Tuesday 10 April 2012

613.VÀI ĐIỀU LUẬN BÀN VỀ SỰ BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ THEO HIẾN PHÁP 1992

Ths: Nguyễn Việt Khoa*

   Sửa đổi Hiến pháp1992 đang là đề tài nóng được bàn luận khá sôi nổi. Nhiều diễn đàn được mở ra nhằm thu thập ý kiến từ các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề định hướng và nội dung cụ thể cho Hiến pháp sửa đổi. Về mặt luật học, Hiến pháp là đạo luật cơ bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, có vai trò định hướng về mặt nguyên tắc cho luật. Về chính trị, Hiến pháp là khung định hình những nguyên tắc chính trị cơ bản, thiết lập hình thức chính thể, cấu trúc Nhà nước của một quốc gia. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Hiến phápViệt Nam còn quy định thêm chương chế độ kinh tế gồm 15 điều từ điều 15 đến điều 29. Lý lẽ để chương chế độ kinh tế xuất hiện trong Hiến pháp 1992 là chính quyền cần có những tuyên bố và cam kết rõ ràng về các chính sách đối với đời sống kinh tế như cam kết bảo đảm nền kinh tế thị trường và vai trò điều tiết của Nhà nước, trong đó Nhà nước dẫn dắt tăng trưởng và có trách nhiệm phân bổ phúc lợi, bảo đảm những giá trị công bằng được coi là tôn chỉ của những người theo chủ nghĩa xã hội. Chương chế độ kinh tế, theo thiết kế hiện nay của Hiến pháp 1992, với tư cách là một cam kết và bảo đảm của chính quyền, là một nội dung quan trọng của Hiến pháp, cần được duy trì[1].

Lược lại chế độ kinh tế được quy định tại hiến pháp 1980, hiến pháp 1992 và hiến pháp được sửa đổi vào năm 2001 có thể thấy sự thay đổi rất lớn trong tư duy về kinh tế của các nhà lập hiến nước nhà. Hiến pháp 1980 quy định kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể làm căn bản đến hiến pháp1992 mở rộng ra 6 thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức[2]. Sáu thành phần kinh tế này đang chung tay vận hành toàn nền kinh tế đất nước.

Thời gian vừa qua nền kinh tế “hốt hoảng” khi Tập đoàn tàu thủy Vinashin thua lỗ đến hàng tỷ đô la, một số tập đoàn lớn của Nhà nước đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản viễn thông mà điển hình là việc đầu tư kém hiệu quả của tập đoàn điện lực(EVN) vào EVN Telecom thua lỗ hơn 10.000tỷ đồng [3] buộc phải sáp nhập vào Viettel. Cơ quan Nhà nước bắt đầu có những biện pháp cứng rắn khi xem xét việc trách nhiệm lãnh đạo các tập đoàn và đã có những biện pháp kịp thời trong việc rút vốn vào những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn và đã có những biện pháp thay đổi nhân sự cấp cao của các tập đoàn. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn được biến tướng bằng nhiều hình thức khác nhau. Có những tập đoàn hiện nay vần còn góp vốn và đầu tư ở vài chục công ty bất động sản mà điển hình là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Trị giá tài sản đầu tư ngoài ngành khá lớn, chỉ tính 8 tháng đầu của năm 2011, các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước vẫn đầu tư ngoài ngành tới 22.590 tỷ đồng. Trong đó, có 6 tập đoàn, tổng công ty đầu tư trên mức 1.000 tỷ đồng/đơn vị[4]. Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của ngân hàng tư nhân phải rục rịch thực hiện các thương vụ sáp nhập để tăng cường sức cạnh tranh, tập đoàn điện lực, tập đoàn dầu khí quốc gia luôn kêu ca làm ăn thua lỗ và chờ đến bàn tay khổng lồ của nhà nước xòe ra cứu giúp. Trong khi đó mặc dù khối doanh nghiệp tư nhân phải tự thân vận động chống đỡ trước sức cạnh tranh từ thị trường thế giới vừa phải đối mặt với hàng loạt thủ tục hành chính từ phía cơ quan quản lý nhà nước nhưng cũng góp 48% vào GDP cả nước[5]. Từ những báo cáo thực tế có thể thấy thành phần kinh tế nhà nước mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi nhưng hoạt động kém hiệu quả trong khi đó thành phần kinh tế tư nhân đang trên đà phát triển mạnh, đóng góp lớn cho nền kinh tế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Từ thực tế trên buộc chúng ta phải nhìn nhận lại vị trí và vai trò của các thành phần kinh tế. Có ý kiến cho rằng nên từ bỏ tư duy cát cứ chia nền kinh tế thành 06 thành phần khác nhau, ghi nhận nền kinh tế thị trường có điều tiết nhằm phân bổ phúc lợi một cách hài hoà cho các giai tầng nhân dân. Đây là một ý tưởngrất hay và sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu được áp dụng.Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chưa thể áp dụng những ý tưởng trên. Thay vì phải thay đổi toàn bộ chỉ cần điều chỉnh lại vị trí và vai trò của các thành phần kinh tế theo hướng tăng cường sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau. Tôn trọng tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh giữa các chủ thể trong nền kinh tế, loại bỏ sự ưu đãi dành cho khối doanh nghiệp nhà nước thì mới có thể làm gia tăng sức khỏe của nền kinh tế. Nên xóa bỏ tư duy sợ hãi khi khối doanh nghiệp tư nhân nắm giữ phần lớn thị trường sẽ dẫn đến tình trạng lũng đoạn nền kinh tế bởi lẽ nhà nước còn rất nhiều công cụ để kiểm soát trật tự của thị trường như các chính sách pháp luật, các chính sách kinh tế.

Mười ba tập đoàn kinh tế cùng với hơn chín mươi tổng công nhà nước đang hoạt động thật sự hiệu quả? Tâm lý “cha chung không ai khóc” và sự ưu đãi đặc biệt từ phía nhà nước đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo và là đầu tàu của nền kinh tế được quy định tại điều 19 hiến pháp 1992. Theo tinh thần của hiến pháp muốn xây dựng thành phần kinh tế nhà nước thật mạnh để kéo các thành phần kinh tế phát triển nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Việc tiếp tục duy trì tình trạng dành ưu đãi cho thành phần kinh tế nhà nước và không coi trọng đúng mức vị trí của các thành phần kinh tế khác sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Thứ nhất, làm mất đi động lực và kiềm hãm sự phát triển của các thành phần kinh tế trong xã hội, tiềm năng của cả xã hội sẽ bị lãng phí. Thứ hai, dựa vào lợi thế của mình thành phần kinh tế nhà nước có thể gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế khác. Ngoài ra, rủi ro còn thường trực đối với các tập đoàn kinh tế do được hưởng nhiều ưu đãi như không bắt buộc phải có đủ tài sản đảm bảo cho khoản vay, thủ tục vay vốn đơn giản, mỗi khi “cần” là vay dễ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ dây chuyền khi mất khả năng thanh toán[6]. Thứ ba,vì cách tổ chức quản lý như hiện tại, nên tập đoàn và các công ty nhà nước không còn tính độc lập mà phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước, nghĩa là Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn, tương tự như trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Do chịu trách nhiệm vô hạn, nên tập đoàn càng yếu kém, Nhà nước càng phải đầu tư, không chỉ bằng ngân sách, mà bằng cả vay nợ, bảo lãnh tín dụng quốc gia; càng phải tập trung sức lực của cả bộ máy hành chính nghĩa là chính phủ ngày càng dấn sâu vào kinh doanh vốn gắn liền với rủi roảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của chính phủ.

Việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau sẽ tạo ra nhiều kết quả tốt. Thứ nhất, các thành phần kinh tế dễ dàng phát huy thế mạnh của mình tạo ra nhiều giá trị vật chất, nhiều của cải cho xã hội hơn. Khi khối doanh nghiệp tư nhân phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm,góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Thứ hai, ngân sách giảm bớt gánh nặng phải trả nợ cho các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ kém hiệu quả, đem số tiền ấy đầu tư vào các khoản phúc lợi xã hội sẽ có ý nghĩa hơn. Thứ ba, trước áp lực của cạnh tranh các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước sẽ buộc phải thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức, nhân sự, quản lý, chiến lược để hoạt động có hiệu quả hơn. Từ đó khối doanh nghiệp quốc doanh sẽ kết hợp với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Sửa đổi hiến pháp là một việc hệ trọng vì vậy việc sửa đổi, bổ sung cần có sự hoạch định cụ thể rõ ràng, dự liệu được các khả năng có thể xảy ra trong tương lai. Một đất nước vững mạnh phải có một nền kinh tế thật sự mạnh. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại đang diễn ra với tốc độ nhanh, nền kinh tế nước ta cần có những bước cải cách mang tính đột phá để bắt kịp xu thế của nền kinh tế thế giới. Việc sửa đổi chế độ kinh tế theo hướng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau sẽ góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, phát huy được tất cả tiềm năng của toàn xã hội, góp phần vào mục tiêu chung của đất nước.

Nguyễn Việt Khoa

 

*Nghiên cứu sinh, Giám đốc Trung tâm tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh, Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

[1]Theo PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA, Chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 - phát hiện một số bất cập và kiến nghị hướng sửa đổi. Nguồn: nclp.org.vn

[2]Điều 16 hiến pháp 1992.

[3]Xem: http://hcm.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/evn-thua-lo-hon-10000-ty-dong-tong-hop-tin-hot-19-11-c46a417766.html.

[4]Báo công lý. Đầu tư trong đầu tư ngoài.Thứ Sáu, 30/09/2011 09:32.

Xem: VnExpress-EVN nợ chồng chất vẫn đầu tư ngoài ngành, Thứ tư, 14/9/2011, 08:17 GMT+7

[5]Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ về tình hình triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2006 – 2010.

[6]Xem: http://tamnhin.net/Tap-doan/18511/Tap-doan-con-de-va-he-luy.html

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...