Monday, 23 February 2015

727. Nước mắm công nghiệp toàn hóa chất

Xứ gì mà toàn là làm ăn  láu cá, cà chớn...

==============================================

Nước mắm công nghiệp toàn hóa chất

Theo cách hiểu phổ biến, đạm trong nước mắm truyền thống nghiễm nhiên là đạm từ cá. Lợi dụng cách hiểu này, nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sử dụng nhiều loại đạm không phải từ cá mà không thông tin đầy đủ, chưa kể các loại phụ gia khác.
Mập mờ
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu nước mắm công nghiệp như: Nam Ngư, Chin-Su, Kabin, Hương Việt…những có nước mắm thì ghi tên đạm bổ sung, có nước mắm thì không ghi tên đạm bổ sung.
Qua quan sát nhãn hiệu trên chai nước mắm Nam Ngư đệ nhất, chúng tôi chỉ thấy nhà sản xuất  ghi thành phần: muối, đường, tinh cốt cá cơm, chất điều vị, hương cá hồi, hương cá ngừ, màu tự nhiên, chất bảo quản, chất ngọt tổng hợp…dưới dạng tên khoa học rất khó để người tiêu dùng biết được chất gì, có nguy hại hay không. Điều quan trọng là loại đạm bổ sung này là loại đạm gì. Trong khi nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng đạm có nghĩa là từ thịt cá.
nước-mắm, nước-mắm-công-nghiệp, hóa-chất, nước-mắm-hóa-chất, độ-đạm-nước-mắm, thực-phẩm
Nước mắm công nghiệp đang lấn át nước mắm truyền thống.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học công nghiệp TP.HCM, cho biết, đối với nước mắm truyền thống thì 100% là đạm từ cá, không chất tạo màu, tạo hương, chất bảo quản… như trong nước mắm công nghiệp.
Cũng theo bà Bình, chính việc không ghi độ đạm của một số nhãn hiệu nước mắn công nghiệp khiến người tiêu dùng không biết rõ nguồn đạm được bổ sung trong đó là loại đạm gì, có đạm cá hay chỉ hoàn toàn là đạm bổ sung từ bên ngoài và đạm bổ sung từ bên ngoài là đạm gì.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên Khoa thủy sản, Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM, có nhiều cách chế biến nước mắm công nghiệp nhưng phần lớn các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sử dụng  nước mắm sản xuất truyền thống ở hạng thấp, sau  đó pha chế với nước và muối. Chính việc pha chế  này khiến  màu sắc, mùi vị thay đổi buộc nhà sản xuất phải bổ sung các chất tạo màu, tạo mùi, đạm, chất điều vị (chất tạo ngọt, chất bảo quản), chất chống thối natripenzoat…vào trong sản phẩm nước mắm.
Nguy cơ các chất độc
Bà Bình cho biết, trong nước nắm công nghiệp ngoài đạm cá còn bổ sung đạm từ bên ngoài, nhưng có một số nhãn không ghi đạm bổ sung là đạm gì sẽ rất nguy hiểm.
Ngoài nguồn đạm có thể có từ cá do thu mua từ các lò nước mắm, trong một chai nước mắm công nghiệp còn có đạm từ đậu nành hoặc nitơ tổng hợp.
Đối với sử dụng đạm tổng hợp, tức là bổ sung nguồn nitơ từ urê, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nếu việc bổ sung axit amin bằng cách lên men đậu nành sống cũng chứa nguy hiểm, vì trong thành phần đậu nành sống có một số chất độc tố gây nguy hại cho sức khỏe như: gây bướu cổ, tổn thương gan, kìm hảm sự phát triển.
“Trong hạt đậu nành sống có một enzym chống lại sự hoạt động của men trypsin (tiêu hóa chất đạm) và có soyin - một albumin có tính độc, kìm hãm sức phát triển của cơ thể. Và theo nghiên cứu đã được thử nghiệm, các độc tố trên không thể khử trong nhiệt độ đun nấu bình thường (tức dưới 100oc)”, bà Bình giải thích. 
Còn bổ bổ sung axit amin bằng cách lên men từ đậu nành chín cũng khiến người tiêu dùng tăng nguy cơ khả năng mắc một số bệnh về tuyến tiền liệt.
Đó là chưa kể trong chất tạo màu, có chất tạo màu dùng cho thực phẩm, chất tạo màu dùng cho công nghiệp, trong khi đó chất tạo màu dùng trong thực phẩm đắt hơn so với chất tạo màu dùng trong công nghiệp từ 10 đến 100 lần.
Nếu vì lợi nhuận, nhà sản xuất dùng chất tạo màu trong công nghiệp cho nước mắm thì sẽ rất nguy hiểm, bởi chất tạo màu trong công nghiệp có hàm lượng kim loại nặng, nếu sử dụng lâu ngày sẽ phát sinh nhiều bệnh mạn tính.
Vì vậy, chừng nào nhà sản xuất nước mắm công nghiệp chưa thông tin rộng rãi cách thức và loại đạm bổ sung thì người tiêu dùng còn bị thiệt hại.
Cần sòng phẳng hơn
Theo ông Hiếu, sở dĩ hiện nay nhiều người tiêu dùng thích sản phẩm nước mắm công nghiệp là do màu sắc đẹp, vị không quá mặn, mùi không quá nặng.
“Mùi nước mắm công nghiệp rất quan trọng, tuy rằng mùi nước mắm công nghiệp có nhẹ hơn so với mùi nước mắm truyền thống, nhưng vẫn chưa nhẹ bằng mùi nước mắm ở một số nước khác. Chẳng hạn ở Thái Lan, mùi nước mắm ở đây rất nhẹ nên nước mắm của họ thâm nhập vào thị trường thế giới sớm hơn Việt Nam và các nước cũng thích nước mắm của Thái Lan hơn chúng ta”, ông Hiếu cho biết.
Nhận định về nước mắm công nghiệp, bà Bình cho rằng, nếu các cơ sở sản xuất nước mắm công nghiệp đầu tư những dây chuyền, trang thiết bị hiện đại và có thể kiểm soát các yếu tố nguy hại thì rõ ràng nước mắm công nghiệp trở thành một sức hấp dẫn với người tiêu dùng.
“Đầu ra của nước mắm công nghiệp luôn ổn định, chẳng hạn 15 độ đạm là đúng 15 độ đạm, hàm lượng muối bao nhiêu là chính xác bao nhiêu. Do nhà sản xuất pha chế nên tất cả các sản phẩm nước mắm đều như nhau, không có hiện tượng xuống màu, hoặc lắng cặn, màu sắc luôn giữ đẹp. Điều này là do công nghệ có một sự tác động đáng kể đến đến sản phẩm cuối cùng”, bà Bình cho biết.
Ưu thế của nước mắm công nghiệp là chất lượng ổn định do kiểm soát được quá trình sản xuất, nên có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, nhà sản xuất cung cấp thiếu thông tin, không cam kết loại bỏ các chất gây hại là còn thiếu trách nhiệm, thiếu sòng phỏng với người dùng.

Tuesday, 17 February 2015

726. Bài 2 trong loạt bài về Chiến tranh biên giới 1979 với "bạn vàng": Từ câu chuyện của cầu Lai Vân- cây cầu “hữu nghị” bị đánh sập


Chiến tranh biên giới chỉ diễn ra ở Sapa trong 3 ngày, rất ngắn trong cuộc chiến 30 ngày năm 1979 nhưng với nguyên Phó Chủ tịch huyện Sapa bà Thào Thị Say thì Sapa năm 1979 chỉ còn là một đống gạch vụn đúng nghĩa. “Vườn tỏi không còn 1 nhánh. Ao cá không còn con nào. Rừng thông cháy hàng tuần. Lá thông tươi là thế mà cháy khói ngút giời. Các biệt thự, nhà an dưỡng, thậm chí cả trạm vật lý địa cầu, đài liệt sĩ cũng bị lính Trung Quốc giật mìn phá nát”.

Cuộc chiến 3 ngày và Sa pa tay trắng
Bà Say hôm đó bỏ lại 5 đứa con ở nhà khi đôn đáo khắp nơi lo sơ tán cho dân. “Tôi đưa dân qua Tả Van, Séo Mí Tỷ, qua Dền Thàng, Phố Mít để về Than Uyên. Nói là sơ tán thật ra là chạy khi nghe pháo đuổi. Chưa kịp dừng chân thì lính Trung Quốc đã đến sau lưng”.Từng có mặt trong cả 3 lần tiễu phỉ với những cái tên khét tiếng Châu A Mùa, Giàng A Ghi, từng đối mặt với hiểm nguy và cái chết nhưng bà Say vẫn như rùng mình khi nhớ lại sự ác liệt của chiến tranh năm ấy. Chính tay bà ôm xác tiểu đoàn trưởng người Tày Bế Văn Sào. Chính tay bà - dàn dụa nước mắt đưa tiễn người đồng đội - anh hùng liệt sĩ Phạm Xuân Huân. Chính tay bà dựng lại nghĩa trang liệt sĩ sau khi địch bị tàn phá.
Hồi đó việc đầu tiên sau chiến tranh là việc huy động nhân dân góp tiền xây dựng lại nghĩa trang bởi nghĩa trang cũng bị địch tàn phá. Nhưng dân cũng còn gì đâu. Tất cả chỉ được 60 đồng. Tôi lên báo cáo quân đoàn. Họ cho tiểu đoàn 7 giúp tôi 1 tháng. Lấy chỗ cho 360 liệt sĩ trong cuộc chiến 3 ngày ấy. Dân Sapa sau chiến tranh chỉ còn lại hai bàn tay trắng. “Tôi về lại Sapa ngay từ hôm hăm hai, cũng là một ngày khô hanh như thế này”- bà Say nhớ lại- “và cảnh tượng đập vào mắt những người trở lại là khung cảnh tan hoang. Hầu hết các biệt thự, nhà nghỉ, kể cả “biệt thự Phạm Văn Đồng” bị lính Trung Quốc ốp mìn phá tan. Trạm vật lý địa cầu ngay gần thác nước, nơi cung cấp thông tin thời tiết cho cả phía Trung Quốc cũng bị đốt phá. Cột điện, nhà cửa, cầu cống bị phá hết. Toàn bộ tài sản của dân bị lấy. Đến nồi niêu xoong chảo cũng bị chọc thủng. Rừng thông trăm năm cháy hàng tuần lễ”.
Nguyên Phó Chủ tịch huyện Sapa bà Thào Thị Say: Các biệt thự, nhà an dưỡng, thậm chí cả trạm vật lý địa cầu, thậm chí cả đài tưởng niệm liệt sĩ cũng bị lính Trung Quốc giật mình phá nát 
36 năm, chị Lan, con gái lớn của bà Say vẫn chưa quên ngay cả vườn tỏi cũng bị lấy đến không còn một nhánh. “Tôi giấu cây đàn của cha lên gác xép. Và đó là vật duy nhất không bị lưỡi lê chọc thủng”- chị Lan nhớ lại. Cha đi công tác. Mẹ sơ tán dân. Chị Lan năm ấy được “ông Vụ”- một người hàng xóm chạy qua hét to rằng “Trung Quốc vào Sapa rồi”. Thế là 5 chị em dắt díu nhau chạy. “Người ta đi đâu thì mình đi đấy”. 
Câu chuyện đầy hàm ý về cầu Lai Vân
Sử gia người Mỹ gốc Hoa King C. Chen, trong cuốn “Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979” được xuất bản tại Mỹ dẫn “Bản báo cáo sau cuộc chiến” (từ phía Trung Quốc) cho biết: Cầu ở mọi nơi đều bị giật sập. Đường bị đặt mìn và phá hủy. Bệnh viện ở Lào Cai, Lạng Sơn và Cao Bằng bị phá hủy. Tại cả 3 thành phố mọi thứ đều bị tàn phá và mọi vật đều vắng lặng. 80% nhà cửa bị phá hủy. Không còn một cột điện nào ở trong hay ngoài 3 thành phố. Nước bị thiếu trong toàn khu vực và điện bị cắt. Những làng mạc xung quanh cũng đều bị tàn phá.
Cũng vào ngày 22.2, ở Phong Thổ, Lai Châu, bà Đèo Thị Ly, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Mường So trở lại Mường So sau khi lính Trung Quốc rút đi. Thị trấn huyện lỵ cháy nghi ngút. Mường So với hơn 1000 nóc nhà không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Nhà ủy ban bị nổ mìn. Cầu bị đánh sập. Bản Phên Đen bị đốt trụi. “Hồi đấy mất nhiều lắm, mất đến không còn gì mà thống kê. Riêng Mường So hơn 30 tấn lợn gà không còn một con”- bà Ly nói. Ngày 24.2, nữ Phó Chủ tịch đến bản Huổi Sen của người Nhắng. “Tôi còn nhớ như in sự hãi hùng khi ấy. Bà con ôm nhau khóc kể lại chuyện lính Trung Quốc gí súng vào đầu truy hỏi “cán bộ”, truy hỏi người Kinh. Cô giáo cắm bản, tên Thúy, phải giả ốm, mặc quần áo người Nhắng để cải trang. Người Nhắng khóc còn vì cả 13 nóc nhà chạy rụi, màn trời chiếu đất, nhà cửa, lợn gà, tài sản thóc lúa hoăc bị cướp, hoặc bị đốt không còn chút gì.
Phong Thổ là một trong những thị trấn gần như bị xóa sổ trong chiến tranh 1979. Hàng vạn quả đạn pháo nã suốt dải Ma Li Pho, Pa Nậm Cúm, Sò Lờ Lầu, Mù San, Vàng Ma Chải, Huổi Luông, Giào San đã khiến hàng ngàn nóc nhà bị cháy. Ở Sì Lờ Lầu, một cửa hàng bách hóa của thương nghiệp trị giá hơn 50.000 đồng bị vét sạch. Kho lương thực 150 tấn thóc và hàng trăm lợn của một trại chăn nuôi cũng bị cướp trắng. Nhà máy điện bị lính Trung Quốc giật mìn phá sập. Cầu Lai Vân, Nậm Cáy bị đánh sập. Cơ quan huyện ủy, ủy ban, cửa hàng ăn uống, cửa hàng bách hóa, bệnh viện, hiệu sách, trường học, nhà mẫu giáo đều bị ốp bộc phá giật đổ. Sau chiến tranh, Phong Thồ gần như không thể tự gắng gượng khi cơ sở vật chất gần như bằng 0. “Bà con chủ yếu sống nhờ cây lúa”- Lời bà Ly, “nhưng khôi phục sản xuất là rất khó khi đất thì đầy bom mìn, thùng không còn dù một hạt giống. Huống chi sự kinh sợ chiến tranh khiến Phong Thổ gần như vắng bóng dân”.
Khi ấy, Tỉnh ủy phải có chủ trương đón đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Tháng 9, bà Ly theo đoàn đi Thái Bình vận động được 35 hộ ở Tiền Hải lên Phong Thổ. “Đón được là đưa về ngay”. Dân nhìn sợ lắm. Chỗ nào cũng cháy, cũng hoang hóa, không có người nữa. Khi đưa dân lên rồi thì cả huyện, xã phải đi vận động từng lon gạo, quả chuối, búp đu đủ giúp bà con có cái ăn, từng cây tre sợi lạt để dựng nhà.
Sau khi Trung Quốc rút quân, cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt đã để lại cho Lai Châu những hậu quả hết sức nặng nề. Thiếu thốn đến mức Ủy ban hành chính khi đó phải ra chỉ thị (số 06 ngày 26-3-1979) mở cuộc vận động giúp đỡ nhân dân vùng chiến sự quyên góp gạo thóc chăn màn… quyết tâm không để một người dân nào bị đói, bị rét.
Nguyên Phó Chủ tịch Lai Châu Điêu Chính Tuệ, cuối câu chuyện với chúng tôi kể lại đầy hàm ý câu chuyện cây cầu Lai Vân bị đánh sập. Cầu Lai Vân do các bạn Trung Quốc giúp ta xây dựng. Cái tên Lai Vân, được ghép từ hai tỉnh Lai Châu và Vân Nam (Trung Quốc) để ghi nhớ tình hữu nghị. Nhưng ngay khi chiếm Phong Thổ, việc đầu tiên là lính Trung Quốc ốp mìn phá sập cây cầu.
Không có gì là bền chặt cả và cuộc chiến tranh với việc hủy diệt có hệ thống cơ sở hạ tầng và nền kinh tế các tỉnh biên giới, rất rõ ràng, nhằm đẩy nền kinh tế của ta tới chỗ sụp đổ.

725. Những bài học tháng hai ( 17-02-1979) - Đào Tuấn.

 Hôm nay- 17-2, xin được nhắc lại bài học lông ngỗng để đừng bao giờ “trái tim lầm chỗ để lên đầu”, đừng bao giờ thấy đường mà tưởng ngọt, đừng bao giờ nghe hảo mà bảo là tốt, đừng bao giờ hữu nghị- đồng chí- anh em mà tưởng nó không xơi vợ mình!
Loạt bài, thay cho nén nhang của những người làm báo Lao động, tưởng nhớ biết bao người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập của đất nước.
Chúng tôi sẽ không quên máu xương của các anh! Chắc chắn là như thế
=======================================================================


Bia thảm sát ở Tổng Chúp - Cao Bằng

Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ đến tháng 2 tây lịch, đất và người vùng biên giới phía Bắc lại dâng lên nhiều cảm xúc đan xen khó tả khi nhớ lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của tổ quốc nổ ra vào rạng sáng ngày 17.2.1979.

Phóng viên báo Lao Động đã có mặt ở những vùng đất nóng bỏng, trực tiếp gặp gỡ những nhân chứng sống trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến năm nào. Đau thương, uất nghẹn, pha lẫn tự hào, tự tin trước những biến cố của chiến tranh, của thời cuộc. Nhưng dù là đau thương đến mấy, 36 năm đã qua đi, vết thương theo năm tháng cũng dần lành lặn và hồi sinh hướng về một tương lai mới. Chỉ còn duy nhất những bài học, bài học phải trả bằng xương máu là vẫn còn nguyên giá trị.
Kỳ 1:
Bài học lông ngỗng
Khi Nông Văn Ngàn trở lại Cao Bằng, hai cây cầu vào thị xã bị đánh sập. Phố xá bị san bằng hết. Cột điện, gốc cây bị đứt ngang vì mìn. Kể cả ghế đá vườn hoa. Nà Rụa là nơi dân ở Hà Quảng, Trà Lĩnh chạy ra và bị chết nhiều nhất. Cả tháng sau khi lính Trung Quốc rút, những đau thương tang tóc vấn còn đó.
Ký ức về Dương Lệ Mẫn
36 năm rồi mà ông Ngàn vẫn không quên năm ấy. Năm 1979, ông còn là một cậu học trò trường cấp 3 thị xã. Quá nhỏ để hiểu thế sự, nhưng đủ lớn để không thể quên những trái ngang thế thái nhân tình. Lớp khi đó có 3 bạn người Hoa là Hoàng Cắm Choóng, Vương Kinh và Dương Lệ Mẫn. Ông thân với Mẫn, một cô gái đặc biệt xinh đẹp như bất cứ cô gái gốc Hoa nào khác. Mẫn thuộc nhóm “cháu ngoan bác Hồ”. Có lần, trước chiến tranh, hai người còn ăn chung một nắm cơm khi đi thăm hang Pắc Bó.
Suốt cả kỳ 1 năm học, cả ba bỗng dưng ít nói. Còn Mẫn, mỗi lần ra chơi cô chỉ ở lại trong lớp và khóc một mình. “Chuẩn bị kỳ nghỉ tết năm ấy, vào buổi học cuối, Mẫn gặp tôi, vừa nói vừa khóc: “Ngày mai tôi nghỉ học. Tôi với bạn chia tay. Biết đâu trong những ngày tới tôi và bạn ở hai chiến tuyến…”. "Cô ấy nghẹn lời gạt nước mắt chạy đi. Tôi thương, lặng đứng nhìn theo” - lời ông Ngàn.
Sau tết, ngoài giờ học chính khóa buổi sáng, học sinh Cao Bằng khi ấy đào giao thông hào quanh trường. “Tình hình lúc đó rất khẩn trương”- ông Ngàn nhớ lại, đâu đâu người lớn cũng thầm thì về một cuộc chiến tranh sẽ xẩy ra nay mai. Có rất nhiều chuyện, nhiều đồn thổi.  Chỉ huy trưởng Thị đội, trung tá Loòng tuyên bố nếu Trung quốc  thò tay sang đánh ta thì ta sẽ chủ động và kien quyết chống trả … Nhưng hồi ấy, không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn đều không tin là Trung quốc sẽ đánh mà nghĩ chắc lại gây hấn ném đá, gậy gộc rồi thôi. Đêm trước chiến tranh, 16.2.1979, rạp ngoài trời chiếu bộ phim "Giải Phóng". Vì là phim chiến đấu của Liên Xô, lại chiếu liền 3 tập nên dân thị xã đi xem rất đông. 11h khuya phim mới chiếu xong, khi mọi người tản mạn ra về thì phía biên giới hướng Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Đông Khê có rất nhiều ánh chớp lóe lên xen lẫn những tiếng ì ầm. Mọi người chỉ thấy lạ là không có mưa mà mùa mưa chưa đến sao lại có sấm chớp làm vậy. Không ai biết được điều tệ hại nhất đã xảy ra.
Chiến tranh đến ngay ngày hôm sau, ngay sau một thông báo sơ tán, cả Cao Bằng chạy giặc. Đúng là không có gì khốn khổ, nháo nhác và sợ hãi hơn là chạy giặc. Ông Ngàn theo gia đình, theo đoàn người chạy vào Mỏ Muối. Từ Mỏ Muối tới Khuổi Diên. Từ Khuổi Diên tới Pác Sóa. Chạy trong sự hỗn loạn bố mẹ tìm con cái, chồng tìm vợ, con cháu chạy tìm ông bà... nháo nhác, rùng rùng hỗn loạn chạy tứ tán. “ Nhà thằng Sơn bạn tôi chạy mỗi người một ngả, đến khi tụ tập lại được thì không thấy bà cụ già đâu cả mãi về sau mới tìm thấy, bà bị dòng người chen lấn xô đẩy ngã xuống một cái hố sâu ở bờ sông. Không lên được. Không kêu cứu được. Bà cụ mất ngay tối hôm đó.
“Cứ đi vậy thôi” - ông Ngàn nói: “Tất cả đều không biết sẽ đi đâu, chỉ là ngược với hướng pháo”. Khuya ngày 18.2, khi cả đoàn đang ở bản Pác Sóa, cách Cao Bằng khoảng 6km thì tất cả bị dựng dậy khi có tin báo một toán thám báo được bọn chỉ điểm dẫn đường đang tới. Thời gian cứ chậm chạp trôi đi, mọi người không ai dám ngủ để chờ tiếng súng nổ ra, và rồi cái gì đến sẽ phải đến, lúc đó ước khoảng hơn 1h sáng, bắt đầu chỉ là một loạt AK vang lên, sau đó là hỗn loạn đủ các loại tiếng nổ của các loại súng, giao tranh chỉ diễn ra chừng 10 phút, sau đó im bặt. Căng thẳng. Đa số lần đầu tiên nghe tiếng súng nổ gần đến như vậy. Sau đó sự căng thẳng vỡ òa bằng một tiếng trẻ khóc thét mặc dù bị bố mẹ chúng bịt chặt mồm, các cụ già thì run lẩy bẩy, miệng cầu phật khấn trời không ra hơi.
Toán biệt kích đêm đó đã bị bộ đội tiêu diệt toàn bộ, chỉ riêng tên chỉ điểm suýt trốn thoát. “Tôi còn nhớ như in sự kinh ngạc của mình khi ấy”- lời ông Ngàn - “kinh ngạc đến há hốc mồm. Sững sờ đến mức suýt thì “Cháu chào bác ạ” khi tên chỉ điểm bị dẫn giải qua ngay trước mặt tôi chính là Voàng Cắm Hoáng - bố đẻ của thằng Voàng Cắm Choóng, bạn học của tôi”. Nhưng sự đau đớn và cảm giác bị phản bội chỉ đến ít ngày sau đó khi ông được nghe lại rằng tổ thám báo đã dẫn chiếc xe tăng của địch từ Đông Khê về đến tận dốc Nà Toòng chính là ông Dương Maishen - chủ hiệu trồng răng khu phố Vườn Cam và là bố của Dương Lệ Mẫn.
Câu chuyện nằm lòng của người Việt
Trong chiến tranh biên giới 1979, ngoài các quân đoàn chính quy, Trung Quốc còn sử dụng “lực lượng thứ năm” cắm chốt sẵn trong lãnh thổ Việt Nam. Từ đêm 16. 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.
Ông Mùa A Sấu - nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Lai Châu - nhớ lại, “lực lượng thứ năm” khi ấy có cả cốt cán, thậm chí cả trưởng công an xã. “Nó trực chiến, địch đến làm tay sai. Một báo cáo chiến công của Lai Châu thời điểm đó ghi nhận chỉ riêng Đại đội l (Tiểu đoàn cảnh sát cơ động của Ty Công an) trong ít ngày của cuộc chiến đã truy bắt 40 đối tượng chính trị nguy hiểm.
  Nguyên Chủ tịch MTTQ Lai Châu Mùa A Sấu nhớ lại những tháng năm oanh liệt trong Chiến tranh biên giới.
36 năm sau cuộc chiến, ông Điêu Chính Tuệ - thời điểm 1979 là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu - vẫn chưa hề quên rằng trong số thám báo, chỉ điểm có những người là hàng xóm, thậm chí là anh em họ hàng vừa hôm trước còn tay bắt mặt mừng, còn ngồi ăn chung một mâm cỗ thì hôm sau đã là những kẻ đối địch. Rất, rất nhiều câu chuyện đau lòng về tình huynh đệ sau chiến tranh vẫn được nhắc tới. “Đối với những người Trung Quốc lúc đó, khi gặp nhau tay bắt mặt mừng, họ nói như cho mình uống nước đường, nhưng có gì là trở mặt ngay. Cái trở mặt có lúc thì tàn ác, có khi khiến khó khăn kéo dài”- ông Tuệ nói.
Trở lại với câu chuyện của ông Ngàn, sau chiến tranh biên giới, ông phục vụ trong quân đội, trở thành một cán bộ nghiên cứu khoa học, và giờ là một doanh nhân tứ hải giang hồ, nhưng tuyệt nhiên chưa hề gặp hay nghe tin tức gì về Hoàng Cắm Choóng hay Dương Lệ Mẫn. Nhân chứng về sự bội bạc 36 năm trước nay vẫn còn băn khoăn tại sao những người hôm trước còn là hàng xóm láng giềng, anh em bè bạn cùng nhau ăn nắm cơm thơm dẻo, sống đùm bọc yêu thương trong sự hòa hiếu của người Cao Bằng, thì chỉ hôm sau đã trở tay để thành thù địch. “Có lẽ Vương, hay Dương cũng chỉ là nạn nhân mà thôi!”.
Nếu có gặp lại họ thì có lẽ ông cũng không thể nói điều gì. Chả lẽ nhắc lại câu chuyện lông ngỗng mà hễ là người Việt Nam tưởng đã thuộc nằm lòng?.

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...