Wednesday 16 February 2011

282.Trận đánh Lưỡng Sơn trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung

Trận đánh Lưỡng Sơn trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung

Sau một tháng kịch chiến giữa VN và TQ trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng và ngày 18.3 TQ hoàn tất việc rút quân. Sau khi quân TQ rút, VN công nhiên coi những điểm trên đường biên giới hai nước là của mình, đàng hoàng đóng quân ở những nơi đó. Vào tháng 10.1979, VN lại công bố cuốn sách trắng nổi tiếng “Sự thật về quan hệ VN-TQ ba mươi năm qua” mà TQ cho là đảo lộn trắng đen lịch sử quan hệ Việt – Trung, công kích hết sức độc ác TQ, một lần nữa làm dấy lên cao trào chống TQ.

Chiến sự vẫn chưa thể chấm dứt. Với chính sách thâm độc của mình, TQ tìm mọi cách làm suy yếu VN, làm VN chảy máu. Họ luôn áp sát quân ở biên giới, gây hấn, lấn chiếm và sẵn sàng tung ra những cuộc tấn công. Nhiều trận đánh đã nổ ra từ sau năm 1979, mà nổi tiếng nhất là trận Lưỡng Sơn, hai bên giành giật nhau quyết liệt, kéo dài trên 1.800 ngày, một kỷ lục hiếm có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Lưỡng Sơn là hai điểm cao theo cách gọi của TQ, bao gồm Lão Sơn là điểm cao 1509 thuộc Vị Xuyên và Giả Âm Sơn thuộc Núi Bạc, Yên Minh của VN. Do tính chất quan trọng về quân sự của hai điểm cao này nên hai bên đều ra sức chiếm lĩnh.

Về trận Lưỡng Sơn, nhìn chung lịch sử VN chưa đề cập đến nhiều. Không hiểu các nhà sử học VN nghĩ gì, làm gì? Họ có nghiên cứu, ghi chép lại cho đời sau hay không? Hay họ chỉ làm sử theo kiểu phát biểu vấn đề này, vấn đề kia một chút “dưới góc độ sử học” – như thế thật quá ư đơn giản. Chúng ta đều biết, có nhân vật đương đại được cho là “nhà sử học” tiếng tăm, song dù có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng thấy tác phẩm sử học “tầm cỡ” nào của ông ấy cả!

Do vậy, sau đây, chúng ta tìm hiểu về trận Lưỡng Sơn qua cái nhìn của tác giả TQ.

Sa Lực – Mân Lực trong cuốn Chín lần xuất quân lớn của TQ mô tả rất chi tiết trận đánh Lưỡng Sơn, đồng thời ca ngợi, tâng bốc các tướng lĩnh cũng như binh lính TQ tận mây xanh. Tất nhiên, độ trung thực của nó là điều nhất thiết phải xem lại. Muốn biết rõ sự thực, dĩ nhiên phải xem xét từ các tài liệu của VN. Đáng tiếc là cho đến nay, VN còn chưa nói nhiều đến trận đánh này.

Theo Sa Lực – Mân Lực, ngày 28.4.1984, quân TQ bắt đầu mở chiến dịch thu hồi Lão Sơn. Vào 5h30 sáng, hàng vạn khẩu pháo của TQ nổ đồng loạt, trận địa Lão Sơn rung chuyển. Pháo bắn tới 34 phút, đến 6h25 bộ binh xung phong vào trận địa trên đỉnh núi của quân VN. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt. Quân VN trên núi, dựa vào địa hình, bắn trả quyết liệt, chặn đứng bộ binh TQ tấn công, hoả lực pháo quân VN đã làm quân TQ thương vong khá lớn. Pháo binh TQ một lần nữa lại bắn hộ tống để bộ binh xung phong, tràn lên đỉnh núi.

Sau 9 phút, quân TQ chiếm được cao điểm 662,6 rồi dùng nó làm đột phá khẩu đánh sang trận địa ngọn chính. Sau 54 phút, quân TQ chiếm được Lão Sơn. Tới 3h30 chiều, chiếm được toàn bộ 20 điểm cao, thu hồi toàn bộ khu vực Lão Sơn.

Việc mất Lão Sơn làm cho các nhà đương cục Hà Nội rất kinh hoàng. Trung tướng Vũ Lập, tư lệnh Quân khu 2 của VN hết sức tức giận, thề với các nhà đương cục Hà Nội “không lấy lại được Lão Sơn, tôi sẽ không làm Tư lệnh nữa”. Ông trực tiếp ra lệnh đem 5 sư đoàn chủ lực của Quân khu 2 tới dàn ra trước chính diện Lão Sơn, quyết tâm đọ sức với TQ.

Từ đây bắt đầu cuộc thử thách lâu dài, tranh đoạt, giành đi giật lại giữa VN và TQ. Lúc thì VN giành lại trận địa, lúc thì TQ, cứ thế trận đánh kéo dài suốt 5 năm trời.

Sa Lực – Mân Lực lại tâng bốc tướng Liêu Tích Long, chỉ huy trận chiến thu hồi Giả Âm Sơn. Khi hết thời hạn nghĩa vụ, đáng lẽ phục viên, song một thủ trưởng cấp trên xem ông ta diễn tập, đã khen hết lời và giữ ông ta lại, thế là ông ta trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Ông ta nói, “đối với quân giải phóng chúng ta, bất cứ một sư đoàn, trung đoàn nào cũng có thể lấy lại được Giả Âm Sơn, vấn đề là xem xem ai bị thương vong nhỏ, tiêu hao ít”. Thật là khoác lác quá mức!

Trước trận đánh, Liêu Tích Long phát biểu tại Hội nghị quân khu: “Trong khoảng 5 tiếng đồng hồ, tôi đảm bảo thu hồi được toàn bộ mấy chục điểm cao lớn nhỏ trong dãy Giả Âm Sơn”. “Tôi sẽ mở mắt trông chờ” – một cán bộ tham mưu giàu kinh nghiệm nói.

Lúc này, Liêu Tích Long đến sở chỉ huy sư đoàn, đứng ngoài trời mưa, không ngừng xem đồng hồ. Sắp đến giờ pháo bắn chuẩn bị nhưng vẫn chưa thấy sư đoàn trưởng động tĩnh gì cả. “Thưa sư đoàn trưởng, đã đến giờ, làm thế nào ạ” – trưởng ban tác chiến hỏi. “Điện lên sở chỉ huy tiền phương, thời gian pháo bắn chuẩn bị xin chậm lại 20 phút”. Cấp trên điện trả lời ngay: “Đồng ý”.

Lại 20 phút trôi qua, mọi người phấn chấn nhìn sư đoàn trưởng chờ đợi. Liêu Tích Long rít một hơi thuốc dài, không quay lại, ra lệnh: “Đề nghị xin thời gian pháo bắn chuẩn bị chậm thêm 20 phút nữa”. Cấp trên lại điện trả lời ngay: “Đồng ý”.

Đến 6h40, toàn bộ pháo lớn nhỏ của TQ đồng loạt bắn, cả dãy Giả Âm Sơn ầm ầm rung chuyển. Trận địa phía VN là một biển lửa, đạn pháo dày đặc trùm lên mấy chục điểm cao của vùng núi Giả Âm Sơn. Hoả lực pháo dữ dội còn chưa ngừng, quân TQ đã áp sát trận địa VN làm quân VN không kịp trở tay. Trận đánh diễn ra chỉ mất 5h36 phút, hoàn toàn nằm trong dự tính của Liêu Tích Long.

Mấy chục ngày sau, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Đặng Tiểu Bình trực tiếp ký mệnh lệnh bổ nhiệm Liêu Tích Long làm quân đoàn trưởng. Và mấy năm sau đó, ông ta đã là Phó Tư lệnh Quân khu Thành Đô.

Chưa hết, Sa Lực – Mân Lực lại tiếp tục tán dương sư trưởng Lưu Đặng Vân tại mặt trận Lão Sơn. Trên bàn làm việc của ông ta có rất nhiều sách quân sự, từ Tôn Tử binh pháp đến Lưu Bá Thừa, Claudơvit. Để đánh thắng trận Lão Sơn, ông ta liên tục tổ chức 9 lần họp phân tích tình hình, lại còn diễn tập trước trên sa bàn. Trước khi xuất trận, ông ta nhất định chọn “ngày đẹp” mới ra tay. Thế là, ông ta một mình chui vào nhà, bấm đầu ngón tay tính mãi, cuối cùng mới định ra được ngày giờ tấn công. Ông ta nói với chính uỷ: ”Ngày hôm đó chúng ta đánh tốt nhất, đảm bảo đại cát, đại lợi”.

Có thể thấy, Sa Lực – Mân Lực gần như chỉ biết ca ngợi tướng lĩnh và binh sỹ của TQ, đánh giá thấp quân đội VN. Thử hỏi, nếu sự thật như vậy, liệu quân TQ có chịu chấm dứt cuộc xung đột biên giới hay không?

Chúng ta mong ước, cùng với thời gian, chúng ta sẽ được đọc các tài liệu, công trình của các nhà quân sự, nhà nghiên cứu và sử học VN về những trận đánh trong cuộc xung đột biên giới Việt – Trung, đặc biệt là trận Lưỡng Sơn. Khi đó, chúng ta sẽ biết rõ mô tả của Sa Lực – Mân Lực có sự thật đến đâu?

Tôi xin kết thúc với Lau biên giới của Chế Lan Viên:

Ai lên biên giới cho lòng ta theo với

Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình

Bạt ngàn trắng tận cùng bờ cõi

Suốt một đời cùng với gió giao tranh

free counters

No comments:

Post a Comment

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...