ngành cử đi học chứ chưa thực hiện được việc tuyển sinh rộng rãi để chọn được người thật sự có năng lực... Hiện cả nước có gần 3.000 chấp hành viên, trong khi để thi hành khoảng 650.000 vụ việc mỗi năm cần khoảng 7.000 người”.

Trung tướng Phạm Quý Ngọ - thứ trưởng Bộ Công an - thừa nhận: “Việc khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng điều tra viên chưa đảm bảo các căn cứ khoa học, chưa gắn với yêu cầu thay thế, bổ sung lực lượng cho các cơ quan điều tra. Đến nay vẫn còn hơn 2.000 điều tra viên được bổ nhiệm từ năm 2007 chưa đạt chuẩn về trình độ theo quy định... Trong khi đó đến năm 2015, chỉ tính riêng nhu cầu ở cấp huyện cần bổ sung ít nhất gần 7.000 điều tra viên”.

Thông tin trên của trung tướng Phạm Quý Ngọ bị ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chất vấn: “Tại sao hơn 2.000 điều tra viên không đủ điều kiện mà vẫn được bổ nhiệm lại? Vậy trong trường hợp luật sư người ta đề nghị viện kiểm sát kháng nghị lại kết quả điều tra của những điều tra viên này thì sao?”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đưa ra con số khác: trong tổng số 16.300 cán bộ công tác tại các cơ quan điều tra có tới 80% chưa có trình độ đại học, cao đẳng”.

“Tình trạng bỏ lọt tội, sai sót trong điều tra gây oan sai... có nguyên nhân là trình độ điều tra viên” - bà Nga nói.

Giao việc đào tạo cho ngành?

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình và viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Quốc Vượng cho rằng không nên để Học viện Tư pháp đào tạo tất cả các chức danh tư pháp như kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, công chứng viên, chấp hành viên... vì như vậy sẽ quá tải cho học viện này và gây bất cập cho công tác cán bộ của ngành khác.

“Sự yếu kém của đội ngũ thẩm phán đang là vấn đề bức xúc của dư luận xã hội. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xét xử chưa đạt yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế” - ông Bình phân tích. Theo ông, việc đào tạo thẩm phán, công tố viên, điều tra viên là đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng nên chỉ ngành đó phụ trách công tác đào tạo thì mới tốt được.

Theo ông Vượng, hiện nay cán bộ tư pháp đang thiếu rất nhiều, nếu không tính kỹ bước đi mà đưa vào một đầu mối đào tạo thì không thể giải quyết được. “Tôi chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của ngành kiểm sát thì tôi phải được đào tạo đội ngũ của mình” - ông Vượng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba phân tích: Mục đích đào tạo các chức danh tư pháp là làm sao để có đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp chuyên nghiệp, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu tranh tụng tại tòa án. Riêng với ngành công an thì cần “chấm dứt cho được tình trạng khởi tố không chính xác, khởi tố điều tra rồi nhưng sau đó chỉ xử lý hành chính, tình trạng hồ sơ vụ án phải trả đi trả lại nhiều lần do chất lượng điều tra yếu, tình trạng vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra...”.

Bà Thu Ba khẳng định tất cả những vấn đề đặt ra trong phiên điều trần này sẽ được đưa ra bàn bạc tại phiên họp tới đây của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, sau đó sẽ trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Chuẩn bị cải cách tư pháp

Sáng 10-3, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh kiểm sát viên Viện KSND và pháp lệnh sửa đổi một số điều của pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm TAND.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm TAND là quy định có ba ngạch thẩm phán gồm: thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Tương tự, đội ngũ kiểm sát viên cũng được phân thành các ngạch gồm: kiểm sát viên Viện KSND tối cao, kiểm sát viên trung cấp và kiểm sát viên sơ cấp. Việc sửa đổi hai pháp lệnh trên nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc điều động, bố trí cán bộ và cũng là bước chuẩn bị cho lộ trình cải cách để các cơ quan tư pháp không lệ thuộc vào đơn vị hành chính.

LÊ KIÊN

2 comments:

  1. Không costrinhf độ cán bộ yếu kém. Chỉ có cán bộ giỏi và rất khôn, biết luốn lách để lên chức tăng lương và cực kì ngoan ngoãn với cấp trên. Phải chăng tài của họ buộc phải tạm giấu đi để thực hiện chỉ thị từ cấp trên...?

    ReplyDelete

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...