Ngày Mùng 10, bà con Nam Kỳ mình có tục sẽ làm một mâm cúng cho vị thần chuyên môn thích ngồi ở cái bàn thờ "sát đất" ngoáy đầu nhìn ra cửa chánh. Mâm đó gồm bộ tam sên như tôm, cua, hột vịt cho Thần Tài, thêm dĩa bún tươi, dĩa rau sống, dĩa trầu cau, đặc biệt Nam kỳ gốc phải có cá lóc nướng trui.
Nhiều người kêu mùng 10 cúng Thần Tài, tôi cực lực bác bỏ và phản đối. Nhìn cách cúng thì biết không phải cúng ông Thần Tài rồi, Thần Tài là một sản phẩm của người Tàu và sau này được đem vô thờ "ké" chung với Ông Địa thôi. Vì lịch sử Tàu cũng chưa nói tới Ông Thần Tài nào ngồi dưới đất... ăn cá lóc nướng trui hết!
Trong nhà người Nam Kỳ có Ông Địa tượng trưng cho đất, ngồi bàn thờ sát đất mà ngoài Bắc, ngoài Trung và người Hoa ở các nước khác không có tục này. Cá lóc nướng trui là món đặc trưng của ông bà Nam Kỳ mình từ thời khẩn hoang xa xưa. Con cá lóc đồng dưới sông, dưới ruộng, dưới đìa bắt lên để nguyên con còn đủ ruột gan, vảy cá, cả con sống giẫy đành đạch... Rồi cắm cái cây vô họng nó dựng đứng lên, phủ rơm thui cho nó chín, khi chín để nguyên con bỏ vô dĩa và đặt trước bàn thờ Ông Địa cúng mùng 10.
Có thêm dĩa bún, cùng các loại rau. Cúng xong ăn cá lóc nướng trui với bánh tráng quấn cùng các loại rau dân dã như chuối chát, thơm, xà lách, dưa leo, húng... và phải chấm nước mắm.
Nướng trui là gì? Nó như con dao trui trong lửa đỏ vậy, trui trong lửa.
Từ ẩm thực dân gian con cá lóc nướng trui của lưu dân Lục Tỉnh xưa đã lên bàn thờ Mùng 10 để thành phong tục tập quán. Nguyên thủy thì tục mùng 10 là cúng chú Thổ, tức đất đai. Người già Nam Kỳ vẫn kêu cúng mùng 10 là cúng đất đai, cúng Tết đất, Tết nhà.
Cúng chú Thổ tức chủ đất, cũng là gợi lên hình ảnh người chủ đất cũ là người Khmer (Người Thổ), món bắt buộc là con cá lóc nướng trui, sau này có bộ tam sên là cua, tôm hay thịt ba rọi luộc, hột vịt.
Chú Thổ ăn bốc, thành ra nguyên mâm cá lóc nướng trui, bộ tam sên cúng đâu có muỗng nĩa gì!
Nam Kỳ xưa còn được ông bà mình kêu là xứ Đàng Thổ vì đất Nam Kỳ vốn trên danh nghĩa là đất của người Khmer, nói “danh nghĩa” vì Nam Kỳ vốn đất của Phù Nam, sau đó Khmer tuyên bố chủ quyền nhưng dân sống trên đất này rất ít thành ra đất Nam Kỳ xưa gần như vô chủ. Nhưng khi vô trong này, người Việt đã gặp người Khmer bổn địa tóc quắn, da đen, mắt có khoen, đó là người đang sống ở đất Nam Kỳ.
Quẻ số 2 trong Kinh Dịch là Thuần Khôn, là đất mềm dẻo, hiền hòa, theo lẽ sống an vui, thân thiện và khả năng thích ứng tốt. Người Nam Kỳ kêu con lớn là anh hai, không có anh cả, số hai (Đất) là lớn nhứt vì dân Nam Kỳ đi khai hoang đất, tìm đất mới để sanh tồn mà tạo ra văn minh Nam Kỳ Lục Tỉnh nên đất trong tâm linh xứ này vô cùng quan trọng. Chúng ta nhớ trong những đám cúng kiếng của Nam Kỳ luôn có mâm đất đai, bàn thờ Nam Kỳ luôn có Ông Địa ở giữa nhà. Tức là Nam Kỳ lấy quẻ Thuần Khôn (đất) làm trọng.
Ngày xưa ông bà Nam Kỳ mình lo làm ruộng, làm vườn, văn minh Nam Kỳ là văn minh miệt vườn, mà là di dân mới nên đất quan trọng lắm, cúng đất quan trọng, người mình có buôn bán giống người Tàu đâu mà cúng thần tài đặng mà "mong ước" mua bán một bốn lời?
Sau này ảnh hưởng người Tàu nên có thờ thêm ông thần tài chung với ông địa, và nhiều người nói cúng mùng 10 là vía thần tài là sau này thôi, thần tài "ăn ké" chú Thổ rồi bắt chước người Tàu cúng cây mía, sau đó hớt luôn ngày mùng 10 thành "ngày vía thần tài". Thực ra dân Nam Kỳ gốc và người Việt không cúng cây mía.
Nói cúng mùng 10 là cúng thần tài là đánh tráo khái niệm. Xứ tui vẫn kêu cúng mùng 10 là cúng đất đai hoặc Tết nhà cửa. Khẳng định lại rằng, Lục Tỉnh cúng mùng 10 tháng Giêng là cúng đất đai, tạ ơn Chú Thổ giữ sung túc, an vui nhà cửa.
Người Mỹ có ngày Tạ Ơn diễn ra vào ngày thứ năm của tuần lễ thứ 4 trong tháng 11 thì Lục Tỉnh mình có ngày Tạ Ơn vào Mùng 10 Tháng Giêng.
Cúng đất là cúng tạ ơn đất đai cho một mùa bội thu, cho nhà cửa an bề và ghi nhớ những người khai khẩn đã chết trong quá trình hình thành đất Nam Kỳ.
Chú Thổ có hình ảnh là Thổ Địa và Ông Tà Nam Kỳ gốc người Khmer.
Cúng cá lóc nướng trui ngày Mùng 10 là một phong tục văn hoá của người Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa nay. Đó là món ăn nhắc nhớ nguồn gốc khẩn hoang thời ông bà mình còn làm lưu dân khai khẩn. Đó là nguồn cội của người Nam Kỳ nên phải giữ nó. Cúng cá lóc là cúng tạ ơn, là tục dân gian nó không dính dáng bất cứ tôn giáo nào, thành ra ai lên án sát sanh thì làm ơn đi ra chỗ khác.
***
[Bài của Nguyễn Gia Việt, thấy rất sát với cách cúng kiếng khấn vái dưới quê mình hồi xưa mà bây giờ bị Tàu hoá nhiều quá! Mặc dù có vài chi tiết trong bài cần phải check lại vì có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng cũng là 1 bài thú vị. Văn phong đậm chất miền Tây xưa. Mình edit sơ chính tả cho dễ đọc và share lại cho những ai yêu mến văn hoá Nam Bộ thuần chất như mình].