Thursday 26 May 2011

435.Chật vật thời bão giá

(TBKTSG Online) - Đối với nhiều công nhân, những cụm từ như “lạm phát” hay “chỉ số giá tiêu dùng” (CPI) là một khái niệm xa lạ nhưng chắc chắn họ hiểu rằng cứ sau một đêm ngủ dậy họ lại nghèo hơn vì giá cả tăng vọt. Nhiều công nhân tự nguyên xin tăng ca để được ăn tối không mất tiền, nhiều người khác thì phải làm thêm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Xoay xở với đồng lương còm

Theo ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng quản lý lao động Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (Hepza), hiện có khoảng 260.000 công nhân tại 13 khu chế xuất, khu công nghiệp hưởng mức lương trung bình 2,5 -2,8 triệu đồng/tháng. Còn tính trên toàn thành phố thì số lượng công nhân, người lao động tự do nhiều gấp vài lần con số kể trên.

Tuy nhiên, cho dù làm việc ở đâu thì họ đều có một tình cảnh chung là cuộc sống hiện quá khó khăn khi giá cả mỗi ngày một tăng cao như hiện nay.

Khi được hỏi về các khái niệm “lạm phát” hay “CPI”, những người công nhân ở khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) không biết giải thích thế nào. Chị Lê Thị Mai quê ở Phú Thọ, thật thà trả lời: “Tôi không biết lạm phát là gì đâu, chỉ biết rằng giờ đây cái gì cũng tăng giá vùn vụt nhưng đồng lương lại không tăng. Sau một đêm lại thấy mình nghèo đi”.

Chị Nguyễn Thị Hồng, quê ở Hà Tĩnh nói thêm: “Giờ cầm tiền đi chợ mà xót lòng. Hôm trước giá này, hôm sau lại có giá mới. Bữa nào đi làm thì còn đỡ chứ hôm nào nghỉ ở nhà thì tiền chợ một ngày tối thiểu ít nhất cũng 70.000- 80.000 đồng, nhiều hơn 20.000 đồng so với trước đây nhưng thức ăn chẳng nhiều hơn, có khi lại ít đi nữa”.

Giám đốc một công ty may trên địa bàn TPHCM cho biết doanh nghiệp ông phải trợ cấp thêm cho công nhân từ 10- 15%/tháng. Ông cũng xoay xở mọi cách để trả lương đúng hạn cho công nhân dù thu hẹp sản xuất, hạn chế tuyển người. “Ngành may giờ gặp lắm khó khăn, giá cả nguyên liệu tăng cao, nhiều loại vật liệu tăng gấp 2-3 lần so với trước đây, chi phí vận chuyển cũng tăng, tiền cơm trưa cho công nhân cũng phải điều chỉnh tăng thêm 2.000 đồng/suất… nên có nhiều tháng chúng tôi phải chịu lỗ”, ông nói.

Anh Nguyễn Thanh Hiền, chủ cơ sở sản xuất nhíp, dao ở Gò Vấp chuyên cung cấp cho các đại lý bán dụng cụ cắt tóc, cho biết: "Trung bình thu nhập của công nhân ở đây 2,5- 3 triệu đồng/tháng. Mấy tháng qua, do khó khăn từ thị trường nên buộc phải thu hẹp sản xuất. Tháng vừa rồi, buộc phải cho thêm 3 công nhân nghỉ việc nhưng phụ cấp cho anh em chỉ được nửa tháng lương. Biết là anh em buồn nhưng tôi cũng cố gắng lắm rồi nhưng không biết sẽ chịu đựng được bao lâu nữa".

Tự nguyện xin tăng ca, làm thêm việc

Chị Minh Ngọc, một công nhân quê ở Bình Thuận đang làm việc tại quận Thủ Đức (TPHCM), cho biết hôm nào tăng ca thì không phải tốn tiền đi chợ chiều; còn hôm nào không tăng ca, bữa trưa ở công ty là bữa cơm chính của người công nhân. "Giờ chúng tôi phải ‘thắt lưng buộc bụng’. Mấy hôm không tăng ca chiều, tôi chỉ dám mua 1 bó rau 3.000 đồng, cộng thêm 2 cái trứng vịt, tiền chợ tối cũng chỉ cỡ 15.000 đồng, chủ yếu là lót dạ cho qua ngày”, chị nói.

Anh Lê Văn Thưởng, 34 tuổi, công nhân làm dao, nhíp tại xưởng của anh Hiền chia sẻ, đồng lương công nhân không nói ra ai cũng biết, than vãn nhiều cũng không giải quyết được gì. Chuyện trò được một lúc anh phải vội đi vì phải chở một người khách vào bệnh viện Hùng Vương thăm người bệnh. Hơn 2 tháng nay, anh Thưởng ngoài làm việc ở xưởng của anh Hiền, còn tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm chút tiền phụ giúp vợ.

Dạo quanh phường 15, quận Tân Bình - nơi tập trung nhiều cơ sở may mặc tư nhân, đặc biệt trên đoạn đường Cống Lở, đâu đâu cũng nhìn thấy máy may, vải vóc chất đầy nhà, lấn ra cả đường đi và tiếng máy may chạy từ sáng đến tối khuya.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng quản lý lao động Hepza cho biết, ngày 2-6 tới, Hepza sẽ phối hợp với 70 doanh nghiệp để thực hiện chương trình bán hàng bình ổn lưu động tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo Hepza, chương trình này không thể đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm của công nhân nhưng phần nào hỗ trợ công nhân trong tình cảnh giá cả của các mặt hàng nhu yếu phẩm đang tăng lên từng ngày như hiện nay.

Thông qua một người bạn làm công tác xã hội, chúng tôi mới gặp được Vi Văn Long, 19 tuổi, quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang, làm công nhân may trên đường Cống Lở.

Mặc dù đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng Long khá thấp, người gầy cộng thêm mái tóc dài khiến ai mới gặp lần đầu sẽ nghĩ ngay Long có thể là tay "anh chị". Nhưng phía sau bộ dạng ấy là một con người hiền lành, chỉ biết cặm cụi làm việc từ sáng đến tối.

Khá mệt mỏi khi gặp chúng tôi nhưng sau một hồi hỏi thăm thì Long cũng mạnh dạn hơn, nói nhiều hơn và thỉnh thoảng lại cười, phảng phất những nét ngây thơ trên khuôn mặt già trước tuổi.

Với giọng đều đều, có khi rất nhỏ, Long cho biết là anh cả trong nhà có 5 anh chị em, gia đình sống dựa vào nghề làm rẫy, thu nhập bấp bênh nên Long theo cậu vào thành phố để kiếm sống. Do được bao ở nên mỗi tháng Long được nhận khoảng 1,2 triệu đồng gồm cả tăng ca. Long chỉ dám tiêu 200.000 đồng, còn lại gửi về phụ giúp ba mẹ ở quê.

Long cho biết xin tăng cả để không phải ra ngoài chơi với lại được ăn bữa tối. "Bạn em ai cũng xin tăng ca nhưng em nghe nói là hết tháng 5 này thì sẽ không phải tăng ca nữa vì chưa có hợp đồng mới". Vì thế, Long đang có ý định xin chuyển sang một công ty khác để có lương cao hơn, được hưởng chế độ bảo hiểm nhưng do giấy tờ chưa hợp lệ nên không làm hồ sơ xin việc được.

Anh Trần Hải Hà (Chín Trẹo), 47 tuổi, làm nghề đánh bắt cá trên sông Vàm Thuật (Gò Vấp), cuộc sống vốn đã vất vả giờ còn mệt mỏi hơn. Ngày làm việc của anh bắt đầu từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Tuy vất vả cả đêm nhưng thu nhập của anh cũng chỉ ở mức 70.000- 80.000 đồng/ngày, cả nhà 3 nhân khẩu cùng chia sẻ số tiền mà anh Trẹo kiếm được. Anh cho biết, dạo này nhiều sông rạch ô nhiễm quá, tôm cá ngày càng ít đi, một mình anh làm không đủ nuôi sống mấy miệng ăn.

Để phụ thêm gia đình, hằng ngày, sau giờ đi học, đứa con trai 7 tuổi của anh phải cùng mẹ đi lượm ve chai. Anh Trẹo tâm sự: “Hai vợ chồng chỉ biết cách giảm khẩu phần ăn xuống để lo cho con ăn học. Mình không có điều kiện đến trường nhưng phải cố lo cho con ăn học đàng hoàng”. Ước mơ của anh Trẹo đơn giản chỉ có vậy.

Báo cáo đánh giá đời sống của người nghèo và người làm công ăn lương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khoảng 1,6 triệu công nhân lao động trong 260 khu công nghiệp và 15 khu kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, tiền lương không đủ trang trải cho nhu cầu cuộc sống.

Báo cáo này cũng cho thấy thu nhập của công nhân tại các khu công nghiệp chỉ đạt mức trung bình là 2 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 68% so với mức thu nhập trung bình của công nhân cả nước nói chung. Số tiền này bao gồm các khoản phụ cấp như tiền đi lại, tiền tăng ca, tiền thuê nhà…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức thu nhập của người nghèo tăng bình quân 10-20% trong khi giá cả hàng hóa dịch vụ lại tăng 30-50%. Người thu nhập thấp ở thành thị phải dùng hầu hết toàn bộ thu nhập của mình cho việc mua lương thực, thực phẩm, điện, nước, gas… đến mức hầu như không còn có thể dành dụm được. Nhiều người đã chấp nhận sống thiếu thốn.

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...