Monday 14 February 2011

271. Liên quan vụ Phá giá đồng tiền 9.3%: Chuyên gia kinh tế tranh luận về lãi suất và CPI

Chuyên gia kinh tế tranh luận về lãi suất và CPI

(VEF.VN) - Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã tích cực đóng góp những quan điểm, nhận định về tình hình thực tế cũng như quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế. Đáng lưu ý là bên cạnh những ý kiến góp ý với các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế cũng "phản biện" nhau.

LTS: Ở Việt Nam, ít khi được chứng kiến các chuyên gia kinh tế công khai "phản biện" lẫn nhau trên báo chí. Nhưng, chính sự thẳng thắn và trao đổi một cách khoa học và dân chủ giữa các nhà nghiên cứu, các chuyên gia sẽ mang lại cho các nhà hoạch định chính sách và người dân cái nhìn toàn diện và đa chiều hơn về nền kinh tế.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của TS. Nguyễn Quang A trao đổi lại với chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Kiến Thành về các nhận định liên quan tới chỉ số CPI và tình hình lãi suất ngân hàng ở Việt Nam. Mời độc giả tham gia thảo luận ý kiến bằng cách nhập thông tin vào hộp phản hồi phía dưới hoặc gửi về vef@vietnamnet.vn

CPI tăng có phản ánh lạm phát?

Trên báo Lao động, TS. Nguyễn Quang A có bài viết "Cẩn trọng với lời khuyên của cố vấn", trong đó ông cho rằng giải quyết được vấn đề lạm phát, thì vấn đề lãi suất cũng sẽ được giải quyết. Nói cách khác nếu kéo được lạm phát xuống, chẳng hạn 6%/năm, thì lãi suất huy động có thể ở mức 7-7,5%/năm và lãi suất cho vay cỡ 9-10%/năm, chứ không phải ở mức cao như hiện nay.

Chỉ có Chính phủ mới có các công cụ chính sách để giải quyết vấn đề lạm phát: thực sự tiết giảm chi tiêu ngân sách, cải thiện hiệu quả chi tiêu của Chính phủ, chỉ đầu tư cho các dự án hạ tầng cơ sở có hiệu quả, có các chính sách khuyến khích dân cư và doanh nghiệp tăng hiệu quả chi tiêu và đầu tư, cải thiện môi trường pháp lý, cải tổ tận gốc các doanh nghiệp nhà nước, v.v... Đấy là những việc thực tế mà Chính phủ có thể làm (không chỉ để kiềm chế lạm phát mà còn góp phần giảm thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu nền kinh tế).

Theo ông Nguyễn Quang A, ngược lại có những chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, mà theo các báo thì cho rằng ở Việt Nam không hề có lạm phát. Họ cho rằng chỉ số giá tiêu dùng, CPI, tăng không phản ánh việc tăng lạm phát!

Hồi tháng 5/2010, trong một bài trả lời phỏng vấn trên TBKT, chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Kiến Thành khẳng định Hiện nay, Việt Nam không hề có lạm phát.

Lập luận lạm phát hiện nay là do hiểu lầm hai khái niệm lạm phát và tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thực ra, lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tăng là không đồng nghĩa.

Lạm phát là lạm dụng quyền phát hành để đẩy ra nền kinh tế nhiều tiền quá, "chạy qua" một số hàng hóa, và như vậy, làm cho nền kinh tế quá nhiều phương tiện thanh toán mà không có đủ hàng hóa mua.

Trong khi đó, tình trạng của nền kinh tế chúng ta hiện nay là đang thiếu tiền. Các ngân hàng thương mại không có đủ tiền cho doanh nghiệp vay.

Cũng trong bài phỏng vấn này, ông Bùi Kiến Thành phân tích chỉ số giá tiêu dùng tăng là do một số nguyên nhân khác như lãi suất cơ bản tăng đẩy lãi suất ngân hàng thương mại tăng khiến chi phí vốn vay của DN tăng gấp nhiều lần và đẩy giá thành sản xuất lên cao. Như vậy quyết định tăng lãi suất để chống lạm phát nhưng lại làm tăng chỉ số CPI.

Thứ hai, việc hạ giá đồng VND làm tăng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất và tăng giá hàng hóa tiêu dùng trực tiếp. Kết quả là, chỉ số giá tiêu dùng tăng. Thứ ba, việc tăng CPI cũng có một phần do tính chu kỳ của việc tăng giá trong dịp tết. Thứ tư, giá cả các mặt hàng thiết yếu như điện, than, nước, xăng dầu đều tăng cũng đóng góp vào sức tăng của CPI.

Còn trong bài phỏng vấn đầu tháng 2/2011 với báo điện tử Tổ quốc, ông Bùi Kiến Thành tiếp tục nhận định mỗi khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thì các nhà hoạch định chính sách thường cho là lạm phát và phản ứng bằng cách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trên thực tế giá tiêu dùng tăng hay giảm còn tùy thuộc rất nhiều vào các nhân tố khác ngoài chính sách tiền tệ như: chính sách tỷ giá, chính sách tài khóa, đầu tư công vào những công trình thiếu hiệu quả kinh tế, quyết định của Ban vật giá Chính phủ tăng giá điện, giá than, giá xăng dầu...Ngoài ra còn có ảnh hưởng của đầu cơ, tích trữ, chi phí quan hệ, tham nhũng,...Vì vậy, trong khi chưa tìm hiểu và xác định các nhân tố đẩy giá tiêu dùng lên mà đã quyết định khóa van tiền tệ, tăng lãi suất là không hợp lý.

TS. Nguyễn Quang A cho rằng vào tháng 5-2010 khi mức tăng CPI còn chưa cao, nói như vậy cũng khó nghe, sau tháng 12-2010 khi CPI lên đến 11,75% vẫn nói y nguyên như vậy thì thật chẳng hiểu thế nào.

Lãi suất cao quá thì kéo xuống?

Cũng trong bài phỏng vấn đầu Xuân trên báo Tổ quốc, ông Bùi Kiến Thành cho rằng nếu NHNN thấy lãi suất quá cao thì sẽ kéo lãi suất xuống. Trong nền kinh tế thiếu thanh khoản thì Ngân hàng nhà nước là tổ chức có quyền phát hành tín dụng mà không cần huy động vốn từ nhân dân, không cần phải trả bất kỳ 1% tỷ lệ lãi suất nào cho ai và Ngân hàng nhà nước có thể quyết định cho Ngân hàng thương mại vay với lãi suất hợp lý theo quy định mới của luật Ngân hàng.

Tuy nhiên, cần phải giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó, không để sử dụng vốn vào các hoạt động quá rủi ro hoặc không có hiệu năng về sản xuất. Khi đó lại cần phải ra những quy định về việc sử dụng vốn sao cho an toàn. Do vậy ngân hàng thương mại không cần phải huy động vốn trong nhân dân mà vẫn có lưu lượng tiền đủ để cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, khi đó lãi suất huy động sẽ xuống thấp theo. Trong trường hợp người dân không muốn gửi tiền cho hệ thống ngân hàng thương mại thì có thể đầu tư vào các lĩnh vực khác và khi đó ngân hàng cũng không bị khống chế bởi việc thiếu vốn huy động.

Ngoài ra, nếu chính sách tài khoá được rút xuống, không đẩy ra quá nhiều phương tiện thanh toán thì tự nhiên sẽ giảm được áp lực về vấn đề lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng. Đồng thời giám sát được việc đầu cơ tích trữ, không để cho bong bóng bất động sản lên quá cao đề phòng xảy ra trường hợp nổ bong bóng thì sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

TS Nguyễn Quang A cho rằng cách tiếp cận đó của ông Bùi Kiến Thành và một số chuyên gia kinh tế khác là từ phía cung và cũng rất đáng xem xét.

Tuy vậy biến động giá cả, và lạm phát, là một quá trình động. Quá trình cung và cầu tương tác liên tục với nhau và các yếu tố tâm lý cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến biến động giá cả. Và phải rất cẩn trọng để không bị cái nhìn phiến diện chi phối.


Ảnh: bee.net.vn

Theo ông Quang A thì vị chuyên gia này, với kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, còn đưa ra cách làm của Mỹ và các nước khác để thuyết phục. Ngân hàng trung ương tại các nước này giữ lãi suất rất thấp. Còn chúng ta thì làm ngược lại!? Và họ đề nghị Chính phủ cho vay với lãi suất 0%, Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3-4%, để họ có thể cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp.

Ông Nguyễn Quang A cho rằng nếu lời khuyên ấy là có thật, thì phải xem xét lại lời khuyên của các cố vấn này vì:

Thứ nhất, Chính phủ lấy đâu ra tiền mà cho vay với lãi suất 0%? Ngoài cách in thêm tiền hay vay nước ngoài, vay trong nước với lãi suất cao và cho vay lại với lãi suất 0%, thì chẳng có cách nào khác. Mà làm thế thì sẽ có nhiều doanh nghiệ nữa, cả thuộc sở hữu nhà nước lẫn của tư nhân, và đất nước sẽ lụn bại.

Thứ hai, ở các nước phương Tây, do ảnh hưởng của khủng hoảng người ta phải giữ lãi suất thấp để kích thích các doanh nghiệp vay. Nói nôm na phải mồi thêm dầu vào đống củi còn âm ỉ để cho nó bùng lên.

Còn ở Việt Nam người ta ham vay, ham đầu tư. Nói nôm na đống lửa đang cháy to. Tình hình ở hai nơi là khác nhau rất xa. Nghe lời khuyên này của chuyên gia mà đổ thêm dầu vào đống lửa đang cháy mạnh thì nó có thể thiêu trụi hết.

Thứ ba, dư địa của các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không nhiều. Nói cách khác tác động của chính sách có thể không được như mong muốn. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại với lãi suất 3-4% thì các ngân hàng thương mại sẽ đi "đầu cơ" hơn nữa, và họ sẽ kiếm bộn, còn doanh nghiệp vẫn khó vay nổi. Ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ (thí dụ loại kỳ hạn 3 năm phát hành tháng 3-2010 có lãi suất từ 13% đến 14%/năm) rồi mang trái phiếu ấy đến Ngân hàng Nhà nước "cầm cố" để vay tiền. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho họ vay với lãi suất 3-4%/năm, thì họ ăn lãi 10%/năm mà chẳng phải lo nghĩ gì. Họ vay của Ngân hàng Nhà nước rẻ, bán cho Chính phủ đắt, và ở giữa ăn lãi thì còn gì bằng!

Hiện nay họ cũng làm vậy nhưng mức chênh lệch lãi không đến mức cao như thí dụ nêu trên.

Đấy là một cách Ngân hàng Nhà nước tài trợ cho ngân sách chính phủ! Làm thế thì sẽ có khuyến khích để Chính phủ cạnh tranh với doanh nghiệp và lấn át doanh nghiệp, để ngân hàng thương mại "đầu cơ" hơn là cho vay sản xuất kinh doanh!

Vì thế mà ông Nguyễn Quang A phải thốt lên: "Hãy cẩn trọng với lời khuyên như vậy của các cố vấn!"

Quan điểm của bạn về những phân tích của TS Nguyễn Quang A và chuyên gia Bùi Kiến Thành? CPI cao có phản ánh lạm phát? Nếu NHNN thấy lãi suất cao quá thì có nên linh hoạt điều tiết bằng cách tự kéo xuống? Mọi ý kiến thảo luận mời nhập vào hộp phản hồi hoặc gửi về vef@vietnamnet.vn

free counters

4 comments:

  1. "Chỉ có Chính phủ mới có các công cụ chính sách để giải quyết vấn đề lạm phát: thực sự tiết giảm chi tiêu ngân sách, cải thiện hiệu quả chi tiêu của Chính phủ, chỉ đầu tư cho các dự án hạ tầng cơ sở có hiệu quả, có các chính sách khuyến khích dân cư và doanh nghiệp tăng hiệu quả chi tiêu và đầu tư, cải thiện môi trường pháp lý, cải tổ tận gốc các doanh nghiệp nhà nước, v.v... Đấy là những việc thực tế mà Chính phủ có thể làm (không chỉ để kiềm chế lạm phát mà còn góp phần giảm thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu nền kinh tế)."
    Nhưng ông NQA quên không nói rằng CP có muốn làm như thế không đã...? Bởi làm thế thì CP ăn gì chớ?

    ReplyDelete

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...