Vùng “đất lành” Sài Gòn đã là điểm đến, nơi dừng chân, nơi sinh cơ lập nghiệp của biết bao “đàn chim” từ nhiều vùng đất và nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Chỉ kế đến những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Sài Gòn đã dung chứa trong nó hàng triệu con người, cũng chia sẻ hàng triệu cơ hội kiếm sống trong đó có hàng ngàn cơ may thành đạt, giàu có. Hiện nay Sài Gòn là thành phố có số lượng dân nhập cư lớn nhất, khoảng hơn 2 triệu người. Dân số TPHCM năm 2011 khoảng 7.500.000 người nhưng tại đây luôn có tới gần 10 triệu người sinh sống làm ăn.
Từ những con người của Sài Gòn và sống - ở - Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau: phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn.
Ở Sài Gòn các “hội đồng hương” tồn tại và phát triển mạnh; gần như có đủ tất cả các tỉnh thành thậm chí có cả hội đồng hương cấp huyện. Người các tỉnh thành vào SG giữ được “cá tính văn hóa” riêng của quê hương mình, nhất là ngôn ngữ và ẩm thực là hai yếu tố được nhận biết rõ ràng nhất. Ở Sài Gòn tiếng nói các vùng miền hòa lẫn vào nhau, không phân biệt “quê” hay “thành” , không kỳ thị “Sài Gòn” hay “tỉnh”. Chỉ cần buổi sáng ngồi ở các quán cà phê bạn có thể nghe thấy giọng nói cả ba miền Nam Trung Bắc, có thể nhận biết tiếng miền Tây, tiếng Hà Nội, tiếng Quảng, tiếng Huế, chưa kể bây giờ còn có nhiều người Hàn, người Nhật, người các xứ Âu Mỹ đến làm ăn tại Sài Gòn.
Các món ăn ở Sài Gòn thì “thôi rồi”, chẳng thiếu đặc sản của nơi nào: Bánh Huế, cơm hến, mì Quảng, bùn bò Huế, phở Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, bún đậu mắm tôm “đặc Bắc”, bún mắm, bún nước lèo miền tây, hủ tíu Sa Đéc, Mỹ Tho, Nam Vang, bún riêu bắc, bún riêu nam, bánh xèo “Bà Mười Xiềm” Cần Thơ, bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu… Quán ăn Tây, Nhật, Hàn, Thái, tiệm Fast Food khắp nơi… Ẩm thực và ngôn ngữ ở Sài Gòn như một “liên hiệp quốc” chung sống hòa bình, thân ái, chẳng ai muốn diệt ai, mà có muốn thì cũng không được, vì Sài Gòn vốn bao dung cho mọi người vì mọi người đã làm nên Sài Gòn.
Sự bao dung ấy làm cho Sài Gòn luôn tươi mới và còn làm cho những “đặc sản” các nơi được lưu giữ ở Sài Gòn một cách “đậm đặc”, vì theo quy luật của văn hóa: văn hóa càng xa cái gốc càng bảo tồn nguyên vẹn mà nếu ở ngay quê hương thì có khi bị biến dạng, biến chất nhanh.
Sự bao dung của Sài Gòn còn là cái nôi cho những tài năng đến đây và phát triển.
Nhiều lần tôi thử lý giải về sự bao dung nâng đỡ của Sài Gòn đối với những gì còn yếu thế, mới mẻ, thậm chí còn chưa kịp định hình. Không thể không bắt đầu từ lịch sử. Là vùng đất chưa kịp có ký ức lâu dài nếu ta coi yếu tố thời gian lịch sử là quan trọng nhất trong việc hình thành ký ức và truyền thống: Sài Gòn 300 năm lại là vùng đất “làm ăn”, trung tâm kinh tế, khác tính chất trung tâm chính trị của Thăng Long hay Huế. Do không chịu sự níu kéo của truyền thống quá sâu nặng nên dễ tiếp nhận cái mới, đồng thời cũng chưa đủ sức mạnh để “đồng hóa” cái mới, cái khác.
Sài Gòn bao dung vì không coi mình là “trung tâm” để so sánh hơn kém với vùng miền khác. Sài Gòn đánh giá hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác coi là “chuyện nhỏ”. Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành tính “cá nhân” mà ngược lại tính cộng đồng cũng cao, việc xã hội, “việc nghĩa” được coi là chuyện bình thường. Vì vậy dễ dàng chia sẻ, đùm bọc người tứ xứ nhập cư.
Nói chuyện với nhiều người bạn Mỹ, các bạn đều nhận xét rằng, có gì đấy khá giống nhau giữa sự hình thành, phát triển Sài Gòn với nước Mỹ. Và nếu như ở nước Mỹ có một ngày Lễ Tạ Ơn thì tôi mong rằng những người đã đến Sài Gòn sinh sống làm ăn, hãy một lần thôi, tạ ơn đất này.
8.12.2013
Nguồn: TS Nguyễn Thị Hậu's FB
SÀI GÒN TIẾP THỊ XUÂN GIÁP NGỌ 2014
TẠ ƠN ĐẤT LÀNH
Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"