Nguồn: Một Thế Giới
Bài 2: “Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau“
“Ai cũng chỉ nói chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định
là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế
thôi. Chứ anh em đồng chí, ai nghĩ là sẽ đánh nhau”- 35 năm sau, nguyên
Bí thư tỉnh Cao Bằng vẫn còn khắc khoải câu chuyện xảy ra năm 1979.
Trận tập kích bất ngờ
Ở Bát Xát, Lào Cai, khi pháo Trung
Quốc bắt đầu bắn sang từ phía bên kia biên giới, ông Nguyễn Văn Tuyến,
đại đội trưởng tự vệ Đoàn địa chất 305 (Đoàn 5) đang ở Bản Vược, ngay
trong tầm súng trường lính Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn pha trà uống. Chiến sự
vẫn liên miên từ trước đó, đêm nào cũng có tiếng súng, cho nên không ai
ngờ Trung Quốc đánh lớn”- ông nói.
Chỉ trước khi cuộc tấn công diễn ra 48 tiếng, cả dân lẫn lính Trung Quốc vẫn “sang bên này xem chiếu bóng bình thường".
Ông Tuyến từng là lính trong chiến
tranh với Mỹ, sau chiến tranh làm Phó Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát, nhớ
lại: "Khi pháo Trung Quốc chuyển làn, ông mới giật mình hô anh em vì cảm
giác rằng bộ binh Trung Quốc sẽ sang. Mấy người hoảng hốt chạy ra đến
đến ngã ba Bản Vược thì khắp nơi đã tràn ngập màu áo lính đang vận động
từ phía trong ra điểm chốt của công an vũ trang. Chúng tôi tưởng bộ đội mình đã lên ngay thành thử súng cầm trong tay mà không bắn”.
Từ
trong hậu phương, lính Trung Quốc tiến đánh từ phía sau đồn công an vũ
trang và chốt tự vệ địa phương. Hỏa lực từ bên kia biên giới bắn sang
như mưa rào. Đơn vị ông Tuyến cơ động ra đến chốt Cây 2 thì bị một khẩu
đại liên chặn lại. Bấy giờ, anh em vẫn có người giơ súng, giơ cờ vẫy ra
hiệu vì vẫn tưởng bộ đội mình bắn nhầm.
Chỉ một lát sau đó, từ khu vực bản
Xèo, lính công binh Trung Quốc lao cầu phao và sau đó xe tăng Trung Quốc
tiến sang. “Họ đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Cây cầu phao thả ra trôi theo
dòng nước là áp khít sang bờ bên này”, lời ông Tuyến.
Tự vệ bản Xèo hy sinh vô số kể. “Chúng tôi chỉ được trang bị trung liên và súng K63. Không có vũ khí chống tăng”- ông Tuyến nói.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch Hội
Cựu Chiến binh Bát Xát thời điểm tháng 2.1979 đang là lính sư đoàn 316,
một trong hai sư đoàn chủ lực duy nhất hiện diện ở biên giới phía Bắc.
Sáng đó, đang ở Than Uyên, đơn vị ông
có lệnh báo động. Ai cũng tưởng chỉ báo động hành quân dã ngoại, thành
thử “có người chỉ mang theo một quả đạn, có người trút lại tượng gạo, và
có người, chỉ mang độc một bộ quần áo trên người”.
Đơn vị ông Trường hành quân lên đến
Sapa thì những người lính mới biết chiến tranh đã xảy ra, và sau đó chạm
địch ngay tại đèo Ô Quy Hồ. 218 đồng đội của ông đã hy sinh trong trận
đánh đó.
Bát Xát là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với những địa danh anh hùng và đau thương: A Mú Sung, Y tý.
Những người lính biên phòng A Mú Sung trong ngày 17 tháng 2 năm ấy, đã đánh đến viên đạn cuối cùng và hy sinh oanh liệt.
Một góc pháo đài Đồng Đăng
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần
Hùng nhớ lại, trưa ngày 17, khi một người dân chạy đến đơn vị báo tin xe
tăng Trung Quốc đã vào đến Nước Hai, Hòa An, thủ trưởng của ông còn
lệnh cho lính "trói nó lại” vì cho rằng người này phao tin đồn nhảm.
Vì sao quân dân ta lại bị bất ngờ trước một cuộc tấn công toàn tuyến với quy mô 32 sư đoàn?
Nguyên Bí thư Cao Bằng, Vương Dương
Tường, nhớ lại ở Cao Bằng hôm ấy, quân khu còn đưa các chỉ huy quân sự
tỉnh về họp. Không ai biết Trung Quốc đánh mình. Ngay cả khi tiếng súng
đã nổ vang từ hướng Hà Quảng, Thông Nông, trưởng ty Thủy lợi băn khoăn
nói tiếng súng nhiều lắm, không biết súng ta hay súng địch. Một lãnh đạo
Cao Bằng khi đó nói anh em cứ yên trí. Đó là súng mình.
Nguyên Bí thư Cao Bằng, Vương Dương Tường, |
Ông Tường thừa nhận: "Cơ bản nhất là bấy giờ không ai tin anh em đồng chí lại đánh nhau", ông Tường nói.
Cao Bằng bấy giờ vừa tách tỉnh. Đến 1
giờ đêm, pháo Trung Quốc bắn phá dồn dập. Sáng ngày 17.2, lính Trung
Quốc đã đến chân đèo Minh Tâm. 2 tiếng sau, xe tăng chúng đã vào đến Cao
Bình, rồi vào đến Nà Tàu. Pháo binh Trung Quốc dồn dập nã xuống Nà Tản.
Ngày 18.2, lính Trung Quốc đã vào đến Hòa An, Cao Bình. Đến ngày 19, khắp nơi đã bị đốt phá giết chóc.
“Ai cũng nghĩ là chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là
giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế
thôi, ai nghĩ là sẽ
đánh nhau” - ông Tường nói, và theo ông, 35 năm sau
vẫn chưa hiểu nguyên nhân câu chuyện đã xảy ra.
Cho đến năm 1992, khi các cơ quan của Bát Xát, Lào Cai từ Mường Vi trở lại Bản Xèo thì “vẫn chỉ có cỏ may và đất đỏ”.
Chúng tôi trở lại Đồng Đăng, Lạng Sơn vào đúng ngày lễ Đền Mẫu, lễ lớn nhất Lạng Sơn, nằm ngay dưới chân pháo đài Đồng Đăng.
Từ 35 năm nay, mỗi dịp tháng hai, đại tá Triệu Quang Điện, Trưởng
phòng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn đến đây thắp hương
tưởng nhớ những người đồng đội của mình.
Ông Điện được phong Anh hùng lực lượng
vũ trang sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, và sau 35 năm, ông vẫn
nhớ như in những cái tên Trần Văn Thái, Vi Văn Cao, những người đồng đội
trong tổ tam tam và bữa cháo cơm nếp cuối cùng đêm 16.12.
Đào Tuấn
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"