Friday 30 September 2011

526. Chúc mứng quốc khánh hải tặc Biển Đông.

XEM LẠI TẬP TRANH: MƯU SÂU HỌA CÀNG SÂU

Mưu sâu họa càng sâu!

 
Lời dẫn của Du Tử Thành:
 

Hôm qua trên đường lang thang, tình cờ mình kiếm được tập tranh biếm họa "Mưu sâu họa càng sâu!", đả kích tập đoàn bành trướng Bắc Kinh xâm lược do Nhà xuất bản Quân Đội nhân dân ấn hành 20.200 cuốn vào tháng 12 năm 1979, khi "toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới". Các họa sĩ vẽ tranh gồm có Nguyễn Đạo Hưng, Trịnh Lập, Dương Lê, Nguyễn Nghiêm, Huy Quang, Văn Thanh. Xem lại những bức tranh này thật thú vị, và hơn nữa ta vẫn thấy được nguyên vẹn tính thời sự nóng hổi của chúng. Bọn bá quyền Bắc Kinh cho đến giờ vẫn đang tiếp tục lâm le mưu toan xâm lược thâm độc của chúng trước Việt Nam. Tiếc rằng, ngày nay chẳng ai dám đả kích đám "thiên triều" này như cách đây 30 năm, những cuốn sách như thế này cũng hiếm.
...

Mời các bạn thưởng thức một số bức hình biếm họa hay được chọn lọc trong sách:




































Chúc mừng quốc khánh hải tặc!

Thursday 29 September 2011

525. Phạm Đình Trọng - Lời cuối với Đảng

Nhà văn Phạm Đình Trọng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27 tháng 4 năm 2010

Kính gửi: Bà NGUYỄN THỊ KIM HOÀNG, Bí thư quận ủy Tân Bình, TPHCM

Đồng Kính gửi:

Ông NGUYỄN VĂN ĐUA, Phó Bí thư thành ủy TPHCM
Ông TÔ HUY RỨA, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương

Thứ hai ngày 23.11.2009, tôi đưa Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản cho chi bộ. Hơn năm tháng sau, sáng ngày 26.04.2010, bí thư chi bộ Đặng Văn Quý thuộc đảng ủy phường 15, quận Tân Bình, tpHCM đến nhà tôi giao quyết định khai trừ đảng đối với tôi. Quyết định do phó bí thư thường trực quận ủy quận Tân Bình, tpHCM kí. Trong biên bản giao quyết định có phần dành cho người nhận quyết định ghi ý kiến. Tôi rất muốn có một số ý kiến nhưng vì tôi vừa có khách đến đang ngồi đợi, tôi đề nghị cho giữ lại biên bản để viết ý kiến rồi gửi lại bí thư Quý sau. Bí thư Quý nói rằng phải nộp biên bản cho đảng ủy ngay. Tôi đành kí biên bản mà chưa kịp ghi ý kiến. Nay tôi có một số ý kiến về quyết định khai trừ đảng của quận ủy Tân Bình đối với tôi. Để ngắn gọn, tôi sẽ không đề cập đến lí luận.

Chủ nghĩa Mác Lê nin là một lầm lẫn vĩ đại, khủng khiếp nhất trong lịch sử tư tưởng triết học loài người, đã đẩy loài người vào thảm họa lớn kéo dài gần suốt thế kỉ hai mươi, làm cho thế kỉ hai mươi trở thành thế kỉ đẫm máu nhất của lịch sử loài người. Tất cả những nước theo chủ nghĩa Mác Lê nin đều phải nhận những thảm họa vô cùng to lớn, dẫn đến cái chết thảm khốc của hơn một trăm triệu người!

Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã đưa đến cho nhân dân Việt Nam những thảm họa cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, cải tạo công thương nghiệp . . .

Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt đã xây dựng, hình thành lên bộ máy công cụ bạo lực đứng trên pháp luật, trấn áp, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của người dân. Quyền ứng cử, bầu cử chỉ là hình thức. Người dân không được bộc lộ chính kiến khác với chính thống vì thế báo chí tư nhân không được phép tồn tại!

Chủ nghĩa Mác Lê nin với học thuyết chuyên chính vô sản bạo liệt, tư hữu tư liệu sản xuất bị xóa bỏ, quyền sản xuất kinh doanh cá thể, quyền tự do hoạt động mưu sinh chính đáng không được chấp nhận. Xã hội không còn bóng dáng người chủ thực sự. Kinh tế tập thể sản xuất xã hội chủ nghĩa đã biến cả xã hội thành những người làm thuê vô trách nhiệm, đẩy xã hội xuống đáy vực thẳm nghèo đói và bế tắc những năm tám mươi thế kỉ trước.

Ở bước đường cùng chủ nghĩa xã hội, buộc phải tìm lối thoát duy nhất là từ bỏ những nguyên lí hão huyền, sai lầm của chủ nghĩa Mác Lê nin, trở lại kinh tế thị trường tư bản, trả lại quyền tư hữu cho người dân, trả lại tư thế làm chủ cá thể cho những người biết sản xuất kinh doanh, biết làm cho đồng tiền sinh lời để họ trở thành động lực thúc đẩy cả nền kinh tế xã hội phát triển. Nhờ thế Việt Nam đã thoát khỏi vực thẳm, mở ra thời kì phát triển mới.

Chủ nghĩa Mác Lê nin, về lí luận đã được nhiều nhà tư tưởng hiện đại cả trên thế giới và Việt Nam chỉ ra những sai lầm, ấu trĩ, huyễn hoặc, về thực tiễn đã được cuộc sống thực trên phạm vi cả thế giới và thực tế Việt Nam chứng minh là thảm họa, bế tắc. Để tránh khỏi sụp đổ, Việt Nam đã thực sự chia tay chủ nghĩa Mác Lê nin, chia tay chế độ công hữu tư liệu sản xuất, nguyên lí cơ bản quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác Lê nin, trở về với tư hữu tư liệu sản xuất, trở về với dòng chảy tiến hóa tự nhiên của xã hội loài người là mọi cá thể được tự do mưu sinh lương thiện làm ra của cải xã hội, tạo ra kinh tế thị trường.

Nếu thẳng thắn công khai thừa nhận sự giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin thì đảng Cộng sản, con đẻ của chủ nghĩa Mác Lê nin, không còn chỗ đứng, không còn vị thế độc tôn trong xã hội phi Mác xít. Vì thế, trong thực tế đời sống, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn giã từ chủ nghĩa Mác Lê nin nhưng vẫn duy trì một xã hội Mác xít để duy trì chỗ đứng, duy trì vị thế độc tôn cho đảng Cộng sản, trong khẩu khí vẫn phải hùng hồn tuyên bố tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác Lê nin và trong đường lối kinh tế phải thòng thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Thế là sự ngụy trang đã hoàn hảo! Cả hệ thống tuyên truyền đông đảo, hùng hậu cứ việc tấu lên bài ca: Chủ nghĩa Mác Lê nin mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta! Chủ nghĩa xã hội tươi đẹp là ước mơ ngàn đời của dân tộc ta! Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sáng tạo vĩ đại của đảng ta!

Nào, xin hãy nhận dạng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xem thực chất mô hình đó là gì và vì sao có mô hình đó.

Kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa, một loại hình kinh tế và một loại hình xã hội. Mỗi loại hình đều có mặt tốt, mặt xấu, mặt hay, mặt dở, đều có phần nhân văn và phần tàn bạo, có phần vì con người lại có phần chống con người! Nếu loại bỏ cái xấu, kết hợp những cái tốt của hai loại hình này lại để tạo ra mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì thật hồng phúc cho nhân dân Việt Nam. Nhưng thực tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại là sự kết hợp ngược lại, sự kết hợp của những cái xấu!

Chủ nghĩa xã hội có hai bộ mặt, tốt và xấu, nhân văn và tàn bạo đối lập nhau rất rõ. Chủ nghĩa xã hội là một mô hình áp đặt, cưỡng bức, trái tự nhiên. Để áp đặt và duy trì được mô hình trái tự nhiên đó, chủ nghĩa xã hội phải xây dựng một hệ thống công cụ bạo lực đông đảo, mạnh mẽ và vô cùng hà khắc, bạo liệt, được lí luận về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác Lê nin gọi là bạo lực chuyên chính vô sản. Bộ máy bạo lực chuyên chính vô sản không biết đến pháp luật, chỉ biết có đảng, thẳng tay trấn áp mọi tư tưởng, mọi tiếng nói khác biệt với đảng, tước đoạt những quyền dân chủ cơ bản của một xã hội văn minh, tạo ra một không khí căng thẳng không bình thường trong xã hội, là nỗi đe dọa thường trực với trí thức, với các hoạt động văn hóa tư tưởng! Nhưng chủ nghĩa xã hội còn có bộ mặt vô cùng đẹp đẽ, hấp dẫn, mang tính nhân văn cao cả. Đó là chính sách phúc lợi xã hội chủ nghĩa. Giáo dục, y tế miễn phí là một nét son rực rỡ, là một giá trị nhân văn mà chủ nghĩa xã hội để lại trong lịch sử và ngày nay vẫn đang là niềm tự hào chính đáng của nhà nước Cuba xã hội chủ nghĩa.

Nền sản xuất công nghiệp ra đời tạo ra hai thành quả. Thành quả sản phẩm hàng hóa dồi dào dẫn đến xuất hiện kinh tế thị trường. Thành quả văn hóa tinh thần tạo ra nền dân chủ tư sản. Nền dân chủ tư sản đã pháp luật hóa quyền con người, quyền công dân, đã giải phóng tư tưởng, giải phóng sức lao động sáng tạo vô tận của lực lượng sản xuất. Kinh tế thị trường đòi hỏi và đặt ra những yêu cầu với những tài năng, trí tuệ. Trí thức được giải phóng tư tưởng, được đặt vào vị trí đi đầu trong lực lượng sản xuất, thành quả lao động trí tuệ được định giá xứng đáng dẫn đến sự nở rộ phát minh, sáng chế khoa học kĩ thuật, liên tiếp bùng nổ những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đưa xã hội loài người lên những bước phát triển huy hoàng. Đấy là bộ mặt sáng láng, rực rỡ của kinh tế thị trường. Nhưng kinh tế thị trường ở buổi ban đầu của xã hội tư bản hoang dã đã tạo ra một xã hội nháo nhào chụp giật, tàn bạo tranh cướp trong vòng quay hối hả tìm kiếm lợi nhuận. Đồng tiền trở thành chúa tể cuộc sống. Quan hệ con người với con người được Mác gọi là quan hệ “lạnh lùng trả tiền ngay”! Đấy là bộ mặt khác của kinh tế thị trường, bộ mặt tàn bạo ghê tởm!

Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chọn lọc những gì từ hình thái kinh tế và hình thái xã hội trên? Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên không thể chấp nhận tinh hoa của nền dân chủ tư sản. Cũng không có giáo dục, y tế miễn phí. Đi học từ mẫu giáo đã phải đóng tiền. Những năm học tiếp theo số tiền cha mẹ phải chi cho con đi học càng ngày càng chồng chất. Kinh tế thị trường hoang dã ngang nhiên hoành hành trong giáo dục và y tế. Ngành giáo dục làm tiền học trò đã trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối từ nhiều năm nay. Ốm đau vào bệnh viện phải trả đủ các loại tiền! Từ quyển sổ khám bệnh mỏng tang cũng phải mua giá cao. Nhiều người bệnh nghèo đành nằm nhà đợi chết vì không có tiền vào bệnh viện! Thế là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ còn là sự kết hợp của “lạnh lùng trả tiền ngay” với bạo lực chuyên chính vô sản mà thôi!

Chủ nghĩa xã hội đến bước đường cùng phải cầu cứu đến kinh tế thị trường để tìm lối thoát. Nhưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là lối thoát cho đảng Cộng sản mà thôi!

Thế giới đã qua thời kinh tế thị trường hoang dã. Nhân dân và đất nước ta cần một nền kinh tế thị trường văn minh như đang có ở tất cả các nước văn minh, một nền kinh tế thị trường có kỉ cương pháp luật, lành mạnh, bình đẳng, công bằng giữa các thành phần kinh tế, giữa các chủ thể kinh doanh, không bị phân biệt đối xử.

Những lựa chọn, những quyết định không vì lợi ích của dân tộc, của đất nước mà chỉ vì lợi ích của đảng, chỉ vì sự tồn tại của đảng! Sự tha hóa, tham nhũng tràn lan của đội ngũ cán bộ đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam nhưng cuộc sống của cán bộ lãnh đạo đảng cách biệt quá xa, cách biệt một trời một vực với cuộc sống nghèo khổ thiếu thốn của số đông công nhân và nhân dân lao động. Cái đức vì nước vì dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, cái đức cần phải có ở người lãnh đạo đã không có! Nhận chức trước hết là nhận tiêu chuẩn, chế độ, nhận quyền lợi, bổng lộc do chức mang lại đã! Sau đó sẽ dùng quyền của chức để kiếm chác dài dài! Các quan của đảng chiếm đất của dân xảy ra ở khắp nơi là một trong những sự kiếm chác đó! Trong khi Tổng thống, Thủ tướng nhiều nước công nghiệp tư bản giàu có trên thế giới đều dùng phương tiện đi lại chung với dân. Nếu có dùng phương tiện riêng do công quĩ trang bị cũng chỉ dùng phương tiện tầm tầm như của dân để gần dân, hòa vào với dân. Nước ta là nước Cộng sản, lại còn quá nghèo nhưng lãnh đạo từ cấp tỉnh đều phải có xe riêng mua sắm bằng tiền thuế của dân. Có tiêu chuẩn được mua xe riêng nên họ đua nhau lấy tiền thuế của dân mua xe đắt tiền! Lãnh đạo cấp cao ra đường thì tiền hô hậu ủng, xe cảnh sát hộ tống trước sau, còi rú như cháy nhà, huyên náo suốt chặng đường. Dân chúng hốt hỏang, ngơ ngác vội dạt ra bên đường! Sự đi lại của dân phải ngưng lại cho quan lớn của đảng đi! Một cảnh tượng rất chướng mắt và lạc lõng. Rời khỏi những cuộc họp triền miên, rời khỏi căn phòng máy lạnh kín mít, ra với nhân dân tất bật lo toan, ra với cuộc sống bề bộn, vật vã mà ra như thế thì nào thấy gì? Thế là chỉ còn tiếp xúc với cuộc sống gay gắt, sôi động của đất nước bằng những báo cáo láo, làm sao thấy được cuộc sống thật của dân để đồng cảm, chia sẻ với dân? Chính những tiêu chuẩn chế độ, những qui định đầy đặc quyền đặc lợi lỗi thời của đảng đã làm hỏng cán bộ của đảng! Người dân nhìn cán bộ đảng không thấy người Cộng sản của giai cấp công nhân đâu cả, chỉ thấy lù lù những bậc đế vương vênh vang, mãn nguyện, những ông quan phong kiến hợm hĩnh chỉ biết bòn rút của công và bóp nặn dân! Uy tín của đảng xuống thấp chưa từng có!

Chủ nghĩa xã hội đưa đất nước đến khốn cùng thì đảng tìm đến cái phao cứu sinh là kinh tế thị trường! Uy tín của đảng khốn cùng thì đảng tìm đến cái phao cứu sinh là tấm gương, là uy tín Hồ Chí Minh. Kinh tế thị trường có thể cứu được đất nước khỏi suy sụp nhưng tấm gương và uy tín Hồ Chí Minh không cứu được uy tín của đảng vì từ lâu đảng đã hòan tòan làm ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh và với những đảng viên tham nhũng rộng khắp như hiện nay thì cuộc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là sự giả dối. Với bài viết Ăn mày dĩ vãng – Thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh tôi đã thẳng thắn chỉ ra sự giả dối và những việc làm trái tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thuốc đắng gĩa tật, sự thật mất lòng. Đảng đã quá quen nghe những lời tung hô, tụng ca. Cấp trên chỉ quen chỉ thị, dạy bảo. Cấp dưới chỉ được vâng dạ chấp hành. Phê bình trong đảng chỉ là: Đồngchí còn thiếu sâu sát, tính tình còn nóng nảy, vân vân! Chỉ dám phê bình cá nhân với những khuyết điểm dễ chấp nhận, vô thưởng vô phạt, không ai dám đả động đến chủ trương, đường lối của đảng! Không ai dám phê bình hành xử của cấp trên. Nay một đảng viên thường như tôi lại dám phê phán đường lối, hành xử của đảng trung ương. Với tư duy xơ cứng, không vận động, không thức tỉnh, không tiếp nhận được hiện thực cuộc sống, chi bộ và đảng ủy nơi tôi sinh họat không thấy bài viết của tôi là một nỗi niềm đau xót, một phản biện trung thực, một đóng góp xây dựng tuy gay gắt nhưng chân thành, dũng cảm, đúng sự thật, vô cùng cần thiết cho đảng. Trong đảng lại không có dân chủ, chi ủy, chi bộ và đảng ủy không thảo luận dân chủ với tôi về những vấn đề tôi nêu ra. Chỉ có một lần hỏi tôi đã gửi bài viết tới đâu rồi ban kiểm tra đảng ủy độc đoán ra văn bản phê phán tôi, buộc tôi nhận khuyết điểm. Qua việc này tôi càng thấy rõ dân chủ trong đảng vô cùng hình thức, như tình trạng dân chủ trong xã hội ta hiện nay. Đảng viên chỉ được tụng niệm những điều từ trên dội xuống chứ không được suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Ba triệu đảng viên nhưng chỉ suy nghĩ bằng mười lăm (15) bộ não không có gì là ưu tú của bộ Chính trị! Đảng viên chỉ được học nghị quyết của Trung ương chứ không được tham gia ý kiến với Trung ương! Kẻ sĩ sinh ra là để nói sự thật, nói lẽ phải, mang hiểu biết ra giúp đời. Nhưng dù là lẽ phải mà ngược với ý đảng thì kẻ sĩ nói ra lẽ phải cũng phải rước lấy tai họa! Đầu những năm sáu mươi thế kỉ hai mươi, đảng có chủ trương di dân miền xuôi lên miền núi phá rừng khai hoang. Tiến sĩ Thái Văn Trừng lên tiếng khuyên can không nên đưa người lên phá rừng đầu nguồn gây sói mòn đất đai, tăng nguy cơ lũ lụt thì vị tiến sĩ uyên bác đầu ngành lâm nghiệp liền được cho ngồi chơi xơi nước đến hết đời! Không còn nữa những bài báo viết về rừng đầy trí tuệ, đầy tâm huyết kí tên Thái Văn Trừng! Đảng thể hiện được sức mạnh quyền uy và càng tự tin nhưng đất nước thiệt thòi, nhân dân thiệt thòi!

Đảng đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích dân tộc, coi sự tồn tại của đảng cao hơn sự tồn tại của dân tộc thì đảng viên có chức quyền cũng đặt lợi ích của cá nhân họ, gia đình họ lên trên lợi ích của đảng. Họ dùng chức quyền để mưu cầu lợi ích cho cá nhân họ, gia đình họ trước đã. Vì thế những tiêu cực, bê bối, lình xình tràn lan khắp nơi. Tiêu cực ở khắp nơi, ở mọi cấp nên việc xử lí vụ tiêu cực nào cũng dây dưa kéo dài và không vụ tiêu cực nào được xử lí đến nơi đến chốn. Trong tình hình ấy, đảng lấy tiền thuế của dân để có kinh phí rầm rộ tổ chức học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh suốt nhiều năm. In tranh ảnh, vẽ affiche, khẩu hiệu, xuất bản sách số lượng lớn. Họp hành, hội thảo liên miên. Sơ kết, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng . . . Những việc đó đều phải tiêu tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân nhưng chỉ là những việc hình thức, phù phiếm, giả dối! Thật mỉa mai khi Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn được ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh tuyên đương là cá nhân tiêu biểu xuất sắc về học tập đạo đức Hồ Chí Minh thì nhiều trang mạng liền đăng lại những vụ tai tiếng xảy ra chưa lâu của Bí thư Hồ Xuân Mãn, trong đó có vụ cá nhân tiêu biểu xuất sắc về học tập đạo đức Hồ Chí Minh đã từng bị một cô tiếp viên nhà hàng tát vào mặt giữa bàn nhậu ở ngay mảnh đất cố đô Huế nơi ông trị nhậm! Cố tỏ ra cụôc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có kết quả thiết thực, cụ thể thì lại càng lộ ra sự giả dối đau lòng!

Thấy rõ cuộc vận động rầm rộ, ồn ào này chỉ mang tính hình thức, không thật lòng, lại quá tốn kém tiền bạc của dân, tôi tham gia góp ý với đảng thì bị phê phán, bị buộc kiểm điểm nhận khuyết điểm! Sự trung thực, thẳng thắn thì không thể là khuyết điểm! Đảng không chấp nhận sự trung thực của tôi, không chấp nhận sự đóng góp chân thành của tôi thì tôi đành ra khỏi đảng để lòng trung thực không bị tổn thương, để tôi được yêu nước bằng trái tim của tôi và được suy nghĩ bằng cái đầu của tôi. Tôi đưa cho tổ chức đảng Thông báo từ bỏ đảng tịch đảng viên Cộng sản là tôi đã tự khai trừ tôi ra khỏi đảng.

Khi tôi đưa cho tổ chức đảng bài viết Ăn mày dĩ vãng... phân tích thấu đáo việc làm không thật lòng của đảng là tôi ở vị trí đảng viên đóng góp với đảng, một việc làm bình thường và cần thiết. Lúc đó tôi rất chờ những cuộc gặp với tổ chức đảng để nhìn nhận sự việc. Nhưng không có nếp sinh họat dân chủ trong đảng, đảng viên và tổ chức đảng cơ sở lại không có tư duy độc lập. Với họ, phàm là đảng cấp trên thì phải đúng! Cấp trung ương càng không thể sai! Tôi phê phán đảng cấp cao nhất là tôi không còn trung thành với đảng nữa. Tổ chức đảng không cần gặp tôi, lẳng lặng viết kết luận buộc tội tôi rồi gọi tôi đến nghe một bản luận tội nặng nề đầy áp đặt! Nhưng khi tôi đưa cho tổ chức đảng Thông báo từ bỏ đảng là tôi đã không còn là đảng viên nữa, mọi cuộc gặp của tôi với tổ chức đảng không còn cần thiết nữa, lúc đó tổ chức đảng lại nhiều lần mời tôi đến gặp! Một lề lối làm việc vừa thiếu dân chủ, vừa quá quan cách, nhiêu khê, hành chính. Và sự nhiêu khê hành chính ấy đã cho ra đời Quyết định khai trừ đảng đối với tôi sau khi tôi đã tự rút ra khỏi đảng hơn năm tháng trời!

Dù tôi đã ra khỏi đảng nhưng đảng vẫn giành cho đảng quyền khai trừ tôi. Nhận cái văn bản thể hiện cái quyền của đảng, trong tôi chợt có suy nghĩ xót xa về đảng: Đây là cái sai khai trừ cái đúng, cái giả dối khai trừ cái trung thực, cái vô cảm khai trừ cái mẫn cảm và những rôbốt khai trừ con người! Khi một con người, một tổ chức đang tha hóa thì sự khai trừ này diễn ra trong chính con người đó, tổ chức đó!

Còn nghĩ xót xa về đảng như vậy là tôi còn đau đáu với đảng lắm! Vì đảng đã là tòan bộ quãng đời làm việc, chiến đấu và cống hiến hết mình của tôi. Tôi viết những dòng này cũng là vì đảng, hoàn toàn không phải vì tôi.

Xin cảm ơn.

Trân trọng


Wednesday 28 September 2011

FW: chuong trinh tu thien Ha Giang

524.Trung Quốc đang hướng tới sụp đổ?

Đôi lời: Với sự hiểu biết sâu sắc không chỉ về tình hình chính trị Trung Quốc, mà còn về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lý, dân tộc học, thậm chí cả triết lý sống –  một điều hiếm thấy ở một nhà báo phương Tây – tác giả, ông Samuel Bleicher đã từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như đã trải qua nhiều năm sống và làm việc ở Trung Quốc. Ông Bleicher hiện là giáo sư liên kết của Ðại học Geogertown, có công ty tư vấn riêng mang tên, The Strategic Path LLC.

Qua bài phân tích này, ông Bleicher đã chỉ ra rằng, sự thay đổi chế độ ở Trung quốc không thể sớm xảy ra một cách dễ dàng, khác với các nhận định đơn giản của khá nhiều người, trong đó có một số kinh tế, chính trị gia, cho rằng, sự sụp đổ ở Trung Quốc tất yếu sẽ xảy ra một khi nền kinh tế ở nước này bị suy thoái. Ngay cả khi xung đột xã hội căng thẳng đang diễn ra ở Trung Quốc cũng khó có thể đủ để châm ngòi cho một cuộc cách mạng ở nước này.

Tuy nhiên, điều thú vị chính là ở chỗ, tác giả đã chỉ ra các kịch bản thay đổi chế độ có khả năng xảy ra, tuỳ thuộc vào các điều kiện trong và ngoài nước. Trong một thế giới liên kết chặt chẽ của thời đại toàn cầu hóa mà Trung Quốc đã chấp nhận tham gia cuộc chơi và đã được hưởng khá nhiều lợi ích từ thế giới bên ngoài, các yếu tố chính trị, kinh tế, dân chủ và quân sự bên ngoài chắc chắn ảnh hưởng đến sự thay đổi này. Nhưng quan trọng hơn cả là vận mệnh chính trị Trung Quốc, giờ đây không chỉ là ván cờ giữa các phe phái trong giới lãnh đạo Ðảng Cộng sản Trung Quốc, mà người dân Trung quốc bắt đầu đóng vai trò chính trong cuộc chơi và cũng chính họ cuối cùng sẽ là những người chiến thắng trong ván cờ này.

————

Foreign Policy in Focus

Trung Quốc đang hướng tới sụp đổ?

Samuel A Bleicher

13-09-2011

Có một hợp đồng xã hội được ngầm hiểu, đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa người dân Trung Quốc với chính quyền. [Theo hợp đồng đó] người dân chấp nhận sự chuyên chế của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, với tệ nạn tham nhũng và sự tham gia tối thiểu của công chúng [trong việc điều hành đất nước], chính quyền cộng sản Trung Quốc không ngừng cải thiện nhanh đời sống kinh tế. Nhưng hợp đồng xã hội đó đang có nguy cơ bị phá vỡ, do Trung Quốc đang trên con đường [phát triển] không bền vững, sẽ dẫn đến sự trì trệ hoặc suy giảm kinh tế trong những thập niên tới.

Thủ phạm đứng sau sự suy thoái đang đe dọa Trung Quốc là các giới hạn sinh thái, hiện đứng đầu danh sách này. Chẳng hạn như, trong quyển sách khi một tỷ người Trung Quốc hành động (Nguyên văn: When A Billion Chinese Jump), Jonathan Watts liệt kê danh mục các thảm họa sinh thái hiện tại, cũng như các thảm họa tiềm ẩn: khai thác mỏ than đến cạn kiệt ở các tỉnh miền Tây khô ráo, đánh bắt cá và hải sản quá mức, thiếu nước và ô nhiễm nước công nghiệp, khai thác các khu rừng nguyên sinh và đồng cỏ đến mức không thể phục hồi được, tất cả những điều vừa kể càng làm tăng thêm hiệu ứng do sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Kế đến là do sự điều hành thiếu hữu hiệu: các quyền sở hữu đáng tin cậy, nền hành chính trung thực, sự giám sát pháp lý công bằng. Sự điều hành thiếu hữu hiệu kể trên không những gây khó khăn về mặt xã hội, mà còn được coi như là chướng ngại quan trọng, ngăn cản nền kinh tế tiếp tục phát triển. Những nghiên cứu gần đây cho rằng, tiến bộ kinh tế tương quan với sự quản lý điều hành tốt, Mark Whitehouse công bố trên báo Wall Street Journal rằng: “Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn trong việc giúp người dân thoát khỏi thứ hạng các nước nghèo nhất. Nhưng nếu kinh nghiệm của các nước khác là một chỉ dấu nào đó, thì Trung Quốc cần một cuộc cách mạng để trở thành một quốc gia giàu có“.      

Một sức ép thứ ba lên hệ thống của Trung Quốc là sự lựa chọn kinh tế vĩ mô của chính phủ không bền vững. Theo Strafor, sự mất cân đối trong đầu tư ở Trung Quốc, cấu trúc kinh tế theo kiểu vụ lợi, chắc chắn tạo ra “một cuộc chạy đua không những giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hoặc thậm chí giữa Trung Quốc và thế giới” mà là “một cuộc đua để xem điều gì sẽ đập vỡ Trung quốc trước, sự mất cân bằng nội tại của chính Trung Quốc hay quyết định của Hoa Kỳ thực hiện biện pháp vụ lợi hơn đối với mậu dịch quốc tế“.

Khi một hoặc nhiều sức ép kể trên gây ra sự trì trệ kéo dài hoặc suy thoái kinh tế, chính quyền ÐCSTQ sẽ không thể đem lại tăng trưởng kinh tế như đã hứa hẹn. Các thảm họa kinh tế và xã hội sắp xảy ra, gồm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu thô nhập khẩu đắt đỏ ngày nhiều, nhu cầu xuất khẩu bị giảm đáng kể, các vụ bạo loạn do công nhân nghành xuất khẩu và các sinh viên đại học tốt nghiệp bị thất nghiệp gần đây, sự sụp đổ trong ngành bất động sản, lạm phát tăng nhanh và sự khan hiếm thực phẩm ở các vùng thành thị.

Một cách rõ ràng hay ngầm hiểu, nhiều điều trong các cuộc thảo luận về “con đường không bền vững” cho rằng, sự trì trệ hoặc suy thoái kinh tế sẽ huỷ diệt chế độ CSTQ, một khi chế độ này thất bại trong thực hiện được hợp đồng xã hội. Có nhiều thay đổi chế độ tương tự, từ sự sụp đổ mang tính lịch sử của các triều đại Trung Quốc và sự sụp đổ của Liên Xô cùng chế độ cộng sản ở các nước đồng minh Ðông Âu, cho đến Cách Mạng màu trong những năm 2000, và gần đây là các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập ở Tunisia, Ai cập, Yemen, Lybia và Syria.

Tuy nhiên, đặc tính của một nước Trung Quốc đương đại lại hoàn toàn khác so với những nước đã có sự thay đổi chế độ vừa kể. Đặc thù của Trung Quốc khiến cho chế độ CSTQ khó có thể tan rã đột ngột, ngay cả khi phải liên tục đối mặt với khó khăn về kinh tế. Câu hỏi thực sự là, liệu chế độ này sẽ đáp ứng bằng cách thay đổi thành một chế độ cởi mở hơn, một chế độ có sự tham gia của quần chúng, hay một nền chuyên chế ngày càng tàn bạo và bị cô lập. Chỉ có giới lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc là những người cuối cùng có thể thực hiện sự lựa chọn hệ trọng này. Hoa Kỳ và phương Tây cần đi những bước thận trọng để tránh bị cho là nguyên nhân gây ra sự nguy khốn về kinh tế ở Trung Quốc.

Tác động của các yếu tố kinh tế và văn hóa

Mặc dù có những điểm giống nhau có thể dễ dàng nhận ra, chế độ CSTQ chắc chắn sẽ không sụp đổ giống như chế độ chuyên chế toàn trị ở Liên Xô hoặc chế độ Mubarak ở Ai Cập. Trung Quốc thuộc loại khác, do vấn đề dân số và văn hóa, cấu trúc kinh tế và chính trị hợp thành một thể thống nhất có tính quốc gia, cũng như bản chất của sự đối kháng quần chúng. Quan niệm cho rằng, khi tăng trưởng kinh tế chấm dứt sẽ làm cho chế độ CSTQ sụp đổ, đã bỏ qua yếu tố thực tế về xã hội Trung Quốc.

Đặc thù của Trung Quốc trước hết là tính đồng nhất về văn hóa của nước này. Trong số 1,3 tỷ dân thì 92% là người Hán, có cùng ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và các quan điểm triết lý, và thể chất tương tự, làm giảm thiểu sự chia rẽ. Dân chúng ở các vùng tự trị Quảng Châu, Nội Mông, Tây Tạng, và Tân Cương có đặc thù ngôn ngữ, văn hóa, diện mạo, và với nhiều mức độ khác nhau, họ xem mình không phải người Hoa. Nhưng không một sắc tộc nào trong số 56 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc có đông hơn 1,25% dân số Trung Quốc. Tây Tạng là những người được quốc tế biết rõ nhất, dân số cũng chưa tới 6 triệu người. Hơn nữa, thực tế địa lý ràng buộc chặt chẽ giữa các vùng tự trị đó với Trung Quốc về mặt kinh tế, và chế độ CSTQ đang thúc đẩy các mối liên hệ đó qua việc di cư người Hán.  

Liên Xô là nước có “kịch bản thay đổi chế độ” duy nhất gần giống Trung Quốc về mặt qui mô dân số, nhưng ngay từ đầu, Liên Xô đã là một liên bang, gồm các nước cộng hòa tách biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và có mức sống khác nhau. Phần lớn những nước đã từng trải qua sự thay đổi chế độ là những nước nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều và không đồng nhất về văn hóa. Ai Cập là nước lớn nhất trong các nước xảy ra cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, cũng chỉ có 78 triệu người, và khoảng 90% dân số theo đạo Hồi. Năm trong mười tám tỉnh ở Trung Quốc có dân số lớn hơn thế. Nước lớn nhất đã xảy ra Cách Mạng màu là Ukraine, có dân số dưới 50 triệu người, trong đó có 20% là người sắc tộc và sử dụng tiếng Nga.

Văn hóa Trung Hoa đã duy trì tính liên tục bền vững, nhưng cấu trúc kinh tế và xã hội đã thay đổi một cách đột ngột trong 30 năm qua. Hầu hết các hoạt động kinh tế giờ đây là một phần của một thể hợp nhất, với các công ty nhà nước và tư nhân trên danh nghĩa do chính quyền chỉ đạo, hợp tác để mở rộng sản xuất. Khoảng một nửa dân số sống ở thành thị. Chính sách định hướng xuất khẩu về “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” đã khiến các vùng duyên hải giàu có phụ thuộc nặng nề vào sự thâm nhập thị trường nước ngoài và nguồn lao động nội địa, cũng như nguyên liệu thô.

Khác với các triều đại Trung Quốc trước đây, nông nghiệp không còn là yếu tố chi phối hệ thống kinh tế Trung Quốc. Nền tài chính của chế độ CSTQ không còn phụ thuộc vào thuế của các sản phẩm nông nghiệp. Thay vào đó, Trung Quốc trợ cấp các vùng nông thôn bằng ngân quĩ có được từ xuất khẩu. Nguồn dự trữ ngoại tệ dùng để nhập khẩu thực phẩm trong giai đoạn đói kém và hạn hán. Một cuộc nổi dậy của nông dân giống như thế đã từng bị các triều đại phong kiến đàn áp, khó có thể xảy ra để lật đổ chế độ hiện tại.

Nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô không có sự trao đổi mậu dịch với nước ngoài, các sản phẩm và dịch vụ còn tương đối thô sơ và bị lệch theo hướng có lợi cho Moscow và St. Petersburg (2 trung tâm quyền lực chính trị của Liên Xô thời bấy giờ – ND). Các nước cộng hòa ở châu Âu và các đồng minh Liên Xô đã dự đoán chính xác rằng, có thể cải thiện nhanh mức sống bằng cách thoát khỏi Liên Xô và mở cửa giao thương với Tây Âu. [Trong khi đó] không hề có sự thúc đẩy tương tự ở một vùng nào của Trung Quốc vốn đã được hưởng lợi từ thương mại quốc tế cũng như đang dựa vào mậu dịch quốc tế. Bất kỳ tỉnh nào cố tách ra khỏi Trung Quốc sẽ chịu hậu quả nặng nề về mặt kinh tế.

Mặc dù thu nhập trung bình ở Trung Quốc gần bằng những nước đã trải qua cách mạng Mùa xuân Ả Rập và Cách Mạng màu, hơn 200 triệu người Trung Quốc hiện đang được hưởng đời sống “trung lưu” thành thị. Tình trạng kinh tế của họ phụ thuộc vào sản xuất ở các xí nghiệp, xây dựng, thương mại quốc tế và tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc năm 2008 là 4%, và hầu hết mọi người đều có việc làm vì lý do kinh tế lẫn văn hóa. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2008 được báo cáo là 30% ở Lybia, 14% ở Tunisia và 8% ở Ai Cập và đó là con số trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không kể đến xuất khẩu dầu, những nước Ả Rập này là những nước kém phát triển nhất, năng suất lao động kém hiệu quả nhất trên thế giới.
Các lực lượng chính trị đối lập

Giờ đây, chế độ CSTQ thực hiện theo mô hình lãnh đạo ở các tập đoàn công ty, với các nhiệm kỳ đã được xác định rõ, đem lại một mức độ ổn định mà các chế độ cộng sản khác chưa bao giờ đạt được. Sự quá đáng của Mao và “Bè lũ bốn tên” cảnh báo chống lại bất cứ điều gì dẫn đến sự cai trị của một người. Trung Quốc mong muốn được quốc tế tôn trọng, với khuynh hướng có tính văn hóa sâu sắc, ủng hộ sự đồng thuận, ngăn cản bất cứ ý kiến cấp tiến nào, nên chỉ có thể quyết định được những chuyện nhỏ mà mọi người đồng thuận (*). Chế độ ủy ban không rõ ràng là sự tương phản của chủ nghĩa “sùng bái cá nhân”, có mặt ở hầu hết các nước đã trải qua sự thay đổi chế độ đột ngột.

Mục tiêu của chế độ CSTQ là “một xã hội hài hòa” dựa trên “qui luật phát triển khoa học”. Một số ít người Trung Quốc nghi ngờ giới lãnh đạo trung ương muốn cải thiện kinh tế tốt hơn, bất cứ điều gì họ nghĩ tới, đều dẫn đến vấn đề nhân quyền. Một lực lượng đối lập thống nhất chống lại các ủy ban hoạt động theo phương pháp đồng thuận thì khó hơn là chống lại một cá nhân lãnh đạo tự khoe khoang, tô vẽ, rất dễ nhìn thấy.

Về mặt hành chính, chế độ CSTQ là một thể chế thống nhất. Quan chức trong các tỉnh thay phiên nhau điều hành và thường ít có sự liên hệ với hệ thống pháp lý mà họ điều hành. Tương tự, quân đội cũng hoạt động như một tổ chức quốc gia thống nhất. Các sỹ quan quân đội cao cấp là đảng viên Ðảng Cộng sản, tham gia một cách tích cực. Sự sắp đặt này nhằm cổ vũ cho sự trung thành đối với thể chế quốc gia và ngăn chặn các liên minh đối lập hoặc các lực lượng ly khai tiềm ẩn.

Do mối liên hệ sâu sắc về chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, hoạt động [của đất nước] sẽ không thực tế nếu thiếu [sự điều hành của] một chính phủ trung ương hữu hiệu. Phá vỡ [sự thống nhất quốc gia] sẽ bị nguyền rủa về mặt tâm lý đối với đa số người dân Trung Quốc, những người được học về một nước Trung Quốc “yếu đuối” bị các cường quốc đế quốc làm nhục hồi thế kỷ 19.  Bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng sẽ làm cho người dân Trung Quốc đoàn kết để chống lại.

Hơn nữa, trong một thế giới được trang bị vũ khí nguyên tử và liên kết với nhau về mặt kinh tế, các nước khác cũng muốn làm việc với một chế độ trung ương có quyền hành về quân đội, chính trị và kinh tế. Việc các cường quốc và các tổ chức quốc tế tiếp tục công nhận chế độ CSTQ sẽ phá hoại các phong trào đối lập và ly khai. Thời kỳ “các nước trong tình trạng chiến tranh” xuất hiện trở lại (hoặc đưa Ðài Loan trở về với Đại Lục) là điều không thể tưởng tượng có thể xảy ra trong thế kỷ 21.

Hàng ngàn người biểu tình phản đối chính quyền, các vụ biểu tình, nổi loạn và các hành động bạo lực đã xảy ra ở Trung Quốc hàng năm. Nhưng hầu như tất cả đều phát sinh từ những hành vi tệ hại ở cấp địa phương hoặc công ty: các kiểu làm ăn suy đồi [về đạo đức] như: giả mạo thực phẩm, xây dựng trường học bằng hàng dỏm, làm ô nhiễm môi trường hoặc đối xử tuỳ tiện với những người dân dám thách thức các quan chức tham nhũng. Các nhóm chống đối thường kêu gọi sự giúp đỡ của [chính quyền] Bắc Kinh, thỉnh thoảng chính quyền cũng trở thành anh hùng do thực hiện các hành động sửa sai.

Chế độ CSTQ tấn công dữ dội vào bất kỳ tổ chức quốc gia nào mà họ không công nhận, dù là tổ chức tôn giáo (Pháp Luân công) hay chính trị (Tuyên ngôn 2008). Lo sợ về một cuộc “Cách mạng hoa nhài” ở Trung Quốc hay các cuộc biểu tình nhỏ tổ chức trên mạng Twitter đã xảy ra trong năm 2011, các bộ phận an ninh Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đánh phủ đầu, kể cả việc bắt giữ và làm biến mất những người “gây rối” như họa sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị và 20 luật sư nhân quyền hàng đầu của nước này. Chế độ này cũng bắt đầu kiểm soát các phương tiện liên lạc điện tử hết sức tinh vi. Những hành động đó đã vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa nhỏ nhặt nào có thể tồn tại mà họ thấy.

Thời Trung Hoa đương đại chỉ có vài sự kiện có thể tập trung sự giận dữ ảnh hưởng tới chế độ. Các cuộc bầu cử có nhiều ứng viên trong nội bộ đảng chỉ xảy ra ở cấp địa phương. Chẳng có sự thống nhất quan trọng nào có thể so sánh được với các cuộc bầu cử gian lận ở những nước xảy ra Cách Mạng màu. Bất kỳ sự chống đối đáng kể nào đối với thể chế quốc gia này đều phải đối mặt với thực tế khó khăn lớn, khi thiếu một tổ chức hoặc không có những người lãnh đạo ở tầm quốc gia.

Sự bất bình về tai nạn tàu cao tốc gần Ôn Châu xảy ra gần đây đã lan rộng trong quần chúng và tiếp theo là sự che đậy bằng cách dập tắt các tin tức có liên quan, cho thấy có khả năng [xảy ra] một kiểu châm ngòi khác [cho quần chúng]. Bộ Ðường sắt Quốc gia chịu trách nhiệm trực tiếp về chương trình tàu cao tốc, và vì vậy sự căm ghét của công chúng nhắm trực tiếp vào cấp trung ương của chế độ CSTQ. Chính quyền đã sa thải 3 viên chức cao cấp trong Bộ Ðường sắt và chắc chắn sẽ đền bù thiệt hại cho những người bị thương, nhưng các hành động như thế không giải quyết được mối lo ngại sâu sắc của người dân về chính sách, sự minh bạch, và xử lý vấn đề đúng luật. Một thảm họa lớn như vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân Fukushima tan chãy có thể dấy lên sự chống đối chế độ CSTQ mạnh mẽ và liên tục. Tuy nhiên, mặc dù các dự án được kiểm soát ở tầm quốc gia, đặc biệt là các nhà máy năng lượng hạt nhân, sẽ trở nên phổ biến hơn khi Trung Quốc tiến bộ hơn về mặt kỹ thuật, khả năng một tai nạn lớn có thể làm rung chuyển chế độ CSTQ dường như rất nhỏ.

Ðiều gì sẽ xảy ra với chế độ Cộng sản Trung Quốc

Những ví dụ về ‘kịch bản thay đổi chế độ’ cho thấy, người dân bị thúc đẩy để lật đổ các chế độ toàn trị khi chính quyền ở những nước này đe dọa sự sống còn của các phe nhóm không đủ mạnh, thất bại trong việc lập chính sách giải quyết vấn đề thất nghiệp và lạm phát cao, hoặc tham gia các hoạt động phi pháp trắng trợn để tiếp tục nắm quyền, khi đương đầu với sự giận dữ của đông đảo quần chúng chống đối. Những điều vừa kể, không có điều nào áp dụng vào tình hình Trung Quốc hiện nay.

Tuy nhiên, suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi. Một kết quả có thể xảy ra [do suy thoái] sẽ là đấu đá chính trị nội bộ làm cho các phe phái suy yếu hơn, khi tìm cách bảo vệ phần (kinh doanh, tài sản) của họ trong một nền kinh tế trì trệ. Một kết quả khác nữa là Trung Quốc sẽ ngày càng bận tâm đối phó với thách thức nội bộ và ít quan tâm đến vai trò lãnh đạo, hay thậm chí vai trò đáp ứng trong quan hệ toàn cầu.

Ðể giảm bớt sự bất mãn cao độ [trong quần chúng] về việc điều hành kinh tế kém cỏi liên tục kéo dài, ÐCSTQ có thể sẽ không bầu lại người giữ chức chủ tịch thêm nhiệm kỳ thứ hai, hoặc thậm chí chủ tịch có thể từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, những điều làm cho kinh tế suy thoái sẽ không biến mất. Không có chủ tịch mới nào sẽ có thể ngăn chặn được sự suy thoái.

Ban lãnh đạo mới có thể không làm vừa lòng công chúng được lâu, đặc biệt do sự thay thế này cũng đến từ một quá trình [chọn lựa] không rõ ràng như cũ và cũng từ những cán bộ cũ là đảng viên ĐCS Trung Quốc. Khác với một cuộc bầu cử thực sự, quá trình thay thế lãnh đạo này sẽ không tạo ra sự tin tưởng trong dân chúng về các nhà lãnh đạo mới, hay bất kỳ sự quan tâm nào đến sự thành công của họ. Khôi hài hơn, sự thay đổi trong giới lãnh đạo ĐCSTQ không dự trù trước có thể bị coi như thừa nhận thất bại, điều này thúc đẩy nhu cầu thay đổi hệ thống chính trị thực sự hơn nữa. Kết quả cuối cùng có thể lại là sự lo sợ hoang tưởng hơn trong giới lãnh đạo, dẫn tới sự thay đổi mang tính hình thức, gia tăng ảnh hưởng hoặc thậm chí nắm quyền quân đội và các cơ quan an ninh.

Do phải đối phó với các vấn đề vô cùng khó khăn về môi trường và kinh tế, chế độ ÐCSTQ có thể sẽ cố thử nhiều cách cải cách khác nhau như kiểu công khai (glasnost) và đổi mới (perestroika), cho phép sự tham gia chính trị rộng rãi hơn [trong dân chúng]. Mục tiêu của những cải cách này là giảm bớt nỗi bất bình trong dân chúng, cho người dân có cảm giác lớn hơn trong việc tham gia và ủng hộ chính sách của chế độ.

Chiến lược này gồm, gia tăng nỗ lực giảm bớt tệ nạn tham nhũng ở địa phương. Cho phép sử dụng nhiều hơn hệ thống toà án, điều trần chính phủ, truyền thông và các hệ thống khác để dân chúng bày tỏ nỗi bất bình, cũng như sửa sai, bồi thường. Những điều vừa kể, có thể lái sự tức giận của công chúng sang hướng khác, tránh sự nổi đậy. Những bước đi đó có lẽ là chiến thuật tốt nhất để bảo đảm sự sống còn của chế độ về lâu dài, vượt qua thời kỳ khó khăn trước mắt.

Tuy vậy, việc mở rộng sự thay đổi để quần chúng tham gia [điều hành đất nước] là điều tất yếu. Rõ ràng là chế độ CSTQ hiện nay tin tưởng rằng, bất kỳ sự phát tán quyền lực cai trị đáng kể nào, cũng sẽ dẫn đến sự suy yếu không thể chấp nhận được, hoặc dẫn đến sự kết thúc của chế độ. 

Một khả năng tiềm ẩn khác là, khi nền kinh tế liên tục trì trệ, bất mãn sẽ gia tăng, điều này sẽ thúc đẩy gia tăng cường độ đàn áp các tổ chức, cũng như đàn áp những tiếng nói đối lập thật sự hoặc tiềm tàng. Ông James Fallows, một nhà quan sát nhạy bén cho rằng, quá trình này đã bắt đầu, ở một mức độ nào đó là các phản ứng của chính quyền đối với cách mạng Mùa Xuân Ả Rập. Kết quả là sự gia tăng ảnh hưởng của quân đội và các cơ quan an ninh có thể đẩy chính sách của chính quyền theo hướng đàn áp và độc tài hơn. Một đặc tính của nhiều chế độ toàn trị đó là, dần dần biến thành chủ nghĩa quân phiệt và về mặt này có lẽ Trung Quốc không phải là trường hợp ngoại lệ.

Về lâu dài, các biện pháp này dường như có thể phát sinh sự bất mãn và chống đối nhiều hơn trong dân chúng khi điều kiện kinh tế và chính trị không được cải thiện. Nếu sự chuyên chế toàn trị và kinh tế thường xuyên sa sút, kèm theo nạn tham nhũng tiếp tục, tự tung tự tác, đàn áp, bất công, và nếu các quyền lợi của giới công chức, chính trị và kinh tế làm cho các nguồn tài nguyên chệch khỏi quyền lợi của toàn bộ dân chúng, chế độ CSTQ cuối cùng sẽ phải đối mặt với sự chống đối của đông đảo quần chúng. Trong cơn tuyệt vọng, chế độ này thậm chí có thể đe dọa các nước láng giềng bằng quân sự, hoặc một thủ đoạn chính trị nội bộ có tính toán, hoặc là kết quả của một sự sợ hãi và hoang tưởng trong giới lãnh đạo. Kết quả này có khả năng sẽ tàn phá cả Trung Quốc lẫn thế giới bên ngoài.   

Phương tây và sự suy thoái của Trung Quốc

Rất nhiều bằng chứng cho thấy, sự tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc không bền vững do nhiều nguyên nhân. Nếu quả thực như vậy, Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn, bất kể đặc trưng của chế độ cai trị như thế nào. Sự suy thoái của Trung Quốc, đặc biệt nếu gây ra tình trạng hỗn loạn ở đó, có thể gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc như một cỗ máy cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như một đối tác về hợp tác hòa bình trong vấn đề kiểm soát phổ biến hạt nhân. Sự trì trệ hoặc suy thoái  kinh tế lâu dài [ở Trung Quốc] ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.

Trong ba thập kỷ qua, Hoa Kỳ và châu Âu theo đuổi một loạt chính sách thiết kế nhằm đưa Trung Quốc vào hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trong Quốc Hội [Mỹ] lập luận rằng, Trung Quốc hiện quá mạnh, đã đến lúc phải đòi Trung Quốc thay đổi chính sách vụ lợi về định giá tiền tệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các vấn đề nhân quyền. Nhưng thay đổi hướng đi của Mỹ và châu Âu trong lúc này có thể là bước đi không thích hợp.

Mặc dù Trung Quốc hiện nay có vẻ giống một đối thủ chính trị và kinh tế đang trỗi dậy, tình trạng đó có thể nhanh chóng bị đảo ngược. Các dự đoán sai lầm về “Nhật Bản là số một” cách nay ba thập niên, nên dùng để cảnh báo thế giới bên ngoài, không nên phản ứng quá mức về “mối đe dọa Trung Quốc“. Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ trong việc đáp trả chính sách vụ lợi về tiền tệ và trao đổi mậu dịch, cũng như không tuân thủ các quyền sở hữu trí tuệ, cho dù chính đáng, nhưng có thể gây ấn tượng ở Trung Quốc, rằng Hoa Kỳ đã tạo ra, hay ít nhất cũng đã thúc đẩy và làm cho kinh tế Trung Quốc suy thoái trầm trọng hơn. Hoa Kỳ nên tránh, không để cho ÐCSTQ có bất cứ lý do nào cáo buộc Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra các tai họa ở Trung Quốc. Nếu toàn bộ người dân Trung Quốc xem Mỹ là nguyên nhân gây ra tai họa, thì quan hệ Mỹ – Trung có thể bị hủy hoại trong nhiều thập kỷ.  

Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng nên nhìn nhận rằng, khi kinh tế Trung Quốc xấu đi, bất kỳ sự vận động quân sự mang tính đối đầu nào cũng dễ gặp phải sự leo thang [chống đối], hơn là sự nhân nhượng. Sự đối đầu có thể đẩy chế độ CSTQ vốn đang chật vật, thực hiện chủ nghĩa yêu nước hiếu chiến, tập hợp dân chúng đứng lên. Chế độ CSTQ đã tẩy não người dân và sử dụng tình cảm chống Nhật như mục đích chính trị đối với những người Trung Quốc sinh ra sau Đệ nhị Thế chiến rất lâu. Chiêu bài “mối đe doạ ngoại bang” sẽ được dùng để cổ vũ dân chúng đoàn kết, cũng như biện hộ cho bất kỳ sự đàn áp nào đối với thành phần đối lập trong nội bộ xuất hiện, dù đó là sự chống đối thực hay chỉ là cảm  nhận. Chế độ CSTQ cũng ưu tiên gia tăng chi tiêu quốc phòng và đánh lạc hướng quần chúng khỏi các diễn biến bất lợi về sinh thái cũng như kinh tế. Hoa Kỳ nên thật sự cố gắng, tránh trở thành kẻ thù mới của Trung Quốc. Mỹ cần đi những bước thận trọng để tránh làm cho sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc càng tồi tệ hơn, cho cả Trung Quốc lẫn các nước còn lại trên thế giới.  

Nguyễn Trùng Dương dịch từ Foreign Policy in Focus

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

———–

Ảnh: Tập Cận Bình, có thể là lãnh đạo mới của Trung Quốc.

Ghi chú của editor:

(*) China’s desire for international respectability, along with a deep cultural bias favoring consensus, discourages anything more radical than “muddling through”: Do văn hóa Trung Quốc không chấp nhận sự khác biệt, nên tất cả mọi người phải đồng thuận về một vấn đề nào đó thì mới thông qua. Trên thực tế, con người vốn sinh ra đã không giống nhau, nên rất khó có thể tìm sự đồng thuận của tất cả mọi người trong cùng một vấn đề. Vì không chấp nhận ý kiến khác biệt, nên Trung Quốc không thể thực hiện những quyết định lớn, bởi thiếu sự đồng thuận của tất cả mọi người, mà chỉ có thể thực hiện những việc nhỏ. Điều này hoàn toàn trái ngược với văn hóa Mỹ và phương Tây: chấp nhận sự khác biệt.


Sunday 25 September 2011

523. UltraISO Premium Edition 9.3.6 Build 2750

UltraISO Premium Edition 9.3.6 Build 2750



UltraISO là chương trình chỉnh sửa, tạo mới nội dung file ISO rất mạnh mà không làm hỏng cấu trúc, làm mất khả năng boot của file ISO nếu có. UltraISO cho phép bạn tạo file ảnh của đĩa CD\DVD, tạo file ảnh từ dữ liệu trên đĩa cứng, trích xuất một phần hay toàn bộ nội dung của file ảnh, thay thế thêm bớt file, thư mục vào file ảnh.

1. Tạo file ảnh từ đĩa CD\DVD

Đối với đĩa CD\DVD có khả năng boot như Hiren'sBootCD, bộ cài Windows,... thì bạn không thể sao chép đĩa đó vào ổ cứng như thông thường được, vì làm như vậy thì Hiren's BootCD, bộ cài Windows,.. sẽ không còn khả năng boot được nữa. Để có thể sao chép được đĩa Hiren's BootCD, bộ cài Windows,.. vào đĩa cứng thì ta cần phải tạo file image của CD\DVD đó. Để tạo file image của đĩa CD\DVD thì bạn cần bỏ đĩa vào ổ đĩa và chạy UltraISO. Bạn click vào menu Tools > Make CD\DVD Image (hoặc bấm phím tắt F8).

Trong khung Make CD\DVD Image bạn chọn ổ đĩa CD\DVD Driver nếu bạn có nhiều ổ đĩa. Bạn chọn hết cả 2 tùy chọn trong Read Options, chọn nơi lưu file image trong Output FileName, và chọn định dạng ảnh muốn tạo ( ngầm định là ISO), sau đó click Make để UltraISO bắt đầu tạo file image của đĩa CD\DVD.



2. Tạo file ISO từ các dữ liệu ( file, thư mục, Documents,...) trên ổ cứng

Để tạo file từ các dữ liệu trên ổ cứng bạn cần phải tạo file ISO mới bằng cách click vào File > New và chọn định dạng mà bạn muốn. Sau đó bạn kéo thả file, thư mục vào UltraISO. Bạn thu nhỏ cửa sổ của UltraISO và thư mục, ổ đĩa bạn muốn kéo thả file vào UltraISO sao cho 2 cửa sổ này không nằm đè lên nhau, sau đó chọn file và thư mục bạn muốn.




Nếu không quen với cách kéo thả bạn có thể vào menu Actions và chọn Add Files để nhớ file, Add Directory để nhớ thư mục.

3. Thêm, bớt, trích xuất nội dung file ISO.

Click vào File > Open ( Ctrl + O) để mở file ISO mà bạn muốn thay đổi. Kéo thả file thư mục muốn thêm vào cửa sổ của UltraISO ( như bước 2). Để xóa file thư mục bạn chọn file, thư mục cần xóa rồi bấm phím Delete trên bàn phím. Để Extract file, thư mục từ file ISO xuống ổ cứng bạn chọn ( bôi đen) file, thư mục cần Extract và chọn Extract To trong menu chuột phải (hoặc ấn F4) và chọn nơi lưu.


Sau khi biên tập file ISO xong bạn cần Save (Ctrl + S) để lưu lại các thay đổi. Do UltraISO lo xa nên mỗi khi bạn chỉnh sửa thay đổi file ISO UltraISO đều lưu lại bản gốc ( chưa thay đổi ) để khi cần bạn có thể lấy lại nếu sự thay đổi của bạn là không hợp lý, có hại với phần mở rộng là uibak.


4. Chuyển đổi giữa các dạng file ảnh.

+ Chuyển đổi từ định dạng ISO sang định dạng khác.

Bạn mở menu Tools > Convert. Trong khung Input Image Filesname(s) bạn click vào nút có dấu 3 chấm để chọn file cần chuyển đổi. Trong khung Output Directory bạn chọn nơi lưu file đã chuyển đổi, khung Output Format bạn chọn định dạng muốn chuyển. Nhấn Convert để bắt đầu chuyển đổi.


+ Chuyển các định dạng khác về ISO.

Nếu bạn đã từng tải nhiều file image của phần mềm thì hẳn bạn đã từng gặp rất nhiều định dạng khác nhau của file image như: nrg, vcd, bin, bif, img, mdf, mds, ashdisc,... Để tiện bề quản lý cũng như thống nhất định dạng bên nên chuyển các định dạng khác thành định dạng chuẩn, thống nhất như ISO. Để chuyển đổi bạn click vào File > Open. Tại khung Files of type bạn kéo xuống và chọn All Files để chọn tất cả những định dạng mà UltraISO hỗ trợ.

Sau khi chọn được file cần chuyển đổi bạn click vào menu File > Save hoặc Save As trong UltraISO, chọn định dạng là ISO ( Standard ISO), click Save để lưu với định dạng ISO.


5. Thêm, xóa, tạo, trích xuất phần khởi động.

Nếu file ISO có khả nănh boot thì sẽ có chữ Bootable CD\DVD nằm ở bên dưới các menu. Nếu không có chữ Bootable CD\DVD này ISO không có khả năng boot ( file ISO chứa dữ liệu chứ không phải bộ cài hay file boot của các đĩa CD\DVD boot) hoặc file ISO này bị mất khả năng boot.


Bạn mở file ISO bằng UltraISO, trong menu Bootable bạn chọn:

- Extract Boot File from CD\DVD: Trích file boot trực tiếp từ CD\DVD.
- Load Boot File: chèn ( thêm, tải ) file boot vào file ISO. Một số đĩa cài windows do người ghi, làm ra không cẩn thận nên chỉ có bộ cài mà đĩa không thể boot được do không có file boot. Bạn chỉ cần tạo file ISO của đĩa đó và lưu vào đĩa cứng, sau đó dùng UltraISO mở ra và chèn file boot vào file ISO đó là nó đã có khả năng boot, tất nhiên đó là file boot của dúng phiên bản Windows bạn cần chèn mà không phải file boot của bộ cài windows hay linux nào khác.



- Save Boot File: Trích file boot từ file ISO thành file boot riêng có phần mở rộng là bif. Bạn có thể dùng file boot này chèn vào các file ISO của bộ cài windows, linux hay các Cdboot như Hiren's BootCD không có khả năng boot do bất cẩn, sơ ý.
- Clear Boot Information: Xóa khả năng boot của file ISO.


6. Tạo và sử dụng đĩa ảo.

Tính năng này cho phép bạn đưa file Image của đĩa CD\DVD vào ổ CD\DVD ảo. Một số games, phần mềm bắt buộc phải được cài đặt, và truy xuất thông tin trên đĩa CD\DVD như các đĩa games. Lợi ích của việc sử dụng ổ đĩa ảo là bạn có thể truy cập bình thường như ổ CD\DVD thật mà không sợ hư hỏng ổ CD\DVD do tần xuất truy cập nhiều.


Để đưa Image của đĩa CD\DVD vào ổ CD\DVD ảo bạn chạy UltraISO, trong Tools > Mount to Virtual Driver (hoặc bấm F6). Trong Virtual Driver ở Image Files bạn click vào để chọn file image. Sau khi chọn xong bạn click vào Mount để đưa file Image vào ổ CD\DVD ảo. Lúc này bạn có thể truy xuất và cài đặt file từ trong CD\DVD ảo, bạn không nên tắt UltraISO đi. Hoặc có thể click chuột phải vào file CD\DVD ảo và chọn Mount to drive K (Mount vào ổ cd\dvd ảo ).


Khi đã làm xong, cài đặt, chơi games xong bạn cần click vào Umount hoặc click chuột phải vào ổ CD\DVD ảo và chọn Eject để đưa file image ra khỏi ổ CD\DVD ảo, click vào Close để kết thúc.

7. Nghe nhạc, ghi đĩa audio, trích xuất file audio từ đĩa CD\DVD audio.

Nếu như bạn copy file audio từ đĩa CD\DVD audio bằng cách copy từng file audio trên đĩa vào đĩa cứng thì bạn chỉ copy đước các file có dung lượng là 1 Kb, không phải là các file audio nên không thể nghe được bằng các chương trình nghe nhạc như Windows Media Player, Winamp,...


Bạn bỏ đĩa CD\DVD audio vào ổ đọc nếu đã ghi ra đĩa. Trong UltraISO bạn click vào File > Open nếu bạn có file image của đĩa CD\DVD audio, File > Open CD\DVD nếu bạn đã ghi ra đĩa, khi đó bạn cần bỏ đĩa vào ổ


Nếu bạn muốn nghe thử trước khi trích xuất thì bạn click vào file audio và click vào nút play để nghe. Khi ưng ý bạn click chuột phải vào file cần trích xuất và chọn:

Extract MP3 File: trích file audio thành file mp3 và lưu vào Documents\My ISO Files.
Extract MP3 File to: trích file audio thành file mp3 và lưu vào thư mục bạn chỉ định.
Đối với file WMA làm tương tự như file mp3.
Bạn có thể lựa chọn chất lượng của file audio sau khi xuất ra như: tỷ lệ Bitrate, Format trong menu Options > Cofigurations > Audio.



Để ghi đĩa Audio CD bạn click vào File > New >Audio CD Image, sau đó kéo thả file mp3, wma,... sau khi đủ dung lượng đĩa bạn click vào Burn CD\DVD Image để ghi.

8. Ghi file image lên đĩa CD\DVD

UltraISO có khả năng khi đĩa trực tiếp mà không cần phải cài thêm phần mềm ghi đĩa nào khác như Nero chẳng hạn. Để ghi đĩa bạn click vào menu File > Open để mở file image của đĩa CD\DVD.

Home Page

Download UltraISO PE 9.3.6.2750 Full
Only Keygen-ZWT
Or
http://dw.ezbsys.net/uiso9_pe.exe

Name:
UW-Madison Executive Education
Code:
1519-E287-A828-A24A

Name:
TEAM ZWT
Code:
4FFB-6D99-4A3D-07B9

Name:
TEAM CRK-VN
Code:
953F-3BD9-CB45-BE61
Screenshot after Installation:

Thay đổi nội dung bởi chienthan_21_07; 12-02-2010 lúc 13:58.

522. Hà Nội ngày 26/09/2011 ( không có biểu tình)

Biểu tình ( không) ngày 26/09/2011.

Sáng nay không có biểu tình, nhưng vẫn có những hình ảnh vui vui, mời bà con:

Mừng sớm quốc khánh Trung Quốc ? (Vườn hoa Lê Nin, đối diện Sứ quán TQ)

Đây rồi … các “biểu tình viên” …

Và đối thoại với các anh an ninh Hoàn Kiếm

“Trực chiến”

Lộc vừng bắt đầu trổ hoa



679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...