Theo Afamily's: Cuộc sống của những người phụ nữ quanh năm lênh đênh trên mặt nước sông Hồng này như càng thêm khốn khó vào mỗi mùa nước dâng.
Chúng tôi ghé thăm "xóm làng chài" nằm trên đoạn sông Hồng chảy qua phường Phúc Tân, quận Ba Đình (Hà Nội) vào một ngày mưa đầu tháng 8. Gọi là “xóm" thì có vẻ đông đúc, thực chất, cả "xóm" chỉ có 13 hộ dân, sống trên mấy cái nhà bè tranh nứa lụp xụp, dựng tạm trên những thùng xốp được cột chặt, cố định vào nhau, đậu san sát cạnh mé bờ sông.
Đặc biệt, cư dân trong xóm cũng không ai sinh nhai bằng nghề chài lưới. Có lẽ, trong tiềm thức của họ, một cộng đồng quanh năm sống lênh đênh trên mặt nước thì đơn giản được mặc định là "xóm làng chài". Dân trong xóm tứ xứ quy tụ, nhiều nhất là người ở tỉnh Thái Bình, Hưng Yên... do cuộc sống khốn khó nơi thôn quê mà kéo về Hà Nội kiếm kế sinh nhai.
Tháng 8 về. Tháng của những cơn mưa chuyển mùa xối xả, của mùa mưa lũ cũng đã về. Cả "xóm làng chài” lại đêm ngày nơm nớp lo sợ bao mối hiểm nguy từ con sông Hồng rình rập, đe dọa phá tan cuộc sống vốn dĩ đã rất nghèo khó của họ.
Làng chài ngày mưa
Mưu sinh trên những chiếc thuyền tạm bợ
“Hạnh phúc là bữa ăn có 1 gói mỳ tôm, 2 quả trứng với 1 chai bia”.
Cũng như 13 hộ dân cư ngụ tại “xóm làng chài”, bà Trần Thị Tuyết (62 tuổi, quê Thái Bình) trôi dạt về Hà Nội mưu sinh bằng nghề bán nước và sống trong trên "căn nhà nổi" dựng trên một chiếc thuyền tồi tàn đã hơn 10 năm nay.
Bà Trần Thị Tuyết - một cư dân sống lâu năm trong "xóm làng chài"
Sống cô độc trên chiếc bè xốp đơn sơ với khoản thu nhập khoảng 20.000 đồng/ngày từ gánh nước của mình, cuộc sống với bà Tuyết là những chuỗi ngày “thiếu thốn đủ đường”, từ môi trường ô nhiễm xung quanh đến nước sạch, điện tiêu dùng, và cả lương thực thực phẩm cho mỗi ngày.
Bà Tuyết chia sẻ, thông thường bà chỉ dám chi 5.000 đồng cho thực phẩm mỗi ngày. Còn lại là tiền điện, tiền nước, tiền than củi...Tất cả đều phải dè sẻn ở mức tối đa. “Tối nay ăn gì?” có lẽ là câu hỏi miên man ám ảnh suốt cuộc đời người phụ nữ tần tảo này.
Chiếc ăng ten của nhà bà Tuyết trên sông Hồng
Bà Tuyết có con gái đã lấy chồng ở Gia Lâm (Hà Nội). Nhưng gia cảnh con gái cũng khốn khó nên bà chẳng thể nương nhờ tuổi già. Ở cái tuổi 60, chuyện an dưỡng tuổi già với bà Tuyết vẫn là một điều thật sự xa xỉ!
Khi chúng tôi ghé thăm chiếc thuyền liêu xiêu đúng lúc bà Tuyết đang tự chế chiếc ăng ten sơ sài cho cái tivi, rồi lại lận đận tự bắc đường dây điện từ bờ xuống thuyền. Bà Tuyết tâm sự, đó chỉ là một trong những công việc thường ngày mà bà phải tự làm để lo liệu cho cuộc sống hiu quạnh trên miền sông nước.
Ái ngại nhất chính là khi mùa bão về. Bà Tuyết phải khổ sở tự chèo chống bảo vệ căn nhà của mình trước những đợt sóng sông Hồng cuồn cuộn, trong cái xối xiết của những con nước dâng.
Khó khăn vậy, nhưng căn nhà của bà Tuyết vẫn luôn rộng cửa cưu mang những thân phận cơ nhỡ. 3 cậu bé đến từ 3 vùng quê khác nhau, người chở thuê, người đánh giầy đều đang nương tựa dưới mái nhà của người phụ nữ nhân hậu này.
“Cứ từ từ đã con ạ!”
Trái với cảnh neo đơn của bà Tuyết là gia đình đông con cháu của chị Lĩnh (48 tuổi, quê Bắc Giang). 3 con, 2 cháu, gia đình 6 nhân khẩu này sống nhờ cả vào đồng tiền công 60.000 đồng ít ỏi mà chị kiếm được từ mỗi buổi gánh hàng rong ở chợ đầu mối Long Biên.
Chị Lĩnh, con gái và cháu trai
Con gái và cháu ngoại thứ 2
“Khổ lắm chú ơi, làm từ 8h tối tới 6h sáng may ra mới kiếm đủ ăn. May sao trời còn cho sức khỏe, chứ nghỉ một hôm biết lấy gì mà ăn? Những ngày nước lớn như thế này thì chẳng đi làm được, sợ nước cuốn trôi bè, trong nhà còn có cháu nhỏ nữa. Tôi đã nghỉ nửa tháng rồi. Giờ chẳng còn gì ăn. Tài sản lớn nhất trong nhà là 4kg gạo mà Hội chữ thập đỏ tặng cho”, chị Lĩnh thở dài.
Cuộc sống lênh đênh sông nước gian khổ khiến 6 mẹ con, bà cháu họ chỉ biết nương tựa vào nhau, rau cháo qua ngày. Mỗi mùa lũ đến, cái gia đình nhỏ này lại phải gồng mình chống chịu những đợt gió lốc trên sông có đủ sức mạnh để tốc bay cái mái nhà vốn không lấy gì làm chắc chắn. Còn vào mùa khô, bốn bề quanh đây là rác, nước cống chảy xuống đen ngòm, ruồi muỗi nhiều rất ô nhiễm.
Bè tranh nhỏ bé trước con nước mênh mông (bè đầu tiên).
Dùng thuyền tự chế và mọi phương pháp để chống đỡ căn nhà.
“Cũng muốn lên bờ lắm chứ, nhưng tiền ăn còn chẳng đủ, tiền đâu mà thuê nhà? Thỉnh thoảng cũng được các nhà hảo tâm cho quà, cho gạo, dầu ăn, xà phòng, sách vở. Thế là đỡ nhiều lắm rồi”, chị Lĩnh cười buồn đáp.
Con bé út nhà chị Lĩnh năm nay vào lớp 6. Lòng bà mẹ nghèo thương con đi học xa nhưng vẫn đành phải nén nỗi chua chát vào lòng mà nói với con: “Xe đạp và dép xăng đan đi học, cứ từ từ đã con ạ. Đợi mẹ có tiền, mẹ mua cho con nhé”...
13 hộ dân của "xóm làng chài" vẫn đang từng ngày lận đận kiếm kế sinh nhai, vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Rồi khi mùa bão về, con sông Hồng đầy ắp phù sa vẫn bao bọc họ bỗng nhiên hóa thành hung thần tàn bạo, sẵn sàng cướp đi sinh mạng và của cải của bất kỳ ai.
Nhưng "xóm làng chài" vẫn sống, vẫn lạc quan, vẫn kiên cường bám trụ với cuộc sống ấy và tìm kiếm cho mình những niềm vui giản dị từ trong chính gian lao, ươm mầm trẻ thơ nảy chồi tươi tốt.
oi mot goc nho cua thien duong.
ReplyDelete