NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp
Cấu trúc Bộ luật dân sự là cách thức tổ chức, phân chia, sắp xếp và bố trí các phần, các chương, mục theo một hệ thống nhất định để thể hiện nội dung của Bộ luật dân sự. Nhìn vào cấu trúc của một bộ luật, người ta có thể thấy sự mạch lạc, quan điểm nhất quán có tính chiến lược và ý đồ của nhà làm luật khi điều chỉnh các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Đồng thời, qua đó cũng thấy được tính hợp lý, logic, hệ thống của các nội dung được quy định.
Xét về bản chất, cấu trúc của Bộ luật dân sự không làm thay đổi nhiệm vụ của nó[1]. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích triển khai mục tiêu, nội dung của Bộ luật dân sự, nhà làm luật các nước kết cấu Bộ luật dân sự theo những cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, có hai phương thức cơ bản là Institutiones và Pandekten[2].
1. Institutiones (Institutional system), kết cấu Bộ luật dân sự thành các phần, chương theo chức năng của luật: chủ thể = người (luật về người – personae), khách thể = vật (luật về vật – res), hành vi = chuyển dịch tài sản (actiones). Phương thức này được sử dụng để kết cấu Bộ luật dân sự của Pháp, Áo, Ai Cập… và các Bộ Dân luật Bắc Kỳ (năm 1931), Bộ Dân luật Trung Kỳ – Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật (năm 1936) và Bộ Dân luật năm 1972 của chế độ miền Nam Việt Nam ;
2. Pandekten (Pandectist System), kết cấu Bộ luật dân sự thành các phần, chương theo hướng khái quát lý luận. Theo đó, Bộ luật dân sự được kết cấu theo các phần: (1) qui định chung, (2) vật quyền, (3) phần nghĩa vụ, (4) phần gia đình, (5) phần thừa kế. Phương thức này được sử dụng để kết cấu Bộ luật dân sự Đức, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, kết cấu Bộ luật dân sự năm 1995 và 2005 của Việt Nam ở một khía cạnh nào đó cũng chịu ảnh hưởng theo phương thức này.
1. Cấu trúc của Bộ luật dân sự năm 2005
Bộ luật dân sự năm 2005 của Việt Nam được kết cấu thành 7 phần: (1) Những quy định chung (Điều 1 – Điều 162), (2) Tài sản và quyền sở hữu (Điều 163 – Điều 279), (3) Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự (Điều 280 – Điều 630), (4) Thừa kế (Điều 631 – Điều 687), (5) Quy định về chuyển quyền sử dụng đất (Điều 688 – Điều 735), (6) Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (Điều 736 – Điều 757), (7) Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (Điều 758 – Điều 777).
Nhìn vào cấu trúc trên, có thể thấy về hình thức, Bộ luật dân sự năm 2005 chịu ảnh hưởng của phương thức Pandekten khi kết cấu Bộ luật theo hướng chia phần, chương có tính khái quát lý luận. Tuy nhiên, nếu đi vào cách thức tổ chức, phân chia, sắp xếp và bố trí các phần, các chương, mục và nội dung của từng phần, chương, mục thì cho thấy, thật khó có thể xác định Bộ luật dân sự năm 2005 được cấu trúc theo phương thức Institutiones hay phương thức Pandekten. Cấu trúc hiện hành đã tạo ra nhiều nội dung trùng lắp, có nội dung được đưa vào những vị trí không rõ mục đích và không đúng bản chất. Kết quả là ý đồ, mục đích, quan điểm chiến lược của nhà làm luật không được thể hiện rõ, các quy định trong luật không mang tính hợp lý, hệ thống, logic rất khó áp dụng trong thực tiễn pháp lý.
- Phần Tài sản và quyền sở hữu chưa nêu bật và đầy đủ về bản chất, phạm vi của quyền đối với vật (vật quyền). Nhà làm luật mới chỉ tập trung quy định về căn cứ xác lập, chấm dứt của quyền sở hữu, các quyền năng của chủ sở hữu, các hình thức sở hữu… còn các quy định về quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản (vật quyền khác) rất mờ nhạt và cũng chưa có sự tách biệt giữa chiếm hữu là tình trạng pháp lý và chiếm hữu là một quyền của chủ sở hữu và người không phải là chủ sở hữu;
- Phần Nghĩa vụ và hợp đồng có nhiều quy định mang nội dung của vật quyền (quyền của bên nhận cầm cố, nhận thế chấp, quyền của bên thuê tài sản…);
- Phần Quy định về chuyển quyền sử dụng đất trùng lắp về nội dung và bản chất pháp lý đối với các quy định trong các phần còn lại của Bộ luật dân sự (tài sản, vật quyền, trái quyền, thừa kế);
- Phần Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ chứa đựng các nội dung trùng lắp với các quy định về tài sản, về trái quyền và cũng có nhiều nội dung không mang đặc trưng của quan hệ tư, luật tư cần được điều chỉnh trong pháp luật chuyên ngành.
2. Một số định hướng trong kết cấu lại Bộ luật dân sự năm 2005
2.1. Các nguyên tắc trong kết cấu lại Bộ luật dân sự
- Thứ nhất, phải dựa trên mục tiêu, quan điểm, phạm vi và nội dung sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005;
- Thứ hai, phải dựa trên một nguyên lý thống nhất có tính hệ thống và khoa học, đã được khẳng định trong thực tiễn xây dựng pháp luật dân sự trên thế giới;
- Thứ ba, đảm bảo tính khái quát cao về mặt lý luận trong tổng thể kết cấu Bộ luật dân sự và trong kết cấu của từng phần, chương, mục;
- Thứ tư, đảm bảo tính hiệu quả, sự thuận lợi về tra cứu, vận dụng trong thực tiễn áp dụng pháp luật;
- Thứ năm, kế thừa các thành tựu trong kết cấu của Bộ luật dân sự hiện hành và các Bộ luật dân sự trong lịch sử cận và hiện đại của Việt Nam. Đồng thời, học tập kinh nghiệm về kết cấu Bộ luật dân sự của các nước trên thế giới.
2.2. Định hướng về kết cấu của Bộ luật dân sự sửa đổi
Chúng tôi cho rằng việc tái cấu trúc lại Bộ luật dân sự năm 2005 là cần thiết và Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn một trong hai phương thức Institutiones và Pandekten cho việc xây dựng cấu trúc Bộ luật dân sự sửa đổi. Song, gắn với điều kiện của Việt Nam, việc áp dụng phương thức Pandekten có phần phù hợp hơn và cũng đảm bảo được các nguyên tắc được định hướng trong kết cấu Bộ luật dân sự, vì các lý do sau:
Một là, mục tiêu cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự là để bảo đảm các yếu tố cơ bản của thể chế pháp lý cho nền kinh tế thị trường: (1) Hệ thống pháp luật về tài sản, sở hữu, quyền của chủ thể không phải là chủ sở hữu, giao dịch được xây dựng trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể luật tư, Nhà nước không áp đặt quyền lực để can thiệp vào quan hệ giữa các chủ thể, họ có quyền tự quyết; (2) Chủ thể luật tư được tự do thể hiện ý chí trong giao dịch và phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi tham gia giao dịch (không phụ thuộc chủ thể là nhà nước, tổ chức, cá nhân); (3) Các cơ chế, phương pháp, thủ tục bảo đảm thực thi quyền của chủ thể luật tư phải dựa trên nguyên tắc tính tuyệt đối của quyền sở hữu, tự do về tư cách chủ thể, tự do thỏa thuận và lý lẽ công bằng; (4) Sự hiện diện và thể hiện vai trò của Nhà nước trong đời sống xã hội dân sự, trong thị trường, mức độ tự do hóa mà Nhà nước cho phép và hiệu quả hoạt động của thị trường; cam kết tôn trọng và bảo đảm của Nhà nước về sở hữu và quyền tự do giao dịch… Với mục tiêu cơ bản như vậy, việc sửa đổi nội dung Bộ luật dân sự năm 2005 theo hướng vật quyền, trái quyền là cần thiết và đây cũng là nguyên lý của phương thức Pandekten[3];
Hai là, một trong các nguyên tắc cơ bản trong sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự là đặt Bộ luật dân sự ở vai trò là luật gốc, luật cơ bản của hệ thống luật tư, có tính trừu tượng hóa cao, khái quát hóa cao, điều chỉnh các quan hệ xã hội ổn định, không quy định các vấn đề phụ thuộc nhiều vào các quyết định chính trị để đảm bảo tính ổn định của Bộ luật dân sự. Phương thức Pandekten đáp ứng tốt nguyên tắc này;
Ba là, kết cấu của Bộ luật dân sự năm 2005 chịu ảnh hưởng của kết cấu theo phương thức Pandekten, việc áp dụng phương thức này cho Bộ luật dân sự sửa đổi đảm bảo không có sự xáo trộn lớn và có tính kế thừa.
Trong thực tiễn thực hiện các hoạt động chuẩn bị sửa đổi cơ bản Bộ luật dân sự năm 2005, đã có ba quan điểm khác nhau về cấu trúc Bộ luật dân sự sửa đổi. [4] Các quan điểm có sự khác nhau về kết cấu phần của Bộ luật dân sự, nhưng đều dựa trên hoặc chịu ảnh hưởng bởi nguyên lý của phương thức Pandekten.
Căn cứ vào những vướng mắc nội tại về kết cấu của Bộ luật dân sự năm 2005, những nguyên tắc trong kết cấu lại Bộ luật dân sự, chúng tôi cho rằng việc Bộ luật dân sự sửa đổi cần được kết cấu thành 5 phần (qui định chung, vật quyền, trái quyền, thừa kế và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài).
Về tổng thể, kết cấu theo phương án này dựa trên nguyên lý về cấu trúc Bộ luật dân sự theo phương thức Pandekten. Tuy nhiên, cũng có hai điểm khác biệt: (1) phần gia đình không được kết cấu trong Bộ luật dân sự sửa đổi (Bộ luật dân sự năm 2005 hiện hành cũng không kết cầu phần này)[5]; (2) phần quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được kết cấu vào trong Bộ luật dân sự sửa đổi (theo kết cầu của Bộ luật dân sự năm 2005)[6]. Đây là hai phần lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau việc kết cấu vào trong Bộ luật dân sự, cần phải có sự trao đổi về mặt khoa học, cũng như sự nghiên cứu cơ bản từ phía các cơ quan xây dựng pháp luật.
- Phần Quy định chung được sửa đổi, bổ sung để trở điều khoản chung cho toàn bộ hệ thống quy phạm thuộc lĩnh vực luật tư và các phần vật quyền, trái quyền, thừa kế, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Các quy định có tính chất điều khoản chung được rà soát hoặc bổ sung vào phần quy định chung của Bộ luật dân sự. Dự kiến kết cấu theo chương phần Quy định chung:
Chương 1. Hiệu lực của Bộ luật dân sự
Chương 2. Những nguyên tắc cơ bản
Chương 3. Cá nhân
Chương 4. Pháp nhân
Chương 5. Tài sản[7]
Chương 6. Giao dịch
Chương 7. Đại diện
Chương 8. Thời hạn và thời hiệu
- Phần Chiếm hữu và các vật quyền được kết cấu dựa trên phần Tài sản và sở hữu trong Bộ luật dân sự năm 2005. Đồng thời, bổ sung chế định chiếm hữu (với tư cách là tình trạng pháp lý không phải là quyền chiếm hữu), các quyền của người không phải là chủ sở hữu và tiếp nhận (có sửa đổi, bổ sung) các quy định có nội dung vật quyền (quyền bề mặt, tài sản bảo đảm…) ở các phần Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, phần Những quy định về chuyển quyền sử dụng đất của Bộ luật dân sự năm 2005. Dự kiến kết cấu theo chương của phần Vật quyền[8]:
Chương 9. Qui định chung
Chương 10. Quyền sở hữu
Chương 11. Chiếm hữu[9]
Chương 12. Quyền hưởng dụng
Chương 13. Quyền bề mặt
Chương 14. Vật quyền bảo đảm
Chương 15. Quyền ưu tiên
Chương 16. Địa dịch
Chương 17. Bảo vệ vật quyền
- Phần Trái quyền được kết cấu dựa trên phần Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự. Đồng thời tiếp nhận (có sửa đổi, bổ sung) các quy định về chuyển quyền sử dụng đất ở phần Những quy định về chuyển quyền sử dụng đất của Bộ luật dân sự năm 2005. Dự kiến kết cấu theo chương của phần Trái quyền:
Chương 18. Qui định chung
Chương 19. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Chương 20. Hợp đồng
Chương 21. Hứa thưởng và thi có giải
Chương 22. Thực hiện công việc không có ủy quyền
Chương 23. Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản. được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật[10]
Chương 24. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Phần Thừa kế được kết cấu dựa trên phần Thừa kế trong Bộ luật dân sự năm 2005, tiếp nhận (có sửa đổi, bổ sung) các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất ở phần Những quy định về chuyển quyền sử dụng đất của Bộ luật dân sự năm 2005. Dự kiến kết cấu theo chương phần thừa kế:
Chương 25. Quy định chung
Chương 26. Thừa kế theo di chúc
Chương 27. Thừa kế theo pháp luật
Chương 28. Thanh toán và phân chia di sản
- Phần Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được kết cấu dựa trên phần Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài của Bộ luật dân sự năm 2005 (không kết cấu thành chương, mục).
Phụ lục:
DỰ KIẾN CẤU TRÚC BỘ LUẬT DÂN SỰ SỬA ĐỔI
Phần thứ nhất: Qui định chung
Chương 1. Hiệu lực của Bộ luật dân sự
Chương 2. Những nguyên tắc cơ bản
Chương 3. Cá nhân
Chương 4. Pháp nhân
Chương 5. Tài sản
Chương 6. Giao dịch
Chương 7. Đại diện
Chương 8. Thời hạn và thời hiệu
Phần thứ hai: Chiếm hữu và các vật quyền
Chương 9. Qui định chung
Chương 10. Quyền sở hữu
Chương 11. Chiếm hữu
Chương 12. Quyền hưởng dụng
Chương 13. Quyền bề mặt
Chương 14. Vật quyền bảo đảm
Chương 15. Quyền ưu tiên
Chương 16. Địa dịch
Chương 17. Bảo vệ vật quyền
Phần thứ ba: Trái quyền
Chương 18. Qui định chung
Chương 19. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Chương 20. Hợp đồng
Chương 21. Hứa thưởng và thi có giải
Chương 22. Thực hiện công việc không có ủy quyền
Chương 23. Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản. được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Chương 24. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Phần thứ tư: Thừa kế
Chương 25.Quy định chung
Chương 26. Thừa kế theo di chúc
Chương 27. Thừa kế theo pháp luật
Chương 28. Thanh toán và phân chia di sản
Phần thứ năm: Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Chú thích:
[1] Các Bộ luật dân sự trên thế giới có một nhiệm vụ chung là đạo luật gốc của hệ thống luật tư, công nhận địa vị pháp lý của chủ thể luật tư, quyền đối với tài sản và điều chỉnh các quan hệ được xác lập, thực hiện, chấm dứt theo nguyên tắc bình đẳng, tự do ý chí giữa các chủ thể.
[2] Có thể xác định hai học thuyết pháp lý phổ biến nhất hiện nay ở các nước theo hệ thống pháp luật thành văn.
[3] Việc không lựa chọn phương thức institutiones để thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế pháp lý cho nền kinh tế thị trường, không có nghĩa nếu áp dụng phương thức đó là không thể thực hiện được mục tiêu, nhưng xét về tính hợp lý, tính logic, hệ thống thì áp dụng phương thức Pandekten hiệu quả hơn.
[4] Hiện có 3 quan điểm (chúng tôi được biết đến thời điểm này): (1) giữ nguyên cấu trúc Bộ luật dân sự năm 2005 hiện hành gồm 7 phần (qui định chung, tài sản và quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, thừa kế, qui định về chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài); (2) cấu trúc thành 5 phần (qui định chung, vật quyền, trái quyền, thừa kế và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài); (3) cấu trúc thành 6 phần (qui định chung, vật quyền, trái quyền, thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài).
[5] Quan hệ gia đình được xác định một trong những nội dung cơ bản nhất của Bộ luật dân sự ở những nước theo cả trường phái Pandekten và Institutiones. Trong thực tiễn thực hiện các hoạt động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự, nhiều chuyên gia Nhật Bản, Đức, Pháp cũng cho rằng Việt Nam cần xem xét về việc kết cấu phần gia đình vào Bộ luật dân sự sửa đổi. Lý do phía Việt Nam đưa ra là Việt Nam đã có luật chuyên ngành riêng về hôn nhân và gia đình (vốn được ban hành từ năm 1959, 1986 và 2000).
[6] Trong Bộ luật dân sự của Pháp, Đức, Nhật … không có kết cấu quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên cũng có nước lại kết cấu nội dung này là một phần của Bộ luật dân sự, ví dụ, Bộ luật dân sự của bang Louisiana (Hoa Kỳ) được kết cấu theo kết cấu của Bộ luật dân sự Pháp nhưng được bổ sung thêm phần xung đột pháp luật. Hiện ở Việt Nam cũng có hai quan điểm: (1) tiếp tục kết cấu quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một phần của quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; (2) quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cần được quy định bằng một luật về tư pháp quốc tế riêng, không nên kết cấu vào trong Bộ luật dân sự.
[7] Cũng có những quan điểm khác nhau về nội dung này: (1) tài sản gắn liền với vật quyền, do đó cần được quy định trong phần vật quyền; (2) sử dụng thuật ngữ “vật” thay cho thuật ngữ “tài sản”. Chúng tôi cho rằng, tài sản trong Bộ luật dân sự được tiếp cận với tư cách là khách thể các vật quyền, nhưng cũng là đối tượng của hầu hết các quan hệ trong giao lưu dân sự, nên cần được quy định ở phần Quy định chung (Bộ luật dân sự Nhật Bản cũng kết cấu tài sản là một nội dung trong phần quy định chung). Về thuật ngữ sử dụng thuật ngữ “tài sản” hay “vật” hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo chúng tôi, việc sử dụng thuật ngữ “vật” mang nghĩa cổ điển phù hợp với tính chất hữu hình, trong khi thực tiễn giao lưu dân sự và thực tiễn pháp lý cũng đã có yêu cầu đòi hỏi chế độ pháp lý đối với những tài sản vô hình, trong hoàn cảnh đó việc sử dụng thuật ngữ “tài sản” phù hợp với thực tế hiện tại hơn.
[8] Đọc thêm: Hoàng Thị Thúy Hằng, “Dự kiến một số vấn đề cơ bản cần sửa đổi, bổ sung trong phần Tài sản và quyền sở hữu của Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi”. Chuyên đề cho Tọa đàm về sửa đổi Bộ luật dân sự ngày 12 – 13/05/2011, Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội.
[9] Việc kết cấu chiếm hữu như là một tình trạng pháp lý, cũng đặt ra vấn đề về việc có nên tiếp tục quy định quyền chiếm hữu như là một trong các quyền năng của chủ sở hữu hay không?
[10] Cũng có ý kiến cho rằng cần quy định nội dung này sang phần Chiếm hữu và các vật quyền.
SOURCE: CHUYÊN ĐỀ TỌA ĐÀM VỀ SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ, DO NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT PHÁP VÀ VỤ PHÁP LUẬT DÂN SỰ – KINH TẾ, BỘ TƯ PHÁP PHỐI HỢP TỔ CHỨC, 12 – 13/05/2011, HÀ NỘI.
VIỆC SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI CẦN CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"