Friday, 21 October 2011

544.Không gần gũi như môi với răng

Trung Quốc không nên sợ tình bạn ngày càng khăng khít giữa Ấn Độ và Việt Nam

Banyan

Ngày 22-10-2011

Khi vấn đề chủ quyền của Trung Quốc được đặt ra, Hoàn Cầu thời báo – một tờ báo ở Bắc Kinh – nói toạc móng heo chẳng buồn tránh né gì. Hồi tháng 9, họ gầm lên rằng hợp đồng ký giữa Việt Nam và công ty dầu khí quốc doanh ONGC của Ấn Độ – thăm dò dầu ở khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông – “sẽ đẩy Trung Quốc tới hạn”. Tuy nhiên, tháng 10 này, Ấn Độ và Việt Nam lại đạt được một thỏa thuận “hợp tác về năng lượng”. Hoàn Cầu nổi điên vì thỏa thuận ấy được ký kết chỉ một ngày sau khi Việt Nam đồng ý với Trung Quốc về “các nguyên tắc cơ sở” để giải quyết tranh chấp hàng hải – trong chuyến thăm Bắc Kinh của người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng.

Tờ Tin Năng lượng Trung Hoa, một ấn phẩm thuộc Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, thì có vẻ sáng suốt tỉnh táo hơn. Họ ra tuyên bố cảnh cáo Ấn Độ rằng “chính sách năng lượng của Ấn Độ đang trượt dần vào một dòng xoáy nước nguy hiểm”. Đằng sau cơn giận dữ đùng đùng ấy là hai điều mà Trung Quốc sợ. Thứ nhất là sự tham gia của Ấn Độ sẽ gây khó khăn cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở đường tiến vào cuộc tranh chấp chủ quyền đang rối ren ở Biển Đông. Cái sợ thứ hai là Ấn Độ và Việt Nam đang tìm cách thắt chặt quan hệ, như là một phần trong một chiến dịch do Mỹ cầm đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc. Cho dù nỗi sợ thứ nhất ít nhiều có cơ sở, thì mối lo bị kiềm chế vẫn cứ là cường điệu hóa.

Tuy nhiên cùng thời gian ông Trọng ở Trung Quốc, chủ tịch Việt Nam là ông Trương Tấn Sang đã sang thăm Ấn Độ để theo đuổi “quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai nước. Cũng nên tha thứ cho những thành phần dân tộc chủ nghĩa hoang tưởng của Trung Quốc nếu họ cảm thấy như đang bị tấn công phối hợp. Suy cho cùng, không tính những tranh chấp biên giới với Liên Xô cũ năm 1969, thì Ấn Độ và Việt Nam là hai nước đối đầu với Trung Quốc trong hai cuộc chiến tranh gần đây nhất của Trung Quốc. Ở cả Delhi lẫn Hà Nội, ký ức về cuộc xâm lược “trừng phạt” chớp nhoáng của Trung Quốc vẫn còn tác động đến suy nghĩ, thái độ của mọi người. Vụ đánh phá của Trung Quốc năm 1962, vào nơi mà bây giờ là bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, vẫn là một nỗi nhục cho Ấn Độ. Phản ứng quyết liệt của Việt Nam trước việc Trung Quốc xâm lăng hồi năm 1979 đã trở thành một trong những huyền thoại của dân tộc về tinh thần bất khuất chống lại sự thống trị của Trung Quốc.

Việt Nam vẫn đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã đuổi quân Việt Nam đi khỏi vào năm 1974; đồng thời họ cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa gây tranh cãi rất nhiều ở phía nam, nơi 70 lính hải quân Việt Nam đã chết trong cuộc giao tranh với Trung Quốc năm 1988. Căng thẳng trong khu vực vẫn rất sâu sắc. Hồi đầu năm nay, sau khi một tàu Việt Nam bị tàu tuần tra Trung Quốc cắt cáp khảo sát, hàng trăm người đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và TP.HCM.

Do đó Việt Nam hoan nghênh sự ủng hộ của Ấn Độ, cũng giống như năm ngoái khi họ được nương tựa vào lời tuyên bố của Mỹ nhằm đến thái độ hung hãn của Trung Quốc, về “lợi ích quốc gia” trong việc đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Trong số các đối tác của Việt Nam trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, Brunei, Malaysia và Philippines cũng có yêu sách chủ quyền từng phần trên biển. Việt Nam, một cách tự nhiên, sẽ muốn thể hiện một mặt trận càng đoàn kết càng tốt, chống lại những yêu sách của Trung Quốc.

Chính là trong bối cảnh này mà một số chiến lược gia Ấn Độ nhận thấy cơ hội: Việt Nam có thể là một “Pakistan của Ấn Độ”, một đồng minh trung thành, cũng như Pakistan đối với Trung Quốc, gây áp lực gián tiếp và làm suy yếu đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ông Harsh Pant, một vị giáo sư ngành quốc phòng ở trường King’s College (London), lập luận rằng Việt Nam đem đến cho Ấn Độ một lối vào để qua đó họ có thể “thâm nhập vùng ngoại vi của Trung Quốc”.

Để điều chỉnh lại Trung Quốc thì cần đến những nhà ngoại giao Ấn Độ – những người có thói quen phàn nàn rằng vị láng giềng to lớn của họ không chịu nhường không gian cho đất nước họ phát triển. Đằng sau sự thù ghét đó ẩn giấu nỗi căm giận trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng lên vùng sân sau của riêng Ấn Độ, không chỉ thông qua mối quan hệ “mọi lúc” với Pakistan, mà còn cả ở Bangladesh, Myanmar, Nepal và Sri Lanka nữa. Quả thật, khi ông Sang ở Ấn Độ cũng là lúc Tổng thống Myanmar Thein Sein thăm nước này, khi Ấn Độ đang nỗ lực xây dựng cái cơ sở ngoại giao mà họ đã đánh mất vào tay Trung Quốc.

Ấn Độ cũng muốn đẩy lùi cái mà họ coi như hành động khiêu khích của Trung Quốc. Trong số đó, có việc Trung Quốc dường như đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền – hiện chưa giải quyết được – đưa đến cuộc chiến năm 1962. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc lại tiếp tục nhắc lại yêu sách đòi sở hữu phần lớn diện tích Arunachal Pradesh. Thảo nào mà ủng hộ những yêu sách của Việt Nam trên Biển Đông là việc làm thu hút một số nhân vật diều hâu Ấn Độ. Hồi tháng 7, một tàu hải quân Ấn Độ đậu ngoài khơi Việt Nam đã phớt lờ tín hiệu cảnh báo qua sóng radio – có vẻ như xuất phát từ hải quân Trung Quốc – rằng họ đang tiến vào vùng biển của Trung Quốc.

Trung Quốc căm ghét bất cứ điều gì có hơi hướng ngăn trở họ nổi lên thành một siêu cường toàn cầu. Đàm phán về việc Ấn Độ bán cho Việt Nam tên lửa BrahMos mà họ triển khai chung với Nga vẫn còn là chuyện người ta suy đoán. Nhưng các nhà chiến lược Trung Quốc sẽ lo nghĩ nhiều về mục đích của những cuộc “đối thoại an ninh” định kỳ mà trong chuyến đi của ông Sang, Ấn  Độ và Việt Nam đã thống nhất sẽ tổ chức. Chuyện này lộ ra khi báo chí Ấn Độ đưa tin nói rằng Ấn Độ đã quyết định triển khai tên lửa BrahMos ở Arunachal, hướng thẳng vào vùng Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát. Trung Quốc phát hiện ra đằng sau sự quyết liệt của Ấn Độ và mối quan hệ gần gũi hơn của họ với Việt Nam là bàn tay Mỹ. Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Ấn Độ “tham gia vào khu vực phía đông và hành động ở đó nữa”.

Việt Nam là Việt Nam

Nhưng coi Ấn Độ và Việt Nam là đối tác dễ tính của nhau trong một mặt trận chống Trung Quốc do Mỹ điều phối, thì sai, vì ba lý do sau. Cả hai nước đều độc lập một cách mạnh mẽ. Không nước nào muốn làm theo lệnh của Mỹ, và Việt Nam chắc chắn sẽ không là Pakistan của Ấn Độ. Thứ hai, quan hệ của họ xa cách nhau hơn với Trung Quốc. Quan hệ đó có từ hàng thế kỷ trước (xét cho cùng thì Đông Dương – Indochina – tức là Ấn Độ cộng với Trung Quốc), đã và đang được cải thiện trong vài thập niên qua. Sanjaya Baru, chủ bút tờ Business Standard (Tiêu chuẩn Kinh doanh) của Ấn Độ và nguyên là phát ngôn viên cho thủ tướng, đã đánh giá quan hệ này “có lẽ là quan hệ song phương toàn diện nhất mà Ấn Độ có với một nước khác”.

Thứ ba, cả hai nước đều khẳng định một cách khéo léo rằng họ muốn có quan hệ tốt với Trung Hoa – hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Và suy cho cùng thì ông Trọng cũng đã có mặt ở Trung Quốc ngay vào lúc ông Sang ở Ấn Độ. Báo chí đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã khuyên Việt Nam “duy trì việc sử dụng đối thoại và tham vấn để giải quyết một cách phù hợp các vấn đề trong quan hệ song phương”. Tất nhiên, nếu bản thân Trung Quốc tỏ ra nhất quán đi theo lời khuyên của ông Hồ thì bước cải thiện trong quan hệ Ấn Độ và Việt Nam có lẽ chẳng gây ra xung lực nào đằng sau nó, và nếu nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh thì quan hệ ấy có lẽ ít mang lại nguy cơ gì.

Đan Thanh dịch từ The Economist

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011


No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...