Từ phiên xử tranh chấp lãnh hải giữa Bangladesh và Myanmar
TTCT - Tình hình có lúc căng thẳng đến mức tàu chiến đã được dàn ra nhưng cuối cùng hai bên đồng ý đưa vụ việc ra tòa quốc tế. Và rồi phiên xử vụ tranh chấp lãnh hải giữa Myanmar và Bangladesh đã kết thúc trong êm xuôi.
Vụ xử đầu tiên trong lịch sử tranh chấp lãnh hải này đã cho thấy nhiều điều.
Vùng chồng lấn gây tranh chấp trong vịnh Bengal giữa Myanmar, Bangladesh (và cả Ấn Độ) - Ảnh: Eurasia Review |
Như Ngoại trưởng Bangladesh Dipu Moni trình bày trước Tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc về luật biển (ITLOS) tại Hamburg ngày 8-9-2011 (dẫn lại từ biên bản phiên điều trần "ITLOS/PV.11/2/Rev.1"), vụ tranh chấp lãnh hải giữa Bangladesh và Myanmar đã bắt đầu từ ít nhất vào năm 1974 quanh vấn đề sở hữu và khai thác tài nguyên vịnh Bengal. Trong hơn ba thập niên, hai quốc gia này đã tổ chức khoảng 13 vòng đàm phán (vào các năm 1975, 1976, 1979, 1986, 2008, 2009 và 2010). Cả hai đều cho rằng họ có quyền sở hữu - khai thác vùng biển 150.000km2 thuộc vịnh Bengal.
Chấp thuận ra tòa nói chuyện
Trong nhiều lần "nói chuyện phải quấy", bế tắc có hồi tưởng chừng đã được tháo gỡ. Tháng 10-2008, khi đến Dhaka (Bangladesh), Bộ trưởng năng lượng Myanmar - trung tướng Lun Thi hứa rằng Myanmar "sẽ không tiến hành khai thác khí đốt trong khu vực tranh chấp cho đến khi vụ việc được giải quyết".
Tuy nhiên ngày 1-11-2008, bốn chiếc tàu khoan từ Myanmar, được hai tàu hải quân hộ tống, bắt đầu kế hoạch khảo sát thăm dò khí đốt ở khu vực tây nam đảo St. Martin’s trong phạm vi 50 hải lý thuộc Bangladesh. Khi ba tàu chiến Bangladesh được phái đến, Myanmar nói rằng tàu chiến Bangladesh xâm phạm lãnh hải của họ. Đáp lại tuyên bố hùng hồn vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch thăm dò - khai thác của Myanmar, Chính phủ Bangladesh nói rằng Myanmar phải lập tức ngưng tất cả hoạt động tại vùng biển được minh định bởi Đạo luật biển và hải phận 1974 của Bangladesh (Asia Times 20-3-2012).
Thôi thì cứ nhào đại vô đánh nhau để giải quyết "một lần và mãi mãi"? Những người biết tôn trọng nhau trên tinh thần láng giềng hài hòa đã không làm như vậy. Khi Bangladesh đề nghị đưa vấn đề ra ITLOS giải quyết, Myanmar đồng ý ngay. Tháng 10-2009, Bangladesh nộp hồ sơ tranh chấp lên ITLOS. Cả hai bên đều thuê những chuyên gia luật thượng thặng.
Phía Bangladesh có tiến sĩ Payam Akhavan (giáo sư luật quốc tế thuộc Đại học McGill, Canada), Alan Boyle (giáo sư luật Đại học Edinburgh, Anh), James Crawford (giáo sư luật Đại học Cambridge, Anh), Paul S. Reichler (Hãng luật Foley Hoag LLP), Scott Edmonds (chuyên gia bản đồ quốc tế, Mỹ)...
Phía Myanmar có Mathias Forteau (giáo sư Đại học Paris Ouest, Pháp), Coalter Lathrop (chuyên gia luật về "địa lý chủ quyền", Mỹ), Michael Wood (thành viên Ủy ban luật quốc tế, Anh), Octavian Buzatu (chuyên gia thủy văn học, Romania), David Swanson (chuyên gia bản đồ quốc tế, Mỹ)... (nguồn "ITLOS/PV.11/2/Rev.1").
Một phiên tòa ITLOS trong tiến trình xử vụ tranh chấp lãnh hải giữa Bangladesh và Myanmar - Ảnh: AFP |
Ai thắng, ai thua?
"Giải pháp mà ITLOS đưa ra đã mang lại vài điều mà hai bên muốn, nhưng không mang lại tất cả những gì mà hai bên đòi hỏi" |
Ngày 14-3-2012, ITLOS đưa ra phán quyết, mà theo chủ tịch ITLOS Jose Luis Jesus, là có giá trị như một kết luận "cuối cùng và miễn kháng cáo". Theo đó, Bangladesh được quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển trong phạm vi 12 hải lý được "phóng chiếu" từ đảo Saint Martin’s, nơi cách Bangladesh lẫn Myanmar khoảng 10km (mà trước đó Myanmar muốn chia đôi). Bangladesh cũng được quyền tiếp cận một vùng biển 200 hải lý.
Vụ xử Bangladesh - Myanmar của ITLOS là thật sự quan trọng xét theo nhiều góc độ. Trước hết, nó là phiên xử đầu tiên liên quan vấn đề phân định lãnh hải được ITLOS quyết định. Do đó, nó trở thành một tiền lệ, một dấu chỉ mang tính đối chiếu đối với các vấn đề phân định tranh chấp lãnh hải khi so với những phiên tòa quốc tế khác nếu có. Thứ hai, nó là một phán quyết đầu tiên của một tòa án quốc tế liên quan trực tiếp đến việc phân định thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý, trong một cuộc tranh chấp song phương, trở thành một án lệ quan trọng có giá trị tham khảo đối với các vụ tương tự.
Cụ thể ITLOS đã giải quyết việc phân định lãnh hải giữa Bangladesh - Myanmar theo ba phần khác nhau: lãnh hải có đặc điểm chủ quyền; vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa nằm trong phạm vi 200 hải lý; và cuối cùng là thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý. Về phần lãnh hải có yếu tố chủ quyền, ITLOS đã vẽ một đường chia đều (equidistance line) từ các đường cơ sở (baseline) được các bên liên quan xác định, phù hợp với điều 15 Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS). Về phần EEZ và thềm lục địa nằm trong phạm vi 200 hải lý, ITLOS đã xét đến thực tế tự nhiên rằng bờ biển Bangladesh bị lõm vào (International Law Observer, 15-3-2012).
Sau kết luận phiên tòa, Bangladesh cho rằng họ đã chiến thắng. "Chúng ta đạt được tất cả, thậm chí còn nhiều hơn mong đợi. Đây là một ngày trọng đại đối với Bangladesh. Tất cả mục tiêu chiến lược của chúng ta đều thành công" - Ngoại trưởng Bangladesh Dipu Moni hồ hởi nói (Daily Star, 15-3-2012).
Thật ra chẳng bên nào toàn thắng hay toàn thua. Cần biết ITLOS đã phản bác ý kiến Myanmar rằng Bangladesh không có thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý, đồng thời họ cũng bác bỏ lập luận của Bangladesh rằng bờ biển Myanmar không có sự kéo dài tự nhiên bởi sự gián đoạn của yếu tố địa chất, khi mà đĩa kiến tạo Ấn Độ đụng đĩa kiến tạo Myanmar tại nơi cách bờ biển Myanmar khoảng 50 hải lý.
Nói cách khác, giải pháp ITLOS đưa ra đã mang lại vài điều mà hai bên muốn, nhưng không mang lại tất cả những gì mà hai bên đòi hỏi. Bất luận thế nào cũng có thể nói rằng phiên xử là một thành công khi đã dàn xếp êm đẹp một cuộc tranh chấp song phương lịch sử, mà một phần chỉ bằng vào cây thước hình học!
Có một chi tiết không thể không nhắc đến trong vụ này. Kết luận phiên tòa đã được thông qua với tỉ lệ 21/1. Ai là người duy nhất trong hơn 20 vị "pháp quan" đa quốc tịch của ITLOS đã nói không? Theo Eurasia Review, người có "ý kiến khác" trong ITLOS là Cao Chi Quốc của Trung Quốc (được bầu vào ITLOS từ tháng 1-2008). Ông pháp quan này cho rằng phương pháp vẽ đường chia đều là không thích hợp trong việc phân chia lãnh hải. Nghe có vẻ y hệt những quan điểm phổ biến mà Trung Quốc thường nói với Nhật trong các vụ tranh chấp tại biển Đông.
Kế đến, ông ta còn phán rằng việc "xử lý" đảo St. Martin’s như một điểm nối của đường ranh giới có tiếp giáp đất liền giữa hai nước là sai lầm. Bởi, theo họ Cao, một hòn đảo - với đặc tính liên quan kích cỡ và khả năng duy trì sự sống kinh tế cùng khả năng cư trú của con người - phải được xem như một thực thể đảo với đầy đủ "tính năng" có thể mở rộng EEZ theo quy định trong UNCLOS.
Lập luận này hoàn toàn khớp với những gì Bắc Kinh đang đưa ra liên quan những định nghĩa đối với các "hòn đảo" mà thực chất chỉ là những "gò nổi" san hô rải rác trên biển Đông, để căn cứ vào đó mà đòi lập vô số EEZ quanh cái "đường lưỡi bò".
Cuối cùng, ông Cao tỏ ra hồ nghi quan điểm ITLOS về sự kéo dài tự nhiên đối với vùng đất của một quốc gia biển để từ đó quyết định giới hạn của thềm lục địa cũng như đưa đến việc phân định lãnh hải. (Vì nếu) Cứ theo như vậy (thì) tất hẳn "sự kéo dài tự nhiên" của Trung Quốc chắc chắn không thể "kéo", cho dù có ráng đến mấy cũng không thể "dài" thêm được (thí dụ như từ đảo Hải Nam của họ xuống đến Hoàng Sa của Việt Nam, hai địa điểm cách nhau đến 260km!).
Vụ phân xử Bangladesh - Myanmar đã cho thấy chẳng cuộc tranh chấp nào mà một bên có thể đơn phương tuyên bố là "bất khả tranh nghị" để rồi có thể vơ thành của mình và cưỡng chiếm một cách an toàn và lâu bền. Muốn sở hữu ổn định và danh chính ngôn thuận phải có bằng chứng pháp lý (một điều cực kỳ cơ bản). Vụ phân xử này còn cho thấy đối với những quốc gia đang tranh chấp biển đảo, vấn đề luật hóa, một cách khoa học và hệ thống, tất cả những bằng chứng cụ thể và xác đáng, chẳng hạn những tấm bản đồ lịch sử, sẽ mang lại lợi thế trên diễn đàn và công luận quốc tế.
M.KIM
No comments:
Post a Comment
Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"