Bao tủi nhục ê chề khi bán hàng rong!
SGTT.VN - Câu chuyện chiếc bình sứ vỡ trên SGTT ngày 24.1.2011 chỉ là một trong hàng loạt những câu chuyện tương tự xảy ra hàng ngày trên các tuyến đường tại TP.HCM hiện nay.
Hình ảnh những người buôn bán hàng rong miệng thì đang mời chào, tay thì đang thoăn thoắt bán hàng trong khi mắt thì luôn dáo dát xem có xe cảnh sát hay dân phòng đã không còn là lạ đối với người dân từng sống tại đây.
Để tồn tại và sống được với đời, biết bao nhiêu người đã ráng đè nén những nhọc nhằn.
Xe bún riêu đã nuôi hai đứa con học đại học
Người phụ nữ trong bài viết này cũng có câu chuyện gần giống với chị Nguyễn Thị Sinh (trong ảnh), với gánh hàng rong nuôi con vào đại học. Ảnh: Lâm Gia |
Cái ngày thằng em tôi bắt đầu bước chân vào giảng đường đại học cũng là lúc hai vợ chồng dì tôi đã phải bỏ lại nhà cửa mới vừa cất xong, ở chưa đầy hai tháng, bỏ lại ruộng vườn, bỏ lại bàn thờ tổ tiên, bỏ lại quê hương miền trung thân thương để cùng với con “đi học”.
Không phải đi học chữ, hai vợ chồng dì tôi bắt đầu học cách sống tại nơi thị thành, học cách chen chúc trong căn phòng trọ tồi tàn, chật chội và quan trọng nhất là học nấu bún riêu để ngày ngày đẩy xe đi bán dạo kiếm tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống buôn gánh bán bưng của dì tôi cũng bắt đầu từ đây.
Để kiếm được tiền đủ để trang trải cho cuộc sống, trả tiền nhà trọ, lo tiền cho một đứa con đi học đại học, một đứa đang học lớp 10 ở quê và biết bao chi phí khác, ... hai vợ chồng dì tôi đã làm việc quần quật suốt ngày với xe bún riêu đi bán dạo trên phố (có lúc cũng dừng lại trên vĩa hè để bán).
Trong thời gian đẩy xe hàng rong đi bán, đã không biết bao nhiêu lần bị công an phường nhắc vì tội lấn chiếm lòng lề đường và cũng đã hai lần bị tịch thu xe và “đồ nghề” đưa về phường, bị phạt. Tuy nhiên, dì tôi vẫn phải tiếp tục công việc ấy vì không có sự chọn lựa nào khác khi không có nghề nghiệp, vốn liếng.
Thời gian cũng qua mau, sự khổ nhọc cũng mang lại kết quả mĩ mãn. Đứa con đầu, rồi đứa thứ hai cũng đã xong đại học. Chúng được học hành tử tế, có cái nghề để tự bương chải mà sống. Dì tôi đã mãn nguyện. Bà chỉ nghĩ đơn giản rằng, có lẽ cuộc đời của con sẽ khá hơn, chúng sẽ dề dàng kiếm được một công việc đoàng hoàng, sẽ không vừa làm vừa thấp thỏm lo như mẹ nó.
Nhiều người đã nhìn dì tôi với ánh mắt cảm phục. Với chiếc xe bún riêu, bà đã nuôi hai thằng con học xong đại học. Nếu ngày trước bà không nhất quyết ra đi, không tham gia vào “đội quân” bán hàng rong thì có lẽ việc lo cho hai thằng con ăn học có nhiều khả năng gãy gánh giữa chừng. Quả là một kỳ tích.
Có mấy hãnh diện khi làm người bán hàng rong?
Có thể nói rằng, “đội quân hàng rong” đa phần là những người từ khắp các vùng quê nghèo vào TP.HCM làm ăn, sinh sống. Ảnh: L.H.T |
Câu chuyện có thực về dì tôi kể trên cũng chỉ là một trong vô số những câu chuyện về mỗi con người đang ngày đêm chấp nhận cảnh buôn gánh bán bưng. Họ đang bấu víu tại các đô thị tìm kế sinh nhai với cái nghề bán hàng rong.
Dẫu biết rằng phải đối diện với những cơ cực trăm bề, bao nỗi buồn khi phải xa nhà, xa quê hương, bao tủi nhục ê chề khi thường xuyên phải chạy trốn, bị xua đuổi nhưng với họ hầu như không có sự chọn lựa nào khác.
Có thể nói rằng, “đội quân hàng rong” đa phần là những người từ khắp các vùng quê nghèo vào TP.HCM làm ăn, sinh sống. Nhiều người đã gặt hái được những thành công “vĩ đại” như dì tôi. Thậm chí một số người đã đổi đời cũng từ gánh hàng rong. Vậy đó, nhưng nếu như họ cứ mãi một nắng hai sương với ruộng đồng, trong khi những thiên tai, mất mùa liên tiếp xảy ra, nhất là ở các tỉnh miền trung như trong những năm qua thì đến cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn chứ đừng nói chi đến của dư của để và lo cho con ăn học.
Dẫu biết rằng việc buôn bán hàng rong đã làm cho bộ mặt TP.HCM thêm phần nhếch nhác hơn. Ngoài ra một số mặt hàng thực phẩm hàng rong cũng chứa đựng nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, những biện pháp cấm đoán người bán hàng rong của TP.HCM trong những năm vừa qua đã không phát huy được tác dụng nếu không nói là tình trạng hàng rong vẫn cứ gia tăng.
Có cung thì ắt có cầu. Đó là quy luật. Nếu cấm đoán thì hàng rong vẫn sẽ tồn tại và chắc chắn sẽ biến tướng thành nhiều dạng khác.
Có thể quan sát và khẳng định rằng số lượng người dân đang sống bằng công cụ bán hàng rong là rất lớn. Trong thời điểm hiện nay và có thể là trong tương lai, hàng rong tại TP.HCM vẫn sẽ phát triển và có đất sống. Như vậy tốt nhất là chấp nhận sống chung với hàng rong và cứ xem hàng rong như một nét văn hóa đặc sắc của thành phố.
Để giải quyết được những tồn tại, những mặt trái của tình trạng bán hàng rong, trước tiên cần phải có những quy định, những công cụ quản lý phù hợp. Quan trọng nhất, những người thực thi những quy định ấy phải đối xử thực sự công bằng giữa những người bán hàng rong với nhau, giữa những người buôn bán cố định với những người bán hàng rong, ...
Về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ công ăn việc làm, cải thiện thu nhập của người dân ở các vùng nông thôn, giảm thiểu tình trạng di cư ồ ạt. Nếu không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định thì tình trạng di cư vẫn cứ tiếp diễn, khi đó hàng rong vẫn sẽ cứ tồn tại và những mặt trái do nó gây ra cho xã hội vẫn sẽ gia tăng. Đây là điều không thể nào tránh khỏi.
Có lẽ không ai cảm thấy sung sướng và hãnh diện khi phải làm người bán hàng rong ngày ngày rong ruổi đến từng hang cùng ngõ hẻm. Chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà phải chấp nhận. Nếu cuộc sống người người được đảm bảo, những lo toan thường nhật giảm dần, khi ấy tình trạng buôn bán hàng rong tự khắc sẽ giảm. Chắc chắn là như thế.
TRẦN MINH QUÂN
Đọc bài này nhớ đến mẹ mình đang bán ở Chợ Lớn Quy Nhơn mà buồn !!
ReplyDelete