Friday 20 May 2011

429. Cha Con Tự Luận 2: dĩ Cương chế Cương, dĩ Tịnh chế Động

leaning rock

Bài liên quan: Cha Con Tự Luận 1: Tảng Đá và Giá Trị Của Những Cái Đòn Bẩy

-      “Có một chuyện hôm qua bố con mình chưa nghĩ tới.”

-      “Chuyện gì vậy bố?”

-      “Con có thấy con suối nhỏ năm phía dưới chân đồi không?  Đó là nguồn nước để những hộ dân bên dưới sử dụng.  Nếu tảng đá to ấy sẽ lăn xuống ngay con suối đó, nó sẽ làm nghẽn nguồn chảy, khiến nước tràn vào nhà người ta và chảy về hướng khác.”

-      “Nhà mình sử dụng khe nước phía bên kia, sẽ không bị ảnh hưởng gì…”

-      “Chúng ta tuy sống trên thượng nguồn, nhưng không nên tự tung tự tác không nghĩ đến những người bên dưới.  Đây là nơi hoang dã không có khuôn khổ luật pháp nào, nên con người cũng có khác.  Người dân nơi này phải tự lập mà sống, họ không trông chờ hoặc ỷ lại vào kẻ khác… Cho nên họ có khả năng nhìn ra sự áp bức, nhất là khi nó liên quan đến nguồn lợi sinh sống của họ.  Và vì không ỷ lại sự bao che giúp đỡ của ai, họ cũng có đủ bãn lĩnh để gây hại đến ta nếu ta gây hại đến họ.  Con nên nhớ rằng, họ không phải những kẻ thụ động, bất lực… nên con không thể không nghĩ đến họ.”

-      “Đối với những người trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, thụ động, bất lực… mình có thể áp bức họ?”

-      “Không nhất thiết phải vậy, nhưng nếu họ thụ động, thì không nghĩ đến lợi ích của họ là chuyện rất dễ dàng vì sẽ không có hại gì.”

-      “Chẳng lẽ chúng ta không di dời tảng đá kia sao?”

-      “Đó là chuyện phải làm, nhưng tránh làm nghẽn con suối kia cũng là chuyện bắt buộc.”

-      “Nhưng bố ạ, nơi khe nước kia chảy vào cái ao đầu con suối ở bên dưới, cũng có một tảng đá to nằm nghiêng ra bờ suối.  Tuy còn vững chắc, nhưng thêm vài năm nữa, bờ suối sạt lỡ thêm, và nó sẽ ngã ngang qua.. rồi đây mạch chảy cũng bị nghẽn thôi…”

-      “Nếu có thể khiến tảng tả to trên kia lăn xuống ngay phía tảng đá phía bên dưới… Dùng tảng này chống đỡ tảng kia, thì chúng ta đã giải quyết được đến 2 vấn đề.”

-      “Tương tự như các cột chống mà chúng ta đã từng chống đỡ tảng đá trên kia hở bố?”

-      “Đúng thế.  Nhưng trong trường hợp này, chúng ta dùng một thế lực mạnh chống đỡ một thế lực mạnh.  Điều quan trọng là vì chúng ta không thể tự chống đỡ 1 mình, và quan trọng hơn nữa là khi không có tảng đá này nữa, tảng đá kia sẽ nhanh chóng trở thành một mối hiểm họa.  Trước lợi sau hại.  Chúng thủy chung vẫn là những tảng đá, làm những chuyện các tảng đá vô tri theo tự nhiên phải làm, không màng chi đến chúng ta.  Trong tình thế này, dĩ cương chế cương là cách duy nhất.”

-      “À… thế là chúng ta có thêm lý do để tìm thêm người giúp tay rồi.  Nhưng bằng cách nào chúng ta chuyển hướng thiên định, vừa tránh làm sập nhà mình… vừa có thể làm theo ý mình, lăn tảng đá ấy xuống đúng vị trí đó?”

-      “Con hãy nhìn vào khe nước đằng kia đi.  Tại sao nước chảy xuống?”

-      “Vì nó tuân theo lực hút của trái đất.”

-      “Theo định luật, nước trên kia sẽ phải chảy thẳng xuống chân đồi theo một đường thẳng hay quanh co?”

-      “Theo đường thẳng, nhưng thực tế lúc nào cũng quanh co chảy xuống.”

-      “Tại sao?”

-      “À… tại vì chúng chảy theo các khe sẵn có.  Và các khe nước thường không thẳng tắp mà quanh co tùy theo địa thế của ngọn đồi.”

-      “Thông minh… cũng như một cái khe cho dòng nước chảy, chúng ta cần một cái khe cho tảng đá kia lăn.  Gọi phải gọi nó là một đường hào thì có lẽ đúng hơn.”

-      “Con hiểu rồi… nhưng liệu đường hào chúng ta đào có giữ được tảng đá ấy không?”

-      “Nếu chiều ngang vừa đủ rộng, chiều sâu vừa đủ sâu, và nếu chúng ta lót các cây gỗ và đá nhỏ phía bờ hào hướng về phía chận đồi, nó sẽ kiên cố.”

-      “Phiền phức thế, sao mình không đào một cái hố thật to phía bên dưới, rồi lăn tảng đá ấy vào.. lấp nó lại?”

-      “Đây là một kế hay!  Bố cũng không nghĩ ra.  Có rất nhiều hiệu quả trước mắt.  Nhưng nếu con đào một cái hố ngay đó… Con cháu mấy đời sau của con sẽ nhìn thấy nó lộ nguyên hình ra.  Thế là lịch sử lại tái diễn và nguy kịch hơn nữa là tảng đá nay lại ở gần nhà hơn… và nếu họ muốn đào một đường hào để tránh nhà của ta, nó sẽ không được dốc như hiện nay, việc di chuyển tảng đá ấy sẽ khó khăn hơn.  Thêm một nguy hiểm nữa là việc đào một cái hố đủ to và đủ sâu, con sẽ phải đào bới một thời gian khá lâu ngay dưới chân tảng đá ấy, và càng ngày cơ hội nó sẽ ngã xuống càng cao.  Rất có thể nó sẽ trở thành nắp mộ cho cái huyệt con đang đào cho mình.”

-      “Ồ…”

-      “Kế này vẫn rất hữu dụng nếu không có tảng đá phía bên dưới kia.  Chỉ cần ở cuối đường hào, ta đào một hố to, thì tảng đá này sẽ thoải mái lăn dần xuống, không ngờ đến cái hố to đang chờ đợi mình lọt vào đó, không làm nghẽn con suốì phía dưới.”

-      “À… Hoàng Dung và Quách Tĩnh khi xưa cũng dùng kế này tóm Âu Dương Phong đến 2 lần.”

-      “Đúng, đó là dĩ tịnh chế động.”

-      “Lấy tịnh chế động, không phải là không làm gì hết à?”

-      “Ngốc tử… luyện võ và đọc sách kiếm hiệp bấy lâu nay mà không học được gì à?  Hay chỉ là học vẹt?  Đó chỉ là làm ra vẻ không động tịnh gì để lừa kẻ địch manh động trước.  Đòi hỏi phải có chuẩn bị trước.  Không làm gì cả, tức là hoàn toàn thụ động, chỉ có nước chờ chết thôi.”

-      “À phải rồi, khi xưa Quách Tĩnh chẳng giả vờ đọc sách như không có chuyện gì xảy ra, Âu Dương Phong sẽ nghi ngờ.  Và nếu không có chuẩn bị trước, Âu Dương Phong cũng không lọt bẫy đến 2 lần.”

-      “Việc khó khăn còn lại là phải bật tảng đá kia để nó bắt đầu chuyển động.”

-      “Phải chi có một tảng đá khác to hơn ở trên cao hơn trốc gốc lăn xuống, đâm vào tảng đá này, thì chúng ta đỡ nhọc công bố nhỉ?”

-      “Con chỉ giỏi suy nghĩ theo kiểu lười biếng thôi.  Nếu chuyện đó xảy ra, thì một là ta phải đối phó với 2 tảng đá đang lăn xuống hai hướng khác nhau; hai là tảng đá to hơn kia sẽ thay thế tảng đá này, trở thành mối hiểm họa treo đầu khác to lớn hơn.”

-      “Ừ nhỉ!”

-      “Con nên nhớ, cuộc sống chỉ yên bình khi không có những tảng đá to.  Và cuộc sống chỉ vững vàng khi tảng đá to ấy là chính chúng ta dựng lên, có một cái gốc vững vàng, không lăn xả tùy thích vào nhà người khác để rồi họ sẽ tìm cách di dời mình đi.”

-      “Nhưng bố ạ, vùng đồi núi hoang dã này lúc nào cũng có những tảng đá to.”

-      “Cho nên sinh lộ chính là những kẻ hở dưới nơi những hòn đá to chụm vào nhau đấy con ạ.  Theo sự chuẩn bị của chúng ta, những hòn đá ấy bề ngoài cũng sẽ lăn xả theo tự nhiên, nhưng thật ra đã có hướng đi nhất định cho chúng rồi.  Khi đối diện với các hòn đá to, con nên nhớ rõ điều này:  Đừng bao giờ cô lập mình bên cạnh 1 hòn đá duy nhất.  Nếu không con sẽ phải suốt đời chật vật chống đỡ nó, và vì sức người có hạn, một ngày nào đó nó sẽ đè bẹp con vì đó là thiên định cho những tảng đá to.”

-      “Con hiểu rồi.  Khi đối phó với các tảng đá to, chúng ta nên suy nghĩ tường tận, lo liệu mọi mặt trước khi manh động.  Không lệ thuộc vào 1 tảng duy nhất mà phải lợi dụng tảng này chống đỡ tảng kia.  Tuy không chống lại được sứ mạng của những tảng đá to, nhưng ta vẫn có thể chuyển hướng thiên định, vận chuyển sứ mạng ấy theo chiều hướng có lợi cho mình.”


Nguồn:http:Khuyết' Danh !!

2 comments:

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...