THS. TRẦN ANH TUẤN – Khoa Luật Dân sự – Đại học Luật Hà nội
Trong công cuộc cải cách tư pháp và thủ tục tố tụng dân sự hiện nay, việc tham khảo pháp luật tố tụng dân sự nước ngoài nhằm rút ra những nhân tố hợp lý cho việc hoàn thiện Dự thảo Bộ luật tố tụng dân (BLTTDS) sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta và xu hướng hội nhập quốc tế là một nhu cầu khách quan. Trong Liên minh Châu Âu, hệ thống pháp luật tố tụng dân sự của Pháp được coi là một điển hình mẫu mực. Trên cơ sở sự kết hợp hài hoà giữa các nguyên tắc truyền thống, sự mềm dẻo, linh hoạt trong việc xây dựng thủ tục giải quyết tranh chấp, bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường các nhà lập pháp của Pháp đã xây dựng được những thủ tục xét xử nhanh áp dụng đối với những tranh chấp mang tính đặc thù riêng. So sánh các quy định về thủ tục tố tụng nhanh trong BLTTDS Pháp 1807 và các quy định về thủ tục này trong Dự thảo BLTTDS Việt Nam cho thấy các quy định về thủ tục tố tụng trong hệ thống pháp luật của hai nước có những điểm tương đồng và những đặc thù riêng.
Theo BLTTDS Pháp 1807 thủ tục xét xử nhanh được quy định để áp dụng giải quyết đối với những tranh chấp mà việc giải quyết mang tính khẩn cấp và những loại tranh chấp đơn giản mà việc giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường là quá chậm chạp và tốn kém. Thủ tục tố tụng nhanh được thiết lập để áp dụng giải quyết những loại việc mang tính khẩn cấp là thủ tục xét xử cấp thẩm và thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu. Bên cạnh đó một loại thủ tục tố tụng đặc biệt được thiết lập để áp dụng giải quyết đối với những loại tranh chấp đơn giản ,rõ ràng là thủ tục ra lệnh.
1.Thủ tục xét xử cấp thẩm và thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu trong BLTTDS Pháp và thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Dự thảo BLTTDS Việt Nam.
Trong pháp luật tố tụng dân sự Pháp quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục xét xử cấp thẩm và thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu đều là những quyết định mang tính chất tạm thời và không có hiệu lực quyết tụng như một bản án xử sơ thẩm về nội dung của vụ tranh chấp. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai thủ tục này là vấn đề có triệu tập bị đơn đến tham gia tố tụng hay không(1). Theo thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu trong tố tụng dân sự Pháp không cần thiết phải triệu tập bị đơn đến tham gia tố tụng, ngược lại thủ tục xét xử cấp thẩm tuân theo trình tự tranh tụng, việc triệu tập bị đơn đến tham gia phiên xét xử là bắt buộc.Thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu không đòi hỏi Thẩm phán phải triệu tập bị đơn đến tham gia tố tụng,bởi lẽ thủ tục này được áp dụng đối với các loại việc có nhiều bị đơn mà Toà án không thể triệu tập các đương sự đến tham gia tố tụng hoặc các vụ việc mà việc triệu tập bị đơn là khó khăn. Ví dụ: buộc những người đình công chiếm giữ công sở phải rời nơi họ chiếm giữ, sở hữu chủ yêu cầu trục xuất những người chiếm hữu nhà của họ một cách bất hợp pháp mà không có hợp đồng thuê nhà, lập bằng chứng về việc ngoại tình(2)…
Có thể thấy rằng các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Dự thảo BLTTDS Việt Nam cũng có những điểm tương đồng với thủ tục xét xử cấp thẩm và thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu trong tố tụng dân sự Pháp. Điểm tương đồng này thể hiện ở chỗ thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Việt Nam cũng được áp dụng trong những trường hợp mang tính khẩn cấp và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp cũng mang tính chất tạm thời và không có hiệu lực như một bản án xử về nội dung của vụ tranh chấp. Tuy nhiên các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Dự thảo BLTTDS Việt Nam cũng có những đặc thù riêng sau đây:
- Các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Việt Nam không có sự phân biệt giữa hai loại thủ tục xét xử cấp thẩm và xét xử theo đơn yêu cầu.
- Toà án có thể triệu tập các đương sự đến tham gia tố tụng nếu xét thấy cần thiết. Hiện nay theo Khoản 2 Điều 116 Dự thảo XI BLTTDS, đối với các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trước khi người yêu cầu khởi kiện vụ án thì Thẩm phán không phải nghe lời trình bày của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Về thời điểm áp dụng: Theo Dự thảo XI BLTTDS Việt Nam thì thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ kiện chính giữa các đương sự. Ngược lại, theo BLTTDS Pháp 1807 thủ tục xét xử cấp thẩm và thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu là hai thủ tục khẩn cấp có thể được áp dụng trước khi khởi kiện hoặc trong quá trình Toà án giải quyết một vụ kiện chính hoặc được áp dụng một cách hoàn toàn độc lập(3). Điều này thể hiện tại Điều 484 và Điều 497 BLTTDS Pháp 1807.
Ngược dòng thời gian, có thể thấy rằng ở Việt Nam các quy định về thủ tục xét xử cấp thẩm và thủ tục xét xử theo đơn yêu cầu đã từng được quy định trong Bộ luật dân sự Thương sự tố tụng (BLDSTSTT) thi hành tại các Toà Nam án – Bắc Kỳ ngày 25/8/1921 .Về cơ bản các quy định từ Điều 339 đến Điều 347 BLDSTSTT 1921 của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở mô phỏng các quy định của BLTTDS Pháp 1807. Rất tiếc rằng các quy định này hiện nay đã không còn được áp dụng nữa.
Điểm tiến bộ của Dự thảo XI BLTTDS Việt Nam là đã mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể là thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được áp dụng trước khi khởi kiện vụ án hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (K2 Điều 98 Dự Thảo BLTTDS ). Tuy nhiên, nếu so sánh với các quy định của BLTTDS Pháp 1807 thì có hạn chế là các quy định này chỉ áp dụng đối với những yêu cầu khẩn cấp nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ kiện chính, ngược lại theo BLTTDS Pháp 1807 thủ tục xét xử cấp thẩm cũng có thể áp dụng một cách độc lập mà không phụ thuộc vào vụ kiện chính.Trên cơ sở áp dụng các Điều 808, 809 BLTTDS 1807, Chánh án toà sơ thẩm thẩm quyền rộng có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế cả nhà đối với người thuê nhà không có hợp đồng thuê hoặc chỉ định một uỷ viên quản trị tạm thời một Công ty trong trường hợp Công ty không thể hoạt động do có sự bất đồng giữa các cổ đông, cưỡng chế một người thuê nhà ra khỏi nhà vì ngôi nhà có nguy cơ bị sụp đổ, quyết định cấm cạnh tranh bất hợp pháp, cấm phát hành các ấn phẩm có nội dung xâm phạm đời tư của cá nhân (4)…
Hiện nay các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong Dự Thảo BLTTDS thì hầu hết là những biện pháp nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án trong vụ kiện chính. Chúng tôi cho rằng để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, trên cơ sở các quy định tại Dự thảo XI BLTTDS, các nhà lập pháp Việt Nam có thể phát triển, bổ sung theo hướng cho phép Thẩm phán trong trường hợp khẩn cấp có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của đương sự ngay cả khi giữa các đương sự không có tranh chấp về vụ kiện chính hoặc có tranh chấp về vụ kiện chính nhưng các bên không có yêu cầu khởi kiện giải quyết tranh chấp này.
Theo Khoản 1 Điểm a Điều 120 Dự thảo XI BLTTDS, nếu biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trước khi người yêu cầu khởi kiện vụ án mà hết thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày Toà án ra quyết định áp dụng người yêu cầu đã không khởi kiện vụ án tại Toà án thì biện pháp khẩn cấp tạm thời này bị huỷ bỏ. Quy định này rõ ràng đã hạn chế phạm vi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng cách buộc người yêu cầu phải khởi kiện vụ kiện chính và như vậy không thể đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp hiện nay. Từ những lập luận trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 98 Dự thảo BLTTDS như sau:
"Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến đời sống, hoạt động kinh doanh hoặc bảo đảm việc thi hành án, thì cá nhân, tổ chức có liên quan có thể yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tương ứng quy định tại Điều 101 của Bộ luật này trước khi khởi kiện vụ án tại Toà án. Các đương sự cũng có quyền yêu cầu Toà án quyết định các biện pháp khẩn cấp độc lập với vụ tranh chấp."
Nếu như chấp nhận việc sửa đổi Khoản 2 Điều 98 Dự thảo BLTTDS theo hướng các đương sự có quyền yêu cầu Toà án quyết định các biện pháp khẩn cấp độc lập với vụ kiện chính như BLTTDS Pháp 1807 thì một vấn đề đặt ra mà chúng ta cần phải xem xét là phải xây dựng một cơ chế để người bị áp dụng các biện pháp này có thể tự bảo vệ mình, tránh những bất lợi do việc áp dụng không đúng các biện pháp khẩn cấp gây phương hại cho lợi ích chính đáng của họ.
Theo quy định tại Điều 490 BLTTDS Pháp 1807: Quyết định khẩn cấp tạm thời có thể bị kháng cáo phúc thẩm, quyết định khẩn cấp tạm thời chung thẩm có thể bị kháng án. Đối với các quyết định theo đơn yêu cầu thì cơ chế đảm bảo như sau: Nếu yêu cầu không được chấp nhận người làm đơn có thể kháng cáo phúc thẩm. Nếu yêu cầu được chấp nhận mọi người liên quan đều có thể đệ trình ngay lên Thẩm phán đã ra quyết định (Điều 496 BLTTDS Pháp 1807).
Theo Điều 123 Dự thảo XI BLTTDS, các đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án toà án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không ra quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo chúng tôi các quy định này là phù hợp với các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án đối với vụ kiện chính. Tuy nhiên, các quy định này sẽ không hợp lý khi áp dụng đối với các quyết định khẩn cấp tạm thời được áp dụng một cách độc lập mà các bên không khởi kiện vụ kiện chính. Do vậy cần thiết phải bổ sung quy định về quyền kháng cáo của các đương sự đối với các quyết định khẩn cấp tạm thời được áp dụng độc lập và cơ chế để giải quyết các quyết định này ở Toà án cấp phúc thẩm. Thiết nghĩ bản chất của loại việc là khẩn cấp do vậy cần phải có những quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn so với các quy định về việc giải quyết kháng cáo đối với các bản án sơ thẩm xử về nội dung của vụ tranh chấp. Theo chúng tôi cần sửa đổi bổ sung Điều 260 Dự thảo XI BLTTDS theo hướng việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các quyết định khẩn cấp tạm thời của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm sẽ được tiến hành trong một thời hạn tối đa là 1 tháng kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm thụ lý vụ việc.
2.Thủ tục ra lệnh trong BLTTDS Pháp và việc xây dựng thủ tục rút gọn trong Dự thảo BLTTDS Việt Nam.
Xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại; nhằm làm giảm bớt những rườm rà về thủ tục và những chi phí tốn kém cho việc kiện tụng, bởi Sắc lệnh ngày 25/8/1937, các nhà lập pháp của Pháp đã xây dựng một thủ tục đơn giản đối với các món nợ thương mại nhỏ. Dần dần thủ tục này được mở rộng phạm vi áp dụng đối với các tranh chấp dân sự . Bởi Sắc lệnh số 81 – 500 ngày 12/5/1981 thủ tục đơn giản này đã chính thức được ghi nhận trong BLTTDS Pháp dưới tên là thủ tục ra lệnh thanh toán. Mô phỏng từ thủ tục ra lệnh thanh toán, bởi Sắc lệnh số 88 – 209 ngày 4/3/1988 các nhà lập pháp của Pháp đã xây dựng thêm một thủ tục xét xử nhanh đó là thủ tục ra lệnh buộc làm một công việc(5).
ở Việt Nam Bộ Luật Dân sự Thương sự tố tụng thi hành tại các Toà Nam án – Bắc Kỳ ngày 25/8/1921 mặc dù được xây dựng trên cơ sở mô phỏng các quy định của BLTTDS Pháp 1807 nhưng cũng không có những quy định về thủ tục ra lệnh này. Tuy nhiên trong các quy định về tố tụng dân sự của Việt Nam cũng đã chứa đựng những nhân tố mang tính chất tiền đề cho việc xây dựng thủ tục này. Chẳng hạn các quy định về thẩm quyền độc lập của Thẩm phán trong việc ra phán quyết đối với những loại việc nhỏ, giản đơn theo Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/1/1946, Điều 12 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 và các quy định về quy chế xét xử một lần theo các Sắc lệnh số 51/SL “ấn định thẩm quyền các Toà án và sự phân công giữa các nhân viên trong Toà án” ngày 17/4/1946 và Sắc lệnh số 85/ SL “ Về cải cách bộ máy Tư pháp và Luật tố tụng” ngày 25/8/1980.
Xuất phát từ những đòi hỏi của công cuộc cải cách tư pháp và thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN Khoá VIII, Đảng ta đã chỉ rõ cần phải “Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng” . Thực hiện tinh thần này những nhà nghiên cứu tâm huyết đã dành nhiều thời gian và công sức cho việc nghiên cứu xây dựng một thủ tục rút gọn ở Việt Nam. Cụ thể là thủ tục rút gọn đã được xây dựng tại chương XV Dự thảoV BLTTDS gồm 7 điều luật ( Điều 234 – Điều 243) .Tuy còn có những điểm còn phải chỉnh sửa nhưng các quy định về thủ tục rút gọn này đã phần nào đáp ứng được những đòi hỏi mà thực tiễn giải quyết tranh chấp đặt ra và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về tố tụng dân sự. Cho tới Dự thảo VIII BLTTDS phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn này đã bị thu hẹp bởi 3 điều luật (Điều 267 – Điều 269 ) tại chương XV với tên gọi là “ Thủ tục yêu cầu thanh toán nợ”. Có thể thấy rằng thủ tục yêu cầu thanh toán nợ trong Dự thảo VIII về cơ bản là sự mô phỏng các quy định về thủ tục ra lệnh trong BLTTDS Pháp 1807. Tuy nhiên ,so sánh với các quy định trong BLTTDS Pháp thì phạm vi áp dụng thủ tục yêu cầu thanh toán nợ theo Dự thảo VIII BLTTDS Việt Nam đã bị thu hẹp. Bởi vì theo Dự thảo VIII BLTTDS thủ tục này chỉ áp dụng trong các quan hệ hợp đồng vay tài sản mà không áp dụng cho việc thanh toán các nghĩa vụ tài sản khác như BLTTDS Pháp . Rất tiếc rằng cho tới Dự thảo X và XI thì thủ tục rút gọn đã hoàn toàn “mất tích”. Xem ra “số phận” của thủ tục rút gọn này cũng thật là long đong trên con đường đi tìm chỗ đứng của nó trong BLTTDS. Trong khi đó nhìn ra các nước thì pháp luật của nhiều nước trên thế giới bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường đều có xây dựng một thủ tục tố tụng rút gọn áp dụng đối với những tranh chấp đơn giản, rõ ràng hoặc giá ngạch thấp. Ngoài Cộng hoà Pháp – một nước có thể coi là hình mẫu tiêu biểu của các nước theo hệ thống Châu Âu lục địa thì Australia và một số nước Châu á có điều kiện gần gũi và tương đồng với Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapo… đều có những quy định về thủ tục rút gọn này.
Vậy tại sao trong Dự thảo XI lần này, thủ tục rút gọn đã hoàn toàn bị "phá sản"? Phải chăng đường lối chỉ đạo của Đảng trong việc cải cách tư pháp theo hướng “ Nghiên cứu áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử kịp thời một số vụ án đơn giản, rõ ràng” là không xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp? Và nếu như đường lối của Đảng là đúng thì phải chăng việc xây dựng thủ tục rút gọn này là quá sức đối với khả năng của các nhà lập pháp Việt Nam? Tôi luôn tin rằng các nhà lập pháp Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, đường lối của Đảng luôn xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại. Do vậy chỉ có một con đường duy nhất là thủ tục rút gọn phải được khôi phục trong Dự thảo BLTTDS Việt Nam !
Có thể thấy rằng pháp luật tố tụng dân sự Pháp cũng như pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới đều có những quy định về việc hạn chế quyền kháng cáo của đương sự đối với những vụ kiện nhỏ, có giá ngạch thấp . ở Việt Nam, cơ chế xét xử một lần áp dụng giải quyết đối với các vụ kiện có giá ngạch thấp cũng đã từng được quy định trong các văn bản pháp luật trước đó. Rất tiếc rằng theo thời gian các quy định này không còn được áp dụng nữa. Thiết nghĩ, trong nền kinh tế thị trường, khi mà ngành Toà án đang đối diện với sự gia tăng của số lượng các án kiện dân sự, kinh tế, lao động và khi mà thời gian đối với mỗi con người trở nên vô cùng quý giá thì việc khôi phục lại các quy định về cơ chế xét xử một lần đối với các vụ kiện có giá ngạch thấp là hoàn toàn cần thiết.
Đối với những vụ kiện có chứng cứ rõ ràng nhưng các lợi ích cần bảo vệ lại có giá trị lớn thì việc xây dựng thủ tục giải quyết cũng cần có sự tính toán để tránh việc gây phương hại tới lợi ích chính đáng của các bên. Vấn đề đặt ra là chúng ta có thể xây dựng trong Dự thảo BLTTDS một thủ tục rút gọn trên cơ sở mô phỏng thủ tục ra lệnh ( lệnh thanh toán và lệnh buộc làm một công việc) trong BLTTDS Pháp 1807 hay không? Xét về thực tế , hiệu quả của thủ tục ra lệnh trong BLTTDS Pháp 1807 đã được minh chứng trong thực tiễn và góp phần không nhỏ trong việc nhanh chóng giải quyết các án kiện đơn giản, rõ ràng, bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của đương sự. Thiết nghĩ, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo các quy định từ Điều 1405 tới Điều 1425 – 9 BLTTDS Pháp 1807 để xây dựng một thủ tục rút gọn tương ứng trong BLTTDS Việt Nam theo hướng thủ tục này được áp dụng đối với hai loại việc là yêu cầu thanh toán nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng và nghĩa vụ phải làm một công việc theo hợp đồng nếu hai bên có hợp đồng bằng văn bản và bị đơn không phản đối nghĩa vụ theo hợp đồng đó. Chẳng hạn nguyên đơn yêu cầu Toà án buộc bị đơn phải trả nợ đối với món nợ có giấy vay nợ hoặc yêu cầu buộc bị đơn phải trả lại tài sản đã mượn, thuê … mà bị đơn không phản đối về nghĩa vụ này nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam mà xây dựng một thủ tục cho phù hợp nhằm đáp ứng được hai đòi hỏi cơ bản của thực tiễn giải quyết tranh chấp là tính nhanh chóng và sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên đương sự trong việc bảo vệ quyền lợi của họ.
- Về các quy định nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của bị đơn trong trường hợp yêu cầu của nguyên đơn được Toà án chấp nhận:
Nếu như khôi phục và sửa đổi , bổ sung các quy định về thủ tục yêu cầu thanh toán nợ trong Dự thảo VIII theo hướng nêu trên thì cũng đặt ra những vấn đề mà chúng ta cần xử lý. Cụ thể là:
Hiện nay theo Điều 269 Dự thảo VIII BLTTDS thì " Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thanh toán tài sản,bên vay tài sản có quyền phản đối quyết định đó. Trong trường hợp này quyết định thanh toán tài sản không có hiệu lực pháp luật, bên cho vay tài sản có quyền khởi kiện theo thủ tục chung ". Trong khi đó theo thủ tục ra lệnh thanh toán nợ, Điều 1413 BLTTDS Pháp quy định: “… đơn kháng án có hiệu lực yêu cầu Toà án xem xét lại đơn yêu cầu thu hồi nợ của chủ nợ và giải quyết toàn bộ tranh chấp”. Bên cạnh đó, đối với thủ tục ra lệnh buộc làm một công việc ,Điều 1425 – 8 BLTTDS Pháp quy định: "Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ lệnh thi hành nghĩa vụ không được thực hiện, Toà án sẽ xét xử theo yêu cầu của nguyên đơn, sau khi hoà giải không thành”. Chúng tôi cho rằng quy định tại Điều 269 Dự thảo VIII BLTTDS Việt Nam là không hợp lý, làm kéo dài thêm thời gian giải quyết vụ kiện. Bởi vì nếu bị đơn phản kháng quyết định thì nguyên đơn lại phải khởi kiện lại từ đầu.
Trên cơ sở tham khảo Điều 1413 và Điều 1425 – 8 BLTTDS Pháp và xét điều kiện thực tế của Việt Nam, chúng tôi kiến nghị khôi phục và sửa đổi Điều 269 Dự thảo VIII theo hướng trong trường hợp bên có nghĩa vụ phản đối quyết định của Toà án thì Thẩm phán sẽ quyết định mở phiên toà xét xử trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu phản đối của đương sự. Trong trường hợp này việc giải quyết vụ án sẽ được thực hiện bởi Hội đồng xét xử sơ thẩm. Như vậy ,việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm đã được rút ngắn lại chỉ còn 1 tháng rưỡi tính từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu thay vì 4 tháng như các quy định hiện nay.
Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này đương sự có quyền kháng cáo đối với bản án của Hội đồng xét xử sơ thẩm hay không? Chúng ta cần nghiên cứu vấn đề này dưới hai góc độ khác nhau để loại trừ những nhược điểm của nó. Có thể thấy rằng việc quy định cho bị đơn có quyền kháng cáo có thể sẽ dẫn đến việc bị đơn lạm dụng quyền này để trì hoãn việc thi thành nghĩa vụ, gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên nếu quy định theo hướng bản án sơ thẩm giải quyết theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật ngay sẽ có nguy cơ dẫn đến sự lạm quyền của Thẩm phán khi áp dụng thủ tục này.
Để khắc phục những nhược điểm trên, đảm bảo sự an toàn pháp lý cần thiết trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, trên cơ sở tham khảo pháp luật tố tụng dân sự Pháp và xét điều kiện thực tế của Việt Nam, chúng tôi đề xuất một giải pháp như sau:
Có thể quy định thủ tục này theo hướng đương sự vẫn có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm này. Tuy nhiên cần phải rút ngắn thời gian giải quyết vụ kiện ở cấp phúc thẩm. Theo chúng tôi nên quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị ,Toà án cấp phúc thẩm phải mở phiên toà xét xử, trừ trường hợp cần phải có thời gian để điều tra, xác minh thêm về các tình tiết của vụ án. Như vậy, thời gian giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm trong trường hợp này được rút ngắn chỉ còn 15 ngày thay vì là 3 hoặc 4 tháng như các quy định trước đây. Quy định này thực chất là một giải pháp để nhanh chóng giải quyết vụ kiện đồng thời đảm bảo nguyên tắc xét xử hai cấp và xét ở góc độ nào đó cũng là một giải pháp nhằm hạn chế sự lạm quyền kháng cáo của đương sự. Tuy nhiên để tránh việc bị đơn lạm dụng quyền kháng cáo để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào Dự thảo BLTTDS VN một quy định về biện pháp phạt tiền đối với người lạm dụng quyền kháng cáo nhằm trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ. Có thể thấy rằng việc quy định một cách chặt chẽ, chi tiết về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn và hạn chế việc lạm dụng quyền kháng cáo này.
- Về thủ tục giải quyết trong trường hợp Toà án bác yêu cầu của nguyên đơn về việc giải quyết vụ kiện theo thủ tục rút gọn :
Theo Điều 1409 về thủ tục ra lệnh thanh toán và Điều 1425 – 9 về thủ tục ra lệnh buộc làm một công việc trong BLTTDS Pháp, nếu Thẩm phán bác đơn nguyên đơn không được kháng cáo quyết định nhưng có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng thông thường. Theo chúng tôi, giải pháp này trong tố tụng dân sự Pháp là không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam vì thực chất quy định này đã làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Do vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào Điều 269 Dự thảo VIII một quy định như sau:
Trong trường hợp Thẩm phán bác đơn, vụ kiện sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng thông thường. Trong trường hợp này thời điểm thụ lý vụ án sẽ được tính từ ngày nguyên đơn có yêu cầu Toà án ra quyết định thanh toán hoặc buộc bị đơn phải làm một công việc.
Có thể thấy rằng việc rút ngắn thời hạn giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm cùng với biện pháp phạt tiền đối với đương sự lạm dụng quyền kháng cáo là những giải pháp nhằm chống lại việc bị đơn lạm dụng quyền kháng cáo để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ đồng thời cũng là giải pháp nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn về việc giải quyết nhanh chóng đối với những loại việc đơn giản, rõ ràng. Việc quy định vụ việc sẽ được xét xử sơ thẩm bằng một Hội đồng xét xử trong trường hợp bị đơn phản đối quyết định của Toà án về việc thi hành nghĩa vụ và bản án sơ thẩm sẽ được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm trong trường hợp có kháng cáo, kháng nghị là một trong những giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của bị đơn tránh sự tuỳ tiện của Thẩm phán trong việc ra quyết định buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ. Rất mong những kết quả nghiên cứu mà tôi đã trình bày ở trên sẽ được các nhà lập pháp lưu tâm và hy vọng rằng kết quả nghiên cứu này sẽ là một tư liệu tham khảo có giá trị cho việc xây dựng thủ tục rút gọn trong Dự thảo BLTTDS Việt Nam.
Chú thích:
(1) Jean Vincent et Serge Guinchard, Procédure civile, Nxb DALLOZ, 2001, tr 267,277
(2) Pierre ESTOUP, La pratique des procédures rapides , Nxb LITEC,1990,tr 3, 285, 327
(3) Jean Vincent et Serge Guinchard, Procédure civile, Nxb DALLOZ, 2001 ,tr 612,622.
(4) Jean -Marie COULON, Hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Nhà Pháp Luật Việt-Pháp,1998,tr 38, 39, 40.
(5) Pierre ESTOUP, La pratique des procédures rapides, Nxb LITEC,1990,tr. 3, 284.
SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN SỐ 7, THÁNG 4 NĂM 2004