Bài rất hay.
(GDVN) - Khi lòng dân dậy sóng, sức dân có thể cuốn phăng tất cả những
gì được xem là rào cản của quyền lực nhân dân. Sức mạnh của lòng dân là
sức mạnh của quy luật.
Truyền thông quốc tế ngày 1/2 đưa tin, Quốc hội mới của Myanmar được
bầu ngày 8/11/2015 đã nhóm họp lần đầu tại thủ đô Naypyidaw hôm qua. Đây
là lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua tại đất nước này có một Quốc hội
được dân bầu và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của lãnh tụ
Aung San Suu Kyi chiếm đa số ghế tại cơ quan lập pháp Myanmar.
Nền chính trị tại Myanmar đã đổi thay theo nguyên tắc dân chủ, quyền
lực đã thuộc về những người được nhân dân Myanmar lựa chọn để trao gửi
niềm tin và khát vọng của họ. Đất nước Myanmar đã thật sự chuyển mình
sau chiến thắng lịch sử của NLD trong một cuộc bầu cử tự do.
Dư luận thế giới hướng về Myanmar với những kỳ vọng tích cực và hy
vọng yên bình ở nơi mà chế độ quân phiệt được thay thế bằng nền dân
chủ một cách hòa bình với đầy những nghĩa cử nhân văn. Nơi mà lợi ích
dân tộc và chủ quyền quốc gia được tôn trọng và là nền tảng cho mọi
quyết định đổi thay.
Lãnh tụ NLD Aung San Suu Kyi tham dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới Myanmar. Ảnh: EPA. |
Nghị sĩ Nyein Thit thuộc NLD đã nói với hãng tin AFP rằng: “Chúng tôi sẽ làm việc để có được nhân quyền và dân chủ cũng như hòa bình cho đất nước chúng tôi".
Với phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới sau bầu cử, người ta nhìn
thấy những giá trị của nền dân chủ được nuôi dưỡng dưới chính quyền của
Tổng thống Thein Sein đã được đảm bảo và trở thành nguyên tắc nền tảng
cho mọi sinh hoạt chính trị tại Myanmar.
Tuy nhiên, theo người viết thì những gì diễn ra trên đất nước Myanmar
có ý nghĩa không chỉ là một sự đổi thay chính trị - xã hội tại đất
nước này.
Chiến thắng của nền dân chủ trước chế độ quân phiệt tại Myanmar
còn là sự khẳng định những nguyên lý, nguyên tắc mà con người phát hiện
ra, xây dựng nên làm nền tảng cho mọi họat động chính trị nhưng đã bị
xóa nhòa ở nhiều nơi, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Myanmar
dưới chính quyền quân sự trong hơn nửa thế kỷ qua.
Quyền lực luôn thuộc về nhân dân
Quyền lực luôn thuộc về nhân dân
Những nhà chính trị học và xã hội học xây dựng nên các khái niệm của
phạm trù quyền lực, đã rất khoa học và thực tế khi xác định quyền lực
thuộc về nhân dân. Cho dù quyền được xác lập bởi luật pháp, lực là sức
mạnh của lòng dân, nhưng thực ra nền tảng của quyền lực đều là sức mạnh
của nhân dân thông qua thực thể chính trị đại diện là nhà nước.
Có nhiều học thuyết chính trị cho rằng, nhà nước là công cụ của giai
cấp thống trị sử dụng để cai trị những giai cấp, những tầng lớp khác –
gọi chung là tầng lớp bị trị. Theo người viết, đó là những lý luận thiếu
thực tiễn và không phản ánh được bản chất của nhà nước – thực thể quan
trong nhất của thể chế chính trị.
Nhà nước là cơ quan quyền lực của nhân dân. Đó là nguyên lý. Nhà nước
không thể ra đời hay hình thành bất cứ lúc nào, như thế nào cũng được.
Theo sự phát triển của lịch sử nhân loại, khi mâu thuẫn về lợi ích của
con người trong chế độ công xã nguyên thủy không tự giải quyết được thì
bắt đầu hình thành nên định chế đầu tiên được trao quyền phán xét người
khác.
Nghĩa là một tổ chức có quyền lực hết sức sơ khai – cơ sở đầu tiên
cho sự ra đời của nhà nước sau này - đã hình thành trong buổi ban đầu
của văn minh nhân loại cũng đã xuất phát từ nhân dân và chỉ được nhân
dân ủy thác thực hiện quyền lực. Điều đó cho thấy nhân dân là nhân tố
quyết định quyền lực hay nói cách khác quyền lực luôn thuộc về nhân dân.
Quyền lực luôn thuộc về nhân dân. Lực lượng cầm quyền chỉ được nhân dân ủy nhiệm nắm giữ quyền lực. Hình ảnh nhân dân Myanmar ủng hộ NLD. Ảnh: Reuters. |
Do vậy, không thể có nhà nước của giai cấp thống trị hay quyền lực
thuộc về lực lượng nắm quyền mãi mãi. Lực lượng cầm quyền chỉ được
nhân dân ủy thác nắm quyền lực trong những giai đoạn nhất định thông
qua những sự ủy nhiệm – nguyên lý ban đầu cho các cuộc bầu cử phổ thông
ngày nay - khi lực lượng cầm quyền có khả năng và điều kiện sử dụng
quyền lực.
Tất cả những chế độ chính trị, những nhà nước ra đời không theo
nguyên lý ấy đều không phải là nhà nước đại diện cho quyền lực của nhân
dân – và đó chỉ là “cái gọi là nhà nước” mà thôi. Đó là kết quả của việc
tiếm quyền, cướp quyền, dù trực tiếp bằng các cuộc bạo loạn lật đổ, đảo
chính hay gián tiếp là những cuộc bầu cử mỵ dân, hình thức.
Một khi không đại diện cho quyền lực của nhân dân thì bất cứ chế độ
chính trị nào, bất cứ hình thức nào của “cái gọi là nhà nước” cũng sẽ bị
thay thế bằng sức mạnh của nhân dân. Còn việc điều đó diễn ra dưới
hình thức nào, vào thời điểm nào sẽ phụ thuộc vào thời thế. Việc đổi
thay chế độ chính trị tại Myanmar là một chứng minh rất rõ ràng cho
nguyên lý ấy.
BBC ngày 1/2 dẫn lời ông Khin Maung Myint, một Nghị sĩ thuộc đảng NLD nói với AP: "Tôi
không bao giờ tưởng tượng rằng đảng của chúng tôi sẽ có thể được thành
lập chính phủ. Ngay cả công chúng cũng không nghĩ rằng Myanmar có thể có
một chính phủ của NLD. Nhưng bây giờ điều đó đã là sự thật và nó giống
như một cú sốc đối với chúng tôi và cả thế giới nữa".
Nói tóm lại, một chế độ chính trị, một nhà nước ra đời theo nguyên
lý, theo quy luật thì đương nhiên là cơ quan đại diện quyền lực của nhân
dân, luôn được nhân dân tin tưởng và tôn trọng. Lực lượng cầm quyền sẽ
có quyền và có lực nếu họ được giao nắm giữ quyền lực theo đúng cơ chế
ủy nhiệm nhân dân – bầu cử tự do.
Tất nhiên, trong lịch sử nhân loại đã có nhiều sự “sai lầm lịch sử”,
nghĩa là lực lượng cầm quyền không nắm quyền lực theo quy luật. Và khi
nhân dân đứng lên đòi quyền lực thì sẽ xảy ra hai tình huống. Thứ nhất
là lực lượng cầm quyền quyết tâm không từ bỏ quyền lực đã cướp được thì
họ sẽ phải trả giá, sự súp đổ của chế độ Gaddafi tại Libya là một ví dụ
điển hình.
Thứ hai là lực lượng cầm quyền thuận theo thời thế, hành động theo
quy luật lịch sử thì họ sẽ không phải đánh đổi những gì thuộc về quyền
con người của họ. Họ chỉ phải trả lại những gì mà họ “giữ”nhưng không
được nhân dân “trao”. Và họ vẫn có thể được sự ủy nhiệm của nhân dân nếu
họ có đủ khả năng, điều kiện thực hiện quyền lực và được nhân dân ủy
thác.
Tổng thống Thein Sein và chính quyền quân sự tại Myanmar đã ngả theo
hướng thứ hai khi họ thấy vai trò của họ được trao nắm giữ vận mệnh quốc
gia diễn ra không theo cơ chế ủy nhiệm của nhân dân.
Họ đã tạo điều kiện cho quyền lực nhân dân được thể hiện và khẳng
định – nghĩa là họ đã sáng suốt trong việc khắc phục “sai lầm lịch sử”
tại Myanmar và họ được lịch sử ghi nhận công lao ấy.
Lịch sử luôn khách quan và công bằng
Cuộc bầu cử diễn ra tại Myanmar và mang lại chiến thắng lịch sử cho
NLD là một sự khẳng định sức mạnh của lòng dân. Bên cạnh đó cuộc bầu cử
còn khẳng định nhân dân rất khách quan khi thể hiện sức mạnh và quyền
lực.
Nhân dân là chủ thể của lịch sử dân tộc, họ viết nên những trang sử oai hùng hay đau thương cũng đều rất công bằng với thực tế.
Lịch sử luôn khách quan và công bằng với những ai hành động thuận theo quy luật. Ảnh: AP. |
Khi lòng dân dậy sóng, sức dân có thể cuốn phăng tất cả những gì được
xem là rào cản của quyền lực nhân dân. Sức mạnh của lòng dân là sức
mạnh của quy luật lịch sử.
Bất cứ lực lượng nào cũng có thể bị nghiền nát nếu là trở lực muốn
ngăn cản hay quay ngược bánh xe lịch sử. Những kết quả khắc nghiệt,
những kết cục bi thương của nhiều tổ chức, nhiều cá nhân có những “sai
lầm lịch sử” đã minh chứng điều ấy.
Tuy nhiên lịch sử cũng ghi nhận, nhân dân chưa bao giờ đứng về một
lực lượng nào để làm hại những lực lượng khác, nếu những lực lượng ấy
không có “sai lầm lịch sử” hoặc nhân văn trong việc sửa chữa, khắc phục
những sai lầm của quá khứ.
Đã có bao cá nhân, bao tổ chức “lầm lỡ” được nhân dân tạo cơ hội để
thể hiện mình xứng đáng là đại diện cho quyền lực của nhân dân.
“Quốc hội mới của Myanmar họp tại thủ đô Naypyidaw, bắt đầu bằng
việc bầu Nghị sĩ U Win Myint của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ làm
Chủ tịch như mong đợi và bầu Nghị sĩ U Ti Khun Myat của đảng Liên minh
Đoàn kết và Phát triển (USDP), đảng được quân đội hậu thuẫn làm Phó Chủ
tịch”, BBC ngày 1/2 đưa tin.
Những gì đang diễn ra trên đất nước Myanmar là sự khẳng định tính
công bằng và khách quan của lịch sử. Khi lực lượng nắm quyền hiểu được
quy luật lịch sử, hành động thuận chiều lịch sử thì nhân dân được yên
bình, đất nước thanh bình và sức mạnh của chính quyền càng được khẳng
định vì nó là tựu trung của niềm tin và khát vọng của nhân dân.
Tổng thống Thein Sein và chính quyền của ông đang thực hiện việc
chuyển giao quyền lực cho chính quyền của NLD và bà Aung San Suu Kyi, dự
kiến sẽ hoàn tất vào tháng 3/2016.
Thein Sein và một số thành viên chính phủ của ông có thể không tiếp
tục tham gia vào đời sống chính trị tại Myanmar nữa, nhưng có lẽ không
người dân Myanmar nào quên được công lao của họ.
Nền chính trị tại Myanmar nói riêng, xã hội Myanmar nói chung không
thể cởi mở và bình yên nếu như chính quyền quân sự không nuôi dưỡng nền
dân chủ.
Đất nước Myanmar không thể có được những nền tảng vật chất và những
định chế căn bản cho việc phát triển nếu chính quyền quân sự “tham quyền
cố vị” mà quyết tâm phá nát những gì đất nước Myanmar có được trong bao
năm qua với tâm lý “không ăn được thì đạp đổ”.
Và cuối cùng lịch sử dân tộc Myanmar không phải được viết tiếp bằng
những trang sử bi thương bởi xung đột xã hội, bởi mâu thuẫn đảng phái và
bởi chính những ích kỷ nhỏ nhen trong những toan tính thấp hèn mà người
ta có thể thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, khi lực lượng
cầm quyền quyết không từ bỏ quyền lực cho dù đã bị nhân dân tước bỏ.
Có thể thấy rằng, đây là nét nhân văn của một sự đổi thay mang tầm
cỡ một cuộc cách mạng xã hội tại Myanmar - một quốc gia nổi tiếng về
bảo thủ và chính quyền quen sử dụng công cụ sức mạnh của thể chế vào
việc đối phó với sức mạnh của nhân dân.
Tính nhân văn này được thể hiện bởi cả người về trước, kẻ về sau
trong một cuộc bầu cử tự do để nhân dân Myanmar ủy thác quyền lực của
họ.
Theo người viết thì giá trị nền dân chủ tại Myanmar, ý nghĩa của sự
đổi thay tại Myanmar là nằm ở việc khẳng định giá trị những nguyên lý,
nguyên tắc trong cơ chế thể hiện sức mạnh nhân dân. Điều đó được thể
hiện đậm nét hơn, sâu sắc hơn ở tính nhân văn của nó được những người
trong cuộc thể hiện và tôn trọng.
Vì vậy, mặc dù chính phủ mới tại Myanmar chưa được thành lập, những
chính sách mới của NLD chưa được khẳng định trong đời sống xã hội tại
Myanmar, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của sự đổi thay
ấy.
Bởi lẽ nguyên lý là bất biến, quyền lực nhân dân là vĩnh cửu, còn tất cả những vấn đề khác sẽ biến thiên theo thế và thời.
Ý nghĩa của việc đổi thay chính trị tại Myanmar là bài học rất quý
cho những lực lượng cầm quyền, những chính quyền không được xem là đại
diện cho quyền lực của nhân dân ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Vì tham quyền cố vị mà chống lại sức mạnh của nhân dân thì ắt sẽ phải
trả giá. Hành động thuận theo quy luật và ứng xử nhân văn thì chắc chắn
luôn được lưu danh sử sách và đó cũng được xem là di sản quý giá để lại
cho những thế hệ mai sau.