(VEF.VN) - Thương nhân Trung Quốc đi đến các hang cùng ngỏ hẻm, thậm chí lội ruộng để mua nông sản. Ai cấp phép để họ được làm như vậy? Ai quản lý các thương nhân này? Phải chăng Trung Quốc đang coi thị trường Việt Nam là "ao nhà" của họ?
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chọn chất vấn của độc giả Chithanh7677 để gióng lên hồi chuông báo động về những mối nguy đằng sau việc thương nhân Trung Quốc đang ồ ạt vơ vét nguyên liệu nông sản Việt Nam nói riêng, và các nguyên liệu, hàng hoá khác nói chung.
Phản hồi về bài viết Trung Quốc ồ ạt vét nông sản: Nguy hay cơ?, có đến 2/3 ý kiến độc giả bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này, mặc dù đã diễn ra từ lâu và rộ lên thời gian gần đây, nhưng cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam gần như "bó tay".
Mua bán kiểu tận thu, tận diệt
Độc giả Kinhcan (way_to_bed@...) cho rằng, trong khi một vài nước khác ở châu Âu đang thực hiện việc hạn chế, căng hơn nữa là cấm xuất khẩu nông sản, cho thấy một tín hiệu về việc an ninh lương thực đang có nguy cơ bị đe dọa, thì Trung Quốc lại đang kiếm lời được rất nhiều từ hàng hóa nông sản có chất lượng từ Việt Nam.
Mặc dù lượng nông sản từ nước ta có nguồn cung rất dồi dào, nhưng cũng sẽ đến lúc dẫn đến tình trạng khủng hoảng, đồng thời các doanh nghiệp cũng để mất một nguồn thu và nguồn cung rất lớn nếu tình hình này cứ tiếp tục diễn ra.
Thậm chí, nhiều độc giả nghi ngờ về động cơ của thương nhân Trung Quốc khi sang Việt Nam thu gom nông sản. Độc giả Lee (lttu58@...) nghi ngại, nhiều người thấy Trung Quốc mua giá cao cho nông dân thì cảm thấy là tốt, cứ bán cho họ, và thương nhân Trung Quốc cứ qua mua. Nhưng, có chắc là bán được giá cao thì thu nhập sẽ cao, chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn không hay kéo theo đó là DN không có nguyên liệu, lượng lớn công nhân ngồi chơi và giá cả tăng theo?
Độc giả BinhKT (binhktxd...) nhận xét, Trung Quốc từ xưa tới nay, cách buôn bán của họ làm lũng đoạn thị trường thế giới. Còn tại Việt Nam, từ ngày mở cửa thông thương biên giới những năm 90, họ thu mua chủ yếu hàng hoá tại cửa khẩu phía Bắc. Giá thu mua do hiệp hội buôn bán của họ ấn định. Mới đầu họ thu mua giá rất cao đối với mặt hàng họ cần, tư thương Việt Nam thấy thế ồ ạt đem hàng đến, thế là họ trở mặt hạ giá xuống tận mặt đất khiến không ít người "dở khóc dở cười, bán thì không được, đổ đi cũng không xong". Nhiều người mất cả chì lẫn chài dẫn đến trắng tay.
"Có một điều đáng lưu ý là hầu hết các tư thương của Trung Quốc đều ở trong một hiệp hội, tùy theo ngành hàng họ thu mua, giá cả do hiệp hội quyết định. Vì thế người trong hiệp hội không thể mua phá giá thị trường (kể cả giá rẻ), do đó tư thương Việt Nam kinh doanh nhỏ lẻ " kiểu mua cướp, bán tranh" bị Trung Quốc ép giá (thậm chí là gần như cướp không, vì nếu bán rẻ cho tư thương Trung Quốc cũng không dám mua vì vi phạm quy ước của hiệp hội và sẽ bị phạt rất nặng).
Mặt hàng khô tồn đọng tại cửa khẩu thì không sao, mặt hàng đông lạnh, tươi sống, hoa quả quá "date" (hạn sử dụng) để thối thì chỉ có nước đổ đi", độc giả này phân tích.
Còn nữa, thương nhân Trung Quốc khi đã thò được cả hai chân vào thị trường nội địa của Việt Nam rồi thì bất chấp mọi giá để mua, chủ yếu gây lũng đoạn thị trường trong nước, và gây sốt giá. Kiểu thu mua của họ là "tận thu, tật diệt". TẬN THU ở đây là thu mua kiểu vơ vét. TẬN DIỆT ở đây là không để con giống cho tái sản xuất. Điều đó minh chứng qua việc họ thu mua từ con đỉa.
Trở lại vấn đề "Trung Quốc ồ ạt vét nông sản"? vậy câu hỏi là: Ai cho phép tư thương Trung Quốc sang tận ao nhà để vơ vét? Tại sao họ được phép đi khắp ngang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam? Phải chăng Trung Quốc coi thị trường Việt Nam là "ao nhà" của mình chăng?
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Trương Đức (thahcong1963@...) cho rằng, mục đích tận thu của thương nhân Trung Quốc quá rõ ràng, không phải chỉ vì lợi nhuận mà còn rối loạn thị trường.
Chẳng hạn, khi Trung Quốc thu mua cả tôm cá nhiễm tạp chất, việc sản xuất nông sản, thủy sản Việt Nam sẽ náo loạn, không tuân theo bất kỳ một tiêu chuẩn, quy trình nào, không chỉ tăng rủi ro cho nền kinh tế, người sản xuất, tiểu thương nếu họ giảm giá đột ngột hay không thu mua nữa mà còn là hành vi nhằm giảm uy tín chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường các nước khác, vi phạm các cam kết với WTO và các quy chuẩn chất lượng, phá vỡ các cam kết và hợp đồng đã ký với các nước EU, Mỹ, v.v...
Hơn nữa, tình trạng này sẽ hình thành tâm lý và thói quen nguy hại cho nông dân, ngư dân Việt Nam: gian dối, a dua, phụ thuộc vào người mua, nguy hại đến sức khỏe, môi trường, bòn rút kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên...
Đừng quay lại thói quen tự phát, lệ thuộc
Ngoài ý kiến lên án gay gắt, một số độc giả bình tĩnh nhìn nhận, rằng để trả lời những câu hỏi tại sao trên, chính cơ quan quản lý, các thương nhân, người dân Việt Nam cần soi lại mình trước.
Theo một độc giả, việc thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua nông sản không có gì đáng lo ngại, mà phải xem đây là cơ hội, là thời cơ để hoàn thiện mình hơn.
Về mặt giá cả nếu bán được giá cao, có lãi để người dân tái sản xuất, nâng cao chất lượng và sản lượng nông sản là điều rất tốt. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam có sự cạnh tranh thì mới phát triển được, không thể đợi vào sự bảo hộ của nhà nước mãi. Tại sao tư thương Việt không tìm hiểu xem Trung Quốc mua nông sản của ta làm gì, kinh doanh có lãi hay không để học hỏi?
Và vấn đề thu thuế. Liệu chính phủ có thu được đủ thuế cho các giao dịch này hay không, nếu thu đủ thì đây là cơ sở để quản lý, nếu không đủ thì phải xem lại ngành thuế!
Mặt khác, theo độc giả Khachquan2011, chẳng phải chúng ta đang trong quá trình hội nhập hay sao? Câu chuyện thương nhân đi mua hàng là câu chuyện quá bình thường. Chúng ta thấy thương nhân trong nước đâu có phải vì thương nông dân mà có thể tùy ý mua với giá cao hơn thị trường để trợ giúp nông dân.
Ví như vải Lục Ngạn đang quá nhiều, tư thương Việt Nam có sẵn sàng vì nông dân mà bỏ tiền ra gom hàng không? Còn thương nhân Trung Quốc đang mua với giá cao hơn để "phá hoại" ngành vải thiều hay sao? An ninh lương thực là đại sự quốc gia - điều này nhà nước cần có chính sách quản lý, nhưng không phải vì thế mà cấm nông dân không được bán nông sản khi có nhiều sản phẩm ế thừa mà thị trường trong nước cũng không tiêu thụ nổi mà giá cả thì thấp.
Độc giả Huongduong1229 cho rằng, tình trạng thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua hàng nông sản vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Ở cấp vĩ mô, các cơ quan nghiên cứu thị trường cần xem xét đã đưa ra được dự báo thị trường chưa? Có tạo ra được những chính sách vĩ mô có tầm quyết định, định hướng cho sản xuất và xuất khẩu?.
Chúng ta thường nói: 3 nhà (nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học) với tình hình hiện nay thì yếu nhất là nhà quản lý. Nên không tạo sức bật được cho nền kinh tế mặc dù chúng ta sản xuất ra được hàng hóa nhưng không đáp ứng được thị trường (lúc thì ế, lúc thì khan hiếm).
Nói đi nói lại, để thương nhân Trung Quốc vào thao túng thị trường nông sản nội địa, đầu tiên vẫn là lỗi của chúng ta không làm chủ được nguồn nguyên liệu, kênh phân phối - đầu vào của sản xuất.
Chỉ có điều, độc giả Trương Đức khẳng định, nông dân Việt Nam - với bản chất và thói quen sản xuất nhỏ, không có kế hoạch, chiến lược và tư duy yếu kém về phát triển bền vững sẽ đẩy một bộ phận không nhỏ quay lại thói quen tự phát, lệ thuộc, mất kiểm soát. Khi đó thương nhân dễ dàng thao túng, lũng loạn. Vì vậy việc tuyên truyền, định hướng và ngăn chặn không chỉ là của ngành chức năng mà cả của chính quyền các cấp.
Do vậy, độc giả Denell_tran kiến nghị:
1. Nhà nước cần xem xét đến khả năng sử dụng hàng rào thuế quan để cân bằng cung cầu trong nước với xuất khẩu. Hạn chế các con đường tiểu ngạch. Chính sách thuế sẽ áp dụng linh hoạt và tuân theo các cam kết của khối WTO.
2. Sử dụng và kiên quyết thực thi các hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm định với tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Về vấn đề này thì không nói chắc mọi người cũng biết, chúng ta hiện nay chưa được bảo vệ đúng mức và xứng đáng trước những sản phẩm có chứa các độc tố cao, hàng giả... nhập khẩu mà chủ yếu từ Trung Quốc. Các cơ quan kiểm dịch, kiểm định chưa được quan tâm đúng mức và hiện làm việc chưa hết trách nhiệm. Nhiều sản phẩm khi nước ngoài phát hiện, loan tin rồi thì các cơ quan của ta mới đi lấy mẫu về kiểm tra....
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng, người sản xuất có ý thức về việc trao đổi thương mại với đối tác khó lường như Trung Quốc. Tuyên truyền để người dân không vì cái lợi trước mắt mà buôn bán sản phẩm độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, của tương lai đất nước.
4. Cấm và thực thi nghiêm túc các điều luật cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng các sản phẩm có độc tố gây hại, và cần đưa ra xét xử ở khung hình sự. Hiện chủ yếu là xử lý hành chính, phạt tiền...
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"