Tuesday, 9 August 2011

493 Chật vật bữa cơm công nhân: Rau héo, cá ươn

Theo TNonline.com: Giá các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng khiến đời sống công nhân ngày càng khó khăn. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất là bữa ăn của công nhân ngày càng teo tóp, không đủ tái tạo sức lao động.

Tính toán từng đồng trong các buổi đi chợ là giải pháp hàng đầu của công nhân với đồng lương ít ỏi

Hơn 17 giờ, chợ Cổng Đình gần KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức - TP.HCM) tràn ngập bóng áo xanh, áo cam của công nhân (CN) sau giờ tan ca. Các quầy rau củ, thịt cá đều đông nghẹt. Những miếng thịt đã tái xanh; những con cá ngừ, cá bạc má, cá nục đã đổ ruột xám ngoét... vẫn có người chen chúc hỏi mua. Người bán hàng thỉnh thoảng lại cầm nhánh cây phủi phủi để đuổi lũ ruồi đang bu đầy...

 
Thu nhập thấp khiến công nhân không có nhiều lựa chọn khi đi chợ - Ảnh: Thanh Nhàn

Chỉ mua hàng dạt chợ chiều

Tôi theo chân chị Huỳnh Thị Hằng, CN Công ty Freetrend, vào hàng rau. Không cần lựa chọn nhiều, chị mua ngay một bó cải ngọt rồi bảo tôi: “Bó nào cũng như bó nào, có lựa cũng không được thứ ngon hơn mà chỉ tốn thời gian”. Nói xong, chị lấy 3.000 đồng ra trả rồi nhanh chân bước sang hàng bên cạnh mua thêm mấy củ tỏi, trái ớt.

Cũng giống như chị Hằng, rất nhiều CN cũng chẳng ngần ngại khi chọn mua những bó rau, con cá đã “dãi nắng dầm mưa” cả ngày vì “chỉ có như vậy thì giá mới rẻ”. Một chị bán cá thấy tôi thắc mắc sao chỉ bán toàn đồ hư, dạt thì mau mắn giải thích: “Mấy thứ này để dành bán cho CN vì họ đâu có tiền mà mua thứ tươi ngon?”.

Tại khu chợ tự phát trước cổng Công ty Việt Vương, Công ty Phú Hà (quận 12 - TP.HCM), cứ khoảng hơn 15 giờ là các mối lái đẩy xe, kéo sạp mang đủ thứ từ rau, củ, quả đến thịt cá… về họp chợ. Ở đây, đa số thực phẩm là những thứ không bán được hoặc bán không hết ở các chợ xung quanh. “Đã gọi là chợ chiều thì làm sao còn những thứ tươi ngon?

Chấp nhận mua ở đây thì không thể đòi hỏi gì hơn được đâu cô” - một chủ quầy thịt tỏ vẻ khó chịu khi tôi chê thịt không ngon. Chị Nguyễn Thị Linh, CN Công ty Việt Vương, chêm vào: “Thắc mắc làm gì em? Có đồ mua là tốt rồi. Tại CN nghèo không có tiền thì phải chấp nhận thôi”.

Cân nhắc từng đồng


Cải thiện bữa ăn cho CN

Tại khu chợ Bùi Văn Ba (quận 7 – TPHCM), khoảng 17 giờ đã tấp nập CN bởi nơi đây có những sạp hàng bán thực phẩm bình ổn giá.

Theo quan sát của chúng tôi, hơn 50% các loại rau quả trên quầy niêm yết giá bình ổn: rau muống là 6.000 đồng/kg, nấm bào ngư  30.000 đồng/kg, bí đỏ 12.000 đồng/kg, cà chua 10.000 đồng/kg… Chị Ngọc Trâm, chủ quầy rau, cho biết: “Không chỉ riêng quầy của tôi, các quầy khác trong khu chợ đều thực hiện chủ trương bình ổn giá nhằm giảm bớt gánh nặng về chi tiêu và cải thiện phần nào bữa ăn cho CN”.


Theo quan sát của chúng tôi, tại các khu chợ tự phát gần các KCX-KCN TP, 10 CN đi chợ thì hết 9 người chọn mua rau làm món chính cho bữa tối. “So với các loại thức ăn khác, rau là rẻ nhất. Với lại rau cũng dễ chế biến: ăn sống, nấu canh, xào, luộc... đều được hết” – chị Hằng lý giải. Ngoài bó rau, chị Hằng còn mua thêm 3.000 đồng gan heo.

Thấy người bán hàng nhăn mặt, bảo khó mà cắt được miếng gan heo với giá đó, chị đành bấm bụng “kê” mức mua lên 5.000 đồng. Chị rầu rĩ: “Giờ đi chợ khó lắm. Hồi trước, 500 đồng đã mua được ít tép tỏi, giờ phải mua 2.000 đồng trở lên người ta mới bán. Mỗi ngày, tiền ăn của cả phòng 4 người chỉ giới hạn trong 60.000 đồng. Thỉnh thoảng, muốn mua thịt về tẩm bổ cho mọi người thì phải “co” các khoản khác lại”.

Cùng đi chợ với chị Nguyễn Thị Phượng, CN Công ty Forimex, quận 9 - TPHCM, chúng tôi mới thấy rõ sự chi li trong việc lựa chọn mua gì, mua bao nhiêu... Chị Phượng tính: “Một lạng tép giá 10.000 đồng, thêm trái bầu 4.000 đồng, vậy là xong bữa tối”. Với tiền lương chưa tới 3 triệu đồng/tháng cộng với khoản thu nhập thất thường của chồng, khó khăn lắm vợ chồng chị mới sống được. Tính các khoản gồm tiền phòng trọ, điện, nước là 800.000 đồng/tháng. Để có thể dành dụm được chút ít, mỗi ngày, vợ chồng chị không xài quá 50.000 đồng cho 3 bữa ăn. Dù đang mang thai, bác sĩ khuyên nên uống sữa nhiều nhưng 2 ngày chị mới dám uống một lần.

Những món “đừng đụng đến”

“Ngày trước, giá cả còn dễ thở nên có thể mua thịt bò, thịt gà; còn bây giờ đó là những món ngoài thực đơn”. Chị Lê Thị Tuyết Ngân, CN Công ty Nissey (KCX Tân Thuận – TPHCM), nói với chúng tôi. Tính cả lương và các khoản tăng ca, phụ cấp khác, mỗi tháng thu nhập của chị Ngân khoảng 2,5 triệu đồng. Chính vì vậy, chị phải luôn tính toán chi li mỗi khi đi chợ, cố gắng thu vén ở mức 20.000 đồng. Thèm cá lóc, chị chỉ dám mua một con nhỏ xíu nhưng cũng không dám ăn hết một lần mà để lại phân nửa cho bữa sáng hôm sau.

Những CN đã có gia đình thì bữa cơm càng èo uột hơn bởi còn phải tốn thêm tiền gửi con nhà trẻ, tiền sữa... Tại khu trọ của chị Nguyễn Thị Linh (Công ty Việt Vương), mọi người gọi thịt bò, thịt gà, tôm, thịt nạc... là những món “đừng đụng đến”. Chị Linh tâm sự: “Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ nên chỉ mong được ăn no là tốt rồi”. Khi CN “ngại” những món “đừng đụng đến” thì người bán hàng cũng lắc đầu ngao ngán. Anh Quân, chủ một quầy thịt ở chợ Cổng Đình, than thở: “Giờ chỉ CN có con nhỏ mới mua thịt. Trước đây, khi CN mua, tôi thường cho thêm miếng gan để giữ mối nhưng giờ cho thêm chỉ có nước lỗ!”


No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...