Wednesday 9 February 2011

245.KINH NGHIỆM QUẢN LÝ DỊCH VỤ ĐÒI NỢ TẠI HÀN QUỐC

KINH NGHIỆM QUẢN LÝ DỊCH VỤ ĐÒI NỢ TẠI HÀN QUỐC

imageN.A

Trước năm 1995, tại Hàn Quốc dịch vụ đòi nợ vẫn chưa có sự điều chỉnh bởi pháp luật. Do đó, giai đoạn này dịch vụ đòi nợ hợp pháp hoạt động rất yếu, trong khi đó dịch vụ đòi nợ bất hợp pháp lại rất phát triển dưới hình thức đòi nợ thuê do các băng nhóm xã hội đen thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời đáp ứng nhu cầu về dịch vụ đòi nợ của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, năm 1995 Hàn Quốc đã ban hành Luật về thông tin tín dụng, trong đó có quy định về dịch vụ đòi nợ.

Sự ra đời của Bộ Luật này và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của dịch vụ đòi nợ hợp pháp tại Hàn Quốc. Đáng chú ý là, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, nhu cầu về dịch vụ đòi nợ tại Hàn Quốc tăng đột biến, làm cho hoạt động dịch vụ đòi nợ hợp pháp đã phát triển nhanh chóng tại Hàn Quốc. Theo thống kê, đến năm 2005, tại Hàn Quốc đã có 22 công ty dịch vụ đòi nợ hoạt động trong phạm vi toàn quốc, các công ty này đã có những đóng góp tích cực vào việc giải quyết nhanh tình trạng công nợ dây dưa ở Hàn Quốc trong những năm gần đây, đặc biệt là tình trạng công nợ xấu phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Trong phạm vi bài viết này xin giới thiệu về kinh nghiệm quản lý dịch vụ đòi nợ tại Hàn Quốc để bạn đọc tham khảo.

Tại Hàn Quốc, hoạt động dịch vụ đòi nợ được hiểu là việc đại diện cho chủ nợ để đòi nợ thông qua các hoạt động thúc giục khách nợ trả nợ như: Gọi điện thoại, gửi thư hoặc gặp trực tiếp khách hàng để yêu cầu trả nợ. Hoạt động dịch vụ đòi nợ còn bao gồm cả việc điều tra tình hình tài sản và tài chính của khách nợ trên cơ sở khai thác những thông tin cá nhân của khách nợ tại các trung tâm lưu giữ thông tin của Nhà nước, như thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng hôn nhân của khách nợ, thông tin về thu nhập và tình trạng nộp thuế của khách nợ, thông tin về tình hình đăng ký tài sản (như nhà, đất, phương tiện vận tải, chứng khoán,…) thuộc sở hữu của khách nợ (tức là không nhất thiết chỉ thuộc phạm vi tài sản thế chấp). Ngoài ra, hoạt động dịch vụ đòi nợ không bao gồm hoạt động tư vấn pháp luật liên quan đến việc đòi nợ.

Pháp luật Hàn Quốc quy định, phạm vi các khoản nợ được phép thực hiện bởi hoạt động dịch vụ đòi nợ là các khoản nợ giữa các tổ chức kinh tế với các tổ chức kinh tế, giữa tổ chức kinh tế với cá nhân mà trong quan hệ đó tổ chức kinh tế là chủ nợ. Các khoản nợ này bao gồm cả nợ trong nước và nợ có yếu tố nước ngoài. Các khoản nợ về thuế và các khoản nợ mà cá nhân là chủ nợ chưa được phép thực hiện bởi dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, pháp luật Hàn Quốc cũng quy định, cá nhân không được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Chỉ các công ty dịch vụ đòi nợ được cấp giấy phép hoạt động mới được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các công ty dịch vụ đòi nợ không được phép đồng thời kinh doanh các ngành nghề khác ngoài hoạt động dịch vụ đòi nợ, đặc biệt là không được phép kinh doanh ngành nghề mua bán nợ. Quy định này nhằm đảm bảo cho hoạt động dịch vụ đòi nợ được thực hiện đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và khách nợ.

Về điều kiện để được kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Hàn Quốc coi dịch vụ đòi nợ là một loại hình dịch vụ tài chính có điều kiện và cần được quản lý chặt chẽ. Do vậy, để được kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại Hàn Quốc, tổ chức và cá nhân phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động và thành lập công ty dịch vụ đòi nợ. Luật của Hàn Quốc quy định những điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ như sau: (i) Công ty dịch vụ đòi nợ dự kiến thành lập phải có mức vốn điều lệ ít nhất bằng 1,5 tỷ Won, tương đương 1,5 triệu USD; (ii) Hơn 50% vốn điều lệ của Công ty dịch vụ đòi nợ phải được sở hữu bởi các cổ đông là các tổ chức tài chính, tín dụng; (iii) Phải đảm bảo cho Công ty dịch vụ đòi nợ dự kiến thành lập có đủ đội ngũ nhân viên phù hợp với hoạt động dịch vụ đòi nợ (có tối thiểu 20 nhân viên dài hạn) và đảm bảo có được hệ thống thiết bị thông tin cần thiết cho hoạt động của Công ty; (iv) Cổ đông sáng lập Công ty dịch vụ đòi nợ phải là tổ chức, cá nhân có đủ khả năng về tài chính, có hoạt động kinh doanh tốt, đúng pháp luật và có uy tín xã hội tốt; (v) Các cá nhân trong bộ máy lãnh đạo của Công ty dịch vụ đòi nợ phải là người có đủ năng lực pháp luật, năng lực chuyên môn và có lịch sử cá nhân tốt, đặc biệt là chưa từng quá hạn trong việc trả nợ vay.

Với mục tiêu là làm cho hoạt động dịch vụ đòi nợ được thực hiện đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ và khách nợ, bên cạnh các quy định về điều kiện được kinh doanh dịch vụ đòi nợ, pháp luật Hàn Quốc còn quy định rất cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với các Công ty dịch vụ đòi nợ và nhân viên của các Công ty đó. Cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Tấn công thân thể khách nợ; Đe dọa khách nợ; Sử dụng bạo lực trong quá trình đòi nợ; Thực hiện các hành vi lừa bịp để đòi nợ; Xâm phạm đời tư người khác trong quá trình đòi nợ; Không xuất trình thẻ nhân viên khi đòi nợ; Công ty dịch vụ đòi nợ và nhân viên của Công ty không được tiết lộ cho người khác những thông tin liên quan đến chủ nợ và khách nợ, đồng thời không được sử dụng những thông tin đó để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh khác. Quy định này áp dụng cả đối với những nhân viên của Công ty dịch vụ đòi nợ đã thôi việc trong một số năm nhất định tính từ sau ngày thôi việc.

Để đảm bảo cho các hành vi bị nghiêm cấm nêu trên được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh, luật pháp Hàn Quốc quy định rất cụ thể các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm. Cụ thể như: Đối với những trường hợp vi phạm như: tấn công thân thể, đe dọa hoặc sử dụng bạo lực, lừa bịp sẽ bị phạt tù tới 5 năm và bị phạt tiền tới 50 triệu Won; Những trường hợp vi phạm do xâm phạm đời tư sẽ bị phạt tù tới 3 năm và bị phạt tiền tới 30 triệu Won; Trường hợp không xuất trình thẻ nhân viên khi đòi nợ sẽ bị đình chỉ hoạt động trong hai tháng.

Về phí thực hiện dịch vụ đòi nợ: Từ năm 1997 đến năm 2004, Bộ Tài chính và kinh tế Hàn Quốc quy định mức tối đa đối với phí thực hiện dịch vụ đòi nợ. Theo quy định đó, đối với nợ quá hạn dưới 1 năm, mức phí dịch vụ đòi nợ tối đa là 20% tính trên số nợ thực tế thu được; Đối với nợ quá hạn trên 1 năm, mức phí tối đa 30% tính trên số nợ thực tế thu được. Trong phạm vi mức phí tối đa do Bộ Tài chính quy định, các công ty dịch vụ đòi nợ được quyền thỏa thuận với khách hàng để thống nhất mức phí cụ thể đối với từng khoản nợ. Tuy nhiên đến năm 2004, Hàn Quốc đã bãi bỏ quy định về mức phí tối đa. Do vậy, từ năm 2004 đến nay, mức phí thực hiện dịch vụ đòi nợ hoàn toàn được quyết định bởi thị trường theo cơ chế thỏa thuận giữa công ty dịch vụ đòi nợ và khách hàng. Hiện nay, phí dịch vụ đòi nợ bình quân trên thị trường Hàn Quốc giao động trong khoảng 18%-23% đối với nợ ngắn hạn và 30%-40% đối với nợ dài hạn.

Việc bãi bỏ quy định về mức phí tối đa, theo lý giải của Hàn Quốc là nhằm làm cho phí thực hiện dịch vụ đòi nợ phù hợp hơn với nhu cầu thực tế trên thị trường thông qua cơ chế thỏa thuận được quyết định bởi quy luật cung cầu và phù hợp với sự đa dạng, phức tạp của các khoản nợ trên thực tế. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc cũng cho rằng, trong giai đoạn đầu, khi thị trường dịch vụ đòi nợ mới hình thành, thì việc quy định mức phí dịch vụ tối đa là cần thiết nhằm tạo cơ sở có tính định hướng cho việc xác định mức phí dịch vụ đòi nợ trên thị trường.

Ngoài các quy định nêu trên, pháp luật Hàn Quốc còn quy định Bộ Tài chính và kinh tế Hàn Quốc là cơ quan xây dựng để trình Chính phủ, Quốc hội ban hành hoặc được phép ban hành trong phạm vi thẩm quyền của mình các văn bản pháp luật về dịch vụ đòi nợ. Viện Giám sát tài chính Hàn Quốc là cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty dịch vụ đòi nợ

Tóm lại, hoạt động dịch vụ đòi nợ tại Hàn Quốc đã có những đóng góp rất tích cực vào việc giải quyết nhanh tình trạng công nợ dây dưa trong nền kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt sau giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997. Những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc quản lý dịch vụ đòi nợ là rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong việc xây dựng pháp luật để quản lý và phát triển hoạt động dịch vụ đòi nợ.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Trích dẫn từ:

http://www.sbv.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c5/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3hnd0cPE3MfAwN3r0BnA093r2ALEydDAw

MLM_1wkA7cKgxMIfIGOICjgb6fR35uqn5Bdnaao6OiIgCws9R4/dl3/d3/L2dJQSEvUUt3QS

9ZQnZ3LzZfMEQ0OTdGNTQwODFFOTBJT01LUFNFUDEwNzA!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/sbv_vn/sbv_vn/vn.sbv.research/vn.sbv.

research.research/f1d6838045946af786f7d6d27544457b

free counters

1 comment:

Ghi một nhận xét ( bỏ dấu =)
- Tô đậm: "câu muốn tô đậm"
- Chữ nghiêng: " câu muốn in nghiêng "
- Chèn link: "text"
- Chèn hình: "[img]link hình muốn chèn[/img]"
- Chèn video: "[youtube]link video cần chèn[/youtube]"

679.0 Hướng dẫn cài đặt AD RMS server ( Active Directory Rights Management Services) có trong Windows Server 2012.

Nguồn: https://mdungblog.wordpress.com/2018/06/21/simple-guide-huong-dan-cai-dat-ad-rms-windows-server-2012-r2/   Hôm nay mình xin giới thiệ...