Friday, 11 November 2011

566.HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 12: KÝ KẾT BẢN HIẾN PHÁP

NGUYỄN CẢNH BÌNH

Ngày 17 tháng Chín NĂM 1787

Ngày 8 tháng Chín, sau khi thống nhất tất cả các điều khoản, Hội nghị lại bầu ra Ủy ban Văn phong để viết lại bản Hiến pháp này với câu chữ rõ ràng và chặt chẽ hơn. Bản Hiến pháp chính thức do Gouverneur Morris, người được coi là có khả năng viết tốt nhất, chắp bút dựa trên bản phác thảo, nhằm có được một văn bản ngắn gọn và mạch lạc. Sau một vài ngày sửa chữa, Hội nghị đã đồng ý với văn bản này.

Trong ngày 17 tháng Chín, ngày họp cuối cùng của Hội nghị, lễ ký kết bản Hiến pháp đã diễn ra rất trang nghiêm và cảm động. Đại biểu cao tuổi nhất, Bác sĩ FRANKLIN đã viết một trong những bài diễn văn hay nhất của mình.

Nhưng tại ngày họp cuối cùng, trong số 55 đại biểu từng tham dự, chỉ còn 42 người có mặt, và trong đó chỉ có 39 đại biểu đồng ý ký vào bản Hiến pháp. Ba đại biểu Gerry, Mason và Randolph đã từ chối ký và tuyên bố những lý do họ không thể ký vào bản Hiến pháp.

Bản thảo Hiến pháp viết được đọc trước toàn thể Hội nghị.

Bác sĩ FRANKLIN đứng lên với bài phát biểu cầm trong tay, nhờ Ngài Wilson đọc giùm.

"Thưa Ngài Chủ tịch,

Tôi thừa nhận rằng lúc này, có nhiều điểm trong bản Hiến pháp này, tôi không thể chấp nhận. Nhưng tôi không chắc rằng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Tôi đã sống đủ lâu để hiểu rằng chúng ta không nên dựa quá nhiều vào sự phán xét của chính bản thân mình. Tôi thường thấy mình sai lầm ngay tại những điều ưng ý nhất. Khi tôi càng nhiều tuổi, tôi càng nghi ngờ sự phán xét của chính mình và quan tâm chú ý hơn đến những nhận xét của người khác. Hầu hết loài người, cũng như những giáo phái trên thế giới, thường tự cho rằng mình mới là người hiểu biết sự thật và bất kể ai khác với quan điểm của mình đều là sai lầm.

Steele, một người theo đạo Tin Lành, nói với Giáo hoàng Công giáo rằng sự khác biệt duy nhất giữa hai tôn giáo này là nhà thờ Công giáo La Mã không thể sai lầm, còn Nhà thờ Tin Lành của nước Anh cũng không bao giờ sai lầm. Nhưng dù nhiều quý Ngài lại nghĩ rằng ý kiến của mình, cũng như tôn giáo của mình là không thể sai lầm thì một vài người đã thể hiện tính cách giống như một cô gái Pháp, luôn luôn càu nhàu và bới móc mọi lỗi lầm của những người xung quanh, để rồi tự cho rằng ngoài mình ra, chẳng có ai là đúng cả.

Với những suy nghĩ đó, thưa Ngài, tôi đồng ý với bản Hiến pháp này với mọi lỗi lầm của nó nếu có, bởi tôi nghĩ rằng chúng ta cần một chính quyền chung. Không một chính quyền nào mang lại điều tốt đẹp cho dân chúng nếu không được thiết lập đúng đắn, dù nó có thể hoạt động tốt trong nhiều năm để rồi lại chấm dứt trong cảnh chuyên quyền độc tài như mọi mô hình chính quyền trước đây. Khi dân chúng trở nên đồi bại thì một chính quyền độc tài là cần thiết, bởi không một mô hình chính quyền nào khác ngoài nền độc tài đáp ứng được những đòi hỏi lúc đó. Tôi cũng nghi ngờ rằng không một Hội nghị nào có thể làm ra được một bản Hiến pháp tốt đẹp hơn.

Khi chúng ta nhóm họp tại đây, tập trung mọi sự khôn ngoan và hiểu biết của mình, mọi quý Ngài đều bị ràng buộc bởi những tâm trạng, quan điểm và cả những lầm lẫn, những lợi ích địa phương và những quan điểm ích kỷ của nhiều người khác. Vậy sự nhóm họp như vậy có thể làm ra được điều gì hoàn hảo? Thưa Ngài, do đó, tôi cảm thấy kinh ngạc khi hệ thống này đã hoàn hảo tới mức có thể và tôi nghĩ bản Hiến pháp này cũng làm những kẻ thù của chúng ta ngạc nhiên, những kẻ đang tin tưởng trông chờ rằng chúng ta cũng giống như những người xây dựng Tháp Babel; rằng các tiểu bang của chúng ta đang ở bên bờ miệng vực của sự tan rã, gặp nhau tại đây chỉ để cắt cổ họng của người khác.

Thưa Ngài, tôi đồng ý với bản Hiến pháp này bởi tôi chẳng thể hy vọng một văn kiện xuất sắc hơn và tôi cũng không thể đoan chắc rằng đó không phải là văn bản xuất sắc nhất. Những ý kiến nêu ra những sai trái của bản Hiến pháp này là vì mong ước những điều tốt lành cho dân chúng. Tôi không bao giờ tiết lộ bất cứ điều gì về Hội nghị này. Những lời lẽ tranh cãi sinh ra trong những bức tường này và rồi cũng chết trong những bức tường này.

Nếu như tất cả chúng ta trở về, gặp những người đồng bào và kể cho họ nghe những lời phản đối mà mình nghe được, mong ước giành được sự ủng hộ của họ thì điều đó chỉ cản trở việc chấp thuận văn bản này và mất đi những lợi thế về sự đồng tâm nhất trí của chúng ta. Theo ý kiến tôi, hầu hết sức mạnh và sự hiệu quả của chính quyền, để mang lại và đảm bảo hạnh phúc của con người, đều phụ thuộc vào quan điểm chung của dân chúng về hiệu quả của chính quyền, cũng như sự khôn ngoan và đức hạnh của những viên chức chính quyền.

Do đó, tôi tin rằng số phận của chúng ta cũng là số phận của dân chúng và vì sự thịnh vượng chung, chúng ta hãy chân thành và nhiệt tình đồng tâm ca ngợi bản Hiến pháp này. Nếu được Quốc hội Hợp bang chấp thuận và được các hội nghị tiểu bang phê chuẩn thì ảnh hưởng của chúng ta sẽ được nhân rộng. Nhờ đó, một chính quyền tốt đẹp sẽ được thiết lập.

Tóm lại, thưa Ngài Chủ tịch, tôi thật sự mong ước mọi quý Ngài tham dự Hội nghị này, những người vẫn còn những bất đồng về bản Hiến pháp, theo gương tôi, nhân lúc này, hãy nghi ngờ một chút về tính không thể nhầm lẫn của chính mình và thể hiện sự đồng lòng chân thành nhất bằng cách đặt chữ ký của mình vào văn kiện này".

Sau đó, ông đề xuất rằng bản Hiến pháp sẽ được các đại biểu ký kết sau câu chữ "Được làm tại Hội nghị với sự chấp thuận của tất cả các tiểu bang có mặt ngày 17 tháng Chín, chúng tôi xin đề tên mình vào văn bản này."

Ngài GORHAM nói rằng nếu không quá muộn, thì ông muốn để giảm bớt sự phản đối đối với bản Hiến pháp là điều khoản qui định "cứ 40.000 người dân lại có một đại biểu" đã từng gây nhiều tranh luận, nhưng vẫn chưa quyết định dứt khoát, nên sửa thành 30.000 người.

Ngài KING và Ngài CARROL ủng hộ ý kiến của Ngài Gorham.

Khi Ngài Chủ tịch Hội nghị đứng lên để nêu vấn đề cần bỏ phiếu, ông nói rằng mặc dù chức vụ Chủ tịch Hội nghị làm ông không thể trình bày hết mọi tâm trạng của mình và có thể ngay tại lúc này cũng buộc ông phải im lặng.

Nhưng ông không thể che giấu ước mong của mình rằng cần phải có một số thay đổi để giảm tối đa những chống đối. Nhiều đại biểu cho rằng số nghị sĩ quá ít sẽ không đủ đảm bảo quyền và lợi ích cho dân chúng, nên ông tin rằng việc tăng số lượng nghị sĩ sẽ làm giảm bớt những lời phản đối bản Hiến pháp này.

Đề xuất của Ngài Gorham không gặp phải một lời phản đối nào và được Hội nghị hoàn toàn nhất trí.

Tất cả các tiểu bang cũng đồng ý rằng mọi người tham gia Hội nghị sẽ ký vào bản Hiến pháp này.

Ngài RANDOLPH lại đứng lên và nói bóng gió về những nhận xét của Bác sĩ Franklin. Ông xin lỗi mọi người vì buộc phải từ chối ký vào bản Hiến pháp, dù nếu tất cả mọi người đều ký tên sẽ thể hiện sự khôn ngoan và giá trị của bản Hiến pháp và làm dân chúng thêm tin tưởng để phê chuẩn nó.

Tuy nhiên, ông nói rằng việc từ chối ký này không có nghĩa là ông chống đối bản Hiến pháp mà chỉ muốn được tự do làm theo đúng bổn phận và sự phát xét của chính mình. Ông từ chối ký bởi vì ông nghĩ công chúng sẽ bác bỏ sự lựa chọn của Hội nghị. Sẽ không đủ chín tiểu bang phê chuẩn văn bản này và tất yếu, sẽ dẫn đến sự rối loạn. Với quan điểm đó, ông không thể bắt buộc mình phải tán thành văn bản này, để ông được phép làm bất cứ điều gì mà ông cho là cần thiết để mang lại điều tốt đẹp chung cho xã hội.

Ngài G. MORRIS nói rằng ông cũng có nh

ng điểm phản đối, nhưng coi mô hình hiện nay là mô hình tốt nhất có thể đạt được, nên ông sẽ chấp nhận nó, bất chấp mọi lỗi lầm. Đa số sẽ tán thành mô hình này và ông sẽ tuân theo quyết định đó. Thời điểm này buộc phải bỏ sang một bên việc xem xét những sự thay đổi và vấn đề lớn nhất là có một chính quyền liên bang, hay không? Và chính quyền đó cần phải được thiết lập, nếu không, sự vô chính phủ sẽ xảy ra. Ông nói rằng chữ ký đối với văn bản này chỉ là thể hiện sự đồng lòng của các tiểu bang có mặt lúc này.

Ngài WILLIAMSON: Gợi ý rằng các đại biểu nên ký vào bức thư gửi Quốc hội hơn là ký vào bản Hiến pháp vì điều này sẽ làm hài lòng một vài người không tán thành bản Hiến pháp. Bản thân ông nghĩ là không thể có một kế hoạch nào tốt đẹp hơn và chẳng băn khoăn gì trong việc đặt chữ ký của mình vào văn bản này.

Ngài HAMILTON: Lo ngại không chắc tất cả các đại biểu sẽ ký vào Hiến pháp. Việc một vài quý ngài phản đối và thậm chí từ chối ký, có thể sẽ làm dấy lên ngọn lửa chống đối và làm giảm đi lòng sốt sắng ủng hộ bản Hiến pháp. Mọi người đều biết rằng không ai trong Hội nghị này khác biệt quan điểm về mô hình này hơn bản thân ông, nhưng cần phải suy tính kỹ càng giữa khả năng tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ sẽ xảy ra và cơ hội đạt được một chính quyền tốt từ kế hoạch này.

Ngài BLOUNT: Trước đây, ông đã tuyên bố là ông sẽ không ký. Nhưng mô hình này đã tốt đẹp hơn và không muốn việc từ chối ký của ông sẽ làm giảm đi sự đồng lòng của các tiểu bang tại Hội nghị.

Bác sĩ FRANKLIN: Thể hiện mối lo âu của ông về những nhận xét của Ngài Randolph về bài phát biểu của ông sáng nay. Ông tuyên bố rằng khi viết kiến nghị đó, ông không biết chính xác ai sẽ từ chối ký và hy vọng mọi người sẽ hiểu ông.

Ông thừa nhận rằng Ngài Randolph với những nghĩa vụ và bổn phận cao cả là người đầu tiên đề xuất mô hình này đã đóng góp rất nhiều trong quá trình thảo luận, nên hy vọng Ngài Randolph sẽ gạt bỏ những bất đồng để chấp thuận bản Hiến pháp với tình bằng hữu, nhằm ngăn chặn những điều tồi tệ có thể xảy ra nếu tên của ông không có trong văn bản này.

Ngài RANDOLPH: Coi việc ký vào bức thư gửi Quốc hội cũng giống như việc ký vào bản Hiến pháp. Sự thay đổi hình thức đó, đối với ông, chẳng khác gì nhau. Ông nhắc lại rằng bằng việc từ chối ký vào bản Hiến pháp, có thể ông đã làm một việc tồi tệ và sai trái nhất trong cuộc đời, nhưng đó là mệnh lệnh của lương tâm ông, buộc ông không thể đắn đo hay thay đổi. Ông nhắc lại niềm tin của ông rằng việc bắt buộc dân chúng, hoặc phải chấp nhận toàn bộ, hoặc phải bác bỏ văn bản này, sẽ chỉ tạo ra sự hỗn loạn vô chính phủ.

Ngài GERRY: Thể hiện tâm trạng đau đớn của ông, và sự bối rối buộc ông phải đứng lên đề xuất những thay đổi nữa với mô hình đã được quyết định này. Trong khi kế hoạch này còn đang chờ đợi phê chuẩn, thì ông muốn được hoàn toàn tự do phán xét mô hình này. Bây giờ, bản thân ông tự thấy mình sẽ đối xử với nó như đối với một đạo luật của Hợp bang. Ông lo ngại rằng một cuộc nội chiến có thể xảy ra do cuộc khủng hoảng hiện nay của nước Mỹ. Ông coi mối nguy hiểm ở Massachussetts là thực sự nghiêm trọng [tức là vụ bạo động của Daniel Shays-ND].

Tại tiểu bang đó có hai phe phái, một phe dân chủ thái quá, ông coi đó là điều tồi tệ nhất trong số mọi tai họa chính trị, nhưng phe phái kia cũng hung bạo trong thái cực đối lập. Do cuộc xung đột về tán thành và phản đối bản Hiến pháp, nên mối lo ngại nhất là sự hỗn loạn. Ông nghĩ là vì nhiều lý do, cần thiết phải xây dựng một mô hình trung lập và hòa giải hơn nữa, để làm dịu đi tâm trạng kích động có phần thái quá của các phe phái. Hội nghị đã phê chuẩn bản Hiến pháp này, nhưng ông tin rằng điều đó sẽ có tác dụng ngược lại.

Do đó, ông không thể ký vào văn bản này để ông được quyền làm mọi việc cần thiết. Việc thay đổi hình thức ký kết không có gì khác nhau đối với ông cả. Nhưng nếu việc ký kết không rõ ràng, dân chúng sẽ không bao giờ biết sự bất đồng của ông. Ông không thể không coi những lời bóng gió của Bác sĩ Franklin làm nhằm ám chỉ ông và những quý ngài từ chối ký.

Tướng PINKNEY: Dường như chúng ta không thể làm thay đổi được những người quyết tâm không ký vào Hiến pháp bằng một hình thức mập mờ như đề xuất. Nên ông nghĩ cách tốt nhất là trình bày thắng thắn việc chấp thuận, hay không chấp thuận Hiến pháp và để tự nó nói lên bản chất của sự việc. Ông muốn công khai rõ ràng mục đích việc ký kết của các đại biểu. Ông sẽ ký vào Hiến pháp với suy nghĩ rằng điều này sẽ góp phần ủng hộ bản Hiến pháp với mọi ảnh hưởng của ông và cam kết sẽ làm đúng như vậy.

Bác sĩ FRANKLIN: Bây giờ là quá sớm để tự chúng ta cam kết trước Quốc hội và trước cử tri của chúng ta rằng sẽ chấp thuận kế hoạch này.

Ngài INGERSOL: Không coi việc ký kết dù là dưới hình thức nào đi nữa như một sự cam kết của những người ký rằng sẽ ủng hộ bản Hiến pháp này, ngoài việc gợi ý rằng mọi điều đưa ra đã được nghiên cứu là thích hợp nhất.

Về đề xuất của Bác sĩ Franklin: NH: đồng ý; MA: đồng ý; CT: đồng ý; NJ: đồng ý; PA: đồng ý; DE: đồng ý; MD: đồng ý; VA: đồng ý; NC: đồng ý; SC: không thống nhất ý kiến; GA: đồng ý.

Ngài King gợi ý là cần hủy bỏ bản ghi chép của

viên Thư ký về Hội nghị này, hoặc nên trao cho Ngài Chủ tịch giữ. Ông nghĩ bản ghi chép này sẽ làm công chúng hoang mang và kinh sợ, còn những người chống Hiến pháp sẽ lợi dụng để ngăn cản việc phê chuẩn.

Ngài Wilson cho là nên làm theo cách thứ hai, trao nó cho Ngài Chủ tịch, dù ông từng nghĩ là cách thứ nhất là hay nhất, nhưng sợ rằng những lời lẽ dối trá có thể bị lan truyền.

Cuộc bỏ phiếu về vấn đề trao những ghi chép và những văn bản liên quan về Hội nghị cho Ngài Chủ tịch: NH: đồng ý; MA: đồng ý; CT: đồng ý; NJ: đồng ý; PA: đồng ý; DE: đồng ý; MD: phản đối; VA: đồng ý; NC: đồng ý; SC: đồng ý; GA: đồng ý;

Ngài Chủ tịch hỏi Hội nghị muốn sử dụng bản Ghi chép thế nào, liệu có phân phát những bản chép cho những thành viên liên quan hay không? Hội nghị hoàn toàn nhất trí rằng: "Ngài Chủ tịch sẽ giữ bản ghi chép này và các văn bản khác và làm theo quyết định của Quốc hội Liên bang, nếu cơ quan này được lập theo bản Hiến pháp".

Sau đó, các đại biểu lần lượt ký vào văn bản này.

Trong khi các đại biểu cuối cùng đang ký vào bản Hiến pháp, Bác sĩ Franklin chỉ vào hình mặt trời sau lưng ghế chủ tịch Hội nghị, nói với một vài đại biểu đứng gần đó rằng những họa sĩ vẽ nó khó phân biệt được đó là cảnh mặt trời đang mọc, hay đang lặn.

Ông nói, trong cuộc họp này, ông thường nhìn vào hình mặt trời này với những niềm hy vọng đan xen những nỗi sợ hãi và ông không thể nói được đó là cảnh mặt trời đang mọc, hay đang lặn. Nhưng giờ đây, cuối cùng, ông cảm thấy hạnh phúc, vì biết chắc chắn đó là cảnh mặt trời đang mọc, chứ không phải đang lặn.

Bản Hiến pháp cuối cùng được tất cả các đại biểu ký tên, trừ Ngài Randolph, Ngài Mason và Ngài Gerry. Họ từ chối thể hiện sự đồng ý bằng việc đặt tên của mình lên đó. Thế là Hội nghị kết thúc và không biết bao giờ mới gặp lại.

MỜI BẠN ĐỌC

PHẦN 1:

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG HIẾN PHÁP MỸ

PHẦN 2: 

CÁC CUỘC TRANH LUẬN TẠI HỘI NGHỊ LẬP HIẾN

PHẦN 3

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 3: NHỮNG LẬP LUẬN CỦA MADISON PHẢN ĐỔI PHƯƠNG ÁN NEW JERSEY

PHẦN 4

TRANH LUẬN VỀ CHỦ QUYỀN LIÊN BANG VÀ NHIỆM KỲ CỦA HẠ NGHỊ SĨ

PHẦN 5

TRANH LUẬN VỀ NHIỆM KỲ CỦA THƯỢNG NGHỊ SĨ

PHẦN 6:

TRANH LUẬN VỀ SỰ BÌNH ĐẲNG CỦA CÁC TIỂU BANG TẠI QUỐC HỘI

PHẦN 7:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 7: ĐA SỐ LÀ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA NỀN CỘNG HÒA

PHẦN 8:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 8: BẦU CHỌN VÀ NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG

PHẦN 9:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 9: TRANH LUẬN VỀ QUYỀN PHỦ QUYẾT CỦA TÒA ÁN VÀ CÁCH BẦU CHỌN THẨM PHÁN

PHẦN 10:

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 10: BẦU CHỌN, NHIỆM KỲ VÀTÁI CỬ CỦA TỔNG THỐNG

PHẦN 11

HIẾN PHÁP MỸ ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO? – PHẦN 11: PHÁC THẢO BẢN HIẾN PHÁP ĐẦU TIÊN

PHẦN 12:

KÝ KẾT BẢN HIẾN PHÁP

  SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://lichsuvn.info


No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...