Wednesday 15 February 2012

602. Cuộc Chiến 1979 và Hoàng Sa

Cuộc Chiến 1979 và Hoàng Sa

Huy Đức

Ngày 7-2-1979, tại Tokyo, khi ngầm thông báo với báo chí một chiến dịch “trừng phạt” Việt Nam, Đặng Tiểu Bình giải thích: “Hiệp ước mà Việt Nam và Liên Xô ký kết có tính chất đồng minh quân sự. Việt Nam đã mở cuộc xâm nhập vũ trang vào Campuchia và đang khiêu khích ở biên giới Trung Quốc”. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến tranh mà Đặng Tiểu Bình thực hiện 10 ngày sau không đơn giản chỉ là những gì được nói ra trong lời tuyên bố ấy.

Hiệp ước mà ông Đặng đề cập là Hiệp ước hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô, ký ngày 3-11-1978. Hiệp ước này được ký kết sau khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rất trầm trọng: Trung Quốc yêu cầu Việt Nam đóng cửa 3 tổng lãnh sự quán (6-6-1978) và cắt toàn bộ viện trợ (7-1978). Ngày 29-1-1979, khi hội đàm ở Mỹ, Đặng Tiểu Bình nhắc tới Campuchia, Afganistan với Tổng thống Jimmy Carter và cảnh báo “nguy cơ phản ứng dây chuyền”. J. Carter “đồng ý với Đặng cách nhìn nhận” ấy. Tuyên bố chung, hai ngày sau đó (1-3), nhấn mạnh, “Trung-Mỹ chống lại bất kỳ quốc gia hoặc tập đoàn quốc gia nào mưu kế bá quyền”. Đặng đã thành công khi sử dụng liên minh Việt-Xô để gieo rắc hoài nghi, khiến Mỹ làm ngơ cho Trung Quốc đánh Việt Nam, bên trong, Đặng không hề đánh giá cao “liên minh” ấy.

Trong hội nghị do Quân ủy Trung ương Trung Quốc triệu tập, bàn “chủ trương” đánh Việt Nam, không ít tướng lĩnh đã cảnh báo nguy cơ bị Liên Xô tấn công. Khi ấy, trên biên giới Trung- Xô, Liên Xô bố trí tới 50 sư đoàn chủ lực. Đặng Tiểu Bình nhận định: “Liên Xô không thể không xét tới nhiều nhân tố quốc tế nên khả năng (vì Việt Nam mà) can thiệp vào Trung Quốc là rất ít”. Trên thực tế, một tuần sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam, không thấy Liên Xô “ra tay”, Trung Quốc đã đánh tiếp sang thị xã Lạng Sơn, và chỉ rút khi trên hướng này Quân Đoàn II xuất hiện.

Tại thời điểm Đặng tuyên bố với báo chí, 7-2-1979, quân đội Việt Nam có mặt ở Phnompênh vừa tròn một tháng, nên “yếu tố Campuchia” có vẻ như rất dễ thuyết phục. Nhưng, theo cuốn sách “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” của NXB Đại học Tứ Xuyên, công bố năm 1993, ngay trong Hội Nghị Quân ủy Trung ương, từ 7 đến ngày 9 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đã quyết định đánh Việt Nam. Trong ngày 9-12-1978, Quyết định này đã được “tuyệt mật” chuyển tới tay tướng Hứa Thế Hữu (Tướng Hữu cùng với Dương Đắc Chí là hai tướng chỉ huy cuộc chiến tranh 17-2). Trong khi mãi tới ngày 25-12-1978, quân đội Việt Nam mới bắt đầu mở chiến dịch đánh sang Phnompênh.

Khi Khmer Đỏ chưa nắm được chính quyền, đang “ăn nhờ, ở đậu” gần Trung ương Cục (Việt Nam), Pol Pot, Yeng Sary đã “đi lại” với Bắc Kinh. Năm 1970, Lon Non lật đổ Sihanouk, Pol Pot đã rất cay cú khi Sihanouk được đưa về Hà Nội. Pol Pot nhận ra, họ không phải là lực lượng duy nhất mà Việt Nam ủng hộ ở đất nước nhỏ bé này. Cho dù sau đó “lá bài” Sihanouk cũng được “nuôi” ở Bắc Kinh như một ông hoàng, người Trung Quốc đã khéo léo nhen nhúm hiềm khích Việt Nam cho Pol Pot. Chính vì thế mà ngay trong năm 1975, Khmer Đỏ đã phản bội Việt Nam, bắn giết ở Phú Quốc, ở Thổ Chu và từ năm 1977 đánh sang An Giang, Tây Ninh, có khi vào sâu hơn 10 km. Tuy nhiên, cho dù có bị “mất mặt” khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn bị Việt Nam đánh đổ ở Phnompênh. Liệu, Trung Quốc có phải là một “đàn anh” trung thành với lân bang đến mức hy sinh mình như vậy?

Người Hoa và vấn đề “nạn kiều” cũng đóng một vai trò nhất định. Thật khó lý giải vì sao cuộc “cải tạo tư sản công thương nghiệp”, đụng tới hàng trăm nghìn người Hoa, lại được Việt Nam tiến hành năm 1978, khi mà mối quan hệ với Trung Quốc đang hết sức căng, nếu như không đề cập đến câu chuyện sau đây, câu chuyện mà sách vở chưa bao giờ nói đến. Bí thư Thành ủy TP HCM vào thời điểm 1975, ông Võ Văn Kiệt, kể: “Sau ngày 30-4, ở khu vực Chợ Lớn có một chi bộ có vũ trang thuộc bộ phận hải ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chi bộ này xuất hiện bí mật từ trước 30-4 và khi đó họ đòi được công khai hoạt động”. Để một lực lượng Trung Quốc có vũ trang ở Chợ Lớn thì cũng không khác chi “đặt mồi lửa dưới đống củi”, Việt Nam buộc phải “giải giáp” họ. Bắc Kinh rất khó chịu về vụ “giải giáp” này. Nhưng, cho dù có bao nhiêu người Hoa đã phải ra đi trong năm 1978 thì “nạn kiều” vẫn là một “lá bài” mà Trung Quốc cũng chủ động “chơi” chứ không hẳn là nguyên nhân khiến cho Đặng Tiểu Bình đưa quân sang Việt Nam xâm lược.

Tác giả của “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” còn chỉ ra một vấn đề rất có thể cũng là nguyên nhân: Năm 1978, Đặng Tiểu Bình vừa khôi phục lại quyền lãnh đạo quân đội, “Ông có ý thức nhạy bén… thông qua cuộc chiến tranh, vừa thăm dò được sự trung thành (của quân đội), vừa làm cho các nhà lãnh đạo (Trung Quốc) khác nhận rõ những mặt phải cải cách quân đội”. Đại tá Hà Tám, chỉ huy trung đoàn 12 anh hùng đánh Trung Quốc tháng 2-1979, cho biết: “Mặc dù pháo theo cùng của Trung Quốc bắn khá chính xác, nhưng, bộ binh thì chủ yếu dùng ‘biển người’; chỉ huy của Trung Quốc lúc ấy ra trận mà vẫn có người che ô, quân thì chờ kèn kêu mới xông trận”. Sau ngày 17-2, Trung Quốc đã gấp rút cải cách quân đội, và họ đã “thử nghiệm” lại trên Biên giới Việt Nam vào ngày 28-4-1984 bằng một chiến dịch với phương thức chiến tranh hoàn toàn mới.

Đặng Tiểu Bính nói: “Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”. Cuộc chiến tranh được huy động khi mà Trung Quốc đang vô cùng lạc hậu sau các cuộc cách mạng “da thịt tàn nhau” không chỉ nhắm đến một mục tiêu. Bằng cách kể lể kiểu chương hồi, cuốn sách mà Trung Quốc cho công bố, “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, đã để lộ một ý đồ thâm sâu của Đặng, đó là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh ở miền Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ thái độ khá kiên định về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, quần đảo mà từ lâu Trung Quốc đã rắp tâm thôn tính.

Tháng 6-1975, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi công hàm cho Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa. Ngày 24-9-1975, khi gặp Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã “yêu cầu phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đàm phán về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa”. Tháng 4-1977, trên đường đi Liên Xô ghé qua Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã gửi đến Trung Quốc thông điệp của Việt Nam về hai quần đảo ấy. Tuy nhiên, trước sau Trung Quốc đều một mực “yêu cầu Việt Nam trở lại lập trường trước năm 1974”. “Lập trường trước năm 1974”, theo cuốn sách “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” là “Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958”. Cuốn sách nói là Đặng Tiểu Bình đã rất “khó chịu” với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đặng nói: “Vấn đề này không cần thiết phải đàm phán… (đó) là lãnh thổ Trung Quốc”.

Có lẽ, năm 1979, Đặng Tiểu Bình nghĩ là có thể đè bẹp ý chí của người Việt Nam trong vấn đề đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa nên đã phát động chiến tranh. Và, các yếu tố như Liên Xô, Campuchia được Đặng vận dụng tối đa để cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Điều cay đắng là, lẽ ra Đặng đã không thể cô lập Việt Nam để gây đổ máu của dân ta như thế nếu như sau 1975, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong khối ASEAN ngay và đặc biệt, bình thường ngoại giao với Mỹ. Năm 1977, khi Mỹ chìa tay ra cho Việt Nam, theo Tổng thống Jimmy Carter, “vấn đề bồi thường chiến tranh đã gây khó khăn”. Rồi, trong khi Việt Nam đang loay hoay thì Đặng Tiểu Bình đã khai thác yếu tố này ngay, để thiết lập được quan hệ ngoại giao với Mỹ và đặt Việt Nam vào tình huống bị bao vây, cấm vận. Tất nhiên, “ý thức hệ” đóng một vài trò quan trọng trong quyết định “nhất biên đảo” với Liên Xô; năm ấy, báo Nhân Dân vẫn chỉ trích Đặng về chủ thuyết “mèo trắng, mèo đen” và ngày nay, chúng ta vẫn cần phải quan tâm tới bài học ấy.

Tôi công bố bài viết này không chỉ vì sắp đến ngày 17-2 mà còn vì, muốn lưu ý, “người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”, không nên đặt cuộc chiến tranh 17-2 ra ngoài âm mưu Biển Đông. Bản Giốc, Tục Lãm… giờ đã xong; nhưng, Hoàng Sa, Trường Sa thì vẫn đó.

Huy Đức


601.Ngọn lửa Đồng Nọc Nạng

Ngọn lửa Đồng Nọc Nạng

TT - Đó là câu chuyện đầy bi tráng về những người nông dân đứng lên chống áp bức, bất công để giành lại mảnh đất mà họ đã đổ xương máu gầy dựng. Chiều sắp tắt. Trước cửa khu di tích lịch sử Nọc Nạng (xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, Bạc Liêu), có ba người khách phương xa vừa đến xin vào thắp nhang, viếng đền.

Nhân viên khu di tích Nọc Nạng giới thiệu với khách tham quan về trận quyết tử của gia đình ông Mười Chức năm 1928 được tái hiện qua mô hình - Ảnh: Chí Quốc

Họ là ba người của ba thế hệ: cụ Hai Long (83 tuổi), ông Lư Đình Một (45 tuổi, con rể cụ Hai Long) và em Lư Thanh Huệ (học sinh, 13 tuổi, con gái ông Một) ở thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai.

“Ngày 16-2 là lễ giỗ của những người nông dân đã dám đứng lên chống áp bức bất công giành lại mảnh đất mà họ đã đổ xương máu gầy dựng. Dù không quen biết nhưng năm nào cha con, ông cháu tôi có bận cách mấy cũng đến bày tỏ lòng kính trọng đối với bậc tiền nhân” - cụ Hai Long tâm sự.

Ngày đẫm máu và “phiên tòa nhân ái”

Ông Nguyễn Minh Chánh kể: “Năm 2004, khi tôi đang là tổng biên tập báo Bạc Liêu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (em gái ông Mười Chức) đã gọi tôi ra dặn dò riêng: “Chú ráng lo cho gia đình bà Liễu. Bà còn khó khăn lắm”. Sau bận đó bà Liễu đã được trợ cấp 600.000 đồng/tháng. Hai năm sau bà Liễu qua đời, thọ 96 tuổi”.

Không chỉ có ba thế hệ trong gia đình cụ Hai Long, hôm nay tròn 84 năm ngày xảy ra vụ án bi thảm Đồng Nọc Nạng, ngọn lửa vùng lên đấu tranh giành lấy nguồn sống, giành lấy thành quả lao động từ mồ hôi nước mắt của người nông dân thời thuộc Pháp vẫn cháy mãi trong lòng người dân Bạc Liêu.

Bà Nguyễn Thị Lựa (53 tuổi, thế hệ thứ ba của những người nông dân đã làm nên sự kiện Đồng Nọc Nạng) bồi hồi kể lại câu chuyện mà bà đã nghe được từ chính người bà cô của mình là Nguyễn Thị Liễu (em thứ 12 của ông Mười Chức)...

Cách nay hơn trăm năm, vùng đất Phong Thạnh A vẫn còn hoang vu, hùm beo, rắn rết đầy rẫy. Những lưu dân hiếm hoi vào đây khai khẩn phải chặt cây tràm, cây đước làm nọc cắm xuống sình lầy rồi gác nạng lên để quây chòi ở tạm tránh dã thú tấn công. Địa danh Nọc Nạng ra đời từ đó.

Trong số những người dân tới đây khai hoang lập nghiệp đầu tiên đó có cụ tổ của bà là thân sinh ra hương chánh Nguyễn Thành Luông. Đến năm 1908, cha ông Luông mất, để lại cho các con khoảng 4ha đất. Anh em ông Luông cùng chung sức kế tục công cuộc khai hoang...

Tổng hợp nguồn tư liệu do những thế hệ con cháu kể lại, người ta biết rằng đến năm 1913, tổng diện tích đất khai hoang của hương chánh Nguyễn Thành Luông đã lên tới 73ha. Để xác lập chủ quyền, anh em ông Luông đã mời Viện trắc địa đến đo vẽ và được cấp bản đồ thửa. Hương chánh Luông qua đời, con trai cả là Nguyễn Văn Toại thừa kế chủ quyền.

Sự việc bi thảm khởi nguồn vào năm 1917, khi một Hoa kiều giàu có ở Bạc Liêu là Bang Tắc (còn có tên là Mã Ngân) vì lòng tham đã đứng ra mua lại phần đất giáp ranh ông Toại do bà Nguyễn Thị Dương đứng bán, nhưng trong giấy tờ mua bán đã gian lận ghi trùm luôn đất của ông Toại. Tranh chấp nổ ra. Qua nhiều cấp phân xử, do Bang Tắc đút lót cho nhà chức trách nên phần thua thiệt luôn về gia đình ông Toại.

Đỉnh điểm của bi kịch xảy ra ngày 16-2-1928, khi hai viên cò Pháp là Bauzou và Tournier cùng nhiều lính mã tà từ Bạc Liêu đến tịch thu lúa gia đình ông Toại vừa thu hoạch.

Trước sự cướp bóc trắng trợn thành quả lao động của gia đình, anh em nhà ông Toại đã chống trả kịch liệt và hậu quả là bốn người em ông Toại là ông Mười Chức, Nhẫn, Nhịn, và bà Nghĩa (vợ ông Mười Chức) đang mang thai đã tử thương.

Về phía những người “cưỡng chế”, cò Tournier bị Mười Chức đâm thủng bụng khi y nã đạn vào ông, và viên cò đã chết sau đó.

Tòa đại hình Cần Thơ mở ngày thứ sáu 17-8-1928, do ông Dde Rozario ngồi ghế chánh thẩm đã tuyên một bản án mà theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Nghĩa đăng trên Diễn đàn Đông Dương ngày 20-8-1928 và nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp, bản tại Sài Gòn lúc đó là: “Tòa vào phòng để thảo luận bàn cãi rất lâu, sau đó trở ra tuyên một bản án mà không một bản án nào có thể công bằng và nhân ái hơn. Người đàn bà cao tuổi (vợ hương chánh Nguyễn Thành Luông) đứng lên từ hàng ghế ngồi mà bà đã ngồi từ thứ sáu để cảm ơn luật sư và các vị quan tòa người Pháp. Đôi mắt gần như mù lòa của bà ràn rụa nước mắt vì vui sướng. Những quy tắc ngặt nghèo về trật tự của tòa được bỏ qua, một đám đông dân chúng tràn vào phòng xử án trước sự ngạc nhiên của những người giữ trật tự”.

Những nông dân bị giam giữ trong vụ việc được trả tự do, mọi sự khiếu nại của nguyên đơn được đáp ứng.

Hình ảnh những người đã tham gia trận quyết tử với người Pháp năm 1928 được lưu giữ tại khu di tích Nọc Nạng - Ảnh: Chí Quốc

Phá án nhờ báo chí

Ông Nguyễn Minh Chánh, chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, tâm sự: “Vụ án Đồng Nọc Nạng được đưa ra ánh sáng có công rất lớn của báo chí thời ấy, mà vai trò lớn nhất là của nhà báo Lê Trung Nghĩa”.

Ông Nghĩa sinh tại Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vào Sài Gòn học và tốt nghiệp Trường sư phạm Sài Gòn. Đi dạy ba năm, ông bất mãn chế độ cai trị của Pháp và chuyển sang viết báo bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Ông cộng tác với Đông Pháp thời báo, Diễn đàn Đông Dương, Đuốc Nhà Nam...

Khi xảy ra vụ án Đồng Nọc Nạng, ông Lê Trung Nghĩa đã về Bạc Liêu gặp gỡ các nhân chứng và có nhiều bài điều tra đăng trên các báo này, gây sự chú ý mạnh mẽ của công chúng và giới chức chính quyền.

Cách đây hơn hai năm, ông Nguyễn Minh Chánh cùng ông Nguyễn Trung Kiên (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Bạc Liêu) trong quá trình tìm hiểu, bổ sung tư liệu về vụ án Đồng Nọc Nạng, đã may mắn được gặp bà Lê Liễu Sương (cháu gọi nhà báo Lê Trung Nghĩa là bác) cung cấp nhiều tư liệu quan trọng bằng tiếng Pháp được lưu trữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, trong đó có bài báo của ông Lê Trung Nghĩa tường thuật lại diễn biến phiên tòa xét xử vụ án do Tòa đại hình Cần Thơ tiến hành (đăng trên Diễn đàn Đông Dương, ra ngày 20-8-1928).

Các nguồn tin cũng nói rằng chính nhà báo Lê Trung Nghĩa đã tác động tới các luật sư để những người này hiểu rõ bản chất vụ việc và đứng ra bênh vực cho những người nông dân thấp cổ bé họng.

Kỷ niệm 84 năm sự kiện Đồng Nọc Nạng

Hôm nay (16-2), ban tổ chức lễ hội huyện Giá Rai long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 84 năm ngày xảy ra sự kiện Đồng Nọc Nạng (16-2-1928 - 16-2-2012).

Tại khu di tích lịch sử Nọc Nạng sẽ có các trò chơi dân gian như kéo co, thả diều, gánh nước về làng, thi đấu bóng chuyền, bóng đá tứ hùng và các hoạt động ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của nông dân Giá Rai nói riêng, nông dân Bạc Liêu nói chung, góp phần giáo dục truyền thống và lòng yêu quê hương, đất nước của nhân dân và thế hệ trẻ.

NGỌC TRÂN

TẤN ĐỨC - CHÍ QUỐC - MINH QUỐ


600.NGHỊ QUYẾT SỐ 02/2011/NQ-HĐTP NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 2011 CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH


HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật tổ chức Toà án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Luật tố tụng hành chính (sau đây viết tắt là Luật TTHC);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

CHƯƠNG I
VỀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 28 của Luật TTHC

1. Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó), bao gồm:

a) Quyết định hành chính được cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính;

b) Quyết định hành chính được ban hành sau khi có khiếu nại và có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính được hướng dẫn tại điểm a khoản này.

2. Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Việc xác định hành vi hành chính khi nào là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, khi nào là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác và khi nào là không thực hiện nhiệm vụ, công vụ phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn thực hiện đối với nhiệm vụ, công vụ đó và phân biệt như sau:

a) Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, nhưng do người trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác đó thực hiện theo sự phân công hoặc uỷ quyền, uỷ nhiệm thì hành vi đó là hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác mà không phải là hành vi hành chính của người đã thực hiện hành vi hành chính đó;

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 126 của Luật đất đai thì hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Ông Nguyễn Văn A đã nộp hồ sơ xin chuyển đổi quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân
xã X theo đúng quy định, nhưng bà Trần Thị C là cán bộ nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân xã X đã trả lại hồ sơ cho ông A và không nêu lý do của việc trả lại hồ sơ đó. Trong trường hợp này, việc trả lại hồ sơ cho ông A là hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân xã X mà không phải là hành vi hành chính của bà Trần Thị C.

b) Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác thì việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể đó là hành vi hành chính của người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc họ trực tiếp thực hiện hay phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người khác thực hiện;

Ví dụ: Theo quy định của pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H là người có thẩm quyền tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông D, nhưng đã ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H trực tiếp tổ chức việc cưỡng chế. Trong trường hợp này, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông D là hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H mà không phải là hành vi hành chính của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H.

c) Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác không thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó là hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, không phụ thuộc vào việc nhiệm vụ, công vụ đó được phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người cụ thể nào trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác đó thực hiện;

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29-8-2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thì Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh A có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp được thành lập trong địa giới hành chính tỉnh. Doanh nghiệp N đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ, nhưng quá thời hạn mà pháp luật quy định, Phòng đăng ký kinh doanh không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp N. Trong trường hợp này, việc không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp N là hành vi hành chính của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh A.

d) Trường hợp theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác, nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác không thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó là hành vi hành chính của người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc họ đã phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người khác thực hiện.

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 30 của Luật cư trú thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn phải cấp sổ tạm trú cho hộ gia đình hoặc cá nhân đề nghị. Bà X đã nộp đủ giấy tờ theo quy định đề nghị Trưởng Công an xã N cấp sổ tạm trú, nhưng quá thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ mà Trưởng Công an xã N không cấp sổ tạm trú cho bà X. Trong trường hợp này, việc không cấp sổ tạm trú cho bà X là hành vi hành chính của Trưởng Công an xã N.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là quyết định của Hội đồng cạnh tranh, của Bộ trưởng Bộ Công thương khi giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định tại mục 7 Chương V của Luật cạnh tranh, bao gồm:

a) Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh đối với quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh khi xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Công thương đối với quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh khi xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Điều 2. Xác định người bị kiện quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật TTHC

1. Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Luật TTHC thì người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; do đó, để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc đó. Trường hợp có nhiều luật cùng quy định thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính về một lĩnh vực quản lý thì việc xác định thẩm quyền của người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào luật chuyên ngành.

Ví dụ: Có hai quyết định hành chính bị khởi kiện và hai quyết định hành chính này đều do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ký (một quyết định về xử phạt vi phạm hành chính và một quyết định thu hồi đất của hộ gia đình). Căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết các vụ việc này thì người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Điều 29 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính), còn người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định thu hồi đất của hộ gia đình là Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Điều 44 của Luật đất đai).

2. Người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của Luật TTHC là người có chức vụ, chức danh cụ thể và theo quy định của pháp luật thì người có chức vụ, chức danh đó mới có thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Trường hợp quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do một người cụ thể ký hoặc thực hiện, nhưng người đó ký quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính với danh nghĩa một chức vụ, chức danh có thẩm quyền thì quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là của người đảm nhiệm chức vụ, chức danh đó.

Ví dụ: Quyết định hành chính do ông Nguyễn Văn A ký với danh nghĩa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện B thì gọi là quyết định hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện B mà không gọi là quyết định hành chính của ông Nguyễn Văn A.

Điều 3. Giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính quy định tại Điều 6 của Luật TTHC

1. Theo quy định tại đoạn 1 Điều 6 của Luật TTHC thì người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại thực tế do có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh gây ra. Trường hợp người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Trường hợp cần thiết Toà án có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.

2. Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cần phân biệt như sau:

a) Trường hợp Toà án giải quyết cả phần yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng với việc giải quyết vụ án hành chính mà phần quyết định của bản án về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo hoặc kháng nghị hoặc bị Toà án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm huỷ để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì phần quyết định về bồi thường thiệt hại trong các trường hợp này là một phần của vụ án hành chính. Thủ tục giải quyết đối với phần quyết định về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bị huỷ để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại được thực hiện theo quy định của Luật TTHC;

Ví dụ: Trường hợp chỉ có phần quyết định của bản án hành chính sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện N, tỉnh P về bồi thường thiệt hại bị kháng cáo thì Toà hành chính Toà án nhân dân tỉnh P sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính; trường hợp phần quyết định của bản án hành chính sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện N, tỉnh P về bồi thường thiệt hại bị Toà án nhân dân tỉnh P huỷ để xét xử sơ thẩm lại thì Toà án nhân dân huyện N sẽ thụ lý và xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục tố tụng hành chính.

b) Trường hợp Toà án tách phần giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác thì thủ tục giải quyết được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 4. Trường hợp cần thiết Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp huyện quy định tại điểm g khoản 1 Điều 30 của Luật TTHC

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện liên quan đến nhiều đối tượng, phức tạp.

2. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp huyện mà các Thẩm phán của Toà án cấp huyện đó đều thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.

3. Vụ án có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Điều 5. Xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện quy định tại Điều 31 của Luật TTHC

1. Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Toà án phải yêu cầu người khởi kiện làm văn bản lựa chọn cơ quan giải quyết; trường hợp người khởi kiện không làm được văn bản lựa chọn thì Toà án phải lập biên bản về việc người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết.

2. Trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính chỉ có liên quan đến một người mà người đó vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì việc giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Trường hợp người khởi kiện lựa chọn Toà án giải quyết thì Toà án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại biết và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Toà án (nếu có). Trường hợp người khởi kiện lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì Toà án căn cứ vào điểm g khoản 1 Điều 109 của Luật TTHC trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện. Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Toà án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

3. Trường hợp quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến nhiều người thì phân biệt như sau:

a) Trường hợp chỉ có một người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, những người khác còn lại không khởi kiện vụ án hành chính và cũng không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết được thực hiện như trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này;

b) Trường hợp có nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại
Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tất cả những người này đều lựa chọn một trong hai cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Toà án hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại) thì thẩm quyền giải quyết được thực hiện như trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này;

c) Trường hợp có nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại
Toà án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trong đó có một hoặc một số người lựa chọn Toà án giải quyết và một hoặc một số người lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết hoặc trường hợp chỉ có một hoặc một số người khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, một hoặc một số người khác chỉ khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì phân biệt như sau:

c.1) Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại độc lập với nhau thì việc giải quyết yêu cầu của người khởi kiện thuộc thẩm quyền của Toà án, còn việc giải quyết khiếu nại của những người khiếu nại thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp này, Toà án thụ lý giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại biết về việc Toà án đã thụ lý giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện;

c.2) Trường hợp quyền lợi, nghĩa vụ của người khởi kiện và người khiếu nại không độc lập với nhau thì Toà án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại biết và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Toà án (nếu có).

Điều 6. Giải quyết trường hợp Toà án đã thụ lý vụ án hành chính nhưng sau đó phát hiện đây là vụ án khác hoặc thuộc thẩm quyền của Toà án khác

1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm, Toà án phát hiện đây không phải là vụ án hành chính mà là vụ án khác (dân sự, kinh tế, lao động) và việc giải quyết vụ án này là thuộc thẩm quyền của mình thì Toà án giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó, đồng thời thông báo cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết.

2. Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà phát hiện việc giải quyết vụ án này là thuộc thẩm quyền của Toà án khác thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính căn cứ vào khoản 1 Điều 32 của Luật TTHC xoá sổ thụ lý, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết.

3. Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà phát hiện việc giải quyết vụ án này là thuộc thẩm quyền của Toà án khác thì Toà án phải mở phiên toà và tại phiên toà Hội đồng xét xử vận dụng khoản 3 Điều 139 của Luật TTHC ra quyết định đình chỉ việc xét xử, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền.

4. Khi xét xử phúc thẩm vụ án hành chính mà phát hiện vụ án thuộc trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 205 của Luật TTHC huỷ bản án, quyết định sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và giao hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó.

5. Khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính mà phát hiện vụ án thuộc trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 225 hoặc khoản 2 Điều 237 của Luật TTHC huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và giao hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó.

Điều 7. Nhập hoặc tách vụ án hành chính quy định tại Điều 33 của Luật TTHC

1. Toà án có thể nhập hai hay nhiều vụ án hành chính đã thụ lý riêng biệt để giải quyết bằng một vụ án hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Các vụ án thụ lý riêng biệt chỉ có một người khởi kiện đối với nhiều quyết định hành chính, hành vi hành chính đều do một cơ quan, tổ chức hoặc một người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành, thực hiện và có mối liên hệ mật thiết với nhau hoặc các vụ án thụ lý riêng biệt có nhiều người khởi kiện đối với cùng một quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính;

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A khởi kiện đối với quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường khi thu hồi đất của ông A. Cả hai quyết định này đều do Uỷ ban nhân dân huyện B ban hành. Toà án nhân dân huyện B đã thụ lý thành hai vụ án hành chính khác nhau.

Ví dụ 2: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận H ra một quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý đất đai đối với ông Nguyễn Văn B và bà Trần Thị C. Cả ông B và bà C đều đã khởi kiện vụ án hành chính mà Toà án đã thụ lý bằng hai vụ án khác nhau.

b) Việc nhập hai hay nhiều vụ án hành chính thành một vụ án hành chính phải bảo đảm việc xét xử được nhanh chóng, hiệu quả, triệt để và không vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.

2. Toà án có thể tách một vụ án hành chính đã thụ lý thành nhiều vụ án hành chính khác nhau trong trường hợp quyết định hành chính bị khởi kiện liên quan đến nhiều người khởi kiện và quyền lợi, nghĩa vụ của những người khởi kiện đó không liên quan với nhau.

Ví dụ: Uỷ ban nhân dân quận N ra quyết định thu hồi đất đối với hai hộ dân ở phường X, trong đó xác định cụ thể diện tích đất thu hồi của từng hộ dân. Cả hai hộ dân bị thu hồi đất đều khởi kiện tại Toà án nhân dân quận N và Toà án đã thụ lý thành một vụ án hành chính. Trường hợp này quyền lợi, nghĩa vụ của hai hộ dân trên là độc lập, không liên quan với nhau. Vì vậy, Toà án có thể tách vụ án trên thành hai vụ án hành chính khác nhau.

Điều 8. Trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng do là người thân thích của đương sự hoặc có căn cứ cho rằng họ không vô tư trong khi làm nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 8 Điều 41 của Luật TTHC

1. Người thân thích của đương sự là người có quan hệ sau đây với đương sự:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;

b) Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;

c) Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;

d) Là cháu ruột của đương sự mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

2. Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 7 Điều 41 của Luật TTHC thì trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế…) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Hội thẩm nhân dân là anh em kết nghĩa của người khởi kiện; Thẩm phán là con rể của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên toà xét xử vụ án hành chính, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Toà án là người thân thích với nhau hoặc nếu Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm vụ án hành chính có người thân thích là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án đó.

Điều 9. Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân quy định tại
Điều 42 của Luật TTHC

1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật TTHC thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong trường hợp là người thân thích với thành viên khác trong Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, khi có hai người trong Hội đồng xét xử thân thích với nhau thì chỉ có một người phải từ chối hoặc bị thay đổi. Việc thay đổi ai trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định, tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định. Việc xác định Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong cùng một Hội đồng xét xử là người thân thích với nhau được thực hiện tương tự theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết này.

2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 42 của Luật TTHC, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong trường hợp đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó. “Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó” là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án (trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Toà án cấp tỉnh được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm).

Điều 10. Trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định bị khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật TTHC

Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của Luật TTHC thì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện; do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính mà người bị kiện có quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện thì Toà án thông báo cho người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập biết và phân biệt như sau:

1. Nếu người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đều rút đơn khởi kiện, yêu cầu thì Toà án căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 120 của Luật TTHC ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án;

2. Nếu người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đều không rút đơn khởi kiện, yêu cầu thì Toà án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Trong trường hợp này Toà án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định bị khởi kiện và quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định bị khởi kiện để tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà có quyết định đúng pháp luật;

3. Nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút yêu cầu thì Toà án đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện và tiếp tục giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành người khởi kiện;

4. Nếu người khởi kiện không rút đơn khởi kiện, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu thì Toà án đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tiếp tục giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện theo thủ tục chung.

Điều 11. Việc dẫn giải người làm chứng, nghĩa vụ cam đoan của người làm chứng, việc từ chối khai báo của người làm chứng quy định tại Điều 56 của Luật TTHC

1. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên toà khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ nhưng không đến phiên toà mà không có lý do chính đáng;

b) Việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên toà gây trở ngại cho việc xét xử vụ án;

c) Việc dẫn giải người làm chứng đến phiên toà có thể thực hiện được trước khi tranh luận.

Quyết định dẫn giải người làm chứng phải được giao ngay cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) ngày 10-9-2003 của Bộ Công an “hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân”.

2. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên toà, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử yêu cầu người làm chứng phải cam đoan trước Toà án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Cam đoan của người làm chứng có các nội dung sau đây:

a) Cam đoan đã được Toà án giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng;

b) Cam đoan khai báo trung thực trước Toà án;

c) Cam đoan xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, cam đoan của người làm chứng được ghi vào biên bản lấy lời khai của người làm chứng; tại phiên toà, cam đoan của người làm chứng được ghi vào biên bản phiên toà.

3. Người làm chứng được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Trong trường hợp này, Thẩm phán phải giải thích cho họ biết nếu việc từ chối khai báo không có căn cứ thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

a) Liên quan đến bí mật nhà nước là liên quan đến những vấn đề (thông tin, tin tức, nội dung…) trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định là có các mức độ: “Tuyệt mật”, “Tối mật” hoặc “Mật”;

b) Liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân là liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ của chính người làm chứng;

c) Có ảnh hưởng xấu cho đương sự trong vụ án là người có quan hệ thân thích với mình là trường hợp nếu người làm chứng khai ra những điều mình biết thì ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc ảnh hưởng xấu khác trong cuộc sống, công tác, sản xuất, kinh doanh của đương sự là người có quan hệ thân thích với người làm chứng.

Việc xác định người thân thích của người làm chứng được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết này.

CHƯƠNG II
VỀ KHỞI KIỆN VÀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC SƠ THẨM

Điều 12. Thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 104 của Luật TTHC

1. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 của Luật TTHC thì thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc; do đó, để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp nào là “kể từ ngày nhận được”, trường hợp nào là “kể từ ngày biết được” thì cần căn cứ vào đối tượng bị tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và phân biệt như sau:

a) Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và họ là đối tượng được nhận quyết định thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc (được cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc giao trực tiếp, được nhận qua nhân viên bưu điện, qua chính quyền địa phương hoặc những người khác theo quy định của pháp luật). Ví dụ:
Ngày 08-7-2011 ông N nhận được Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho ông với diện tích 150m2 thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông N đối với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông N nhận được quyết định đó (ngày 08-7-2011);

b) Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc và họ không phải là đối tượng được nhận quyết định và thực tế là họ không nhận được quyết định đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ biết được quyết định đó. Ví dụ: Trong trường hợp ví dụ nêu tại điểm a khoản 1 Điều này, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông N đã tiến hành xây tường bao diện tích đất 150m2 đó. Ông Q là hàng xóm của ông N cho rằng ông N đã xây tường bao lên cả phần diện tích đất của ông Q. Ngày 28-7-2011, ông N đã đưa cho ông Q xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông N và ông Q thấy rằng một phần diện tích đất mà ông N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phần diện tích đất của ông Q. Trong trường hợp này, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông Q đối với Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 10-02-2011 của Uỷ ban nhân dân quận B là kể từ ngày ông Q biết được quyết định đó (ngày 28-7-2011);

c) Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hành vi hành chính đó được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức đã chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó) hoặc kể từ ngày được thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó nhưng họ đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện) hoặc kể từ ngày biết được hành vi hành chính đó (nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức không chứng kiến việc thực hiện hành vi hành chính đó và cũng không được cơ quan có thẩm quyền thông báo về thời điểm hành vi hành chính đó đã được thực hiện, nhưng họ đã biết được hành vi hành chính đó qua các thông tin khác như được người khác kể lại);

Ví dụ 1: Ngày 10-7-2011, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức lực lượng, phương tiện cưỡng chế tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép của ông H và ông H đã chứng kiến việc tháo dỡ nhà đó thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông H đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đó là kể từ ngày hành vi tháo dỡ nhà ở đó được thực hiện (ngày 10-7-2011).

Ví dụ 2: Trong ví dụ 1 nêu tại điểm c này, ông T có căn nhà ở cạnh nhà của ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ và trong thời gian cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H thì ông T đi công tác nước ngoài. Ngày 15-7-2011, ông T mới đi công tác về và thấy tường nhà mình bị rạn nứt và được hàng xóm kể lại là nhà ông H đã bị cưỡng chế tháo dỡ. Nếu ông T khởi kiện hành vi hành chính tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện của ông T đối với hành vi tháo dỡ nhà ở xây dựng trái phép đó là kể từ ngày ông T được kể lại về việc thực hiện hành vi cưỡng chế tháo dỡ nhà ở của ông H (ngày 15-7-2011).

d) Trường hợp hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Ông A là người thành lập doanh nghiệp đã nộp đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, nhưng hết thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ông A vẫn không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là kể từ ngày hết thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

a) Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan như thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu khởi kiện;

b) Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

Điều 13. Sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện quy định tại Điều 105 của Luật TTHC

1. Khi nhận đơn khởi kiện hoặc sau khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy đơn khởi kiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật TTHC thì tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật TTHC thì tuỳ theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà Toà án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong một thời hạn do Toà án ấn định, nhưng không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày người khởi kiện nhận được văn bản của Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

b) Trường hợp đối tượng khởi kiện ghi trong đơn là quyết định giải quyết khiếu nại mà quyết định đó không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật TTHC và hướng dẫn tại Điều 1 của Nghị quyết này thì Toà án giải thích cho người khởi kiện biết là quyết định giải quyết khiếu nại đó không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện về đối tượng khởi kiện trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm a khoản này.

2. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện phải được làm bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện biết để họ thực hiện. Văn bản này có thể được giao trực tiếp hoặc gửi cho người khởi kiện qua bưu điện và phải được ghi vào sổ theo dõi.

3. Thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện. Ngày khởi kiện vẫn được xác định là ngày gửi đơn khởi kiện và xác định theo hướng dẫn tại Điều 13 của Nghị quyết này.

4. Sau khi người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án thì Toà án tiếp tục việc thụ lý vụ án theo thủ tục chung quy định tại Điều 111 của Luật TTHC. Nếu hết thời hạn do Toà án ấn định mà người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Toà án thì Toà án căn cứ vào điểm h khoản 1 Điều 109 của Luật TTHC trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ.

Điều 14. Xác định ngày khởi kiện quy định tại Điều 106 của Luật TTHC

1. Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Toà án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 106 của Luật TTHC thì ngày khởi kiện là ngày nộp đơn.

2. Trường hợp đương sự gửi đơn đến Toà án qua bưu điện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 106 của Luật TTHC thì ngày khởi kiện là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện trên phong bì thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến mà thời hiệu khởi kiện vẫn còn thì ngày khởi kiện là ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến;

b) Trường hợp ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến mà thời hiệu khởi kiện đã hết thì Toà án phải tiến hành xác minh ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện và phân biệt như sau:

Trường hợp xác minh được ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện;

Trường hợp không xác minh được ngày đương sự gửi đơn tại bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày ghi trong đơn khởi kiện.

3. Trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện và người khởi kiện lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì ngày khởi kiện đối với quyết định hành chính mà họ đã khiếu nại là ngày họ gửi đơn khởi kiện đầu tiên. Trường hợp họ chỉ khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung mới thì ngày khởi kiện là ngày họ gửi đơn khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại. Việc xác định ngày khởi kiện trong các trường hợp này thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp chuyển vụ án cho Toà án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 32 và khoản 3 Điều 139 của Luật TTHC và được hướng dẫn tại Điều 6 và Điều 18 của Nghị quyết này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Toà án đã thụ lý sai thẩm quyền và được xác định theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 15. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm quy định tại Điều 117 của Luật TTHC

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 104 của Luật TTHC; 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 104 của Luật TTHC. Chỉ trong trường hợp vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa không quá 06 tháng đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 của Luật TTHC và không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 117 của Luật TTHC, kể từ ngày thụ lý vụ án.

a) “Vụ án phức tạp” là vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài…;

b) “Trở ngại khách quan” là những trở ngại được hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 12 của Nghị quyết này làm cho Toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.

Ví dụ: Toà án nhân dân huyện M, tỉnh L ở miền núi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử trong đó đã ấn định ngày mở phiên toà. Tuy nhiên, còn
02 ngày nữa là tiến hành mở phiên toà thì xảy ra lũ quét. Trụ sở của Toà án nhân dân huyện M bị hư hỏng. Do phải khắc phục hậu quả của lũ quét, sửa chữa lại trụ sở, nên Toà án nhân dân huyện M không thể tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 117 của Luật TTHC và được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;

c) Đình chỉ việc giải quyết vụ án.

3. Trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử mà phiên toà không được mở trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng thì thời hạn này được cộng thêm tối đa là mười ngày nữa.

“Lý do chính đáng” là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người khác thay thế; vụ án phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Toà án khác nhau, nên không còn đủ Thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho Toà án cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái Thẩm phán từ Toà án khác đến… dẫn đến Toà án không thể tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

Điều 16. Tạm ngừng phiên toà quy định tại Điều 126 của Luật TTHC

1. Theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 126 của Luật TTHC thì trong trường hợp đặc biệt, việc xét xử có thể tạm ngừng nhưng không quá 05 ngày làm việc. Hết thời hạn tạm ngừng, việc xét xử vụ án được tiếp tục; do đó, trường hợp Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên toà thì khi việc xét xử được tiếp tục, Hội đồng xét xử không phải tiến hành xét xử vụ án lại từ đầu. “Trường hợp đặc biệt” để tạm ngừng việc xét xử là một trong các trường hợp sau đây:

a) Qua tranh luận hoặc qua nghị án, Hội đồng xét xử thấy cần phải xem xét thêm về tài liệu, chứng cứ thì mới có thể giải quyết được vụ án;

b) Do sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thể tiếp tục phiên toà được, ví dụ: đang xét xử thì có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân bị đau, ốm không thể tiếp tục xét xử được mà không có Thẩm phán hay Hội thẩm nhân dân dự khuyết đã tham gia phiên toà từ đầu thay thế;

c) Theo đề nghị của người khởi kiện, người bị kiện hoặc người tham gia tố tụng khác về việc dừng phiên toà và Hội đồng xét xử chấp nhận tạm ngừng phiên toà mà không thuộc trường hợp phải hoãn phiên toà theo quy định tại Điều 136 của Luật TTHC. Ví dụ: Tại phiên toà, các bên đương sự đối thoại với nhau và đi đến nhất trí tạm ngừng phiên toà để người bị kiện sửa đổi, bổ sung, thay thế hay hủy bỏ quyết định hành chính, dừng hay khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện; hoặc để người khởi kiện xem xét việc rút yêu cầu khởi kiện.

2. Việc tạm ngừng phiên toà phải được ghi vào biên bản phiên toà và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết.

Điều 17. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm trong trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật TTHC

Những trường hợp sau đây Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến nhiều đối tượng, phức tạp;

2. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Điều 18. Đình chỉ xét xử sơ thẩm, chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 139 của Luật TTHC

Khoản 3 Điều 139 của Luật TTHC quy định: “Trường hợp đương sự xuất trình quyết định hành chính mới mà quyết định hành chính đó liên quan đến quyết định bị khởi kiện và không thuộc thẩm quyền của Toà án đang xét xử sơ thẩm vụ án thì Hội đồng xét xử đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền”. Quyết định hành chính mới trong trường hợp này là quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật TTHC và được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này đồng thời quyết định đó nếu bị khởi kiện thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án đang xét xử sơ thẩm.

Điều 19. Áp dụng các quy định khác của Luật TTHC để giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri quy định tại khoản 1 Điều 171 của Luật TTHC

“Các quy định khác của Luật này” quy định tại khoản 1 Điều 171 của Luật TTHC là các quy định không thuộc Chương XI của Luật TTHC, nhưng việc áp dụng các quy định khác đó không trái với quy định tại Chương XI của Luật TTHC, trừ các quy định về hoãn phiên toà, gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi mở phiên toà và các quy định về thủ tục phúc thẩm.

CHƯƠNG III
VỀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC PHÚC THẨM

Điều 20. Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm quy định tại Điều 174 của Luật TTHC

1. Đối tượng mà đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm bao gồm: bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.

2. Đương sự là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Đương sự được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này nếu không tự mình kháng cáo thì có thể uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự uỷ quyền kháng cáo và văn bản uỷ quyền. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

4. Đương sự là cơ quan, tổ chức có quyền kháng cáo. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo; tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức uỷ quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản uỷ quyền. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

5. Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo uỷ quyền và văn bản uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự uỷ quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo uỷ quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

6. Việc uỷ quyền được hướng dẫn tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản uỷ quyền đó được lập tại Toà án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc cán bộ Toà án được Chánh án Toà án phân công. Trong văn bản uỷ quyền phải có nội dung đương sự uỷ quyền cho người đại diện theo uỷ quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.

Điều 21. Thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 188 của Luật TTHC

1. Toà án chấp nhận việc Viện kiểm sát đã kháng nghị thay đổi, bổ sung kháng nghị như sau:

a) Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 183 của Luật TTHC thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu;

b) Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 183 của Luật TTHC thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà người đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi đã kháng nghị trong thời hạn kháng nghị.

2. Toà án chấp nhận việc đương sự đã kháng cáo thay đổi, bổ sung kháng cáo như sau:

a) Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 176 của Luật TTHC thì đương sự đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu;

b) Trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 176 của Luật TTHC thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, nhưng không được vượt quá phạm vi đã kháng cáo trong thời hạn kháng cáo.

Điều 22. Xác định thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 191 của Luật TTHC

Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm bắt đầu tính lại, kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 01 tháng 7 năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau 45 ngày,
kể từ ngày ký ban hành và thay thế Nghị quyết số 04/2006/NQ-HĐTP
ngày 04 tháng 8 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung
một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 25 tháng 12 năm 1998 và ngày 05 tháng 4 năm 2006.

 

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN

CHÁNH ÁN

Trương Hoà Bình

Tuesday 14 February 2012

599. Phản Động

Mấy năm gần đây mình hay đọc 1 số trang web/blog viết rất khá như Anhbasam.wordpress.com, culangcat.blogspot.com, http://www.boxitvn.net/, BBC hay RFA.. bên cạnh các trang  "truyền thống"như vef.vn, Thời báo kinh Tế Sài gòn, dddn.com.vn... nhằm có cái nhìn nhiều chiều về 1 vấn đề!

Và dạo này, để theo kịp thời đại, mình cũng tạo 1 cái account bên FB để đọc tin cũng như lưu lại những bài viết mà mình thích sau khi đã được mình tạm "kiểm duyệt". Thế mà, sáng nay, mới lưu lại cái tin dzụ vốn FDI năm 2012 của Việt Nam giảm mạnh là khoảng 1h sau, 1 nhóm bạn bè trong ngành nói mình lưu tin phản động. Ô hô, minh cũng chả buồn cải lại mà cảm thấy nể phục: Nể phục vì nền giáo dục nước nhà đã tạo ra những con cừu thật sự; nể phục vì những suy nghĩ theo lối mòn: cái gì báo CAND nói thì đúng, cái gì không có lợi là.. phản động; nể phục vì suy nghĩ:những gì được giáo dục tại nhà trường luôn luôn đúng, bất cừ điều gì khác, trái là.. phản động. Các cấp học, đặc biệt là bậc đại học nhằm giúp con người khả năng tư duy độc lập, khả năng suy luận, lắng nghe, phân tích, thế mà..........

598. Valentine to my wife (14/02/2012)

Valentine to my wife


My Staffs
and my friend




và show.. hàng

Sunday 12 February 2012

597. Thư giản cuối tuần

Nguồn: Phọt phẹt

 

Chất nghệ




Động viên




Vina Mum.




Thủ dâm tốt cho báo chí.




Nhận diện thương hiệu




An toàn giao thông là hạnh phúc cho...trâu bò.




Thể thao đóng gạch.




Siêu thuyền




Đoản thọ




Tay chơi



Vô địch, vô địch, vô địch...





Tối nhịn




Thịt thơm, cơm ngọt




Thày trò là phải...thò chày.




Xiêu xe




Bươm cánh.




Noa, noa, noa...




há há há...




Cóc kêu mưa




Ra bã




A, ra thế???




Đường lên nóc tủ.




Xác nhận Khỏe




Đến cái nết ỉa cũng...có duyên




Xin chào và hẹn gặp lại




hehe




Đường Tăng xuống phố





Biết rồi.




Củ to, dây tốt




Tới đi các bác!




Ninja xuống phố




Tsb em.




Hố hố




Khắm chưa?




Khắm rồi.




Phê




Hóng




Cái tay, cái tay




Xin anh tha cho iêm




Cây giao hợp


Nguồn: Nhặt trên NET

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...