Monday, 21 November 2011

573.Tôi không bầu cho ông!

Tôi không bầu cho ông!

Không cần nhiều trí thông minh lắm, người ta có thể chỉ ra vô số lỗ hổng về kiến thức và lập luận trong bài phát biểu bác bỏ Luật biểu tình của ông Hoàng Hữu Phước (HHP) trước Quốc hội. Ỷ thế với vốn liếng tiếng Anh mà theo ông, có thể làm người ta nghĩ rằng “kiếp trước tôi hành nghề luật sư ở Luân Đôn”, ông lộng ngôn và đánh tráo định nghĩa của việc biểu tình, như thể không ai ngoài ông đọc được định nghĩa về từ “biểu tình” (demonstration) trong tự điển Webster như sau:

a public meeting or march protesting against s omething or expressing views on a political issue”

Rất tháu cáy, ông chỉ đề cập đến phần “protesting against something” (tuần hành phản đối) và bỏ ngang phần “expressing views on a political issue” (biểu thị chính kiến).

Phải là kẻ mê ngủ hay hèn nhát, ông mới không chứng kiến cuộc biểu tình ôn hoà bày tỏ lòng yêu nước của người dân Sài gòn chống Trung Quốc xâm lược. Phải rất hàm hồ và trơ tráo, ông mới có thể phủ nhận sự sang trọng, thong dong của những người Hà Nội yêu nước vào mỗi sáng chủ nhật bên bờ hồ Hoàn Kiếm.

Phải là kẻ dối trá chuyên nghiệp, ông mới đánh đồng sự giận dữ (bịa đặt) của một thiểu số kẻ ngu ngốc khi bị kẹt xe thành một cuộc bạo loạn do hậu quả của biểu tình.

Phải là kẻ ấu trĩ về chính trị đến mức độ ngu ngốc, ông mới không đón gió được yêu cầu khẩn thiết phải có một bộ luật biểu tình, được chỉ đạo bởi đương kim Thủ tướng.

Phải là kẻ dốt nát về luật pháp, ông mới to gan phủ nhận biểu tình, một quyền hiến định đã được ghi vào hiến pháp.

Nếu là kẻ “nâng bi”, ông đã đi quá đà hay việt vị, biến trò “kiss ass” leo thang thành một màn hài kịch dung tục.

Đọc qua những bài viết “Tôi và Lê Công Đinh”, “tôi và Cù Huy Hà Vũ” của ông, người ta chỉ thấy sự hả hê rất đê tiện với người ngã ngựa. Ông Phước không có được hiểu biết tối thiểu để hiểu rằng: dù muốn dù không, hai con người đó đã đi vào lịch sử. Khen chê thế nào thì tuỳ vào quan điểm sử gia, nhưng họ đã và sẽ không bao giờ là kẻ vô danh tiểu tốt như ông, trước bài phát biểu ô nhục này. Dưới góc độ tâm lý, người ta thấy được mặc cảm tự ti và thèm khát nổi tiếng của ông Phước, qua những phát biểu nhố nhăng và khoác lác trên trang web của mình.

Tóm lại, mẫu người như ông HHP bất quá chỉ là một kẻ cậy tiền, đắc thời về chính trị, có thêm dăm chữ để lộng ngôn. Hạng Erostrates đốt đền để cầu nổi danh như thế, thời nào cũng có và không đáng để đề cập đến quá nhiều. Chẳng nên làm sang cho kẻ cơ hội bằng cách dành cho hắn quá nhiều lời bình phẩm hay miệt thị.

Quan trọng hơn, người ta phải tự hỏi: Vì sao, những kẻ cơ hội, hãnh tiến, ngu dốt như thế có thể lọt chân vào nghị trường, huênh hoang khoác lác trước 90 triệu người Việt như chốn không người?

Vì sao, một Quốc Hội tự xưng là “vì dân, do dân, của dân” lại phát ra những tiếng nói chống lại ý chí của nhân dân mình như thế?

Vì sao, với một tỷ lệ đi bầu tột bực trên thế giới, trên 90%, nhân dân Việt Nam lại chọn ra những nghị Phước chống biểu tình, nghị Cảnh với IQ và đường cao tốc, nghị Đương “rau muống”…?

Những con người quái gở này là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy việc bầu cử vẫn chưa thoát ra khỏi căn bệnh hình thức trầm kha. Bầu cho có, bầu giùm, bầu đại để cho xong. Nói cách khác, bầu cử nghị viên Quốc hội vẫn còn là một cuộc chơi giả tạo và tốn kém, mà người thắng cuộc không là người giỏi giang, tài đức để cất lên tiếng nói của nhân dân mình. Hãy còn rất nhiều con vẹt với cái đầu rỗng tuếch xuân thu nhị kỳ xách cặp đi họp Quốc hội, hót lời dối trá thay mặt nhân dân mình.

Nghĩ đến đây, người ta cần phải “tri ân” ông nghị Phước. Hành động xuẩn ngốc của ông ít nhất cũng có một tác dụng tích cực là thúc đẩy sự cải tổ bầu cử Quốc hội thực chất hơn, nghiêm túc hơn. Và giúp công luận vạch mặt, nhận rõ chân tướng của những kẻ cơ hội, khi nào cũng muốn chơi trò nước đôi “được anh được ả, được cả đôi đàng”.

Kẻ trí thức cơ hội, khi nào cũng đáng khinh hơn người vô học bị nhồi sọ. Chẳng nên để công chúng phải sa vào ngộ nhận với những “nguỵ danh sĩ” hai mang đang nhan nhản.

Khi luật biểu tình được thông qua, tôi, công dân Việt Nam, sẽ dùng quyền biểu tình của mình để biểu thị sự bất tín nhiệm của mình với những “nghị sĩ” như Hoàng Hữu Phước, Trần Tiến Cảnh, Đỗ văn Đương…

Tôi, công dân Việt Nam, kiến nghị tước quyền đại biểu Quốc Hội của gã nghị viên này.

Tôi, công dân Việt Nam, chưa hề và không bao giờ bầu cho ông HHP.

Tôi, với tư cách cá nhân, xin bày tỏ sự khinh miệt với tư cách của ông, thưa ông Hoàng Hữu Phước!

36 people like this post.

17 thoughts on “Tôi không bầu cho ông!

Bác không bầu, tôi không bầu cho gã đê tiện đó, tuy nhiên nó vẫn được 95 – 100% số phiếu. Tóm lại chúng ta chẳng làm được gì vì cái “lỗi hệ thống”.
Nó lên diễn đàn phát biểu nhăng nhít, “vỗ mông ngựa” – bác giận, tôi giận, rất rất nhiều ngfười giận , tôi hy vọng thế. Đất nước sẽ đi về đâu dưới bàn tay lũ nọ? Dân nghèo sẽ ra sao?
Tuy nhiên tôi hy vọng bác nghĩ rằng tôi đúng, là thế này: Đó cũng là một tín hiệu tốt, vì lũ gian + tham + ngu đó sẽ đẩy tiến trình abc đi nhanh hơn thông lệ; thà 1 lần còn hơn mãi đợi!!!
Regards


No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...