Sunday 27 February 2011

310.Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai? - Bài 1: Sở hữu toàn dân quá mù mờ

Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai? - Bài 1: Sở hữu toàn dân quá mù mờ

Nguồn: Báo PLTP.VN
Ngoài quyền sử dụng ghi trên giấy đỏ, Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn. Như vậy, có đến 80% nội dung đã là sở hữu tư nhân rồi.

LTS: Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 ở Đà Nẵng vào cuối năm 2010, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu quan điểm cá nhân: “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!”.

Cương lĩnh 2011 của Đảng đã không còn xác định “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” như Cương lĩnh 1991. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là đã “mở” ra cho việc sửa Hiến pháp và Luật Đất đai theo hướng cho sở hữu tư nhân về đất đai. Với mong muốn góp thêm những thông tin đa chiều về vấn đề lớn này, Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài nêu quan điểm riêng của một số chuyên gia xung quanh chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam.

“Sở hữu toàn dân về đất đai có phải có nghĩa là bất kỳ một m2 đất nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng là của chung, của hơn 80 triệu người dân Việt Nam?” - luật gia Vũ Xuân Tiến đặt câu hỏi. Thực tế cho thấy hàng triệu thửa đất trên cả nước về danh nghĩa thuộc sở hữu toàn dân. Song hơn 80 triệu dân trong nước không thể thực hiện được một cách tập thể các quyền của chủ sở hữu, họ không thể cùng định đoạt và cùng hưởng lợi.

Khi thất thoát khó quy trách nhiệm

“Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu là không chuẩn về mặt khái niệm. Vì không rõ toàn dân là ai, những ai có quyền nhân danh Nhà nước để nắm quyền sở hữu đó. Do vậy, trong thực tế, quyền sở hữu này trở nên mù mờ và rất dễ bị lạm dụng” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ rõ.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, sở hữu về đất đai là vấn đề rất hệ trọng. “Trong khi đó, cụm từ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” theo tôi là hết sức mơ hồ! Ở Quốc hội khóa XI, khi thảo luận về dự thảo Luật Đất đai năm 2003, tôi đã phát biểu thế này: “Quyền sở hữu toàn dân là một thứ hư quyền, là chẳng phải của ai cả. Trong khi đó, về lý thuyết, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Đó là một thứ quyền rất mỏng manh”” - ông Quốc nói.

Ngoài quyền sử dụng ghi trên giấy đỏ, người dân rất có nhiều quyền định đoạt nhà đất của mình. Trong ảnh: Làm thủ tục nhà đất tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT), cũng cho rằng quy định đất đai là sở hữu của toàn dân nhưng Nhà nước lại là đại diện chủ sở hữu nên khi xảy ra thất thoát hoặc có vấn đề gì thì việc xác định trách nhiệm không được rạch ròi, thường là quy trách nhiệm tập thể. “Như vậy thì không quy trách nhiệm được cho cá nhân. Trách nhiệm của người đại diện của chủ sở hữu như thế nào? Người này là ai? Phải cụ thể chức danh, vị trí chứ không phải là một ủy ban chung chung. Cuối cùng thì chả ai chịu trách nhiệm cả” - ông Chính nêu bất cập.

Tạo ra những khái niệm “giả vờ”

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ở nước ta, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện nay đã không còn nguyên nghĩa là chế độ công hữu về đất đai. Tức là về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không còn nữa. Ngoài quyền sử dụng ghi trên giấy đỏ, Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn. “Như vậy, có đến 80% nội dung đã là sở hữu tư nhân rồi. Thực tế, quyền định đoạt của người dân đối với đất đai ở ta hiện nay không khác mấy so với quyền sở hữu tư nhân về đất đai ở các nước tư bản. Nhà nước chỉ còn giữ lại quyền quy hoạch sử dụng đất và quyền cưỡng chế thực hiện quy hoạch sử dụng đất như thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất” - ông Võ phân tích.

Ông Võ cũng chỉ rõ sự không thống nhất về lý luận và thực tiễn đã tạo nên những khái niệm “giả vờ” như quyền sử dụng đất là tài sản của người sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất… “Sự không rõ ràng về khái niệm dẫn tới khả năng thực thi sai pháp luật” - ông Võ nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng phân tích, khi còn danh nghĩa sở hữu toàn dân thì trên mỗi mảnh đất có hai ông chủ: Một ông chủ Nhà nước có quyền sở hữu về nguyên tắc nhưng rất chung chung. Một ông chủ thực sự là người dân hay tổ chức nhưng chỉ có quyền sử dụng đất, tuy nhiên quyền này trên thực tế lại rộng gần bằng quyền sở hữu.

Trong lòng người dân nghĩ khác

Thực tế cho thấy ở nhiều vùng, người dân định cư lâu đời, họ coi đất đai của gia đình là do tổ tiên, ông cha khai phá và sở hữu hàng trăm năm trước để lại cho họ. “Do vậy, dù có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì trong lòng người nông dân họ cũng không nghĩ như vậy. Mặt khác trên thực tế, ngay cả với danh nghĩa Nhà nước thay mặt toàn dân sở hữu đất đai thì sau khi Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cũng không còn giữ quyền định đoạt hoàn toàn đối với phần đất đó nữa” - bà Lan nói.

“Về mặt pháp lý, hiện người dân chỉ có quyền sử dụng đất thôi. Chúng ta không nói mua bán đất đai, mà nói rằng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng bản chất là việc mua bán đất đai. Đó là một cách nói tránh, làm cho vấn đề hóa ra phức tạp” - ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thẳng thắn. (Còn tiếp)

HOÀNG VÂN

Những kẽ hở lớn

Việc bố trí nhà ở, đất ở cho cán bộ, công chức có nơi còn tùy tiện. Việc quản lý, sử dụng đất công sở của cơ quan nhà nước, tổ chức còn lỏng lẻo. Cụ thể là cho thuê, cho mượn đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Cùng với đó, một số tổ chức chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất hoặc xác định với giá trị thấp khi cổ phần hóa doanh nghiệp… Những điều trên đã tạo ra kẽ hở lớn để tham nhũng phát triển.

 (Trích báo cáo của Bộ TN&MT tại cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai tháng 11-2010)

Chưa hiểu hết vấn đề…

Tới Hiến pháp 1980, ta đưa ra chủ trương quốc hữu hóa đất đai. Tức là, biến đất đai trong cả nước, trước thuộc sở hữu cá nhân, thành sở hữu toàn dân, có nghĩa là của Nhà nước, do Nhà nước thống nhất quản lý.

Khi quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, bấy giờ có lập luận là đất đai dù thuộc quyền sở hữu của ai thì đó cũng là thành quả khai phá của nhân dân cả nước, là thành quả lao động chung của cả xã hội. Vì vậy, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là chính đáng nhất. Bản thân tôi cũng là người có lúc có trách nhiệm về vấn đề này, thấy rằng bản thân mình chưa hiểu hết vấn đề.

TS NGUYỄN ĐÌNH LỘC, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp

1 comment:

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...