Tuesday, 21 August 2012

552.Bàn về tinh thần pháp luật



15:24, 1/6/2006 (GMT+7)
(Lanhdao.net) - Cùng với tác phẩm “Khế ước xã hội” của Rousseau, “Bàn về tinh thần pháp luật” của Montesquieu được coi là bộ đôi khai sáng về quan điểm pháp lý, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc cách mạng tư sản năm 1789, bởi lẽ các tác giả của nó đã khiến cho dân Pháp khinh sợ sự độc tài, đồng thời khích lệ họ vươn tới khát vọng tự do, đạo đức và bình đẳng.
Luật của trời và luật của người
Đặt vấn đề luật là những quan hệ tất yếu từ trong bản chất sự vật, Montesquieu khẳng định mọi vật đều có luật của nó. Thế giới thần linh, thế giới vật chất, những trí tuệ siêu việt, cho đến các loài vật và loài người đều có luật của mình.
Với quan điểm con người tự nhiên có trước con người xã hội, trước hết Montesquieu đề cập tới những luật của thiên nhiên tạo ra sự tồn tại của chúng ta.
Ông cho rằng, trong trạng thái tự nhiên, mỗi người đều cảm thấy thấp kém và ai cũng như mình, nên họ không tìm cách tấn công nhau và hoà bình là luật tự nhiên đầu tiên. Sau đó, những cảm giác về nhu cầu sống gắn liền với cảm giác về sự yếu đuối của mình khiến nảy sinh quy luật con người phải tìm cách để tự nuôi sống bản thân. Và tình yêu là luật tự nhiên thứ ba khi con người có nhu cầu lại gần với nhau. Thế rồi nguyện vọng được sống thành xã hội đã tạo nên luật tự nhiên thứ tư.
Ngay khi được tổ chức thành xã hội, cảm giác yếu đuối trong trạng thái tự nhiên đã biến mất và con người dần dần nhận thức được sức mạnh của mình. Montesquieu nhận thấy, sống trong một xã hội, muốn duy trì được trật tự phải quy định rõ quan hệ giữa người cai trị với người được cai trị. Đó là luật chính trị. Lại phải quy định quan hệ giữa các công dân với nhau. Đó là luật dân sự. Luật chính trị là luật tạo ra nền cai trị, còn luật dân sự là luật để duy trì nền cai trị ấy.
Các mối liên hệ của pháp luật
Montesquieu không nghiên cứu pháp luật như một hiện tượng cô lập, tách biệt, mà đặt nó trong mối tương quan chặt chẽ với các sự vật, hiện tượng khác để tìm và lý giải nguồn gốc và bản chất của pháp luật.
Ông tìm hiểu pháp luật trong các mối quan hệ phong phú, từ các hiện tượng tự nhiên như khí hậu tự nhiên, tính chất đất đai… đến các hiện tượng xã hội như thương mại, tiền tệ, tôn giáo, dân số... Trong từng mối quan hệ, Montesquieu không dừng ở việc lý giải bản chất và đặc điểm của mối quan hệ đó, mà còn chỉ ra những tương đồng và dị biệt có nó theo thời gian, để cuối cùng tìm ra nguyên lý vận động nội tác của chính nó, từ đó đề xuất cách soạn thảo luật và ứng dụng luật trong các lĩnh vực xã hội khác nhau.
Luận về các chính thể
Montesquieu xác định có 3 loại hình chính thể là dân chủ, quân chủ và chuyên chế. Ông định nghĩa: “Chính thể dân chủ là chính thể mà dân chúng hay một bộ phận dân chúng có quyền lực tối cao. Chính thể quân chủ thì chỉ một người cai trị, nhưng cai trị bằng luật pháp được thiết lập hẳn hoi. Trong chính thể chuyên chế thì trái lại, chỉ một người cai trị, mà không luật lệ gì hết, chỉ theo ý chí và sở thích của hắn ta mà thôi”.
Bằng lối tư duy độc đáo, Montesquieu đã chỉ ra ý niệm và bản chất của mỗi loại hình chính thể bằng cách kích thích sự tưởng tượng của người đọc. Chẳng hạn, bàn về chính thể chuyên chế, ông viết: “Những người dã man ở xứ Louisiane muốn ăn quả thì chặt cây từ gốc đổ xuống để hái quả. Chính thể chuyên chế là như rứa đó!”
Thuyết tam quyền phân lập
Tư tưởng phân chia giữa các nhánh quyền lực đã bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại, mà đại diện tiêu biểu là Aristote. Đến thời kỳ Khai sáng thế kỷ XVIII, các nhà tư tưởng Pháp đã làm giàu có thêm nội dung của nó và phát triển thành một học thuyết chính trị - pháp lý độc lập.
Trong tác phẩm “Bàn về tinh thần pháp luật”, Montesquieu đã lập luận tinh tế và chặt chẽ tính tất yếu của việc tách bạch các nhánh quyền lực và về sau, tư tưởng “tam quyền phân lập” này của ông đã trở thành phương pháp kinh điển được các nhà nước tư sản vận dụng để xây dựng và duy trì bộ máy nhà nước của mình. Montesquieu viết:
“Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện Nguyên lão thì sẽ không còn gì là tự do nữa; vì người ta sợ rằng chính ông ta hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài.
Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do của công dân; quan toà sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì ông quan toà sẽ có sức mạnh của kẻ đàn áp.
Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết”.
Sau này, Thomas Jefferson - một trong những nhà lập quốc của Mỹ - tiếp tục hoàn thiện tư tưởng “tam quyền phân lập" và góp phần đưa Mỹ trở thành quốc gia áp dụng thuyết phân chia quyền lực một cách cứng rắn.
Có người cho rằng, cuốn sách này lẽ ra có thể hoàn hảo hơn nếu Montesquieu không cường điệu vai trò của khí hậu đối với con người và pháp luật, coi tính chất của khí hậu là yếu tố quyết định tính cách con người và ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật. Tuy nhiên, những người khác lại coi đó là phát hiện độc đáo của Montesquieu khi khám phá bản tính con người, giúp người đọc có một cách tiếp cận mới mẻ và thú vị về con người và xã hội loài người.
Đánh giá cuốn “Bàn về tinh thần pháp luật” của Montesquieu, Voltaire - một trong những nhà khai sáng vĩ đại của Pháp thế kỷ XVIII - đã thừa nhận: “Tác giả luôn suy nghĩ và làm cho người ta phải suy nghĩ… Bà Du Deffand gọi cuốn sách này là “Bộ óc về các luật pháp”. Quả là không có cách đánh giá nào hay hơn! Phải thừa nhận không mấy ai có nhiều trí tuệ như ông và thái độ dũng cảm của ông làm cho bất cứ ai say mê tự do đều phải tán thưởng”.

memory2010.multiply.com/journal/item/592/592

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...