Thời của lý luận và lý thuyết nào?
(Thư riêng gửi bạn Tống Văn Công để đọc chung)
1
Ông Công à,
Nói thật đấy nhé: ngày nay, trong đội ngũ những người còn xuất hiện trong cái thần thái đáng được chú ý về sự xả thân cho lý luận và lý thuyết, có lẽ chỉ còn một ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và một ông Tống Văn Công (xem bài: Thế nào là đột phá về lý luận. Suy nghĩ từ ý kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Hội đồng lý luận trung ương” – Trần Hữu Dũng, 24-10-2011).
Mặc dù lĩnh vực đề tài mà ông Trọng cũng như ông Công quan tâm trên phương diện lý luận đều thuộc chính trị và tuyên truyền, song chỉ khi bỗng dưng hai ông cùng một lúc phát biểu về một chủ đề và theo định hướng ấy, thì tôi mới có thể góp chuyện hầu một trong hai ông (tức ông Công – nói rõ cho khỏi hiểu nhầm). Nói như vậy cũng để phân định một điều này: cùng chuyện “lý luận”, “lý thuyết”, điều ông Công cũng như ông Trọng quan tâm, ấy là tuyên truyền. Đó tức là công việc tìm cách thuyết phục cho mọi người có một niềm tin, trong khi đối với tôi, nếu cũng phải làm gì dính dáng tới “lý luận” hoặc “lý thuyết”, điều tôi quan tâm lại là làm cách gì cho con người biết hoài nghi niềm tin của họ.
Ấy chính vì có sự khác nhau đó nên mới cần thỉnh thoảng tuy không quen nhau mà vẫn cứ phải “gửi thư” cho nhau!
2
Đặc điểm duy nhất tự cổ chí kim của công việc tuyên truyền có thể tìm thấy trong phương thức làm ăn của các nhà truyền giáo. Chỗ khác nhau của các nhà và trong các thời là ở cách thức truyền giáo. Vào cái thời đầu óc con người còn mông muội (cả nhà truyền giáo cũng không nhỉnh hơn công chúng là bao), thì truyền giáo theo lối sấm ký và theo cách ghi nhận những phép lạ (khi thiếu phép lạ thì có thể tạo ra chúng rồi lý giải những phép lạ ấy theo cách có lợi cho công việc của mình). Thế rồi đến khi con người có cái đầu óc bắt đầu khó trị tiến dần đến bất trị, thì công việc truyền giáo cũng chuyển sang mang mùi vị “thị trường” hơn – thị trường đến mức ngay cả các cô hoa hậu đang bị lột truồng ra trên sân khấu trước cả tỷ cặp mắt trần, thì lởn vởn trên tầng cao cũng vẫn có tí sắc màu “đạo đức” hoặc “triết học” nào đó do ban tổ chức rắc xuống!
Trở lại chuyện truyền giáo. Công tác truyền giáo như trên giả định ba điều: một là trước hết phải có một giáo lý để các nhà truyền giáo đem đi quảng bá; hai là, cái giáo lý đem phân phát đó cũng lại phải được giả định là chứa đựng chân lý vĩnh cửu; và ba là, cái chân lý muôn đời ấy lại phải được giả định là được gửi gắm, không chỉ gửi gắm, còn hiện thân trong những nhà truyền giáo.
Trong cái chuỗi diễn dịch bên trên, khâu thứ nhất thường được phát ra như là “Lời của thánh thần” – vì thế mà để tiện trông mặt đặt tên, kèm theo ông thánh ông thần kia, người ta thêm cho cái đuôi tiếng Anh ism hoặc đuôi tiếng Pháp isme, sang tiếng Việt và Hoa thành chữ chủ nghĩa. Buddha-chủ nghĩa, Kitô-chủ nghĩa, Mahomet-chủ nghĩa … rồi có Marx-chủ nghĩa, Lenin-chủ nghĩa, Hitler-chủ nghĩa, Mao-isme và Stalin-ism … hai bác vừa nhắc đến cuối cùng này là thú vị hơn cả, nhưng lát nữa mới nói. Cụ Hồ là người tuyệt vời, cụ xua quầy quậy, cụ nhường hết những điều to tát cho các chú cùng thời, tên của cụ chẳng thèm gắn với bất kỳ cái đuôi nào, kể cả và nhất là cái đuôi isme.
Còn lại cái khâu thứ hai, một giáo lý-chân lý và khâu thứ ba, những nhà truyền giáo. Chẳng cần phải học hành giỏi giang, chỉ cần quan sát sự đời nhờ kinh nghiệm, con người cũng dần dần thực hiện được bước chuyển từ cuộc sống không thể thiếu thần thánh sang cuộc sống chẳng cần mấy đến thánh thần. Sự biến chuyển nhận thức cảm tính đó thực hiện dễ hơn cả ở những nhà văn, trong phòng thí nghiệm của họ là đời sống cảm tính. Nhà văn Pháp Alphonse Daudet, trong truyện Hoàng tử nhỏ sắp chết (La mort du Dauphin) đã mô tả sự lung lay của Chân lý khi Hoàng tử con vua cha đầy quyền lực thì cũng vẫn cứ chết như con nhà thường dân. Trong tiểu thuyết của Thomas Mann Ngọn núi huyền ảo (La montagne magique) chỉ qua bối cảnh nhà nghỉ dưỡng Berghof, tác giả đã điểm lại toàn bộ nền văn minh phương Tây trong cảnh em bé níu kéo lấy cuộc sống trần gian, nằng nặc từ chối xưng tội lần cuối để thanh thản từ giã cõi đời này và – thanh thản sao được kia chớ? – để bước qua một chốn đẹp hơn như vẫn truyền tụng theo giáo lý.
Giáo lý hết thiêng – nhưng nhà truyền giáo lại chưa chết ngay cho, bi kịch của mọi cuộc sống chi phối bởi tôn giáo là ở đó! Các giáo sĩ thay phiên nhau tỏ ra thông minh hơn nhau một chút, kiễng chân cao hơn đồng nghiệp một chút, để tìm cách làm cò mồi cho một cái tưởng như là mới hơn kỳ tình cả hai cái “cũ” và “mới” thảy đều cũ mèm. Hệt như trong tiểu thuyết Rumani của N. Stancu được Trần Dần dịch và in ở Hà Nội, Những người chân đất, hai anh luật sư cãi nhau ở tòa tưởng đâu như họ có thể xé xác nhau để bảo vệ thân chủ … thế rồi xong phiên tòa, cả hai cùng ra quán bia, và nâng cốc cho những thời cơ vàng sẽ còn diễn ra nhiều nhiều – chữ “thày cò” có lẽ ra đời từ đó ở xứ Lỗ-Mã-Ni?
3
Cùng với công nghiệp hóa trên phạm vi toàn cầu, khi chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần lan tràn trong thời hiện đại, thì cũng bắt đầu thời đại phá sản của tất cả các lý luận và lý thuyết vốn “linh thiêng” một thời.
Lời của những đấng linh thiêng kiểu như Zarathoustra ngồi phán trên núi cao không còn lọt tai tất cả mọi con người nữa. Niềm tin tôn giáo lung lay khắp nơi. Ngay cả ông thày tu như Teilhard de Chardin thì cũng từng là một nhà địa chất học, và phần hồn con người cũng được nhà bác học thày tu đó nhìn như một “quyển” – cái được ông đặt tên là noosphère (Trần Dần xúi tôi hiểu đó là “tuệ quyển”). Các giá trị đơn sắc của những tín điều đã bị khoa tâm lý học chọc vào để lý giải sự tiếp nhận tự do đa sắc của con người đa dạng và đa diện. Việc một nhà bác học như Pavlov ở Liên Xô cứ mỗi sáng Chủ nhật lại cố ý cho bà con hàng phố thấy cả nhà ông đi lễ nhà thờ không biết có bao nhiêu phần tín ngưỡng và có bao nhiêu phần chọc tức?
Nghĩ rằng, đã có một nguyên nhân kép, hoặc có hai nguyên nhân gắn bó soắn suýt nhau, mà ta cần suy nghĩ để lý giải sự mất thiêng trong đau đớn của các giáo lý. Để đi tới những thành tựu khoa học, các nhà bác học không thể không có nhãn quan duy vật – từ “nhà bác học đồ tể” Galien giải phẫu xác các đấu sĩ đến nhà tư tưởng sinh học cao siêu Charles Darwin đều có chung những chứng cứ vật chất của sinh giới. Thế rồi, tất cả các nhà khoa học duy vật ấy đều đứng trước một sự thật trần trụi không con người nào tránh nổi: cái chết. Cái chết không trừ một con người “bất tử” nào! Và không con người nào không bất tử ấy lại biết rõ sau khi chết mình sẽ đi đâu. Bộ phim mới nhất vô cùng cảm động về Charles Darwin khi bắt gặp cái chết của cô con gái yêu trong lúc đã hết trong lòng ông cái niềm tin về một linh hồn bất tử về nước Chúa, câu chuyện đã phần nào cho ta thấy một gương mặt kép trong cái nguyên nhân vừa nhắc tới.
Thực tại ấy làm thay đổi nhận thức và thay đổi dần thái độ con người trước những lý luận, những lý thuyết vẫn tồn tại như những chân lý muôn đời. Con người thời hiện đại bỗng chân thành hơn nhiều, họ từ chối cãi chầy cãi cối bảo vệ và tán phát giáo điều của những thánh thần đã chết hoặc những thần thánh đang thoi thóp. Khiêm nhường hơn nhiều, con người hiện đại không muốn tin là mình có khả năng truyền đạt những giáo lý cao vòi vọi. Và thiết thực hơn nhiều, con người hiện đại tin vào những gì chính năng lực của mình tạo được ra – thay vì hô khẩu hiệu cho “sức mạnh quần chúng” thực hiện hô.
Thời hiện đại được chứng kiến sự ra đời của những ý tưởng thiết thực bao giờ cũng đi kèm với những giải pháp được “nhà tư tưởng” – đơn giản là tác giả của ý tưởng – tự mình đứng ra thực hiện. Thời đại mới là thời đại của những cá nhân (hoặc nhóm – mà nhóm thì cũng bắt đầu từ một cá nhân trước khi lan sang các cá nhân khác cùng “thanh khí” và tài năng) thực sự định ra một hướng đi và đồng thời cũng định ra cả cách làm để đạt mục tiêu, với rất nhiều dè dặt tạo cơ hội cho những điều chỉnh dọc con đường đi đến mục tiêu.
Hiểu về lý luận và lý thuyết theo cách khác đi sẽ giúp con người nhìn thấy kết quả những “kiến nghị với cuộc sống” do chính mình đưa ra và chính mình thực thi. Ngay cả những ý kiến đen tối cỡ như tư tưởng làm sạch tộc người Arien bằng cách tiêu diệt hết người Do Thái của Hitler thì cũng cho kết quả trong vòng một phần tư thế kỷ – mà không hề viện dẫn tới bất kể “thời kỳ quá độ” co giãn nào. Hoặc sáng kiến thiết lập nền khoa học vô sản bằng cách đưa “điển hình tiên tiến” Mitchourin-Lysenko thành lý thuyết cách mạng: giải pháp của Stalin (cũng như phong cách Mao Trách Đông sau này) dẫn tới sự đàn áp và giết chết hàng chục triệu người. Nhưng cả “bác Mao” lẫn “ông Stalin” đều được thấy kết quả nhãn tiền. Đáng thương chính lại là đồng chí Lysenko: trong cuốn sách kể lại chuyện này, đồng chí ấy được mô tả như một con người quằm quặm quàu quạu, cau có khó khăn, chắc là vì trong chăn nên biết tỏng trong chăn có gì, biết đó mà không cưỡng lại được!
Hiểu về lý luận và lý thuyết theo cách khác đi sẽ giúp cho các nhà “sáng tạo” có khả năng hiện thực kiểm chứng kết quả của tư tưởng của chính mình. Vĩ đại như Einstein cũng được các đồng nghiệp đo giúp độ lệch của tia mặt trời, để thấy rằng mình không sai. Khổng lồ như Charles Darwin thì cũng có các bạn đồng nghiệp hậu sinh moi ra cái cơ chế thông tin di truyền xoắn xuýt xanh đỏ tím vàng, đẹp ơi là đẹp, mỏng manh ơi là mỏng manh, mà sao mạnh thế, mạnh gớm ghê, mạnh cho đến khi loài người công bố bản đồ gen thì mới càng thấy loài người không cần những thần thánh với những chân lý muôn năm – chỉ vài ba chục năm thôi, nhưng nếu thực thi được tư tưởng tốt đẹp của một người, thế đã là quá đủ!
Hiểu về lý luận và lý thuyết theo cách khác đi sẽ giúp cho loài người bớt sản sinh ra những anh nói khoác (hoặc nói những điều vô bổ). Và bớt cả những anh còn tiếp tục đối thoại với những anh nói những điều chính mình cũng cóc hiểu là gi gỉ gì gi nhưng cái gì cũng cứ nói lấy được!
Chào anh Công, chúc anh vui khỏe.
Chú thích cùng lúc chấm hết bài viết này: mình vừa đọc được tin sau “Chủ tịch Mustafa Abdul Jalil nói trong ngày chiến thắng Gadhafi “Tôi kêu gọi mọi người hãy tha thứ, khoan dung và hòa giải. Hãy bỏ qua thù hận và ghen ghét trong linh hồn của mỗi chúng ta. Đây là việc cần thiết cho sự thành công của cách mạng và của tương lai Libya”. Đó là một tư tưởng. Tư tưởng đó còn cần giải pháp khả thi. Để cho phù hợp với tiêu chuẩn của lý luận và lý thuyết vào thời hiện đại. Chúc các đồng chí hậu kỳ Ngu Tối Kaddafi thoát được giai đoạn quá độ để sớm qua cõi Sáng.
Hà Nội, đêm 27-10-2011
Viết khi nhớ đến các đồng nghiệp trong nhóm C.B.
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"