Bản luận cứ của Ls Thu
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—–oOo—–
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 09 năm 2016
BẢN LUẬN CỨ
(Bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Trường Giang trong vụ án Hình sự phúc thẩm
về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 134
Bộ luật hình sự)
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi, Luật sư
Hoàng Thị Thu là Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV Hoàng Thu thuộc Đoàn
Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh là Luật sư được Bị cáo Nguyễn Trường Giang
yêu cầu và đã được Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai chấp thuận cấp Giấy
chứng nhận bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Trường Giang trong vụ án Hình sự
phúc thẩm về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 1
Điều 134 Bộ luật hình sự được Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét
kháng cáo và đưa ra xét xử trong phiên tòa hôm nay.
Để bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Trường Giang trong vụ án này, tôi xin trình bày một số quan điểm pháp lý như sau:
I. TÓM TẮT VỤ VIỆC
Khoảng tháng 10/2014, Bùi Văn Dũng thường trú tại địa chỉ C388E, tổ 14,
khu phố 3, phường Long Bình thành phố Biên Hòa vay của Trần Nghị Luật
số tiền 40.000.000 đồng.
Khoảng 17h30 ngày 15/06/2015, Trần Nghị
Luật và Nguyễn Công Kiên đến nhà của Bùi Văn Dũng gặp Dũng đang ngồi coi
ti vi với bố là ông Bùi Văn Xứng, sau đó Luật và Kiên gọi Dũng đến uống
cà phê tại quán nước ở khu phố 3 phường Long Bình, thành phố Biên Hòa,
Đồng Nai. Luật yêu cầu Dũng điện thoại cho gia đình đem 10.000.000 đồng
đến trả nợ. Tiếp đó, Luật điện thoại cho Nguyễn Trường Giang, Luật nói
với Giang rằng trời đã khuya mà lại mưa to nên nhờ Giang cho mượn nhà để
cho hai người em, tức Nguyễn Xuân Cường và và Bùi Văn Dũng đến ngủ nhờ
để sáng hôm sau đi Trị An. Luật nhờ Nguyễn Xuân Cường đưa Dũng đến nhà
Giang ngủ, Cường và Giang đồng ý. Khoảng 22h30 phút cùng ngày, Cường
điều khiển xe mô tô biển số 52H – 2972 chở Dũng đến nhà Giang tại số
80/6A, khu phố 2, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, khi Cường và
Dũng vào trong nhà, Giang khóa cửa trước, cửa sau chỉ chốt trong, Dũng
ngủ trên ghế, Giang và Cường ngủ dưới nền nhà.
Đến 6h ngày
16/6/2015, Dũng điện thoại yêu cầu bà Phạm Thị Xuân (mẹ Dũng) chuẩn bị
tiền trả cho Luật, bà Xuân đồng ý rồi hẹn địa điểm giao tiền tại nhà Bà
Xuân địa chỉ C388E, tổ 14, khu phố 3, phường Long Bình, thành phố Biên
Hòa. Khoảng 7h45 cùng ngày, Luật và Cường chở Dũng đến điểm hẹn để lấy
tiền, trong lúc Cường chờ bà Xuân đưa tiền thì bị Công an phường Long
Bình phát hiện bắt giữ.
Ngày 19/04/2016, Viện Kiếm Sát nhân dân
thành phố Biên Hòa ra Bản cáo trạng truy tố ra trước Tòa án nhân dân
thành phố Biên Hòa để xét xử các Bị can Nguyễn Xuân Cường và Nguyễn
Trường Giang về tội: “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” quy định tại
Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Ngày 8/6/2016, Tòa án nhân dân
thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “Bắt cóc
nhằm chiếm đoạt tài sản” và ra bản án cùng ngày kết tội Nguyễn Trường
Giang và Nguyễn Xuân Cường phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”
với vai trò đồng phạm, tuyên phạt Nguyễn Trường Giang 1 năm 6 tháng tù
giam, Nguyễn Xuân Cường hai năm tù giam.
II. QUAN ĐIỂM PHÁP LÝ
Kính thưa Hội đồng xét xử:
Qua quá trình thu thập hồ sơ và nghiên cứu các tài liệu,chứng cứ cùng
lời khai của các đương sự trong vụ án, Tôi cho rằng Nguyễn Trường Giang
không phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đọat tài sản” theo quy định tại khoản
1 Điều 134 Bộ Luật hình sự. Bởi các lẽ sau:
1. Thứ nhất: Tôi
xin phân tích một số dấu hiệu cơ bản của tội danh được quy định tại
Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự để trả lời câu hỏi “Thế nào là hành vi
bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.
Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là
hành vi bắt người làm con tin nhằm buộc người khác phải nộp cho mình
một khoản tiền hoặc tài sản thì mới thả người bị bắt. Như vậy để cấu
thành tội phạm này, người phạm tội phải thực hiện hành vi bắt cóc, và
việc bắt cóc đó phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trong đó,
theo Từ điển tiếng Việt, “bắt cóc là hành vi bắt người một cách đột ngột
và đem giấu đi”. Bắt là nắm giữ lấy, không cho hoạt động tự do; giữ là
làm cho ở nguyên một chỗ, không có sự xê dịch, ngưởi bị bắt giữ bị ràng
buộc, không có tự do.
Thông thường, hành vi bắt người làm con tin
được thực hiện một cách lén lút và đưa người bị bắt đến một nơi nào đó
rồi tìm cách thông báo cho người thân của người bị bắt cóc biết, cùng
với yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền thì mới thả người bị
bắt cóc, nếu không nộp tiền hoặc tài sản thì người bị bắt cóc sẽ bị nguy
hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm…
Hành vi bắt cóc được thực
hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực
hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, thuốc mê, xịt ête,
lừa dối... để bắt được người làm con tin. Thủ đoạn bắt cóc không phải
là đấu hiệu đặc trưng của hành vi phạm tội (không có ý nghĩa trong việc
định tội), nhưng hành vi bắt cóc nạn nhân làm con tin lại là đặc trưng
cơ bản của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ bắt người làm con
tin chính là một thủ đoạn nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cùng với việc
đe doạ người khác, người phạm tội còn có thể có hành vi dùng vũ lực, đe
dọa dùng vũ lực hoặc có những hành vi, thủ đoạn khác đối với người bị
bắt làm con tin để người này sợ hãi mà yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc
người thân của mình nộp tiền hoặc tài sản như: đánh, trói, bắt nhịn ăn,
nhịn uống, làm nhục, doạ giết, doạ đánh.
Ngoài ra, để cấu thành tội
Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, mục đích của người phạm tội phải là
mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Nếu hành vi bắt cóc người làm con tin
lại nhằm một mục đích khác mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không
phải là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Thứ hai: Đối
chiếu với các hành vi của các Bị cáo thể hiện tại hồ sơ vụ án có dấu
hiệu của hành vi bắt cóc với mục đích chiếm đoạt tài sản hay không?
Điều kiện cần và đủ để kết tội Bị cáo Nguyễn Trường Giang phạm tội “Bắt
cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức là Bị cáo
Trần Nghị Luật phải có hành vi cấu thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt
tài sản”. Bởi hành vi của người thực hành vi là cơ sở quan trọng để định
tội danh của Bị cáo Giang (theo như Tòa án sơ thẩm kết luận là đồng
phạm giúp sức). Tuy nhiên trong tất cả các lời khai của đương sự không
thể hiện rõ hành vi của Trần Nghị Luật là bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài
sản.
Theo như lời khai của các Bị cáo, Bị hại được thể hiện trong hồ
sơ thì Bị cáo Luật không hề sử dụng bất kỳ một phương tiện hay có ý
thức giấu con tin ở một nơi nào đó, không có bất kỳ hành động nào nhằm
khống chế nạn nhân, hành vi chở Dũng là công khai, Dũng hoàn toàn có
quyền tự do hành động, có quyền nhảy xuống xe. Cụ thể tại bút lục số
103, bị hại là anh Bùi Viết Dũng khai:
“Khoảng 17h30, Kiên và một
thanh niên không rõ lai lịch chạy xe đến nhà, kêu tôi ra ngoài nói
chuyện. Sau đó, Kiên và thanh niên trên chở tôi đến một quán cà phê cách
nhà 500m”.
Kiên và Luật chở anh Dũng đến một quán cà phê gần nhà
Dũng và chở bằng xe máy thì việc kết luận Trần Nghị Luật bắt cóc anh
Dũng là không đúng với thực tế khách quan. Thử hỏi, có ai bắt cóc con
tin mà lại chở con tin đến quán cà phê gần nhà của con tin để uống cà
phê không, quán cà phê lại nằm bên hông của siêu thị Lotte, một địa điểm
luôn có đông đúc người qua lại.
Ngoài ra, tại bút lục số 109, bố
của Dũng là ông Bùi Văn Xứng có khai Kiên và Luật đến nhà ông để rủ con
mình ra ngoài. Như vậy không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Luật dùng
phương tiện hay lừa dối để ép buộc Dũng đi với mình.
Tại bút lục số
101, Dũng cũng khẳng định rằng mình có nhiều cơ hội bỏ về do không có ai
khống chế nhưng Dũng đã chọn cách không đi về. Chính chi tiết này đã
chứng minh một cách rõ ràng rằng Luật không tạo ra một sự khống chế nào
đối với Dũng.
Không chỉ vậy, trong tối ngày 15 và sáng ngày
16/6/2015, các Bị cáo Luật và Cường nhiều lần cùng Dũng uống cà phê và
nói chuyện bình thường tại quán cà phê Tuyết Lan, là nơi công cộng có
nhiều người lui tới. Việc di chuyển bằng xe máy và đi bộ. Cần nhấn mạnh
rằng, Dũng sinh năm 1986 còn Cường sinh năm 1995 mới 19 tuổi nhỏ hơn
Dũng đến 9 tuổi. Cường rất khó có khả năng giữ và khống chế Dũng. Dũng
hoàn toàn có khả năng phản kháng lại để về nhà. Như vậy, không có đủ cơ
sở thuyết phục để thể kết luận Cường và Luật đang bắt cóc Dũng.
Kính thưa Hội đồng xét xử, Bùi Văn Dũng là người đã trưởng thành, có
nhận thức đầy đủ. Vậy, nếu cho rằng mình đang bị bắt cóc, tại sao Dũng
lại không có bất kỳ hành động nào để chống cự hành vi của Luật, và cho
mọi người xung quanh biết mình đang bị bắt cóc, bởi trong suốt quãng
thời gian từ tối 15 đến sáng ngày 16 tháng 6 năm 2016, không ít lần Dũng
có được cơ hội này. Tôi nhận thấy, Dũng đã không làm điều ấy bởi trong
suy nghĩ của Dũng, Dũng không cho rằng hành vi của Luật và Cường là sai.
Chính bản thân Dũng hiểu rằng nếu nói với mọi người xung quanh về việc
Luật và Cường đang giữ mình để đòi nợ thì cũng sẽ không có ai bảo vệ
mình bởi cách cư xử của Luật được xã hội cho là tất yếu.
3. Thứ ba, tôi khẳng định Cường, Giang không có hành vi giam giữ Bị hại Bùi Văn Dũng bởi lẽ:
Dưới góc độ khoa học luật hình sự Việt Nam, bắt, giữ hoặc giam người
trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do
hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy
định của pháp luật.
Tuy nhiên, xuyên suốt toàn bộ hồ sơ vụ án cũng
như lời khai của các Bị cáo, Bị hại đều cho thấy trong thời gian Dũng ở
cùng các Bị cáo không bị mất tự do. Căn cứ theo lời khai của Dũng tại
bút lục số 101, thì Dũng hoàn toàn chủ động gọi điện nói chuyện cho bạn
bè và gia đình.
4. Thứ 4, xét về yếu tố cấu thành hành vi “Chiếm đoạt tài sản”:
Như tôi đã phân tích ở trên, xét về động cơ và mục đích, thì hành vi
bắt cóc phải nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mới cấu thành tội “Bắt cóc
nhằm chiếm đoạt tài sản”, tuy nhiên lợi ích mà các Bị cáo mong muốn là
đòi lại được khoản tiền mà mình đã cho Dũng vay. Nếu đòi được 10.000.000
đồng từ Dũng, thì Luật sẽ trừ vào khoản tiền 40.000.000 đồng mà Dũng
đang nợ mình. Có thể nói, chính bản thân Luật cũng đã tạo điều kiện cho
Dũng để Dũng có thời gian trả nợ, Luật không đòi lại tất cả khoản tiền
Dũng vay mà chỉ đòi trước một khoản do có nhu cầu cần gấp.
Tòa án
sơ thẩm đã không phân biệt rạch ròi giữa hai hành vi đòi lại tài sản của
mình và chiếm đoạt tài sản của người khác. Bởi chiếm đoạt tài sản là
hành vi có ý chuyển biến trái pháp luật tài sản đang thuộc quản lý của
người khác thành của mình.
Nếu cho rằng việc đòi lại khoản nợ mình
bỏ ra để cho vay là chiếm đoạt thì đó là một kết luận không chính xác và
thiếu khách quan.
Trong cuộc sống, nợ thì phải trả, nguyên tắc này
được đông đảo mọi người thừa nhận và điều đó như trở thành một quy
luật. Cho vay tiền nhưng đến khi cần lại không có, tình huống này đẩy
con người ta đến việc phải nghĩ ra cách để lấy lại tiền của mình. Cách
làm của Luật tuy có sai, nhưng là sai với quy tắc ứng xử đạo đức chứ
chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chưa đủ để
gọi là bắt cóc.
Như vậy, hành vi của Trần Nghị Luật chưa đủ để cấu
thành tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Chính vì lý do đó mà Nguyễn
Trường Giang không phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với vai
trò giúp sức.
5. Về bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa.
Tôi nhận thấy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa chưa phản ánh đúng bản chất của vụ việc đã xảy ra vì:
Tòa án cấp sơ thẩm kết tội Bị cáo Nguyễn Trường Giang phạm tội “Bắt cóc
nhằm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại khoản 1 điều 134 Bộ luật
hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức và tuyên phạt Bị cáo Giang một
năm sáu tháng tù giam. Kết luận này của Tòa án là chưa có căn cứ vững
chắc, kết luận dựa vào việc áp đặt ý chí chủ quan của Tòa án dẫn đến
việc kết tội không đúng với hành vi thực tế của Bị cáo, không phản ánh
đúng tinh thần của pháp luật. Chứng cứ mà Tòa án sơ thẩm sử dụng để kết
tội Bị cáo Giang là lời khai của các đương sự, tuy nhiên kết luận của
Tòa án lại không đúng với ý chí mà các đương sự muốn truyền tải. Cụ thể:
Tại bản án sơ thẩm, TAND thành phố Biên Hòa có nội dung “ xét thấy “Đối
chiếu các lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại và
các chứng cứ thể hiện tại hồ sơ vụ án, từ đó đã có đủ căn cứ để xác định
hành vi phạm tội của các Bị cáo. Các Bị cáo đã tích cực giúp sức cho
Trần Nghị Luật bắt giữ Bùi Văn Dũng nhằm chiếm đoạt tài sản” là không
phù hợp với ý chí của các đương sự. Nhưng thực tế, Giang không giúp sức
để Trần Nghị Luật thực hiện bất kỳ hành vi trái pháp luật nào.
Hành
vi duy nhất được Tòa án kết luận Giang có giúp sức là cho Cường và Dũng
ngủ nhờ nhà mình. Theo tôi, việc cho ngủ nhờ khác với việc tạo điều
kiện vật chất và tinh thần để bắt cóc con tin. Tòa án cấp sơ thẩm đã quy
kết vội vàng thiếu cơ sở khi cho rằng hành vi đồng ý cho Cường và Dũng
ngủ nhờ của Giang là hành vi giúp sức cho Luật và Kiên nhằm “bắt cóc
chiếm đoạt tài sản”.
Cũng trong bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân
thành phố Biên Hòa đã nêu các Bị cáo đã khai nhận Bị cáo Giang cùng với
Luật và Cường bắt giữ Bùi Văn Dũng rồi buộc gia đình Dũng đưa số tiền
10.000.000 đồng. Kết luận này của Toà án sơ thẩm cũng mang bóng dáng của
việc áp đặt ý chí chủ quan của Tòa lên Bị cáo, mang tính quy chụp. Bởi
khi so sánh đối chiếu các tài liệu của vụ án, không thể hiện việc các Bị
cáo khai nhận Giang có hành vi bắt giữ Dũng và buộc gia đình Dũng đưa
tiền mà chỉ khai nhận Giang để Cường và Dũng ngủ nhờ trong nhà.
6. Ngoài ra, tôi muốn đề phân tích, đánh giá những hành động cũng như ý thức của Nguyễn Trường Giang xuyên suốt sự việc:
Trong tất cả các tài liệu đều khẳng định Bị cáo Giang không tham gia
canh giữ mà còn động viên hỏi han nhằm trấn an tinh thần Dũng và sau đó
lấy chăn mền cho Dũng ngủ. Hành động này của Bị cáo Giang thể hiện Bị
cáo coi Dũng là bạn của bạn mình chứ không phải là một con tin.
Ngoài ra, theo biên bản tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú (Bút lục số
37), Nguyễn Trường Giang khai: “Đến khoảng 6h cùng ngày, tôi phải đi làm
nên gọi Gấu và thanh niên trên dậy cho tôi đi làm, Gấu và thanh niên
trên đi khỏi nhà tôi nên nội dung sau đó như thế nào tôi không biết. Tôi
đi tới Long An mua heo đến khuya ngày 16/6/2015 mới về nhà. Đến sáng
ngày 17/6/2015 tôi nghe nói có Công an P.Long Bình đến tìm nên biết việc
mình cho các đối tượng trên giữ người trong nhà mình là vi phạm pháp
luật nên tôi đến CA P.Long Bình đầu thú”.
Hành động ra khai báo
ngay khi biết có Công an đến tìm mình chứng tỏ ý thức tuân thủ pháp luật
của Giang rất cao. Bản thân Giang dù chưa biết rõ là mình phạm tội hay
không nhưng đã ra trình diện và hợp tác khai báo để làm rõ sự việc.
Như vậy, trong nhận thức của Giang, việc đồng ý cho Cường và Dũng vào
nhà là xuất phát từ nhận thức đạo đức xã hội, lựa chọn cách thức xử sự
thông thường trong xã hội chứ không phải giúp sức thực hiện một tội
phạm.
7. Trong trường hợp, Tòa cấp sơ thẩm cho rằng hành vi của
Trần Nghị Luật phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” thì cũng không
đủ căn cứ kết luận Bị cáo Nguyễn Trường Giang phạm tôi với vai trò đồng
phạm.
Điều 20 Bộ luật Hình sự quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Như vậy, để trở thành đồng phạm, tất cả những người tham gia đều có lỗi
cố ý và nếu mục đích là dấu hiệu bắt buộc thì chỉ thành đồng phạm nếu
cùng mục đích.
Về yếu tố lỗi: Tôi cho rằng Bị cáo Giang hoàn toàn
vô ý trong việc cho Cường và Dũng ngủ nhờ trong nhà. Vì Bị cáo không
biết và không thể biết hành vi của Luật là sai hay đúng với quy định của
pháp luật. Những sự việc mà Bị cáo thấy, nghe và hiểu là thông qua việc
nói chuyện điện thoại với Luật, và Giang chỉ hiểu sự việc đang diễn ra
là Cường và Dũng đi cùng nhau đến ngủ nhờ để sáng mai đi Trị An.
Về
mục đích: Khi để Dũng và Cường ở lại nhà mình, Bị cáo Giang không hướng
đến một mục đích hay lợi ích nào. Cách thức xử sự mà Bị cáo lựa chọn
được coi là hành vi cư xử đúng mực trong một mối quan hệ xã hội bởi ban
đầu khi nhận được đề nghị từ Luật, Bị cáo Giang đã từ chối không để các
đối tượng trên ngủ lại nhà mình nhưng trong cuộc đối thoại với Luật,
Luật nói rằng đêm đã khuya, trời mưa mà đi xuống Trị An thì xa. Vốn là
một người sống có đạo đức, biết trước biết sau, nên Bị cáo Giang đã đồng
ý. Nguyên nhân để Bị cáo Giang đồng ý xuất phát từ lòng tin với bạn bè.
Khi Cường và Dũng vào nhà thì Giang chỉ chốt trong cửa sau mà không
khóa lại, tình tiết này chứng minh rằng bản thân Giang không có ý định
tạo ra một không gian nhằm giam nhốt Dũng.
III. Kết luận và kiến nghị:
Kính thưa Hội đồng xét xử, Tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
xác định một trong những mục đích của Bộ luật là xử lý công minh, không
làm oan người vô tội. Đó cũng chính là điểm đích mà công cuộc cải cách
tư pháp hướng tới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư
pháp để bảo vệ quyền con người và công lý. Việc đưa ra một lời luận tội
đối với một công dân phải hợp tình hợp lý, đảm bảo tính khách quan và
công minh của pháp luật. Kết tội một người không phạm tội là tiếp tay
tạo nên oan sai, xâm phạm đến quyền của Bị cáo, đến sự thất khách quan
của vụ án, không những làm cho nền tư pháp Việt Nam trở nên thiếu công
minh, mà còn gây ra nỗi đau cho người bị oan và nỗi ám ảnh cho toàn xã
hội.
Từ những dẫn chứng và phân tích trên, tôi kính đề nghị Hội
đồng xét xử cầm cân nảy mực, cân nhắc các tình tiết của vụ án để trả lại
công bằng và công lý cho Bị cáo Giang, tuyên Bị cáo Nguyễn Trường Giang
vô tội.
Xin cám ơn HĐXX đã lắng nghe phần trình bày.
Trân trọng kính đề nghị và kính cám ơn Quí Toà.
Luật sư
Hoàng Thị Thu
Nguồn:'s